Trung Quốc không tiết lộ cụ thể chi tiêu quốc phòng 2017 (VOA, 06/03/2017)
Trung Quốc hôm 5/3 tuyên bố sẽ hỗ trợ thêm nữa cho quân đội, trong đó có việc củng cố phòng thủ hàng hải và hàng không, nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, nhưng trong một động thái mà Reuters nói là hết sức bất thường, Bắc Kinh không cung cấp con số chi tiêu cụ thể cho năm 2017, dù cam kết sẽ minh bạch.
Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu trong phiên khai mạc quốc hội Trung Quốc hôm 5/3.
Phát ngôn viên của quốc hội, bà Phó Oánh, hôm 4/3 cho biết rằng chi tiêu quốc phòng cho năm nay sẽ tăng khoảng 7%, tức chiếm khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội, tỷ lệ giống với những năm trước.
Tuy nhiên, mục tiêu chi tiêu quốc phòng thực tế cho năm 2017 không được đưa ra trong công bố ngân sách của Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên hôm 5/3, như từng làm trong những năm trước.
Chính phủ Trung Quốc chỉ nói trong báo cáo ngân sách "sẽ hỗ trợ nỗ lực tăng cường cải tổ quốc phòng và các lực lượng vũ trang", theo Reuters, mà không nói rõ.
Việc Trung Quốc củng cố quốc phòng đã gây lo ngại khắp khu vực, nhất là khi Bắc Kinh có những hành động tăng cường chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tân Hoa Xã, hãng tin nhà nước Trung Quốc, không đăng tải về con số. Bộ Quốc phòng và phát ngôn viên của quốc hội không phản hồi tức thời trước đề nghị bình luận.
Trung Quốc từng nhiều lần nói sẽ minh bạch hóa về chi tiêu quốc phòng, nhưng chưa rõ lý do vì sao con số chi tiêu cho năm 2017 lại không được công bố.
Việc Trung Quốc củng cố quốc phòng đã gây lo ngại khắp khu vực, nhất là khi Bắc Kinh có những hành động tăng cường chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết rằng Bắc Kinh sẽ "củng cố phòng thủ hàng hải và hàng không" với mục đích rằng "chủ quyền, an ninh và các quyền lợi phát triển được bảo vệ một cách quyết liệt và hiệu quả".
******************
Biển Đông : Trung Quốc xây thêm căn cứ hậu cần trên đảo Hải Nam (RFI, 06/03/2017)
Ảnh vệ tinh của CSIS công bố ngày 22/02/2017 cho thấy Trung Quốc các công trình kiên cố trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Courtesy CSIS via Reuters
Một căn cứ hậu cần sẽ được xây dựng ở đảo Hải Nam. Hoàn cầu Thời báo hôm nay 06/03/2017 dẫn lời thị trưởng Tam Sa – cơ quan hành chính do Bắc Kinh thành lập để quản lý khu vực đang bị nhiều nước tranh chấp tại Biển Đông – cho biết như trên.
Theo lời thị trưởng kiêm bí thư Tiêu Kiệt (Xiao Jie), chính quyền Bắc Kinh đã phê duyệt một đề án bảo vệ môi trường tại Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa, trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa").
Tờ báo nhắc lại r ằng Philippines trong vụ kiện ở Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, đã tố cáo Trung Quốc xâm hại hệ sinh thái biển và môi trường tại Biển Đông.
Ông Tiêu Kiệt biện hộ cho kế hoạch gồm sáu dự án, trong đó có việc cải tạo các đảo và đá ngầm, bờ biển, giám sát môi trường biển và trồng rừng trên các đảo. Chính quyền khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, xe máy chạy bằng điện trên đảo, tích trữ nước mưa. Tam Sa đã cho trồng hai triệu cây xanh trên các đảo trong năm 2016, và dự định trồng thêm một triệu cây trong năm nay.
Nhiều cơ sở kể cả các công trình dân sự trên đảo có thể được quân đội sử dụng. Một căn cứ đang được xây dựng tại cảng nước sâu Mộc Lan (Mulan) ở Văn Xương (Wenchang), Hải Nam để mở rộng quy mô yểm trợ cho các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Hiện nay các dịch vụ hậu cần đang do cảng Thanh Lan (Qinglan) ở Tam Á (Sanya), Hải Nam đảm nhiệm.
Thụy My
***********************
Không quân Trung Quốc dọn đường ra Thái Bình Dương (RFI, 06/03/2017)
Ảnh minh họa : oanh tạc cơ Trung Quốc H-6G bay ở vùng giữa đảo Okinawa và Miyako, Nhật Bản, tháng 10/2013. AFP PHOTO / JOINT STAFF
Trang mạng Pháp East Pendulum, chuyên theo dõi các động tĩnh quân sự của Trung Quốc, ngày 03/03/2017 đã ghi nhận : 13 phi cơ quân sự Trung Quốc ngày 02/03 đã lại bay thành đội hình vượt qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Thái Bình Dương cùng tập trận với các chiến hạm chờ sẵn ngoài khơi. Đối với chuyên gia phân tích của trang mạng Pháp, nhịp độ các chuyến đột phá chuỗi đảo thứ nhất để tiến ra Thái Bình Dương của không quân Trung Quốc ngày càng dồn dập, cho thấy là Bắc Kinh đang cố gắng hoàn thiện năng lực ngăn chặn hạm đội Mỹ trong vùng.
Theo East Pendulum, ngay từ năm ngoái 2016, Hải Quân Trung Quốc đã thông báo là sẽ "bình thường hóa" các chuyến đi ra vùng Tây Thái Bình Dương. Giờ đây mục tiêu này kể như đã đạt với phi vụ thực hiện hôm 02/03 vừa qua, huy động hơn một chục chiến đấu cơ Trung Quốc, băng qua chuỗi đảo đầu tiên ngăn cách lục địa Trung Hoa với Thái Bình Dương theo ngã eo biển Miyako gần Nhật Bản.
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Nhật hôm 02/03, thì 13 chiếc máy bay thuộc Hải Quân Trung Quốc đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất vào khoảng giữa trưa, để đến tập hợp cùng 3 chiến hạm Trung Quốc đang ở khu vực cách quần đảo Miyako của Nhật Bản khoảng hơn 120 cây số về phía đông nam.
East Pendulum cho biết là trong phi đội Trung Quốc, có một chiếc phi cơ cảnh báo AEW Y-8J, 6 chiến đấu cơ và 6 oanh tạc cơ. Nhưng không hiểu sao, phía Nhật đã không thông báo chính xác loại máy bay Trung Quốc, một điều khá bất thường, mà chỉ nói chung chung là "oanh tạc cơ" hay "chiến đấu cơ" được "giả định là của Trung Quốc".
Đối với chuyên gia phân tích của East Pendulum, điều này có thể cho hiểu là máy bay Nhật Bản đã không đến gần đội phi cơ của Trung Quốc để chụp hình nhận dạng như trước đây.
Rèn luyện kỹ năng không hải chiến
Theo trang mạng Pháp, người ta được biết sau đó qua thông báo của Hải Quân Trung Quốc là chiến hạm và phi cơ Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận theo nội dung đối đầu. Máy bay và tàu chiến đã lần lượt đóng vai trò tấn công và tự vệ trong một cuộc không hải chiến.
Hai trong số 3 tàu chiến Trung Quốc là khu trục hạm 171 Hải Khẩu (Haikou) loại 052C và khu trục hạm 173 Trường Sa (Changsha) loại 052D. Hai chiến hạm này trước đó vài ngày vẫn còn ở Ấn Độ Dương, có lẽ là để dò thám kế hoạch phóng tên lửa của Ấn Độ. Sau đó, hai chiếc tàu đã đi ngược lên biển Sulawesi giữa Philippines và Indonesia trước khi di chuyển đến khu vực ngoài khơi Nhật Bản vùng chuỗi đảo thứ nhất.
Chiếc tàu thứ ba là khu trục hạm 531 Tương Đàm (Xiangtan) loại 054A, thuộc hạm đội Đông Hải, trong khi chiến hạm nói ở trên thuộc hạm đội Nam Hải.
Hình ảnh do Hải Quân Trung Quốc công bố cho biết là oanh tạc cơ được phái ra Thái Bình Dương là loại H-6G có thể phóng loại tên lửa siêu thanh chống hạm Y-12 với tầm bắn gần 400 cây số.
Điều đáng lưu ý là khu vực được máy bay và tàu chiến Trung Quốc chọn để tiến hành thao diễn quân sự là vùng gần eo biển Miyako, một trong hai "cửa ra" Thái Bình Dương quan trọng nhất đối với Trung Quốc. Đây sẽ là một vùng chiến sự ác liệt nếu Hải Quân Trung Quốc phải chạm trán với Hải Quân Mỹ và Nhật Bản trong một kịch bản tấn công "thu hồi" Đài Loan.
Nhịp độ dồn dập của những phi vụ ra Thái Bình Dương
Một điểm khác được trang mạng Pháp ghi nhận là trong hai năm gần đây, Không Quân và Hải Quân Trung Quốc không ngừng gia tăng những chuyến đột phá ra Thái Bình Dương ở đúng khu vực eo biển Miyako. Rầm rộ nhất là phi vụ vào tháng 9 năm 2016, huy động khoảng 40 máy bay của Không Quân Trung Quốc, gây nên một số căng thẳng với phi cơ của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan. Gần đây nhất là "sự cố" xẩy ra vào tháng 12, khi Nhật Bản đã tung hơn một chục chiến đấu cơ F-15J đến khu vực máy bay Trung Quốc đi ngang qua để sẵn sàng ứng phó.
Đối với nhà phân tích của East Pendulum, trong thời gian sắp tới đây, chắc chắn là việc máy bay và chiến hạm Trung Quốc mượn eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương sẽ trở thành một chuyện "bình thường", đúng theo tuyên bố của quân đội Trung Quốc.
Cho đến nay, ba binh chủng của quân đội Trung Quốc - Không Quân, Hải Quân và lực lượng tên lửa – vẫn tập trận riêng rẽ, nhằm mục tiêu chung là "triệt hạ" hoặc "đẩy lùi" sự phong tỏa của Mỹ và các đồng minh ở vùng Đông Á. Theo East Pendulum, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi trong những năm tới, sẽ có những cuộc tập trận hợp đồng binh chủng, và lúc đó, các hành động của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa nghiêm trọng hơn nhiều.
Lợi dụng quyền tự do lưu thông, coi thường Nhật Bản
Trên nguyên tắc, eo biển Miyako mà Trung Quốc mượn để cho chiến đấu cơ và chiến hạm đi ra Thái Bình Dương là một ngõ thông thương quốc tế dù cắt ngang quần đảo Nhật Bản. Bắc Kinh đã biết lợi dụng quyền tự do lưu thông trong khu vực này để phục vụ cho mình, cho dù ở nơi khác, Biển Đông hay Biển Hoa Đông, quyền tự do lưu thông không hề được Trung Quốc tôn trọng.
Trong một bài nói về vụ hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản nghênh tiếp phi cơ Trung Quốc trên eo biển Miyako ngày 10/12/2016 vừa qua, trang mạng East Pendulum đã nêu bật thái độ của Trung Quốc, đã không ngần ngại tố cáo máy bay Nhật Bản cản trở quyền tự do hàng không của phi cơ quân sự Trung Quốc.
Theo lời các nhân chứng đến tham quan căn cứ không quân Nhật Bản Naha vào sáng hôm đó, họ đã chứng kiến một cảnh tượng bất thường : 10 chiếc F-15J của Không Quân Nhật Bản đã lần lượt khẩn cấp xuất kích theo năm đợt, mỗi đợt hai chiếc. Hình mà công chúng chụp được cho thấy các chiếc F-15 này được vũ trang đầy đủ, với tên lửa không-đối-không, AAM-4 và AAM-5, có trang bị thêm bình xăng phụ, dấu hiệu cho thấy là chiến đấu cơ thực sự trong tư thế sẵn sàng đánh chặn.
Qua buổi chiều, bộ Quốc Phòng Nhật Bản chính thức giải thích : 6 máy bay của Trung Quốc đã vượt qua eo biển Miyako, một tuyến lưu thông quốc tế lớn rộng 300 km, nằm giữa các quần đảo Miyako và Okinawa. Sau khi vượt qua chuỗi đảo đầu tiên, phi cơ Trung Quốc đã bay về hướng nam. Máy bay Trung Quốc gồm hai chiến đấu-oanh tạc cơ Su-30MKK, hai máy bay ném bom 2 H-6K trang bị tên lửa hành trình, hai phi cơ dọ thám ELINT Tu-154M và ELINT Y-8CB.
Trung Quốc tố cáo hành động "nguy hiểm" của F-15 Nhật Bản
Điểm đáng chú ý là ngay trong ngày, trong cuộc họp báo thường kỳ, đại tá Dương Vũ Quân (Yang Yujun), phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, đã tố cáo hai chiếc F-15J Nhật Bản "quấy rối" hoạt động tập huấn của các máy bay quân sự Trung Quốc bằng cách bay sát bên cạnh và thả "pháo sáng gây nhiễu" làm cho phi hành đoàn và máy bay Trung Quốc gặp nguy hiểm. Phát ngôn viên Trung Quốc đã lên án những hành vi "nguy hiểm" và "không chuyên nghiệp" của các phi công
Nhật Bản bị cho là đã "vi phạm quyền tự do hàng hải và hàng không được luật pháp quốc tế cho phép". Đối với East Pendulum, đây quả là một giọng điệu lạ lùng từ phía Trung Quốc vì lẽ từ trước đến nay, những lời tố cáo tương tự thường là do phía Nhật Bản đưa ra.
Về nội dung những cáo buộc của Trung Quốc, có thể là các chiếc F-15 của Nhật, khi theo dõi các phi cơ Trung Quốc đã bay quá sát, và máy bay Trung Quốc đã có thao tác mạnh bạo để đẩy xa các đối phương quá tò mò. Pháo sáng mà phi cơ Nhật bắn ra – điều mà Tokyo đã lập tức phủ nhận sau khi bị Bắc Kinh cáo buộc - có thể là những tín hiệu cảnh báo nhắm vào máy bay Trung Quốc, hoặc sau khi thấy phi cơ Trung Quốc có hành động quá trớn như từng xẩy ra trước đây.
Dẫu sao thì phản ứng mạnh của Bắc Kinh như đã có tác dụng đối với Tokyo. Máy bay Nhật Bản đã tránh áp sát phi đội Trung Quốc hôm 02/03 vừa qua, vì vậy đã không chụp được ảnh các phi cơ Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng rèn luyện khả năng chống Hải Quân Mỹ
Một điểm sau cùng được trang mạng East Pendulum nêu lên là mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là từng bước nâng cao năng lực đối phó với Hải Quân Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bên kia chuỗi đảo thứ nhất.
Ngày 02/03 vừa qua, như vậy là Trung Quốc đã điều máy bay và chiến hạm ra tập trận không hải chiến ở phía bên ngoài eo biển Miyako. Còn trong lần tập huấn hôm 10/12/2016, kết hợp các thông tin từ phía Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, người ta thấy là Không Quân Trung Quốc đã tập phối hợp phi cơ thuộc hai quân khu phụ trách hai địa bàn hoàn toàn tách biệt nhau là quân khu miền Đông và miền Nam.
Theo ghi nhận của East Pendulum, từ năm 2015, Không Quân Trung Quốc đã bắt đầu tung máy bay vượt chuỗi đảo thứ nhất để ra Thái Bình Dương, đặc biệt là loại oanh tạc cơ chiến lược H-6K của họ. Tuy nhiên, trong bốn lần ra diễn tập ngoài Thái Bình Dương trong năm 2015, oanh tạc cơ Trung Quốc không hề được trang bị vũ khí, và phi cơ Trung Quốc chỉ thực hiện các bài tập đơn giản như tuần tra, tiếp liệu trên không. Giai đoạn này mang tính chất thử nghiệm.
Qua năm 2016, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu bạo dạn hơn, và ngày 12/09, oanh tạc cơ Trung Quốc H-6K dùng ngã eo biển Ba Sĩ giữa Philippines và Đài Loan ra tập trận ngoài Thái Bình Dương, lần đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình AKD-20. Trong đội máy bay Trung Quốc, lần đầu tiên cũng có đầy đủ phi cơ radar AWACS, chiến đấu cơ hộ tống Su-30MKK và phi cơ tiếp liệu IL-78.
Đối với nhà phân tích của East Pendulum, nếu xét kỹ tầm hoạt động của tên lửa hành trình AKD-20, khả năng phi cơ IL-78 tiếp liệu cho đội tiêm kích Su-30MKK hộ tống các chiếc oanh tạc cơ H-6K ra ngoài Thái Bình Dương đến tận nơi hành động, thì rõ ràng là Không Quân Trung Quốc đang rèn luyện năng lực vượt eo biển Ba Sĩ để đặt đảo Guam của Mỹ trong tầm nhắm.
RFI tiếng Việt