Phát hiện nhiều tàu cá và tàu vũ trang Trung Quốc tại Trường Sa (RFA, 19/04/2018)
Báo Thanh Niên hôm 19/4 cho biết cách đây vài ngày, phóng viên báo này tận mắt chứng kiến hàng chục tàu cá Trung Quốc các loại tập trung tại khu vực bãi đá Tư Nghĩa - một rạn san hô thuộc cụm đảo Sinh Tồn - thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số nước trong khu vực.
Tàu cá Trung Quốc, ảnh minh họa. AFP photo
Báo Thanh Niên trích lời của một cán bộ trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết số lượng tàu cá Trung Quốc xung quanh khu vực này đã tăng nhanh đột biến từ đầu năm đến nay, có lúc lên đến 40 – 50 chiếc, bao gồm cả tàu vũ trang giả dạng tàu cá.
Theo báo Thanh Niên, trong số các tàu cá, đặc biệt có hai tàu cá là tàu "Quỳnh Lăng Sa 18333" và "Jiang Cheng 18111" có tải trọng rất lớn so với các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Phóng viên báo Thanh Niên cho rằng đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng.
Bãi Tư Nghĩa là bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng vào tháng 2/1988 và dựng nhà tạm để chốt giữ, sau đó xây nhà tạm thành nhà kiên cố với cầu cảng, lô cốt, ụ pháo và hệ thống thông tin liên lạc.
Cũng theo báo Thanh Niên, hiện nay Trung Quốc đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng trên đá Tư Nghĩa, bao gồm một công trình nhà kiên cố 8 tầng cao gần 30 mét, tại 4 góc nhà của các tầng đều thiết kế lỗ bắn.
Trên nóc tòa nhà lắp 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, ngoài ra còn có các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát ; rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học ; 4 bệ pháo 30mm ; 4 bệ pháo 76mm. Bên cạnh đó là các công trình khác như bãi đáp trực thăng, cầu cảng.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành xây lấp các đảo nhân tạo, triển khai vũ khí ra các đảo mà nước này chiếm đóng ở biển Đông. Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc quân sự hóa khu vực Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc phản bác và nói rằng các công trình mà nước này xây dựng nhằm mục đích dân sự và để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
********************
Việt Nam nỗ lực chống đánh bắt cá bất hợp pháp (RFA, 19/04/2018)
Chính quyền Đà Nẵng hiện đang đẩy mạnh việc phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hoạt động đánh cá xa bờ nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, từ đó giải quyết thẻ vàng của Liên minh Châu Âu về việc đánh bắt cá phi pháp.
Ngư dân Việt đánh bắt cá. RFA
Theo ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục Thủy sản thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm việc với các văn phòng có liên quan để tổ chức các lớp học về các luật nhằm hướng dẫn ngư dân tiến hành khai thác hợp pháp.
Đến nay đã có 7 lớp học, thu hút đại diện từ 20 doanh nghiệp xuất khẩu và gần 400 ngư dân là chủ tàu hoặc thuyền trưởng.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết việc khai báo nguồn gốc thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, như một số ngư dân muốn giấu ngư trường.
Ông Nguyễn Lai, đại diện của Ban Quản lý Khai thác Thủy sản cảng Thọ Quang - Đà Nẵng, cho biết ban lãnh đạo đã có những biện pháp để tìm nguồn gốc hải sản và xử phạt những người vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, chợ Thọ Quang đã làm 6.996 tờ khai nguồn gốc trên tổng số 24.500 tấn hải sản các loại.
Vào tháng 9 năm 2017, Liên minh Châu Âu đã rút thẻ vàng cảnh cáo Việt Nam vì không có tiến bộ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp.
EU sẽ đánh giá những nỗ lực của Việt Nam để chống lại đánh bắt cá bất hợp pháp vào cuối tháng Tư. Nếu vấn đề được giải quyết, Việt Nam sẽ có thẻ xanh để tham gia xuất khẩu thủy sản bình thường trở lại. Nếu không làm tốt, Việt Nam sẽ nhận thẻ đỏ, có thể dẫn tới lệnh cấm nhập khẩu vào Châu Âu đối với các sản phẩm thủy sản.
Cùng với thành phố Đà Nẵng, các địa phương dọc theo bờ biển Việt Nam đang nỗ lực chống lại việc ngư dân đánh bắt cá phi pháp.
***************
Biển Đông : Đối lập Philippines đòi hỏi chính quyền cứng rắn hơn với Trung Quốc (RFI, 19/04/2018)
Đảng Tự Do Philippines (LP) hôm nay 19/04/2018 đòi hỏi chính quyền Duterte có thái độ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh tại Biển Đông, sau sự kiện hai máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.
Ảnh minh họa : Đá Vành Khăn - Mischief Reef, Trường Sa. Ảnh chụp qua vệ tinh ngày 19/06/2017. Reuters
Một lần nữa, đảng đối lập lại chỉ trích thái độ thụ động của chính phủ Duterte, mặc dù Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm gần hết diện tích Biển Đông.
Tờ The Inquirer dấn tuyên bố của thượng nghị sĩ Benigno "Bam" Aquino IV, đòi tổng thống Rodrigo Duterte phải minh bạch khi thương lượng với Bắc Kinh, để có thể biết được Philippines nhượng bộ những gì trong quan hệ "hữu nghị" mới này. Ông Aquino cho rằng nếu chính quyền có quyết tâm và trung thực trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì phải khẳng định chiến thắng của Manila tại PCA.
Thượng nghị sĩ Francis Fangilinan, chủ tịch đảng Tự Do chỉ trích, thái độ và cách xử sự của chính quyền trước hành động leo thang quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông là "không thể chấp nhận được". Ông nhấn mạnh, lẽ ra vấn đề chủ quyền và an ninh phải được ông Duterte nêu ra trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây.
Cựu dân biểu Erin Tanada, phó chủ tịch đảng Tự Do phụ trách đối ngoại nói rằng, nếu ông Duterte không giữ được lời hứa "đi xe trượt nước ra cắm cờ Philippines lên các đảo tranh chấp", thì ít nhất cũng phải biết đấu tranh bảo vệ thắng lợi đã đạt được tại Tòa Trọng Tài ; và hy vọng tổng thống Philippines "có được can đảm đối đầu với Trung Quốc như hồi tranh cử đã hứa".
Tờ The Inquirer hôm qua đã công bố các hình ảnh chụp được hồi tháng Giêng cho thấy hai máy bay quân sự Trung Quốc đáp xuống Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Rạn san hô này bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1995, nhưng Philippines, Việt Nam và Đài Loan vẫn đang tranh chấp với Bắc Kinh.
Phản ứng của Việt Nam
Về phía Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng hôm nay 19/04/2018 tuyên bố : "Các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp".
Thụy My
*****************
Tàu cá trá hình của Trung Quốc hoạt động rầm rộ ở Trường Sa (Người Việt, 19/04/2018)
Hàng chục tàu cá Trung Quốc các loại tập trung xung quanh căn cứ xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ của Việt Nam và liên tục qua lại bãi cạn Ba Đầu, cách xa 9 hải lý để khai thác các loại hải sản.
Tòa nhà trung tâm ở bãi cạn Huy Gơ do Trung Quốc mới xây dựng, nơi các tàu Trung Quốc đang tập trung số lượng lớn. (Hình : Thanh Niên)
Theo tường thuật của báo Thanh Niên, từ đầu Tháng Giêng cho đến giữa Tháng Tư, 2018, tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông ngày càng có nhiều tàu cá Trung Quốc tập trung tại khu vực Huy Gơ-Ba Đầu, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Một ngày Tháng Tư, khi có mặt tại đảo Sinh Tồn Đông, phóng viên báo Thanh Niên quan sát thấy hàng chục tàu cá dân binh Trung Quốc neo trong âu tàu do Trung Quốc xây dựng trái phép ở bãi cạn Huy Gơ.
Trong số đó, đáng chú ý nhất là 2 tàu mang số hiệu "Quỳnh Lăng Sa 18333" và "Jiang Cheng 18111" do có tải trọng rất lớn vượt trội so các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Theo phán đoán, đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng của Trung Quốc.
Các tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá nằm trong hồ của bãi Huy Gơ. (Hình : Thanh Niên)
Một cán bộ trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết : "Từ đầu năm đến nay, số lượng tàu Trung Quốc xung quanh khu vực Huy Gơ-Ba Đầu tăng nhanh đột biến. Có thời điểm, 40-50 chiếc tàu cá dân binh, tàu vũ trang giả dạng tàu cá ken thành bè ở bãi Ba Đầu, ban đêm hệ thống đèn chiếu sáng nhìn như thành phố nổi".
Vẫn theo báo Thanh Niên, hải quân của Việt Nam cho biết : "Phía Trung Quốc rất quyết liệt xua đuổi, ngăn cản các tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu thuyền của Việt Nam đi cách đảo 3-4 hải lý. Thậm chí Tháng Tư, 2017, khi tàu KN-490 của Việt Nam chở đoàn khách ra thăm làm việc với cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông, neo phía ngoài nhưng phía Trung Quốc vẫn cho xuồng cao tốc chở binh lính vũ trang ra ngăn cản".
Bãi đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, còn gọi là đá Tư Nghĩa, bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống.
Các tàu cá Trung Quốc nối đuôi nhau qua đảo Sinh Tồn Đông, ngược lên bãi Ba Đầu. (Hình : Thanh Niên)
Tuy nhiên, cuối Tháng Hai, 1988, phía Trung Quốc bất ngờ cho lực lượng hải quân đổ bộ chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ.
Đầu những năm 1990, phía Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… Từ đầu Tháng Giêng, 2014, phía Trung Quốc huy động vài chục tàu vận tải công trình có trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Huy Gơ thành căn cứ quân sự của họ.
Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9.5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26-27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn.
Trên nóc thì lắp đặt 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30mm (7 nòng) ; tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76mm… (Tr.N)
******************
Ngư dân Việt bị cướp tại Hoàng Sa (RFA, 19/04/2018)
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vừa bị tàu nước ngoài xua đuổi và cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa. Tờ Dân Việt dẫn lời ngư dân cho biết như vậy hôm 19/4.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch NĐNC (giữa) thăm hỏi động viên các ngư dân tàu cá QNg-96355. Courtesy of baomoi.com
Theo Dân Việt, vào chiều ngày 19/4, thuyền trưởng Phùng Trung Thành, chủ tàu cá QNg-96355 thuộc huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi đã trình báo sự việc với lực lượng Biên phòng và các ngành chức năng.
Truyền thông trong nước dẫn lời thuyền trưởng Thành cho biết tàu QNg-96355 rời đảo Lý Sơn đến ngư trường Hoàng Sa để khai thác rau câu chân vịt vào ngày 1 tháng 4. Đến khoảng 11 giờ trưa ngày 16/4, một tàu trắng nước ngoài đã tiến đến khu vực tàu QNg-96355 đang khai thác sát đảo Bom Bay thuộc ngư trường Hoàng Sa, dùng vũ khí để uy hiếp chủ tàu và ngư dân. Sau khi ép 7 ngư dân Việt nằm sát trên mũi tàu, nhóm người nước ngoài cướp đi 2 máy định vị, 20 can dầu và một số tài sản nghề cá rồi bỏ đi. Ước tính thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng.
Ông Phùng Trung Thành nói thêm rằng còn hai tàu cá khác của ông Lê Hơn và ông Ngô Văn Ngãi thuộc huyện đảo Lý Sơn cũng bị tàu lạ đuổi cướp tại ngư trường Hoàng Sa, hiện đang quay tàu về bờ và chưa rõ thiệt hại bao nhiêu.
Hoàng Sa là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, các năm gần đây, nhiều ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại đây cho biết họ bị tàu Trung Quốc xua đuổi, cướp, thậm chí có ngư dân còn bị bắt và đòi tiền chuộc.
**********************
Trung Quốc 'đáp phi cơ quân sự xuống Đá Vành khăn' (BBC, 18/04/2018)
Hiện đang có những quan ngại về việc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường xây dựng trên Đá Vành Khăn
Báo Philippine Daily Inquirer trong hôm thứ Tư 18/4 công bố các hình ảnh cho thấy hai phi cơ vận tải của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đường băng ở Đá Vành khăn, nơi Bắc Kinh thời gian qua đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, và cũng là nơi Manila tuyên bố chủ quyền.
Đá Vành khăn, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, đã do Trung Quốc kiểm soát từ năm 1995.
Tuy vậy, đây vẫn là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.
Địa điểm này có tên quốc tế là Mischief Reef, còn Philippines gọi là Đá Panganiban trong lúc Trung Quốc gọi là Mỹ Tế tiêu.
Đây cũng là đảo nhân tạo nằm sát nhất, trong phạm vi đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, và là một trong bảy đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Quần đảo Trường Sa với các cơ sở quân sự.
Báo Philippines nói rằng các hình ảnh về hai chiếc Xian Y-7 dài từ 20m đến 50m được chụp hồi tháng Giêng năm nay, tuy nhiên thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập.
Không rõ đây có phải là lần đầu tiên các phi cơ quân sự đáp xuống Đá Vành khăn hay không, cũng không rõ hai phi cơ trên đã đáp xuống được bao lâu tính đến thời điểm chụp ảnh.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói với các phóng viên rằng bên quốc phòng và quân đội đã được yêu cầu xác nhận về sự hiện diện của các phi cơ quân sự Trung Quốc, sau đó, Manila sẽ yêu cầu Bắc Kinh giải thích.
"Gửi lời phản đối là một trong những biện pháp ngoại giao đang được cân nhắc, sau khi chúng tôi có xác nhận từ Bộ quốc phòng", ông Cayetano nói.
"Khi các phương tiện nước ngoài đi vào khu vực mà chúng tôi tin là thuộc phần lãnh thổ của mình, chúng tôi gửi ra cho họ các thông điệp với nội dung 'quý vị đang đi vào không phận Philippines, đang đi vào vùng biển của Philippines, hay nội dung tương tự", ông ngoại trưởng nói tại cuộc họp báo.
"Vì vậy, hiện Bộ Ngoại giao đang áp dụng mọi hành động ngoại giao cần thiết để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình, và để thông báo cho họ biết việc chúng tôi muốn đưa các thực thể trên biển trở lại nguyên trạng ban đầu".
Ông Cayetano cho biết thêm rằng Philippines đã đề nghị các bên có tuyên bố chủ quyền ở khu vực hãy 'cài số lùi' đối với việc tăng cường quốc phòng ở Quần đảo Trường Sa.
Tuy vậy, trang Rappler bình luận rằng chính phủ Tổng thống Duterte sẽ không công khai bất kỳ phản đối nào.
Theo trang này, chính phủ hiện nay của Philippines muốn bày tỏ lo ngại với Trung Quốc trong phạm vi riêng tư với hy vọng "quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh sẽ chuyển thành lợi ích kinh tế".
Thái độ này khác với cách của chính phủ Aquino trước đây thường muốn công khai các phản đối trước Bắc Kinh.
Báo Inquirer đưa ra những hình ảnh mà họ nói là được chụp vào ngày 6/1/2018 do nguồn ẩn danh cung cấp, cho thấy có vẻ như có hai máy bay vận tải Xian Y-7 đậu trên đường băng.
Quân đội Philippines từ chối bình luận, Reuters nói, và cả Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cùng quân đội nước này cũng chưa đưa ra bình luận gì.
Trước đây, Trung Quốc đã từng cho một máy bay dân sự đáp xuống Đá Vành khăn vào ngày 13/7/2016, chỉ một ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò".
Trong năm 2016, Trung Quốc cũng từng cho một phi cơ dân sự đáp xuống Đá Chữ thập, một trong bảy đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa, mà theo Bắc Kinh nói là để tới đưa ba công nhân bị bệnh về đảo Hải Nam điều trị, theo báo Inquirer.
******************
Philippines có thể lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa máy bay vận tải quân sự ra Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Philippines và một số nước khác trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Cayetano nói với báo giới như vậy vào hôm thứ tư ngày 18/4.
Hình chụp vệ tinh Đá Vành Khăn hôm 31/10/2017 - Courtesy of AMTI (CSIS)
Trước đó, báo Philippines Daily Inquirer công bố những bức hình cho thấy hai máy bay quân sự Xian Y - 7 trên đường băng mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Vành Khăn mà Philippines cũng đòi chủ quyền. Báo này cho biết bức hình chụp từ hồi tháng 1 năm nay nhưng hiện các báo khác chưa thể xác minh được thông tin này.
Bộ trưởng Cayetano cho biết Bộ quốc phòng Philippines đã được hỏi để xác minh thông tin, và quyết định đưa ra phản đối ngoại giao vẫn còn phải chờ thông tin chính thức từ phía Bộ quốc phòng.
Cho đến lúc này, Bộ quốc phòng Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Theo báo Inquirer, đây được cho là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay quân sự ra Đá Vành Khăn mà nước này xây lấp nằm ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.
Đá Vành Khăn còn được Philippines gọi là Đá Panganiban, là một trong 7 đảo nhân tạo được Trung Quốc xây lấp tại biển Đông, nơi Trung Quốc cho xây dựng các cơ sở quân sự và triển khai vũ khí.
Trước đó, vào ngày 13/7/2016, một ngày sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế tuyên bố đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông là không hợp pháp, Trung Quốc đã cho triển khai một máy bay dân sự ra Đá Vành Khăn.
Hiện Trung Quốc đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích biển Đông. Ngoài Trung Quốc và Philippines, một số nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền tại biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nói với báo giới rằng nhiều nước đòi chủ quyền trong khu vực đã lắp đặt các thiết bị quốc phòng, trạm radar ở Trường Sa, và vì vậy thách thức hiện tại chính là làm thế nào để các nước ngừng việc này.
Dân biểu Carlos Zarate thuộc đảng Bayan Muna của Philippines lên tiếng tố cáo sự hiện diện quân sự liên tục của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, mà Manila gọi tên là Biển Tây Philippines.
Mạng báo Inquirer loan tin cho biết dân biểu Carlos Zarate ra thông cáo như vừa nêu vào chiều ngày 17 tháng tư nói rõ sự hiện diện liên tục của Trung Quốc gây hại đến tình trạng hòa bình mong manh ở khu vực này.
Dân biểu Carlos Zarate cho rằng Trung Quốc rõ ràng đang diễu võ giương oai ở khu vực Biển Đông. Hoạt động này thật đáng lên án và Manila cần phải phản đối hành động khiêu khích từ phía Bắc Kinh. Vị dân biểu này cũng chỉ ra rằng hoạt động của Trung Quốc như thế là sự vi phạm rõ ràng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế - PCA, coi thường phán quyết của Tòa và xác quyết sự thống lĩnh của Trung Quốc trong khu vực.
Dân biểu Carlos Zarate yêu cầu chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải có trách nhiệm trong vụ việc vi phạm chủ quyền của đất nước Philippines như thế.
************************
Trung Quốc miễn thị thực cho khách nước ngoài đến Hải Nam nhưng không có khách Việt Nam (RFA, 18/04/2018)
Trung Quốc công bố thông tin miễn thị thực nhập cảnh cho du khách từ 59 nước đến đảo Hải Nam trong nỗ lực thu hút du lịch quốc tế đến nước này, tuy nhiên Việt Nam, Lào và Campuchia lại không nằm trong danh sách.
Các thí sinh diễu hành khai mạc cuộc thi Hoa hậu Thế giới lần thứ 67 tại Sanya, Hải Nam vào ngày 07/11/17. AFP
Hãng tin AFP trích lời Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trung Quốc, ông Khúc Vân Hải cho biết trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh rằng quy định mới về miễn visa sẽ bắt đầu áp dụng trong tháng 5 tới đây, và các du khách sẽ được nhận visa có hiệu lực trong vòng 30 ngày. Ông Khúc Vân Hải nhấn mạnh chính sách mới miễn visa du lịch đến đảo Hải Nam nhằm tiến thêm một bước nữa để mở cửa với thế giới.
Trong số 59 quốc gia được miễn visa du lịch đến đảo Hải Nam, có các nước như Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Đức và Canada.
Trước đây, vào năm 2000, Trung Quốc đã cho phép miễn visa du lịch 15 ngày đến đảo Hải Nam cho 21 quốc gia với điều kiện du khách đi theo nhóm. Đến năm 2010 con số các quốc gia miễn thị thực được tăng lên thành 26 quốc gia.
Bắc Kinh cũng tuyên bố đặt mục tiêu đảo Hải Nam sẽ là một "trung tâm tiêu thụ du lịch quốc tế" và là một khu vực tự do mậu dịch.
Theo số liệu của Bloomberg News, đảo Hải Nam đón khoảng 1 triệu du khách trong năm 2016, so với con số hơn 7 triệu người du lịch đến Phuket của Thái Lan.