Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhật : Hiến Pháp chủ hòa 70 năm tuổi trước áp lực sửa đổi (RFI, 03/05/2017)

Phe dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản, đứng đầu là thủ tướng Shinzo Abe, đang tìm cách sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa, có hiệu lực cách nay đúng 70 năm, nhằm chuẩn bị đối phó với mối đe dọa đang tăng lên từ phía Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Trong khi đó người dân Nhật vẫn chia rẽ về việc tu chính Hiến Pháp, theo kết quả thăm dò được loan báo hôm nay, 03/05/2017.

donga1

Áp phích phản đối thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một cuộc biểu tình tại Tokyo, 11/03/2017. REUTERS/Toru Hanai

Hôm thứ Hai 01/05 trong cuộc mít-tinh có khoảng 1.000 người tham dự, ông Abe tuyên bố đây là thời điểm để sửa đổi, coi năm nay là "năm bản lề cho một bước tiến lịch sử". Cùng ngày, chiến hạm có trọng tải lớn nhất của Nhật bắt đầu hộ tống các tàu tiếp liệu Mỹ trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Điều 9 Hiến Pháp Nhật Bản 1947 cấm duy trì lực lượng quân sự, nhưng các chính phủ tiếp sau đó đã diễn giải một cách linh hoạt, nhằm thành lập Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản. Năm ngoái thủ tướng Shinzo Abe mở rộng thêm, để quân Nhật có thể yểm trợ một nước đồng minh bị đe dọa tấn công.

Liên minh bảo thủ của chính phủ Shinzo Abe năm ngoái đã chiếm được hai phần ba số ghế ở Thượng Viện, trên lý thuyết có thể tiến hành thủ tục tu chính Hiến Pháp. Tuy nhiên việc sửa đổi còn phải được đưa ra trưng cầu dân ý, đây là một trở ngại lớn.

Cuộc điều tra của Nikkei Inc/TV Tokyo được công bố nhân dịp kỷ niệm ngày Hiến Pháp có hiệu lực, cho thấy 45% số người được hỏi ủng hộ sửa đổi, ngược lại có 46% muốn giữ nguyên. Tỉ lệ người ủng hộ tu chính bản Hiến Pháp tăng lên so với năm ngoái, chứng tỏ chương trình vũ khí nguyên tử và đạn đạo của Bình Nhưỡng khiến người dân nước láng giềng lo ngại. Bên cạnh đó là các tàu và máy bay của Trung Quốc thường xuyên tìm cách xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Các nhà quan sát cho rằng nếu xảy ra sự cố, như hỏa tiễn Bắc Triều Tiên rơi trúng lãnh thổ Nhật Bản chẳng hạn, thì số người Nhật ủng hộ sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa sẽ tăng vọt.

Thụy My

**********************

Bắc Kinh siết chặt thông tin trên mạng trước Đại hội Đảng (RFI, 03/05/2017)

Theo tin AFP hôm nay 03/05/2017, Trung Quốc đã ban hành quy định mới siết chặt thêm thông tin trên mạng, trong bối cảnh Đại hội Đảng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

donga2

Không thể tự do tìm thông tin trên mạng tại Trung Quốc. DR Boxun

Internet lâu nay vẫn bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền cho chặn các mạng xã hội nước ngoài như Facebook và Twitter, kiểm duyệt tất cả các nội dung bị cho là nhạy cảm chính trị. Nhưng quy định mới do cơ quan kiểm soát không gian mạng Trung Quốc (ACC) ban hành, sẽ được áp dụng từ ngày 1/6, lại còn khắc nghiệt hơn.

Các trang mạng, ứng dụng điện thoại, diễn đàn thảo luận, blog, tiểu blog, truyền thông xã hội, dịch vụ tin nhắn, video phát trực tiếp và tất cả các tổ chức thông tin, từ nay phải xin phép trước khi phổ biến các nội dung liên quan đến chính phủ, quân đội, kinh tế, ngoại giao, các vấn đề xã hội.

Các nhà cung cấp phải "hướng dẫn đúng đắn dư luận xã hội", "phục vụ đường lối xã hội chủ nghĩa", trong khi vẫn "duy trì lợi ích của quốc gia dân tộc". Tân Hoa Xã loan báo như trên, vào lúc chỉ còn vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ giao phó cho chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.

Các định chế không có tài trợ từ Nhà nước không được quyền thực hiện các phóng sự độc lập. Nhân viên những công ty dịch vụ trên mạng phải theo một khóa học và được Nhà nước đánh giá, công nhận chính thức ; còn các lãnh đạo cấp cao phải được chính quyền thông qua.

Bắc Kinh cũng cấm thành lập công ty liên doanh với đối tác nước ngoài, một khi chưa được chính quyền trung ương "đánh giá về an ninh" trước đó. Những đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt đến 30.000 nhân dân tệ (4.000 euro) và bị rút giấy phép.

Thụy My

**********************

Đặc sứ nhân quyền LHQ bị theo dõi ở Trung Quốc (RFA, 03/05/2017)

donga3

Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Philip Alston trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Ai Cập ngày 19 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc khi đến công tác tại Hoa Lục bị các nhân viên an ninh theo dõi ; và một số đại diện xã hội dân sự độc lập mà vị này gặp cũng bị đe dọa và đối diện trả thù.

Hãng thông tấn AP loan tin dẫn lời của đặc phái viên Philip Alston cho biết hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc trái với yêu cầu để cho các chuyên gia Liên Hiệp Quốc được quyền tự do đánh giá tình hình và bảo mật nguồn tin.

Hãng thông tấn AP loan tin rằng hiện ông này đã trình bày cụ thể sự việc trong bản báo cáo về chuyến đi Trung Quốc của ông hồi tháng 8 năm ngoái và đã gửi cho hãng thông tấn AP ngày 5 tháng 3. Bản báo cáo này sẽ được gửi cho Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng Sáu.

Tin cho biết thêm trong báo cáo, ông Alston đã đề cập đến việc chính phủ Bắc Kinh cảnh cáo ông không được gặp gỡ trực tiếp các tổ chức dân sự và tra hỏi chi tiết về các cuộc gặp mặt riêng tư.

Published in Châu Á