Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập trận Mỹ - Úc : Canberra giám sát chặt chẽ tầu do thám Trung Quốc (RFI, 07/07/2019)

Truyền thông Úc ngày 07/07/2019 cho biết bộ Quốc Phòng Úc theo dõi chặt chẽ tầu dọ thám Trung Quốc công nghệ cao đang trên đường hướng về Úc trước ngày diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ - Úc mang tên Talisman Sabre trong tháng Bẩy này bên bờ biển Queensland.

taptran1

Một cảnh diễn tập tiếp liệu cho máy bay ném bom đường dài trong cuộc tập trận Úc-Mỹ Talisman Sabre 17, tháng 07/2017. US Air Force/Sarah Johnson

Nhiều nguồn tin quân sự đã xác nhận với hãng tin ABC rằng tầu dọ thám điện tử lớp Đông Điều 815G của Trung Quốc sẽ đến theo dõi cuộc tập trận chung hai năm một lần giữa Úc và Mỹ dự kiến diễn ra trong tháng Bẩy.

Các nguồn tin trên khẳng định đã nhìn thấy tầu của Trung Quốc khởi hành đi về phía nam hồi cuối tuần trước và thấy con tầu này đã xuất hiện ngoài khơi phía bắc Papua New Guinea tối thứ Bảy 06/07.

Loại tầu Hỗ trợ Thông tin (Auxiliary General Intelligence AGI) được trang bị nhiều hệ thống liên lạc tân tiến và được thiết kế dùng cho nhiều mục đích quân sự khác nhau. Con tầu này đã từng đến theo dõi cuộc tập trận chung Mỹ - Úc, mang tên Talisman Sabre năm 2017.

Đây là một cuộc tập trận có quy mô lớn và năm nay sẽ có sự tham gia của hơn 25.000 quân nhân, phần đông là Mỹ và Úc.

Điểm mới trong đợt tập trận này, là lần đầu tiên có sự tham gia của Nhật Bản. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến Trung Quốc chú ý, muốn biết xem Hải Quân của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản phối hợp tác chiến với quân đội Mỹ và Úc như thế nào.

****************

Trung Quốc bác bỏ cáo cuộc của Mỹ về vụ thử tên lửa chống ngầm ở Biển Đông (RFI, 06/07/2019)

Trung Quốc không thực hiện các vụ thử tên lửa ở Biển Đông mà chỉ tiến hành tập trận bắn đạn thật như thông lệ. Trong thông cáo gửi hãng tin Reuters ngày 05/07/2019, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ hôm 02/07 rằng Bắc Kinh đã "phóng thử tên lửa chống ngầm từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa".

tenlua1

Ảnh minh họa : Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Bộc Hải. Ảnh ngày 07/08/2017. Reuters

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nhấn mạnh : "Những thông tin liên quan (về sự kiện) không đúng với thực tế", đồng thời khẳng định : "Gần đây, Bộ Tư lệnh chiến trường miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã bố trí các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển gần đảo Hải Nam theo kế hoạch tập trận hàng năm".

Năm 2019, đợt tập trận này kéo dài từ ngày 29/06 đến 03/07, mà theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc, "không nhắm đến bất kỳ quốc gia nào". Một quan chức Trung Quốc ẩn danh trả lời Global Times, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của chính quyền Bắc Kinh, rằng đợt tập trận bắn đạn thật vừa qua không diễn ra ở vùng biển gần các đảo đá đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Vẫn trang Global Times cho rằng bộ Quốc Phòng Mỹ đã cố tình gây bất hòa giữa các nước trong vùng khi đưa tin thất thiệt rằng "Trung Quốc đã bắn thử tên lửa từ một trong số những đảo nhân tạo ở Biển Đông".

Việt Nam bày tỏ "quan ngại"

Chính phủ Việt Nam ngày 04/07/2019 thông qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, bà Lê Thị Thu Hằng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những hoạt động gần đây của Bắc Kinh tại các vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông.

"Việt Nam đề nghị tất cả các hoạt động trong khu vực Biển Đông phải tôn trọng chủ quyền, những lợi ích chính đáng và hợp pháp của các nước trong khu vực cũng như là phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1962, góp phần củng cố hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác khu vực".

Trước đó một ngày, Philippines cũng cho biết sẽ tiến hành điều tra những thông tin được cho là "đáng quan ngại" của Hoa Kỳ. Hôm 02/07/2019, Lầu Năm Góc xác nhận thông tin cho rằng Trung Quốc đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm tại Biển Đông đang có tranh chấp.

Thu Hằng

*********************

Izumo, biểu tượng tham vọng quân sự của Nhật Bản (RFI, 05/07/2019)

Một trong những chiến hạm lớn nhất của Nhật, tàu chở trực thăng Izumo, vừa rời khỏi Vịnh Subic của Philippines, nơi trước đây đặt căn cứ quân sự của Mỹ, kết thúc hai tháng hoạt động ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng. Cùng với hai khu trục hạm Murasame và Akebono, chiếc Izumo đã tiến hành một loạt thao dượt quân sự với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

tenlua2

Tàu sân bay USS Ronald Reagan được triển khai phía trước của Hải quân USS Ronald Reagan hoạt động cùng với tàu sân bay trực thăng của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản JS Izumo (phải) ở Biển Đông ngày 11 tháng 6 năm 2019. Ảnh chụp ngày 11 tháng 6 năm 2019. Courtesy JMSDF / U.S. Navy / Bản tin qua Reuters

Cho tới nay, việc triển khai quân đội Nhật Bản ra bên ngoài biên giới nước này vẫn bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa, có hiệu lực từ sau Thế chiến thứ hai. Vào năm 2015, Hiến pháp này chỉ mới được diễn giải lại, cho phép Nhật Bản sử dụng lực lượng quân sự để tự vệ và bảo vệ các đồng minh.

Thủ tướng Shinzo Abe xem việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản là một trong những mục tiêu phải thực hiện cho bằng được, để quốc gia này có thể đóng vai trò lớn hơn về quân sự trên thế giới. Trong khi chờ đợi, việc triển khai chiếc Izumo là dịp để Tokyo thể hiện tham vọng quân sự của mình.

Theo hãng tin AP, lần đầu tiên, các binh lính thuộc Lữ đoàn đổ bộ nhanh (tương đương với thủy quân lục chiến Mỹ), đơn vị mới được thành lập của Nhật, đã tham gia vào một cuộc triển khai hải quân mở rộng. Nội dung cuộc thao dượt này là tập phối hợp giữa lữ đoàn đổ bộ với lực lượng trên bộ, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc sử dụng chiếc Izumo để vận chuyển quân đến các chiếc trường trong tương lai.

Trong tháng 5 vừa qua, đội tàu Izumo đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với ba nước Pháp, Mỹ và Úc ở vùng Vịnh Bengale. Tiếp đến, trong tháng 6, hải quân Nhật cũng đã thao dượt với các nước Canada, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines ở vùng Biển Đông. Đặc biệt, trên đường từ Brunei đến Philippines, chiếc Izumo đã tiến đến sát "đường lưỡi bò", tức là ranh giới mà Bắc Kinh tự vẽ lên để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông.

Chiếc Izumo cùng với khu trục hạm Murasame cũng đã ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam ngày 15/06 nhằm nêu bật mối quan hệ quốc phòng ngày càng được thắt chặt giữa hai quốc gia đều đang phải đối phó với tham vọng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Mặc dù tư lệnh chiếc Izumo khẳng định là hoạt động của chiến hạm này trong hai tháng qua là không nhắm cụ thể vào quốc gia nào, nhưng rõ ràng là hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Bên cạnh việc gia tăng các cuộc thao dượt quân sự với các nước khác, Tokyo hiện đang thiết kế lại chiếc Izumo để chiến hạm này có thể tiếp nhận các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ, trong đó có chiếc F-35B, sau khi thông báo sẽ mua 42 chiếc để trang bị cho không quân nước này. Chiến đấu cơ F-35B có thể cất cánh với khoảng cách ngắn và có thể đáp thẳng xuống, tức là có thể hoạt động trên các hàng không mẫu hạm hoặc tàu chở trực thăng.

Việc đặt mua 42 chiếc F-35B cho tàu Izumo thể hiện rõ vai trò ngày càng lớn của Nhật Bản trong liên minh với Mỹ và cũng đi theo hướng mà tổng thống Donald Trump mong muốn, đó là Tokyo phải đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ an ninh cho mình.

Thanh Phương

**********************

Việt Nam ‘quan tâm’ vụ Trung Quốc thử tên lửa ở Biển Đông (VOA, 05/07/2019)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 4/7 cho biết rằng Việt Nam "quan tâm" và "theo dõi sát" thông tin Trung Quốc diễn tập và thử tên lửa ở Biển Đông.

tenlua3

Một cuộc diễn tập hải quân của tàu chiến Trung Quốc. (ảnh minh họa)

Hãng tin Reuters hai ngày trước đó dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm vào cuối tuần trước.

"Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực", bà Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội.

Trước đó, Lầu Năm Góc hôm 2/7 nói rằng vụ thử của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp "đáng lo ngại" và "trái với các cam kết của Trung Quốc" về việc không quân sự hóa Biển Đông, theo Reuters.

Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, được trích lời nói rằng vụ phóng được thực hiện "từ các công trình nhân tạo ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] gần quần đảo Trường Sa".

Ông nói thêm rằng đó là các hành động nhằm "hăm dọa các nước có tuyên bố chủ quyền khác" ở Biển Đông.

Tới ngày 5/7, chính quyền Bắc Kinh chưa lên tiếng bác bỏ hay xác nhận vụ thử tên lửa trên vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc đã thông báo tiến hành các cuộc diễn tập ở vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ ngày 29/6 tới hết ngày 3/7, đồng thời cảnh báo mọi tàu bè không qua lại khu vực tiến hành cuộc thao dượt quân sự.

Tin về vụ thử tên lửa của Trung Quốc xuất hiện một tháng sau khi Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ cam kết không quân sự hóa Biển Đông với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

"Mùa thu năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa với Tổng thống Obama là họ sẽ không quân sự hóa các hòn đảo [ở Biển Đông]. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay đó là các đường băng dài 10 nghìn bộ [hơn 3 nghìn mét], các kho chứa đạn dược, việc thường xuyên triển khai thiết bị có khả năng phòng thủ tên lửa, khả năng hàng không, vân vân", vị tướng là sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ nói trong một cuộc trao đổi về quốc phòng ở Viện Brookings tại thủ đô Washington hôm 29/5. "Vì thế, rõ ràng họ đã từ bỏ cam kết đó".

**********************

Trung Quốc thử phi đạn ở Biển Đông, Mỹ lên án (VOA, 03/07/2019)

Lầu Năm Góc hôm thứ Ba nói rằng việc Trung Quốc phóng phi đạn hồi gần đây ở Biển Đông là "đáng lo ngại" và trái với cam kết của Trung Quốc sẽ không quân sự hóa thủy lộ đang có tranh chấp này.

tenlua4

Khiếu nại lãnh thổ Biển Đông

Reuters cho biết một quan chức Mỹ, phát biểu với điều kiện ẩn danh, nói rằng Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều phi đạn đạn đạo chống hạm vào cuối tuần qua.

"Tất nhiên Lầu Năm Góc có biết về vụ phóng phi đạn của Trung Quốc từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Trung tá Dave Eastburn nói.

"Tôi sẽ không phát biểu thay cho tất cả các nước có chủ quyền trong vùng, nhưng tôi chắc chắn họ đồng ý rằng hành vi của Trung Quốc trái ngược với tuyên bố của họ muốn đem lại hòa bình cho khu vực này và rõ ràng những hành động như thế này là những hành động mang tính cưỡng ép nhằm hăm dọa các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông", ông Eastburn nói thêm.

Biển Đông là một trong ngày càng nhiều điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm một cuộc chiến thương mại, các chế tài của Mỹ và Đài Loan.

Tin tức về vụ thử phi đạn của Trung Quốc được NBC News đưa tin đầu tiên.

**********************

Tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông : Bước ngoặt của Trung Quốc ? (RFI, 03/07/2019)

Trung Quốc vừa cho tiến hành một loạt vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Phía Mỹ vào hôm qua, 02/07/2019 đã khẳng định điều này, trong lúc Bắc Kinh hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Thực hư ra sao chưa rõ, nhưng theo các nhà quan sát, nếu đúng là Trung Quốc đã cho thử loại vũ khí này ở Biển Đông, thì điều đó đánh dấu một bước mới trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.

tenlua5

Hình ảnh vệ tinh được Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (CSIS) cho là Trung Quốc triển khai nhiều loại vũ khí mới trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 12/05/2018. Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe

Theo bản tin của NBC, kênh truyền hình Mỹ đầu tiên tiết lộ vụ thử nghiệm tên lửa mới của Trung Quốc tại Biển Đông, thì cuộc bắn thử đầu tiên xảy ra vào cuối tuần trước, và điểm rơi của tên lửa là một vùng ở Biển Đông, nơi mà chính quyền khu vực duyên hải Trung Quốc đã khoanh thành một vùng cấm tàu thuyền qua lại để tổ chức một đợt tập trận bắn đạn thật.

Theo các nhà quan sát, cho đến nay, phía Mỹ vốn rất thạo tin, chưa từng công khai nói đến việc Trung Quốc triển khai xuống Biển Đông các loại tên lửa đạn đạo chống hạm, như loại DF-21D, có tầm bắn 1.500 km, luôn được mệnh danh là sát thủ chống tàu sân bay, một loại vũ khí được cho là chuyên dùng để đối phó với các hàng không mẫu hạm Mỹ.

Việc triển khai này trên nguyên tắc rất dễ dàng, vì tên lửa được thiết kế dưới dạng di động, có thể dễ dàng được triển khai tới các đảo Trung Quốc ở Hoàng Sa hoặc bảy đảo nhân tạo của họ ở khu vực Trường Sa.

Tuy nhiên, về các loại tên lửa thông thường hơn, kể từ năm ngoái 2018, các quan chức Mỹ đã chính thức xác nhận rằng Trung Quốc đã triển khai trên các "tiền đồn" của họ ở Trường Sa các loại tên lửa hành trình chống hạm - loại YJ-12B - và tên lửa đất đối không.

Bên cạnh đó, có nhiều thông tin cho biết là loại tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 cũng được Trung Quốc triển khai đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.

Vấn đề là lần này, Trung Quốc được cho là đã bắt đầu thử loại tên lửa đạn đạo chống hạm, một bước mới hơn so với tên lửa hành trình.

Đối với chuyên gia Ankit Panda trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 02/07, cuộc thử nghiệm tên lửa mà Trung Quốc vừa tiến hành có lẽ đã được thực hiện từ đất liền, với mục tiêu là vị trí đã được khoanh vùng ngoài Biển Đông.

Nếu căn cứ vào các tọa độ của khu vực cấm qua lại gần quần đảo Trường Sa được Trung Quốc loan báo cho cuôc tập trận mới đây, thì khu vực đó có thể được chọn làm điểm đặt mục tiêu cho tên lửa DF-21D bắn đi từ đảo Hải Nam hoặc từ lục địa Trung Quốc.

Yếu tố mới trong cuộc thử nghiệm lần này là mục tiêu nhắm bắn. Cho đến nay, loại tên lửa DF-21D chỉ mới được thử nghiệm trên các mục tiêu cố định trên bộ, điều mà Bắc Kinh đã tiến hành trên vùng sa mạc Gobi ở Nội Mông. Còn chưa thấy Bắc Kinh bắn thử loại tên lửa này vào các mục tiêu đi động trên mặt nước.

Việc Trung Quốc tập sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm tại Biển Đông được cho là sẽ đánh dấu một bước mới trong kế hoạch quân sự hóa của Trung Quốc.

Theo quan chức Mỹ được NBC trích dẫn, thông tin về vụ thử nghiệm còn chưa rõ ràng, chưa thể xác định những tên lửa chống hạm đang được Trung Quốc thử nghiệm có phải loại vũ khí thể hiện năng lực quân sự mới của quân đội Trung Quốc hay không. Cho dù vậy, đó là một sự kiện đáng quan ngại.

Trọng Nghĩa

******************

Trung Quốc thử tên lửa chống hạm ở Biển Đông : Lầu Năm Góc quan ngại (RFI, 03/07/2019)

Bộ quốc phòng Mỹ vào hôm qua, 02/07/2019 xác định rằng một vụ phóng tên lửa mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một điều "đáng lo ngại" và đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh là sẽ không quân sự hóa vùng biển này.

tenlua6

Các hình ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy Trung Quốc đã triển khai một số hệ thống vũ khí mới ở căn cứ trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, 12/05/2018. Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe

Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức Mỹ xin giấu tên đã cho biết thông tin về việc Trung Quốc đã thử nghiệm hàng loạt tên lửa đạn đạo chống hạm vào cuối tuần qua.

Về thông tin này, Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc xác nhận : "Tất nhiên là Lầu Năm Góc đã biết về vụ phóng tên lửa của Trung Quốc từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa".

Phát ngôn viên Mỹ không ngần ngại phê phán : "Tôi không nói thay cho tất cả các quốc gia có chủ quyền trong khu vực, nhưng tôi chắc chắn rằng họ đều đồng ý rằng hành vi của Trung Quốc trái với tuyên bố của họ là muốn mang lại hòa bình cho khu vực… Rõ ràng đó là những hành động cưỡng ép nhằm đe dọa những nước khác cũng có đòi hỏi chủ quyền (ở Biển Đông)".

Theo hãng Reuters, Bắc Kinh chưa xác nhận các vụ thử tên lửa. Vào hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từ chối bình luận, trong lúc bộ quốc phòng không trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Tuy nhiên, trước đó, chính quyền Trung Quốc đã cho biết là quân đội của họ đã thực hiện các cuộc tập trận trên Biển Đông, ở một khu vực nằm giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cuộc tập trận bắt đầu từ cuối tuần trước và trên nguyên tắc, kết thúc vào hôm nay 03/07.

Reuters nhắc lại rằng Biển Đông ngày càng biến thành một trong những điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ-Trung, bên cạnh vấn đề chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và hồ sơ Đài Loan. Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã tranh cãi gay gắt với nhau về những cáo buộc của Mỹ, theo đó Bắc Kinh đã quân sự hóa Biển Đông.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á