Năm 2023, một phần tư lượng vàng mà tất cả các Ngân hàng Trung ương trên thế giới mua vào, đã đổ về kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. Có thêm 230 tấn, kho vàng của định chế này trong một năm tăng thêm 10%. Làm sao giải thích cơn sốt vàng tại Trung Quốc, tiền đề cho tiến trình "phi đô la hóa" ? Trước chiến tranh Ukraine, Nga cũng đã tập trung tích trữ vàng.
Trung Quốc lên cơn sốt vàng. Ảnh minh họa. AP - Mark Lennihan
Trung Quốc đang đẩy giá vàng lên cao, hiện dao động ở ngưỡng 2.300 -2.400 đô la/Oz (1 ounce Oz = 28,34 gram). Những biến động về địa chính trị trên thế giới, cộng thêm với dự báo Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, Fed hạ lãi suất chỉ đạo khiến "vàng" càng trở nên hấp dẫn.
Trung Quốc, nam châm hút vàng của thế giới
Tính đến tháng 5/2024, Trung Quốc trong 18 tháng liên tiếp "trang bị thêm vàng" cho quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương. Trong tháng 1 và 2/2024, một mình Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua thêm 22 tấn vàng, như báo cáo của hiệp hội World Gold Council ghi nhận. Trong cả năm 2023, định chế này mua vào 225 tấn vàng : một kỷ lục !
Hiện tại, 2.257 tấn vàng đang ngủ yên trong quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. RFI tham khảo ý kiến của bà Isabelle Feng, chuyên về tài chính, ngân hàng thuộc trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles của Bỉ để hiểu thêm về cơn sốt vàng tại Trung Quốc. Bà Isabelle Feng cũng là cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên Cứu về Châu Á, Asia Center, tại Paris :
"Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã rất năng động trên thị trường. Năm 2023, Trung Quốc mua vào hơn 200 tấn vàng, một kỷ lục trên thế giới như vừa nói, nâng dự trữ vàng trong kho lên thành hơn 2000 tấn. Nhưng khi nhìn sâu hơn vào vấn đề, chúng thấy Bắc Kinh cần tích trữ vàng vì ba lý do : một là để giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ ; hai là giữ giá cho đơn vị tiền tệ của Trung Quốc vào lúc mà đồng nhân dân tệ đang bị trượt giá so với đô la. Lý do thứ ba là lượng vàng trong kho dư trữ của Ngân hàng Trung ương là một biểu tượng của sức mạnh kinh tế. Tại các nước phát triển, trung bình kho vàng tương đương với từ 17 đến 20% toàn bộ tài sản quốc gia. Năm 2022, có ba quốc gia trên thế giới là Mỹ, Đức và Ý nắm giữ một khối lượng vàng tương đương với 60% quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương ; Pháp là 40%. Trong khi đó, dù đã mua vào rất nhiều vàng trong thời gian gần đây, khối vàng của Trung Quốc mới chỉ tương đương với 4,6%. Đó là một tỷ lệ rất, rất thấp. Để so sánh, trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine, kho vàng của Nga tương đương với 1/3 quỹ dự trữ".
680 tấn vàng để tiết kiệm
Vẫn theo World Gold Council, cũng trong năm 2023, bên cạnh khối lượng hơn 220 tấn vàng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nắm giữ, còn phải kể đến 680 tấn vàng người dân Trung Quốc tích lũy dưới dạng vàng lá, vàng thoi và nhất là nữ trang. Và đây cũng là một kỷ lục.
Theo bảng xếp hạng trên thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có truyền thống mua vàng nhiều nhất, nhưng năm ngoái, nhu cầu sắm nữ trang ở Trung Quốc tăng thêm 10% thì trái lại, dân Ấn Độ có vẻ lơ là hơn : tiêu thụ tại quốc gia Nam Á này giảm 6% trong năm 2023. Isabelle Feng nhấn mạnh đến nét đặc thù của thị trường vàng ở Trung Quốc :
"Nguồn mua vàng đầu tiên, cho đến hiện tại là chính phủ, thế nhưng trong thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến hiện tượng tư nhân đua nhau tích trữ vàng, họ mua nữ trang. Điều này phản ánh thực trạng kinh tế của Trung Quốc và có nhiều cách biệt so với 5 năm trước đây. Kinh tế Trung Quốc giờ đây ảm đạm vì khủng hoảng địa ốc kéo dài, do tăng trưởng bị hủy hoại sau ba năm Trung Quốc đóng cửa kinh tế để chống dịch. Theo các báo cáo của chính phủ, hồi năm 2022, lĩnh vực địa ốc chiếm 70% tài sản của một hộ gia đình. Giá nhà đất sụt giảm coi như dân chúng bị khánh tận. Do vậy, những ai còn một chút khả năng, tôi xin nhấn mạnh ở điểm này, thì họ tập trung mua vàng. Đây là cách duy nhất để tiết kiệm, bởi vì người ta không còn tin tưởng vào tương lai, vào các sàn chứng khoán… Các thị trường chứng khoán mất giá mạnh trong thời gian gần đây. Ngay cả sàn giao dịch Hồng Kong cũng đã mất giá 40% so với cách nay 5 năm.
(...) Thêm một yếu tố khác nữa là người dân Trung Quốc bị giới hạn trong việc mua vào ngoại tệ. Theo quy định, hàng năm, mỗi người chỉ được mua vào tối đa 50.000 đô la. Tức là nếu có nhiều tiền, người ta cũng không thể tích trữ được ngoại tệ quá ngưỡng 50.000 đô la đó. Thành thử vàng là phương tiện cuối cùng để tiết kiệm tiền, khi mà công luận không còn tin tưởng vào các doanh nghiệp…".
Theo các thống kê, "trong 2 năm qua Trung Quốc nhập khẩu hơn 2800 tấn vàng, tương đương với 1/3 khối vàng Hoa Kỳ đang được cất giữ trong kho của Federal Reserve". Như chuyên gia Feng vừa nêu, trong bối cảnh giá vàng trên thị trường quốc tế đang cao, đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá so với đô la, kinh tế Trung Quốc ảm đảm vậy mà một phần dân chúng vẫn đua nhau mua vàng. Điều đó cho thấy trong ngắn hạn, bản thân người dân Trung Quốc cũng không mấy tin tưởng vào tăng trưởng của nước nhà và điều này phản ánh tâm trạng bi quan của xã hội.
Vàng : mục tiêu phi đô la hóa
Trở lại với cơn sốt vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, song song với hiện tượng nói trên, Bắc Kinh liên tục bán bớt một phần công trái phiếu của Mỹ mà họ đang nắm giữ.
Đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ còn nắm giữ 775 tỷ đô la công trái phiếu của Mỹ, thay vì 1.100 tỷ như cách nay ba năm. Hãng tin Đức Deutsche Welle nhắc lại, như hầu hết các quốc gia trên thế giới, "Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào đô la trong các khoản giao dịch thương mại" và nhất là đến nay đô la Mỹ vẫn là thước đo lường trong các hoạt động xuất nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu, được dùng để thanh toán "50% tổng trao đổi thương mại toàn cầu". Cơn sốt vàng của Trung Quốc do vậy được hiểu như là bước đầu để Bắc Kinh "cai nghiện đô la".
Cùng với động tác từng bước tách rời khỏi quỹ đạo của đô la Mỹ, Trung Quốc vận động khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS, các nước đang phát triển và giao thương nhiều với Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn. Lý do chính là Bắc Kinh cũng như nhiều nước "phương Nam" đã rút ra được những bài học từ kinh nghiệm của Nga bị Âu Mỹ trừng phạt vì xâm chiếm Ukraine.
Do vậy, như chuyên gia Isabelle Feng vừa nêu, Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu áp đặt đơn vị tiền tệ của mình để củng cố vị thế kinh tế và địa chính trị với phần còn lại của thế giới : Nhờ có đồng đô la mà Hoa Kỳ đi vay với lãi suất rẻ hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Washington lại rộng đường sử dụng đơn vị tiền tệ này như một công cụ ngoại giao, thậm chí là vũ khí để áp đặt các lệnh trừng phạt với những đối thủ - và kể cả với các đồng minh, của Hoa Kỳ.
Tách rời khỏi đô la vì một ý đồ quân sự ?
Giới phân tích nhận định : "Chắc chắn là yếu tố quyết định, khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới đa dạng hóa các nguồn dự trữ ngoại tệ". Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan kể cả bằng sức mạnh quân sự. Điều đó khiến một số nhà quan sát nhắc lại là trước khi quyết định xâm chiếm Ukraine, Matxcơva từ 2008, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã lặng lẽ tích trữ vàng, chiến lược này đã tăng tốc từ sau khi Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraine hồi năm 2014. Hiệp hội World Gold Council nhắc lại, trong giai đoạn 2014-2022 Ngân hàng Trung ương Nga đứng đầu bảng trong số các nguồn tiêu thụ vàng của thế giới và hiện tại, nước Nga nắm giữ hơn 2.300 tấn vàng, tương đương với "20% dự trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới".
Vậy phải chăng Bắc Kinh cũng đang tích trữ vàng để chuẩn bị cho kịch bản đối đầu quân sự với phương Tây ? Isabelle Feng phân tích :
"Trung Quốc đã trông thấy phương Tây mạnh tay trừng phạt kinh tế Nga như thế nào một khi Matxcơva đưa quân sang Ukraine. Đương nhiên là chúng ta thường nghĩ rằng đây là một bài học quý giá đối với Trung Quốc, khi biết rằng Bắc Kinh có tham vọng thôn tính Đài Loan. Rất có thể là Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản đó và muốn độc lập với quỹ đạo đô la của Hoa Kỳ.
Nhưng xin lưu ý một số những khác biệt giữa trường hợp của Nga và Trung Quốc : như vừa nói, một phần nhu cầu mua vàng của Trung Quốc là do người dân bình thường muốn tiết kiệm. Họ xem vàng là một phương tiện dự trữ an toàn. Điểm thứ nhì là Trung Quốc không bị cô lập như Nga. Từ năm 2014, khi Nga thôn tính bán đảo Crimée, Âu - Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt Matxcơva. Với Bắc Kinh thì hoàn toàn khác : Trung Quốc không bị cô lập. Năm 2016 đồng nhân dân tệ tham gia rổ tiền tệ của quỹ IMF, được công nhận là quyền rút vốn đặc biệt tương tự như đô la Mỹ, euro của Châu Âu, yen của Nhật Bản hay đồng franc Thụy Sĩ.
Do vậy, theo tôi, Trung Quốc tích trữ vàng chủ yếu là để thực hiện ý đồ phi đô la hóa, để ổn định đơn vị tiền tệ quốc gia và nhất là để khẳng định vị thế kinh tế của mình".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 21/05/2024