Biển Đông : Chiến hạm Úc, Mỹ tập trận gần nơi Trung Quốc, Malaysia đối đầu (RFI, 22/04/2020)
Căng thẳng quân sự có thể gia tăng tại Biển Đông với việc một khu trục hạm của Úc thao dượt với các chiến hạm của Mỹ gần nơi mà Trung Quốc và Malaysia đang đối đầu.
Tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG-52) của Hải quân Hoa Kỳ. ©wikipedia
Theo hãng tin Reuters hôm nay, 22/04/2020, trích dẫn các nguồn tin an ninh khu vực, ba chiến hạm Mỹ trong tuần này đã đến Biển Đông, gần khu vực mà hồi tuần trước, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc bị phát hiện đang tiến hành khảo sát. Khu vực này cũng gần nơi mà tàu thăm dò của công ty dầu khí Nhà nước của Malaysia Petronas đang hoạt động.
Hôm qua, Hải quân Mỹ xác nhận tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông. Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Úc hôm nay, tham gia tập trận chung với hai tàu này còn có tàu hộ vệ tên lửa HMAS Paramatta ( thuộc lớp ANZAC ) của Hải quân Hoàng gia Úc và một chiến hạm thứ ba của Mỹ, khu trục hạm USS Barry. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Úc không nói rõ thời điểm tập trận.
Năm ngoái, chiếc HMAS Paramatta đã từng bị quân đội Trung Quốc theo dõi sát sao khi chiến hạm này đi qua vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo ABC News, các chuyên gia quốc phòng cho rằng sự tham gia của chiến hạm Úc vào cuộc tập trận với Mỹ có thể đã được dự trù từ nhiều tháng trước, nhưng cuộc tập trận này diễn ra vào lúc các nước trong khu vực đang ngày càng lo ngại trước các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù đang phải tập trung đối phó với dịch Covid-19, các quan chức Úc vẫn theo dõi các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Theo các dữ liệu của trang mạng Marine Traffic, hôm nay, chiếc Hải Dương Địa Chất 8, được một tàu hải cảnh Trung Quốc tháp tùng, vẫn đang ở cách bờ biển Malaysia 325 km, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin cho rằng Hải Dương Địa Chất 8 đang đối đầu với tàu thăm dò dầu khí của Malaysia, khẳng định tàu này đang "tiến hành các hoạt động bình thường".
Thanh Phương
**********************
Biển Đông : Mỹ điều hai chiến hạm đến gần khu vực Trung Quốc, Malaysia đối đầu (RFI, 21/04/2020)
Ngày 21/04/2020, Hải quân Mỹ xác nhận đã điều hai chiến hạm ra Biển Đông và theo Reuters, hai tàu này hoạt động gần khu vực mà Trung Quốc và Malaysia đang đối đầu.
Chiến hạm USS America của Mỹ (P) trong đợt thao diễn với Hải quân Nhật ở Biển Hoa Đông ngày 13/01/2020. © U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Vincent E. Zline
Hồi tuần trước, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã bị phát hiện đang tiến hành khảo sát gần khu vực mà tàu thăm dò của công ty dầu khí nhà nước của Malaysia Petronas đang hoạt động. Hành động của Hải Dương Địa Chất 8 giống với những gì tàu này đã làm ở vùng biển Việt Nam vào năm ngoái.
Vụ khảo sát gần khu vực của Petronas đã khiến Hoa Kỳ phải kêu gọi Trung Quốc ngừng các "hành vi dọa nạt" tại những vùng biển tranh chấp, đồng thời nêu lên những quan ngại về hành động khiêu khích của Bắc Kinh nhắm vào các hoạt động dầu khí tại những khu vực này.
Trong email gởi cho hãng tin Reuters, bà Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, hôm nay cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông. Bà tuyên bố : "Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và bảo đảm các nguyên tắc quốc tế vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Thiếu tướng hải quân Fred Kacher, chỉ huy cụm tàu USS America, nói với Reuters rằng lực lượng của ông đã có tương tác với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này. Viên sĩ quan này khẳng định : "Mọi tương tác của chúng tôi tiếp tục được thực hiện một cách an toàn và chuyên nghiệp với Trung Quốc".
Thiếu tướng hải quân Kacher không cho biết chính xác vị trí các chiến hạm Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông, nhưng theo Reuters, các các nguồn tin an ninh cho rằng tàu Mỹ đang ở gần khu vực mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc được cho là đang đối đầu với tàu khoan thăm dò West Capella của công ty Petronas, Malaysia. Tuy nhiên khi được Reuters hỏi, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin, khẳng định tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang "tiến hành các hoạt động bình thường". Còn Bộ Ngoại giao Malaysia và Petronas đều chưa trả lời về vụ này.
Thanh Phương
Trung Quốc phản đối Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng (RFI, 17/12/2019)
Trung Quốc yêu cầu Liên Hiệp Quốc không nghiên cứu hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng của Malaysia theo Điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Ảnh minh họa : Tàu tuần tra của hải quân Hoàng gia Malaysia gần đảo Langkawi, ngày 14/05/2015. AFP PHOTO / MANAN VATSYAYANA
Theo trang South China Morning Post ngày 17/12/2019, Bắc Kinh khẳng định yêu cầu của Kuala Lumpur "vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, các quyền và quyền tài phán" của Trung Quốc.
Trong thư gửi đến tổng thư ký Antonio Guterres vào tuần trước, phái đoàn thường trực của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc khẳng định "Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và một vùng tiếp giáp lãnh hải căn cứ vào các đảo (của nước này) ở Biển Đông (Nanhai Zhudao) ; vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa". Vì vậy, Bắc Kinh "nghiêm túc yêu cầu Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) không xem xét hồ sơ của Malaysia".
Mặt khác, ngày 16/12, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cho biết đã gửi công hàm đến Malaysia khẳng định Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm "các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế".
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 không thừa nhận các đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông dựa trên những đảo nhân tạo mà nước này kiểm soát.
Việt Nam hy vọng Trung Quốc kiềm chế ở Biển Đông trong năm 2020
Trong một bài phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng "hy vọng trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Trung Quốc sẽ tỏ ra kiềm chế và hạn chế các hành động" ở Biển Đông.
Theo ông Dũng, "những việc Trung Quốc đã làm rất đáng báo động và phần nào đó đe dọa không chỉ mỗi Việt Nam mà cả nhiều nước khác trong tương lai".
Thu Hằng
*******************
Bắc Kinh thúc giục Liên Hiệp Quốc không xem xét đệ trình về thềm lục địa mở rộng của Malaysia (RFA, 17/12/2019)
Trung Quốc vừa chính thức lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc không xem xét hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông mà Malaysia mới nộp hôm 12/12, trang tin South China Morning Post loan tin này hôm 17/12.
Bản đồ một phần khu vực Biển Đông nơi Malaysia đăng ký phần thềm lục địa mở rộng Courtesy of Twitter Greg Poling
Phái đoàn thường trực của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc đã gửi một thông báo ngoại giao cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hồi tuần trước, thúc giục Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) của UN không xem xét hồ sơ của Malaysia.
Thông báo có đoạn viết : "Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải căn cứ theo các đảo ở Biển Đông ; Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông".
Trung Quốc cho rằng việc Malaysia đệ trình hồ sơ này đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, quyền chủ quyền và quyền tài phán (của Trung Quốc) ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/12 cũng cho biết nước này đã chính thức gửi phản đối tới phía Malaysia và cho rằng Malaysia đã vi phạm các nguyên tắc quan hệ quốc tế.
Hồ sơ đệ trình mới của Malaysia bao gồm phần thềm lục địa nằm bên ngoài vùng 200 hải lý ở phía bắc khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam cũng đã đệ trình một hồ sơ về phần thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông lên UN, và cũng gặp phải sự phản đối của Bắc Kinh.
Bắc Kinh đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời cho rằng các quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Vì vậy, Bắc Kinh cho rằng thềm lục địa mở rộng mà Malaysia đăng ký đã chồng lấn lên vùng 200 hải lý quanh các quần đảo này.
Trong phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016, các quần đảo này không thể có vùng đặc quyền kinh tế.