Trọng Nghĩa, RFI, 10/08/2021
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên vào hôm 09/08/2021, đã tổ chức qua phương tiện video hội nghị một cuộc họp chính thức cấp cao riêng biệt về chủ đề an ninh biển. Ngay tại diễn đàn Hội đồng Bảo an, Hoa Kỳ đã tố cáo các "hành động bắt nạt" tại Biển Đông, một lời tố cáo rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Đại diện Bắc Kinh đã lập tức phản bác gay gắt, cáo buộc Mỹ là kẻ gây rối.
Khu trục hạm Mỹ USS Barry (DDG 52) đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông ngày 21/11/2020. © USS Barry (DDG 52) - Seaman Molly Crawford
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, phát biểu trong cuộc họp, ngoại trưởng Antony Bliken, đại diện cho Hoa Kỳ, đã chỉ trích các hành vi mà ông gọi là "bắt nạt" nước khác tại Biển Đông, cảnh báo rằng một cuộc xung đột tại khu vực đó "sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại".
Gợi lại quan điểm chính thức của Hoa Kỳ, xem yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là những đòi hỏi không phù hợp với luật pháp quốc tế, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh : "Khi một quốc gia nào đó không phải đối mặt với các hậu quả khi phớt lờ các quy định hàng hải, thì điều đó sẽ làm tăng tình trạng không bị trừng phạt và bất ổn ở mọi nơi".
Theo ông Blinken, tại vùng Biển Đông đã xẩy ra nhiều vụ va chạm nguy hiểm giữa tàu bè trên biển và đã có các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải phi pháp. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh thái độ quan ngại của Hoa Kỳ trước các hành vi "hù dọa và bắt nạt các nước khác trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên biển của mình một cách hợp pháp".
Phát biểu sau ngoại trưởng Mỹ, phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc là ông Đới Binh (Dai Bing) đã không ngần ngại lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông", là nước đã "tự ý đưa tàu và máy bay quân sự hiện đại tiến vào Biển Đông như một hành động khiêu khích và công khai gây hiềm khích giữa các nước trong khu vực". Không chỉ thế, nhà ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng Mỹ không có bất kỳ "uy tín" nào để nói về các vấn đề hàng hải vì không phải là thành viên của UNCLOS, tức là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc hôm qua về an ninh biển có sự tham dự của 15 thành viên hiện thời của Hội đồng Bảo an, bao gồm 5 ủy viên thường trực (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) và 10 ủy viên không thường trực, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, nước là chủ tịch luân phiên trong tháng 8. Trong hội nghị hôm qua, đích thân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khai mạc cuộc họp, đặc biệt có sự tham gia của tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Trọng Nghĩa
*********************
Thụy My, RFI, 10/08/2021
Tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch (HRW) hôm 10/08/2021 tố cáo đập thủy điện Hạ Sesan 2 do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới" đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn dân làng, gây ra thảm họa nhân đạo tại Cam Bốt.
Một ngư dân Cam Bốt đang quăng lưới trên dòng sông Mêkông, ngày 19/4/2011. Reuters
Đập Hạ Sesan 2, một trong những đập thủy điện lớn nhất Châu Á, được xây dựng tại điểm hợp lưu của hai nhánh lớn sông Mê Kông tại đông bắc Cam Bốt. Khi khu vực thượng nguồn bị ngập nước, phương tiện mưu sinh của các cộng đồng bản địa và người thiểu số sống dựa vào ngư nghiệp và nông nghiệp bị hủy diệt. Ngoài 5.000 người bị di dời, đập thủy điện này còn ảnh hưởng đến việc mưu sinh của hàng chục ngàn người khác ở thượng lưu và hạ lưu.
Phúc trình của HRW cho biết nhiều gia đình sống tại đây từ nhiều thế hệ đã bị buộc phải di dời sang những khu tái định cư khô cằn với số tiền bồi thường không đáng kể, thậm chí không được bồi thường. Trạm xá dột nát, không có nhân viên y tế, nước sinh hoạt không thể dùng để nấu ăn. Lượng tôm cá giảm mạnh có khi đến 2/3 vì luồng di cư của cá bị chặn. Một khảo sát năm 2009 cho thấy tất cả những người dân được hỏi đều phản đối dự án, nhưng nhà cầm quyền Cam Bốt chụp mũ những người phê phán hoặc không chịu di dời là phần tử gây rối.
Trả lời AFP, phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt Phay Siphan nói rằng đập Hạ Sesan 2 có "tác động rất tích cực", dân làng tái định cư được cấp nhà, đất và điện. Bắc Kinh khẳng định Hạ Sesan 2 có thể cung cấp 1/6 tổng lượng điện cho Cam Bốt, nhưng sản lượng thực tế theo HRW chưa đầy phân nửa, thậm chí chỉ 1/3 so với số liệu công bố.
Hạ Sesan 2 là công trình nằm trong chương trình "Con đường tơ lụa mới" mà nhiều dự án trên thế giới đã bị chỉ trích về sự thiếu minh bạch và hậu quả tai hại cho môi trường cũng như cư dân tại chỗ. Đập thủy điện này trị giá 780 triệu đô la, hầu hết do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ, tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc xây dựng.
Tác động của Hạ Sesan 2 không chỉ giới hạn ở Cam Bốt. Con sông dài trên 4.800 km có đa dạng sinh học chỉ đứng sau Amazon, với 1.300 loài cá. Dự án làm giảm sút sản lượng cá của toàn hệ thống sông Mê Kông, gây hậu quả nghiêm trọng cho hàng chục triệu người ở Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào phải phụ thuộc vào nguồn thực phẩm là cá tôm đánh bắt được từ con sông lớn này.
Bắc Kinh đã xây vài chục con đập trên những giòng sông và chi lưu ở Trung Quốc, Lào, Cam Bốt. Các tổ chức bảo vệ môi trường tố cáo, với việc kiểm soát lượng nước ở thượng nguồn, Trung Quốc nắm trong tay công cụ gây áp lực khổng lồ.
Thụy My