Trung Quốc : Tôn giáo và dân số là công cụ chính trị
Bên cạnh ván cờ quốc tế ở Libya và bạo lực tại Lebanon, thời sự Trung Quốc ngự chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay nhưng do các chủ đề tiêu cực hơn là tích cực : thổi phồng dân số, viết lại kinh thánh theo định hướng
Giáo hoàng Francis chụp hình với các giáo dân đến từ Trung Quốc, ngày 18/04/2018, tại quảng trường thánh Phêrô. TIZIANA FABI / AFP
"Hán hóa" kinh thánh và kinh Coran
Từ khi Tập Cận Bình nắm quyền vào năm 2013, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và Phật giáo Tây Tạng bị đàn áp thô bạo hơn. Mục tiêu của đảng cộng sản Trung Quốc là kiểm sóat triệt để sinh hoạt tôn giáo mà bước kế tiếp là viết lại kinh thánh và kinh Coran theo ý thức hệ cộng sản.
Với bài phóng sự "Con đường thập tự chinh của các tôn giáo" tại Trung Quốc, nhật báo thiên tả Libération mở đầu với lời kể của ba phụ nữ Trung Quốc, tín đồ Hội thánh Tin lành "Thượng đế toàn năng". Một người tên Louisa, thợ làm tóc 43 tuổi, kể lại : Tôi bị nhốt trong một nhà giam bí mật, cùng với 30 người trong một phòng giam. Cảnh sát trói tay chúng tôi, cầm quyển kinh thánh đánh đập thô bạo, bắt chúng tôi phải nói "Không có Chúa, chỉ có Đảng mang lại hạnh phúc cho nhân dân".
Nhân chứng thứ hai, Kate, 33 tuổi cho biết thêm : cả tuổi thơ của chị bị Nhà nước nhồi sọ phải hết lòng phục vụ Đảng. Chế độ chính trị sợ đạo Tin Lành nhưng càng đàn áp thì càng làm cho người bị đàn áp vững tin vào Thiên Chúa.
Được thả vào năm 2013, và hai năm cải tạo tại phường, Louisa bỏ địa phương lẩn trốn thêm hai năm trước khi sang được nước Pháp tị nạn.
Từ năm 2013 đến nay, từ khi Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc, chính sách đàn áp tôn giáo ngày càng khốc liệt hơn. Theo các nhà họat động nhân quyền, Hội thánh Thượng đế toàn năng có 4 triệu tín đồ tại Hoa lục, nhưng có đến 40.000 người bị bắt, khoảng 100 người chết vì bị tra tấn. Trong mục tiêu "Hán hóa" tôn giáo, 5.576 nhà thờ đã bị chính quyền đập phá. Tháng 10/2019, một giáo đường với sức đón tiêp 3.000 tín đồ bị ủi sập bằng xe ủi đất.
Cũng theo nhật báo cánh tả, từ năm 1949, khi chiếm chính quyền, chế độ Mao đã đàn áp mọi tôn giáo. Nhưng từ năm 1976, sau khi Mao qua đời, chùa chiền và đền thờ Lão giáo tương đối không còn bị trấn áp nữa. Để rồi, đến năm 2016, Tập Cận Bình đề xuất chính sách "Hán hóa" tôn giáo trong đó có biện pháp dịch lại Kinh thánh và kinh Coran theo định hướng ý thức hệ chính trị của đảng cộng sản. Đạo Tin Lành tại Hoa Lục, đạo Phật Tây Tạng, đạo Hồi Tân Cương bị xem là mối đe dọa cho chế độ.
Thái độ của Vatican như thế nào ? Theo Libération, thỏa hiệp bổ nhiệm giám mục, sự im lặng của Giáo hoàng về vụ viết lại Kinh thánh, về tình hình Hồng Kông trong khi Giáo hội Công giáo Hồng Kông và các hội thánh Tin Lành ủng hộ phong trào dân chủ cho phép quy đoán Tòa thánh muốn duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Bắc Kinh càng cấm thì tinh thần đồng tâm khắc sâu trong nền văn hóa Trung Hoa càng phát triển, thấy cái gì hay thì noi theo. Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, tại Trung Quốc mối quan hệ nhân quả giữa xu hướng tôn giáo phục sinh và phong trào phản kháng tại Hồng Kông là điều có thật. Đó là một cách để đạt tới tinh thần độc lập cá nhân và chính trị, tái tạo những cộng đồng tin cậy lẫn nhau. Bài thánh ca "Vinh danh Thiên Chúa" trở thành bài hát của phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Ban kiểm duyệt Hoa lục cấm bài hát này vì sợ siêu vi dân chủ lan rộng.
Tại Trung Quốc, năm Chuột đẻ ra voi ?
Trung Quốc hay Ấn Độ có dân số đông nhất địa cầu ? Ở Trung Quốc cái gì cũng sửa cho hợp với đường lối. Chuyên gia dân số học Dịch Phú Hiền (Y Fu Xian), đại học Mỹ Wisconsin-Madison, chỉ trích Nhà nước Trung Quốc sửa đổi thống kê để lừa thế giới.
Báo Pháp đồng loạt đưa tin những mỗi tờ mỗi kiểu. Sinh suất giảm mạnh tại Trung Quốc cho dù không còn chính sách một con, tựa của Le Monde. Còn theo Le Figaro, dân số là môn võ chiến đấu. Vì sao ? Từ ba hôm nay, một bài phân tích của chuyên gia Dịch Phú Hiền được phổ biến trên báo chí từ Mỹ đến Á Âu. Trong khi Trung Quốc loan báo một cách hãnh diện "dân số vượt qua ngưỡng 1,4 tỷ dân", nhà dân số học bị xem là "bất trị" này chứng minh Trung Quốc "nâng" số dân cao hơn sự thật đến 121 triệu người. Trên thực tế, với 1 tỷ 279 triệu dân, Trung Quốc đã bị Ấn Độ vượt qua mặt. Giáo sư Dịch Phú Hiền chỉ ra những bất cập trong thống kê chính thức. Một thí dụ cụ thể : năm 2000 thông báo có 17,700 triệu trẻ sơ sinh nhưng kiểm kê năm 2015 nói trên toàn quốc có 13,57 triệu trẻ em vị thành niên 15 tuổi, tức là thiếu 4 triệu.
Vậy Bắc Kinh "thổi phồng" thống kê dân số để làm gì ? Cũng theo tác giả, trong bàn cờ địa chiến lược, danh xưng quốc gia đông dân nhất địa cầu cho phép Bắc Kinh khẳng định là "đối tác không thể thiếu" với các nước Tây Phương. Mất "vương miện" này, sẽ làm cản trở Tập Cận Bình thực hiện giấc mơ đoạt ngôi siêu cường của Mỹ, theo một tiến trình mà bộ máy tuyên truyền gọi là "đặc thù của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc". Do vậy, bằng mọi cách, Trung Quốc không để cho năm Tý đẻ ra chuột, mà phải đẻ ra voi.
Miến Điện : Chốt chiến lược của Bắc Kinh
Trong khi Les Echos lưu ý tình trạng Trung Quốc bị giảm tăng trưởng nghiêm trọng nhất tính từ 29 năm qua thì La Croix nói đến chuyến "chinh phục của chủ tịch Tập Cận Bình" tại Miến Điện.
Hai ngày thăm viếng, 33 hợp đồng ký kết trong đó có xây đường sắt nối miền bắc đến miền trung Miến Điện và một hải cảng nước sâu ở bang Arakan. Nhưng ngoài Trung Quốc nước nào dám đầu tư ở Arakan nơi xảy ra khủng hoảng nhân quyền ? Một nhà hoạt động chia sẻ bi quan.
Miến Điện cũng cần sự ủng hộ của Trung Quốc vào lúc Tòa Công lý Quốc tế sắp công bố phán quyết về vụ đàn áp Rohingya và lá phiếu phủ quyết để chống lại các nghị quyết ở Hội đồng Bảo an trong tương lai.
Dù vậy, trong bối cảnh sắp bầu cử vào tháng 11, chính quyền Aung San Suu Kyi, rất lo ngại hệ quả xấu nếu bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Chính phủ Miến Điện đã đàm phán lại một dự án thủy điện khổng lồ làm giảm hóa đơn từ 8 tỷ đô la xuống còn 1,3 tỷ.
Dân chúng cũng như giới lãnh đạo chính trị đều thận trọng với các dự án lớn của Trung Quốc. Theo một dân biểu, chính phủ Aung San Suu Kyi sẽ không vướng bẫy nợ của láng giềng.
Người dân Lebanon không còn gì để mất
Tại Lebanon, sau bốn tháng tranh đấu chống chính quyền liên tôn giáo tham ô và bất lực, phong trào phản kháng bùng mạnh chưa từng thấy. Vì sao người dân Lebanon nổi xung ? Đây là hồ sơ quốc tế của La Croix :
Hơn 400 người bị thương trong đêm thứ Bảy vì xung đột với cảnh sát. Cơn giận của người dân Lebanon lên tột độ vì các phe tôn giáo chính trị vẫn bám trụ. Trong khi đó, do khủng hoảng tài chính ngân hàng thiếu tiền mặt, lương trả chậm, hàng hóa thiếu hụt, chính quyền quản lý tồi đưa Lebanon, từng có danh hiệu là Thụy Sĩ ở Địa Trung Hải vào nguy cơ bị tê liệt và sụp đổ toàn diện.
Tại Pháp, các phe cực đoan ủng hộ bạo lực coi chừng hệ quả
Đó là lời răn đe của Le Figaro.
Đình công tại Pháp tàn dần nhưng bạo lực gia tăng. Cá nhân tổng thống Macron bị biến thành mục tiêu tấn công theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Le Figaro cảnh giác những lãnh tụ nghiệp đoàn hay đảng phái gián tiếp ủng hộ bạo lực
Cho dù sai hay đúng, đa số dân chúng luôn luôn quy trách nhiệm cho chính phủ khi có đình công. Tuy vậy, người dân không thích các hành vi bạo lực và sẽ nghiêm khắc với tác giả bạo lực. Thế mà, trong những ngày qua, tổng thống bị đe dọa khi đi xem sinh hoạt văn nghệ phải được sơ tán khẩn cấp sau khi một nhà báo cựu thành viên của đảng cực tả ngồi sau lưng, qua điện thoại di động nhắn tin chỉ điểm vị trí của nguyên thủ quốc gia. Nhiều bộ trưởng bị ngăn chặn la ó không cho phát biểu chúc Tết hay tham gia một cuộc hội thảo về bầu cử…
Những hành động này, theo Le Figaro, sẽ bị công luận dù không ưa tổng thống, sẽ lên án các tác giả của nó. Do hệ quả của phong trào chống dự án cải cách hồi hưu, hành pháp bị suy yếu. Nhưng thái độ của các phe cực đoan, theo đuổi những mục tiêu cực đoan, coi chừng sẽ thất thế trước tinh thần cởi mở, đối thoại và hiện thân của trật tự của chính phủ Macron, đã chứng tỏ qua nhượng bộ về "tuổi về hưu tối thiểu".
Tú Anh