Thu Hằng, RFI, 21/12/2020
Ngày 21/12/2020, chính phủ Nhật Bản đã thông qua một dự thảo ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa mới, bắt đầu từ tháng 04/2021. Cùng với kế hoạch tái thiết kinh tế bị dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng, ngân sách quốc phòng được tăng lần thứ bẩy liên tiếp nhằm đối phó những nguy cơ an ninh đến từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Theo AFP, tổng ngân sách trong dự thảo lên đến 106,6 nghìn tỉ yên (tương đương với 1,03 nghìn tỉ đô la), tăng thêm 3,8% so với năm tài khóa hiện hành và là lần tăng thứ 9 liên tiếp. Riêng khoản tiền dành cho quốc phòng là 5,3 nghìn tỉ yên, tăng 0,5% và được dự chi 57,6 tỉ yên để mua chiến đấu cơ thế hệ mới và 33,5 tỉ yên để phát triển một loại tên lửa mới.
Trong buổi họp báo thường kỳ, ông Katsunobu Kato, chánh văn phòng nội các, khẳng định Nhật Bản "tăng khả năng quốc phòng để thích ứng với tình hình an ninh ngày càng khó khăn hơn".
Vẫn theo dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2021, chính phủ Nhật Bản sẽ dành khoảng 35,8 nghìn tỉ yên hỗ trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội và hưu trí ; 5,5 nghìn tỉ yên khác sẽ được dành dự phòng cho các biện pháp chống dịch trong tương lai. Dự thảo ngân sách sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở Quốc Hội vào mùa xuân năm 2021.
Thu Hằng
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 21/12/2020
Một nhóm tàu chiến Trung Quốc do tàu Sơn Đông, tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc, dẫn đầu đã băng qua eo biển Đài Loan, tiến xuống Biển Đông để tiến hành các cuộc huấn luyện định kỳ. Quân Đội Đài Loan đã lập tức cho chiến hạm và phi cơ theo dõi hành tung của đội tàu Trung Quốc.
Theo thông báo ngày 21/12/2020 của Hải quân Trung Quốc, tàu Sơn Đông cùng 4 chiến hạm hộ tống đã vượt qua eo biển Đài Loan "một cách suôn sẻ" và cuộc tập trận nằm trong hoạt động bình thường được thực hiện theo kế hoạch hằng năm.
Theo Reuters, đây không phải là lần đầu tiên tàu sân bay Trung Quốc di chuyển gần Đài Loan, nhưng diễn biến trên xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Ngay vào tối hôm qua, bộ Quốc Phòng Đài Loan ra thông báo đã điều động 6 chiến hạm và 8 phi cơ để giám sát sự di chuyển của đoàn tàu Trung Quốc.
Đội tàu Trung Quốc đã băng qua eo biển Đài Loan khoảng một ngày sau khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ, trong một nhiệm vụ cũng được Quân Đội Hoa Kỳ gọi là hoạt động thường lệ.
Sơn Đông là chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc do chính nước này chế tạo, được chính thức đưa vào hoạt động cách nay gần một năm.
Trung Quốc được cho là đang nỗ lực nâng cao năng lực tác chiến của tàu sân bay của mình, hiện vẫn bị đánh giá là có ít kinh nghiệm so với Hoa Kỳ, nước đã vận hành các nhóm tác chiến tàu sân bay trong nhiều thập kỷ.
Trọng Nghĩa
*********************
Trung quốc lại chuẩn bị tập trận ở Biển Đông theo kế hoạch
RFA, 21/12/2020
Nhóm tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc vừa đi qua eo biển Đài Loan hướng về Biển Đông để tập trận theo kế hoạch thường niên.
Ảnh minh họa. Tàu Sơn Đông của Trung Quốc tại cảng Đại Liên, ngày13/5/2018. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 21/12, dẫn nguồn từ thông báo của Hải quân Trung Quốc cho biết tàu Sơn Đông và các tàu hộ tống đi qua eo biển Đài Loan hôm 20/12 hướng về Biển Đông một cách "suôn sẻ". Và, hoạt động diễn tập này là một phần của "những sắp xếp bình thường theo kế hoạch thường niên".
Thông báo của Hải quân Trung Quốc nêu rõ trong tương lai quân đội nước này sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động tương tự dựa trên nhu cầu huấn luyện.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết tàu Sơn Đông được 4 tàu chiến hộ tống và đã rời cảng Đại Liên từ ngày 17/12. Đài Loan cũng đã điều 6 tàu chiến và 8 máy bay để giám sát hoạt động của các tàu Trung Quốc.
Tin cho biết nhóm tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan một ngày sau khi một tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển này. Hải quân Trung Quốc thông báo nhóm tàu sân bay Sơn Đông bám theo chiếc tàu chiến của Mỹ.
Hồi đầu tháng 12 vừa qua, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong một cuộc họp báo, tuyên bố rằng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên quan việc Hải quân Trung Quốc tiến hành tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời, hủy bỏ và chấm dứt tổ chức các chuyến du lịch tàu ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, kể từ đầu tháng 12/2020.
Trong cùng cuộc họp báo vào chiều ngày 3/12, bà Lê Thị Thu Hằng cũng lên tiếng về việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông hôm 24/11/2020.
Vào ngày 23 tháng 8 vừa qua, Cục Hải sự tỉnh Hài Nam Trung Quốc thông báo một đợt diễn tập quân sự ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ ngày 24 tháng 8 đến 30 tháng 8.
Đó là lần thứ hai chỉ trong vòng 1 tháng, Trung Quốc cho tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó vào tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam có gửi công hàm phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc, cho rằng hành động đó xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và làm phức tạp thêm tình hình.