Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh lo ngại trước một lớp trẻ không còn tin vào tương lai

Le Monde ngày 24/10/2023 nhận thấy "Bắc Kinh lúng túng vì giới trẻ". Thất nghiệp chưa bao giờ cao như thế trong thanh niên, dù đang thiếu lao động. Có bằng cấp cao hơn lớp trước, họ không muốn trở thành công nhân nhà máy, làm những công việc nhàm chán.

tuoitretq1

Phỏng vấn các ứng viên tại một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, ngày 09/06/2023. AP - Mark Schiefelbein

Thanh niên thất nghiệp nhưng nhà máy thiếu người

Theo con số chính thức nay đã bị cấm công bố, số người trẻ thất nghiệp lên đến 21,3% ; nhưng theo giáo sư kinh tế Trương Đan Đan (Zhang Dandan) của đại học Bắc Kinh, thì thực ra đến 46,5%. Được đăng trên trang web của tạp chí Tài Kinh hồi mùa hè, bài phân tích của ông đã bị nhanh chóng kiểm duyệt. Việc ngưng công khai tỉ lệ thất nghiệp cũng bị người dân chỉ trích dữ dội, trên mạng Vi Bác chủ đề này thu hút đến 140 triệu lượt đọc chỉ trong vài giờ. Bị áp lực, các trường đại học không cấp bằng nếu chưa ký được hợp đồng, để làm giảm giả tạo tỉ lệ không việc làm.

Nguyên nhân mà ai cũng thấy là sau ba năm zero Covid nghiêm ngặt, xuất khẩu giảm, địa ốc bị khủng hoảng chưa từng thấy, tiêu thụ nội địa không tăng được. Trong bối cảnh đó, lớp trẻ là nạn nhân đầu tiên vì đa số làm việc trong các lãnh vực bị ảnh hưởng (dịch vụ, tư nhân, việc làm thời vụ) chứ không phải trong khu vực công và kỹ nghệ. Chính quyền còn làm tình trạng thêm nặng nề khi điều chỉnh các công ty kỹ thuật số như Alibaba, Tencent, Meituan ; cấm dạy thêm ; siết chặt tín dụng địa ốc.

Chính quyền đổ lỗi cho thanh niên không chịu phấn đấu, truyền thông nhà nước kêu gọi "hãy xắn tay áo lên". Chế độ thực sự lo ngại trước phong trào "thảng bình" (tangping), "bại lạn" (bailan), không làm gì cả. Dan Wang, kinh tế gia trưởng ngân hàng Hồng Kông Hang Seng nhận xét, đó là thế hệ con một, gia đình đã đầu tư rất nhiều vào việc học, nên họ không chấp nhận những công việc tầm tầm, nhàm chán. Số 12 triệu cử nhân ra trường năm 2023 xuất thân từ những gia đình khá giả, có thể hỗ trợ họ một thời gian.

Sự chuyển đổi thế hệ là sâu sắc. Năm 2021, đến 58% thanh niên bước vào thị trường lao động có trình độ trung cấp và đại học, so với 30% năm 2012. Hơn nữa trong 25 năm qua, số sinh viên trung cấp và đại học đã tăng gấp 10, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thanh niên nông thôn trước đây là nguồn lao động của các nhà máy, nay thích làm nghề giao hàng cho các sàn thương mại, tự do hơn làm công nhân. Trong bối cảnh kinh tế u ám, đầu năm nay có đến 7,7 triệu thí sinh thi tuyển làm công chức, trong khi chỉ có 200.000 chỗ.

Không có "phép lạ kinh tế" Trung Quốc

Cũng về kinh tế, Les Echos phân tích "Sự thật về tăng trưởng của Trung Quốc". Sự bùng nổ hoạt động ở Hoa lục từ bốn mươi năm qua thực ra không có gì là đặc sắc, trong khi hai mối đe dọa thực sự đang đè nặng lên tương lai. Trong bốn thập niên trước khi xảy ra đại dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc tăng trưởng 9,4% một năm, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng theo con số của Penn World Tables, một cơ sở dữ liệu của các nhà nghiên cứu đại học California và Groningue chỉ là 5,4%. Năm 1980, thu nhập đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 2% ở Hoa Kỳ (theo PPP, tức sức mua tương đương), nay đạt đến 29%.

Với tỉ lệ tăng trưởng cao, Trung Quốc được dự đoán sẽ dẫn đầu kinh tế thế giới trong những thập niên tới. Tuy nhiên ba nhà kinh tế Lee Ohanian (Đại học California), Jesus Fernandez-Villaverde (Đại học Pennsylvania) và Wen Yao (Đại học Thanh Hoa) đã so sánh Trung Quốc với các "con rồng Châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông) ở cùng mức xuất phát, lúc mỗi nơi vượt qua mức 3.000 đô la GDP tính theo đầu người, và tính toán việc các nước Châu Á đuổi kịp Mỹ. Theo đó đến năm 2050, GDP Trung Quốc mới đạt 41% so với Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy Trung Quốc có cùng hiệu quả với các nền kinh tế Châu Á khác khi ở cùng giai đoạn phát triển. Như vậy sự độc đáo của Trung Quốc không phải là tăng trưởng mà là kích thước.

Vương quốc của hoàng đế đỏ Tập Cận Bình chậm lại vì hai lý do chính. Trước hết là dân số hoạt động giảm 0,8% trong những thập niên tới, trong khi Hàn Quốc và Đài Loan tăng 1,4%. Thứ hai, là đầu tư quá đáng vào địa ốc. Trung bình một người Trung Quốc sở hữu 49 mét vuông nhà, hơn cả Pháp và Anh. Trung Quốc có số kilomet đường tàu cao tốc bằng tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Từ sau khủng hoảng tài chánh 2008, đầu tư vào xây dựng đã thay chân xuất khẩu, thành đầu tàu tăng trưởng, dẫn đến những món nợ khổng lồ. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ phải tìm ra động cơ tăng trưởng khác.

Điều tra Foxconn, Bắc Kinh muốn dằn mặt Đài Loan ?

Trong khi đó, Bắc Kinh lại mở cuộc điều tra thuế với công ty Đài Loan Foxconn, nhà thầu phụ của Apple, gây lo sợ cho các tập đoàn đa quốc gia. Những cơ sở bị thanh tra nằm ở Quảng Đông và Giang Tô. Thêm vào đó còn điều tra xem Foxconn có sử dụng đất ở Hà Nam và Hồ Bắc đúng quy định hay không. Các công ty ngoại quốc và nội địa ngày càng bị kiểm tra nhiều hơn, trong lúc chính quyền địa phương tìm cách tăng thu sau ba năm phong tỏa và khủng hoảng địa ốc. Nhưng Foxconn lại là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất Hoa lục với trên 1 triệu công nhân và khoảng 30 nhà máy.

Nhật báo Pháp lưu ý là vụ này diễn ra vào lúc còn ba tháng nữa đến bầu cử tổng thống Đài Loan, và Foxconn đang chuyển dịch dần sản xuất ra khỏi Hoa lục. Nhà sáng lập tập đoàn Quách Đài Minh (Terry Gou) đã từ chức chủ tịch Foxconn để ra tranh cử tổng thống. Trong quá khứ, các doanh nghiệp Đài Loan thường bị Bắc Kinh gây áp lực ở những thời điểm nhạy cảm. Một nguồn tin nội bộ nói với Reuters, đây là lời cảnh báo cho Foxconn vào lúc kinh tế Trung Quốc đang sa sút.

Thăm Israel, chuyến đi muộn màng của tổng thống Pháp

Chuyến đi Israel của tổng thống Emmanuel Macron hôm nay là chủ đề được báo chí Pháp chú ý nhất. Xã luận của Le Figaro nói về một "tính toán sai lầm". Sau vụ Hamas thảm sát hôm 07/10, Emmanuel Macron lại đi... Đức dự một hội thảo và sau đó thăm Albania. Phải đến 17 ngày sau ông mới hạ cánh xuống Israel.

Vì sao tổng thống trẻ tuổi và rất năng động lại không đánh giá được tầm vóc sự kiện ? Một quốc gia đồng minh của Pháp vừa bị khủng bố Hồi giáo tấn công, nước Pháp bị mất đi nhiều công dân nhất kể từ sau vụ khủng bố ở Nice năm 2016. Pháp lại là quốc gia Châu Âu có cộng đồng người Do Thái và người Hồi giáo đông đảo. Tại sao không lên ngay phi cơ để bày tỏ tình đoàn kết với Israel, như ông Jacques Chirac đã không ngần ngại bay sang New York sau sự kiện ngày 11 tháng Chín ?

Đến sau tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Đức Olaf Scholz và thủ tướng Anh Rishi Sunak, nguyên thủ Pháp nay phải đặt mục tiêu cao hơn là đơn giản bày tỏ tình thân hữu. Ông muốn trở thành "hữu ích", điều này đáng quý nhưng khó thành. Việc đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza đã thực hiện nhờ Hoa Kỳ can thiệp với Ai Cập, phần còn lại Pháp phải cố ngăn cản leo thang xung đột. Thách thức đầu tiên là nối lại đối thoại với các nhà lãnh đạo Ả Rập đã chối từ cuộc gặp với ông Biden tuần trước, nếu được sẽ là thành công đáng kể.

Les Echos cũng đặt vấn đề "Làm thế nào "hữu ích" ở Trung Đông" ? Hoa Kỳ đã viện trợ nhân đạo, Qatar can thiệp thả một ít con tin, còn chiến dịch quân sự vào Gaza không thể tránh khỏi. Israel có quyền tự vệ chính đáng, và Hamas phải bị diệt trừ. Tuy nhiên cần phải quan tâm đến thường dân, Hamas không phải là Palestine. Thực chất Macron mơ đến việc trừ khử tổ chức khủng bố mà không phải đưa quân vào Gaza, nhưng bằng cách nào bây giờ ?

Ông không có câu trả lời nhưng cần phải gợi đến lương tâm, loan báo đóng góp tài chánh cho hoạt động nhân đạo, ủng hộ Ai Cập, Jordan, đi thăm ít nhất một nước Ả Rập trong khu vực. Quan điểm của Pháp những tuần qua có vẻ thân Israel, nên dịp này sẽ được điều chỉnh đôi chút. Libération cho rằng chuyến đi này đầy rủi ro. Làm sao mà Macron đạt được những điều mà ông Biden vốn có ảnh hưởng lớn hơn đã không làm được ? Chỉ hy vọng tổng thống giúp phóng thích được một, hai con tin Pháp đang bị Hamas giam giữ, hoặc nếu tất cả thì quá tốt.

Những hình ảnh sốc : Cuộc phản công trên mặt trận thông tin

Cũng vì vấn đề con tin nên Israel chưa thể tấn công ngay Hamas. Vụ nổ ở một bệnh viện Gaza vì rốc-kết từ phía Palestine nhưng Hamas tuyên truyền là do Israel, đã khiến dư luận xoay chiều bất lợi cho phía Do Thái. Quyết định phản công trên mặt trận thông tin, quân đội Israel đã mời báo chí ngoại quốc đến xem những hình ảnh về vụ thảm sát của Hamas.

Le Figaro cho biết hôm qua khoảng 100 thông tín viên, đặc phái viên của các cơ quan truyền thông nhiều nước đã được yêu cầu để camera và điện thoại ở lối vào, những hình ảnh ghê rợn này không thể để lọt ra ngoài "vì tôn trọng gia đình các nạn nhân". Từ vài trăm giờ video được tập hợp, chỉ có 45 phút được chọn ra. Đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel cảnh báo : "Đó là 'vật liệu thô'. Chúng tôi không thể để quên đi những gì đã diễn ra. Các bạn sẽ thấy bằng chứng những tội ác của Hamas mà họ đã dối trá".

Những hình ảnh được thu thập từ các thiết bị GoPro của bọn khủng bố, camera giám sát quanh nhà hay của xe hơi, smartphone của các nạn nhân hay nhân viên cấp cứu, cho thấy nhiều góc độ của một cảnh tượng. Những tiếng hô "Allah Akbar !", hai quân thánh chiến lùng khắp một kibboutz để tìm kiếm nạn nhân, bắn chết một ông già đang coi tivi rồi lôi xác ra hành lang. Một sự im lặng nặng nề bao trùm phòng chiếu, những tiếng thở dài biến thành tiếng kêu khi trên màn hình một kẻ đang dùng xẻng chặt đầu một thi thể... Có người nhìn sang nơi khác, người che mặt, một người đứng dậy rời phòng chiếu, những tiếng khóc cố nén.

Cảnh ba cha con đang còn mặc đồ ngủ cố chạy ra được khỏi nhà, họ trốn trong nhà kho ngoài vườn, nhưng hai tên khủng bố cột chiếc khăn xanh của Hamas quăng lựu đạn vào, một cái xác nẩy bật lên trong đám khói... Ông Hagari nói : "Chúng tôi quyết định cho xem những cảnh này để các bạn hiểu vì sao chúng tôi phải chiến đấu". "Một số kênh truyền hình so sánh những gì Israel tiến hành ở Gaza với Hamas hôm 07/10, cứ như là có thể so sánh được".

Israel lùng diệt những đầu sỏ Hamas

Les Echos nói về việc "Nhà nước Do Thái truy lùng để trừ khử các thủ lãnh Hamas". Tình báo Israel đã lập ra một đơn vị đặc biệt nhằm tiêu diệt những người đứng đầu và thành viên nhánh quân sự Hamas đã tổ chức vụ thảm sát, dù đang ở Gaza hay nước ngoài. Đơn vị mới thuộc Shin Beth, cơ quan chống khủng bố và Mossad, cơ quan tình báo Israel, mang biệt danh là Nili, chữ viết tắt của một câu bằng tiếng Hébreu trong Kinh Thánh : "Sự vĩnh cửu của Israel sẽ không thể nào nói ngược lại". Bộ trưởng quốc phòng Yoav Galant khẳng định : "Bọn khủng bố Hamas chỉ có hai chọn lựa : bị tiêu diệt hay đầu hàng vô điều kiện". Đã có khoảng mười mấy chỉ huy nhánh quân sự Hamas đã bị không quân Israel trừ khử trong tại Dải Gaza từ hai tuần qua.

Nhưng hai cái tên đứng đầu danh sách đen thoát được nhờ hệ thống địa đạo chi chít. Đó là Yahya Sinwar, thủ lãnh chính trị và nhất là Mohammed Deif, thủ lãnh nhánh quân sự đã thoát chết ít nhất 6 lần. Những thành viên khác của ban lãnh đạo Hamas ở nước ngoài như Qatar, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mục tiêu như Ismail Haniyeh, thủ lãnh tối cao ; Saleh al-Arouri, phụ trách West Bank ; Khaled Mechaal, từng thoát được một vụ ám sát ; Zuher Jabarin, phụ trách tài chánh.

Vấn đề là liệu nay Nhà nước Do Thái có thể ra tay ở ngoại quốc như trước. Chẳng hạn năm 2010, Mossad đã giết được một đầu sỏ Hamas phụ trách việc mua vũ khí, tại một khách sạn ở Dubai. Trong quá khứ, Israel đã tiến hành chiến dịch "Cơn giận của Thượng Đế" để trả thù cho 11 vận động viên bị sát hại ở Thế vận hội Munich năm 1972. Mossad đã lần lượt khử được khoảng 12 chỉ huy của Tháng Chín Đen, một nhóm bí mật có liên quan đến Phong trào Giải phóng Palestine (PLO), trên đất Pháp, Ý, Cyprus và Lebanon. Chiến dịch ám sát đã gây một ít rắc rối với các nước liên quan, đã kết thúc vì một vụ tấn công lầm. Thứ nữa, Israel đã ám sát được Sheikh Ahmed Yasin, người sáng lập Hamas năm 2004 nhưng tổ chức Hồi giáo này vẫn tồn tại.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Châu Á