Giáo sư Dominique Boulier nhận định việc tất cả các tài khoản mạng xã hội của tổng thống Mỹ đều bị khóa, đã làm dấy lên trở lại những tranh cãi về trách nhiệm của các nền tảng kỹ thuật số liên quan đến nội dung. Việc đóng tài khoản tổng thống Mỹ có thể coi là án lệ, vì đã bước vào lãnh vực pháp lý.
Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook, Twitter… khóa tài khoản được các báo Pháp chú ý nhất hôm nay. Le Mondecho rằng "Trump, tổng thống bị xa lánh", Les Echosnhận định "Còn 10 ngày nữa Joe Biden nhậm chức, Donald Trump vẫn luôn là trung tâm chú ý". Trang bìa Libération đăng ảnh tổng thống Trump màu đỏ trên nền đen, miệng bị khóa, chơi chữ "Trump, im lặng trên mạng". Chỉ còn không mấy ngày nữa là chấm dứt nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ bị bỏ rơi.
Ông Trump còn có thể làm gì khác ? Từ sau vụ người ủng hộ tràn vào tòa nhà Quốc hội thứ Tư tuần trước, hậu quả là 5 người chết và khoảng 15 người bị bắt, phe Dân chủ muốn vô hiệu hóa tổng thống để ông Biden nhậm chức êm thấm ngày 20/01. Không chỉ thảo luận về tiến trình truất phế, chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi còn đòi tổng thống Donald Trump từ chức ngay lập tức, và yêu cầu phó tổng thống Mike Pence vận dụng Tu chính án 25 để thay thế một tổng thống "không có năng lực".
Vài thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ phía Dân chủ, nhưng thứ Sáu rồi bà Ronna McDaniel, một người thân cận với ông Trump đã tái đắc cử chủ tịch đảng với nhiệm kỳ hai năm. Việc truất phế khó thể được Thượng Viện thông qua vì cần đến 2/3 số phiếu và không thể diễn ra trước ngày 09/01 – như người đứng đầu phe đa số Mitch McConnell cho biết. Còn thủ lãnh phe thiểu số Cộng hòa ở Hạ Viện Kevin McCathy cảnh báo, tung ra một tiến trình như vậy vào lúc chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc nhiệm kỳ, có nguy cơ chia rẽ trầm trọng đất nước.
Theo Les Echos, chủ yếu là để ông Donald Trump không thể tái tranh cử năm 2024, vì nếu bị truất phế ông sẽ không thể ứng cử ở cấp liên bang.
Nhưng cú đòn nặng nề nhất đến từ thung lũng Silicon. Cuối tuần vừa qua, các tài khoản Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và Twitch của ông đều bị đóng. Kết quả là mạng Parler được những người ủng hộ ông Trump ưa thích, hôm thứ Bảy 09/01 đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple Store, còn Gap cũng có thêm nhiều người sử dụng mới.
Mạng Parler sau đó bị Amazon loại và bị Apple, Google xóa khỏi kho ứng dụng. Các tỉ phú Zuckerberg, Bezos, Dorsey… đã thực sự phế truất tổng thống Mỹ trên mạng.
Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả Libération cho rằng việc cấm đoán này là quá trễ, tuy nhiên cần có một cái khung luật lệ xuyên quốc gia để tránh những con quái vật kỹ thuật số trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn của Libération, giáo sư xã hội học và chuyên gia về kỹ thuật số Dominique Boulier nhận định việc tất cả các tài khoản mạng xã hội của tổng thống Mỹ đều bị khóa đã làm dấy lên trở lại những tranh cãi về trách nhiệm của các nền tảng.
Donald Trump không còn được dùng Twitter với 88 triệu người theo dõi, cũng giống như một thế giới bị sụp đổ, Facebook cũng cản trở ông trao đổi với 35 triệu người "follow". Vấn đề đặt ra là từ khi nào các nền tảng này được coi như phương tiện truyền thông, và như vậy phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà họ phổ biến ? Trong suốt một thời gian dài, Facebook, Twitter, YouTube… nhấn mạnh họ chỉ là sân chơi, như vậy không có trách nhiệm gì về nội dung mà người sử dụng đăng lên.
Twitter đã từng khóa hàng ngàn tài khoản vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chỉ do vi phạm điều lệ sử dụng. Việc đóng tài khoản tổng thống Mỹ có thể coi là án lệ, vì không phải vấn đề là nội dung, mà là người viết tweet. Như vậy theo giáo sư Boulier, chúng ta đã bước vào lãnh vực pháp lý, cần phải có sự tham gia của thẩm phán hoặc trách nhiệm biên tập nghiêm túc. Nay Twitter đã vượt qua ngưỡng với một nhân vật nổi tiếng như vậy, thì đương nhiên phải chịu chỉ trích là thiên lệch của những người ủng hộ ông Trump.
Vị giáo sư trường Science-Po Paris nhấn mạnh, các tập đoàn kỹ thuật số phải ra khỏi "Điều 230" đã giúp họ tránh được trách nhiệm về nội dung. Ông hy vọng vụ này sẽ khiến các chính khách rời Twitter.
Cũng giống như với truyền thông : nếu không thích quan điểm của một tờ báo thì ta có thể đọc tờ khác, vì điều quan trọng là sự đa dạng. Các fan của ông Trump vẫn có thể thảo luận với nhau, nhưng đừng làm rối loạn các tranh luận chung. Nếu họ muốn hoạt động tại các không gian khác, phải tuân thủ các quy định về tranh luận như mọi người, và như vậy tự do ngôn luận không bị đe dọa.
Trên cùng một mạng như Facebook, có thể có nhiều nhóm quan điểm khác biệt và mỗi nhóm phải chịu trách nhiệm về nội dung. Hơn nữa thuật toán của Facebook đã được chỉnh sửa cách đây hai năm để các nhóm xuất hiện nhiều hơn trên dòng thời gian của các thành viên.
Các mạng xã hội giúp phổ biến rộng rãi thông tin vì có nhiều tỉ người kết nối. Cũng vì vậy mà Donald Trump sử dụng Twitter, đã được lập trình để mỗi khi một người như ông đăng một tweet, sẽ được chia sẻ lại hàng trăm ngàn lần.
Mạng xã hội nói rằng đó không phải trách nhiệm của họ, nhưng không đúng : họ đã cố ý đưa vào những chức năng khuyến khích chia sẻ thông tin, từ nút retweet, các hashtag hay "xu hướng" để những nội dung đang được chú ý đập vào mắt chúng ta. Họ có lợi khi bán cho người quảng cáo một công chúng năng động hơn là thụ động, và những sự kiện như chiếm điện Capitol khiến người sử dụng chủ động tìm kiếm những nội dung liên quan. Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thống lại có khuynh hướng đổ dầu vào lửa, lan truyền và hợp pháp hóa các thông tin từ mạng xã hội.
Tại Pháp, nơi chính giới không hề dễ dãi với các nền tảng kỹ thuật số, việc ông Donald Trump bị cấm đoán khiến rất nhiều người cho rằng các đại gia internet đã lạm dụng quyền lực.
Ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) nhận định : "Thái độ của ông Trump không thể là cái cớ để GAFA tự cho mình quyền kiểm soát việc tranh luận của công chúng". Dân biểu François Ruffin đặt vấn đề "Có nên giao phó tự do ngôn luận của chúng ta cho các tập đoàn ở thung lũng Silicon ? Mai đây việc tư nhân kiểm duyệt internet sẽ liên quan đến tất cả mọi người".
Phe cực hữu Pháp cũng nói đến bóng ma kiểm duyệt. Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) chất vấn : "Việc kiểm soát tất cả các quan điểm trái chiều sẽ còn đi đến đâu nữa ? Ai ngày mai sẽ bị xóa sổ trên mạng mà không thể tự biện hộ ?". Florian Philippot cũng thuộc đảng RN cảnh báo "Chúng ta đang ngả sang một thế giới u ám của kiểm duyệt, giám sát, thù hận - kẻ thù của tự do và nhân loại".
Về phía chính phủ và đảng cầm quyền phản ứng ít dữ dội hơn nhưng không kém phần quan ngại. Ông Cédric O, quốc vụ khanh phụ trách kỹ thuật số cho rằng câu hỏi đặt ra trong vụ xóa tài khoản của Donald Trump : đây "không phải là trường hợp cá biệt mà Twitter ra tay không có sự giám sát dân chủ". Le Figarotrích dẫn câu nói của ông Cédric O, nhấn mạnh "các mạng xã hội lớn kiểm duyệt chỉ dựa trên điều lệ sử dụng, trong khi đã trở thành không gian công cộng thực sự, tập hợp nhiều tỉ công dân", và như vậy quá giản đơn về mặt dân chủ.
Libération nhắc nhở rằng tại Pháp đã có luật Avia buộc các mạng xã hội rút các nội dung "bất hợp pháp" trong vòng 24 giờ sau khi được báo cáo, nếu không sẽ bị trừng phạt. Luật này bị chỉ trích vì nguy cơ kiểm duyệt quá đáng trên mạng, và Tòa Bảo hiến buộc bỏ đi những điều khoản có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận. Le Figaro nêu câu hỏi của nhiều người : Tại sao Twitter không hành động gì với những tweet của các nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới ? Có nên trao quyền kiểm duyệt vào tay những công ty tư nhân ?
Nhà bình luận Dominique Moisi trên Les Echoscho rằng "Vụ chiếm Capitol là triệu chứng của các nền dân chủ đang đau ốm của chúng ta". So sánh với hiện tượng Áo Vàng (Gillets Jaunes) ở Pháp, tác giả bài viết nói về một vấn đề đã vượt ra khỏi phạm vi nước Mỹ : thất bại của các chế độ dân chủ trong việc làm hài lòng tất cả công dân.
Khi tràn vào tòa nhà Quốc hội, người biểu tình không coi "Ngôi nhà của nhân dân" là của họ, mà thuộc về giới tinh hoa và lớp người giàu có. Đây là lần thứ hai trong lịch sử điện Capitol bị chiếm, lần đầu vào năm 1814 khi Anh và Mỹ đang chiến tranh. Sự kiện này cho thấy khi xã hội phân cực, chia rẽ trầm trọng trong bối cảnh cách mạng công nghệ như Facebook, Twitter, tạo thành một hỗn hợp dễ gây tổn thương cho mô hình dân chủ.
Những người nhìn một cách lạc quan thì cho đó là trận chiến danh dự cuối cùng của Donald Trump, còn người bi quan cho là việc thử nghiệm một cuộc đảo chính. Theo tác giả Moisi, nếu khẩu hiệu "Tất cả chúng ta đều là người Mỹ" nở rộ sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, thì giờ đây sau các sự kiện ngày 06/01/2021 "Tất cả chúng ta rất có thể cũng là người Mỹ".
Trên trang Ý kiến của Le Figaro và cả trên tờ Politico của Mỹ, ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa EU và kỹ thuật số, ông Thierry Breton rút ra "Những bài học cho Châu Âu về cuộc khủng hoảng giữa GAFAM và Trump".
Cũng như sự kiện ngày 11 tháng Chín đánh dấu sự thay đổi mô hình của Hoa Kỳ và có thể của thế giới, đối với các mạng xã hội, sự kiện ngày 08/01/2021 là một bước ngoặt trong việc trách nhiệm quản lý nội dung, một "ngày 11 tháng Chín" về thông tin. Khi khóa tài khoản tổng thống Mỹ với lý do kích động hận thù và bạo lực, phải chăng các nền tảng này đã mặc nhiên nhìn nhận trách nhiệm và nghĩa vụ của họ ? Như vậy "tín điều" dựa vào Điều 230 Luật viễn thông Hoa Kỳ đã sụp đổ.
Tại sao các mạng này không ngăn chặn các "fake news" và lời kêu gọi trước đó dẫn đến vụ xâm nhập điện Capitol ? Dù đúng hay sai, liệu quyết định khóa miệng một tổng thống đương nhiệm có thể được đưa ra bởi một công ty mà không có sự kiểm soát theo luật pháp và một cách dân chủ ? Một tổng giám đốc có thể gỡ bỏ loa phóng thanh của người đứng đầu nước Mỹ, mà không có một dạng đối trọng nào, khiến người ta hết sức lo ngại.
Châu Âu là châu lục đầu tiên đưa Quy định về dịch vụ số (DSA) và Quy định về thị trường số (DMA) vào tháng 12 vừa qua, dựa trên nguyên tắc đơn giản : những gì bất hợp pháp ở ngoài đời cũng phải được đánh giá tương tự trên mạng. Nhưng thách thức kỹ thuật số là toàn cầu. Theo ủy viên Châu Âu, cần phải đưa ra các quy định và tổ chức không gian thông tin với các quyền lợi, nghĩa vụ và cam kết cụ thể. Đó là vấn đề chủ chốt của các nền dân chủ trong thế kỷ 21.
Thụy My
Biểu tình Hong Kong : Twitter và Facebook xóa tài khoản Trung Quốc (BBC, 20/08/2019)
Twitter và Facebook đã thực hiện chặn các tài khoản mà họ cho là thuộc một chiến dịch truyền thông sai lệch do Trung Quốc hậu thuẫn.
Twitter cho biết họ đã xóa 936 tài khoản "đang được sử dụng để gieo rắc bất hòa chính trị ở Hong Kong" (ảnh minh họa)
Twitter nói các tài khoản này có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm làm suy yếu tính hợp pháp và các vị thế chính trị của phong trào biểu tình Hong Kong.
Facebook cho biết đã xóa "bảy trang, ba nhóm và năm tài khoản Facebook".
"Họ thường đăng bài về các tin tức chính trị địa phương và các chủ đề như biểu tình Hong Kong", ông Nathaniel Gle Rich, người phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, cho hay.
"Mặc dù những người đứng sau hoạt động này cố gắng che giấu danh tính, cuộc điều tra của chúng tôi đã tìm thấy các liên kết liên quan đến chính phủ Trung Quốc".
Ngoài 936 tài khoản cụ thể, Twitter cho biết có tới 200.000 tài khoản khác được thiết kế để khuếch đại thông tin sai lệch. Các tài khoản này đã bị chặn trước khi kịp 'hoạt động một cách tích cực'.
"Dựa trên các cuộc điều tra chuyên sâu của chúng tôi", Facebook cho hay trong một thông cáo, "chúng tôi có bằng chứng đáng tin cậy rằng đây là một hoạt động được nhà nước hậu thuẫn".
"Cụ thể, chúng tôi đã xác định số lượng lớn các tài khoản hoạt động theo cách phối hợp để khuếch đại các thông điệp liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong".
Facebook nói thêm : "Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác, nghiên cứu mạng lưới này và chủ động thực thi các chính sách của mình".
Động thái này được đưa ra sau khi Twitter bị chỉ trích dữ dội vào cuối tuần qua vì cho phép hãng tin Xinhua của Trung Quốc mua các bài quảng cáo trên trang này. Twitter cho biết vào thứ Hai 17/8 rằng sẽ không cho phép quảng cáo như vậy nữa.
"Từ nay về sau, chúng tôi sẽ không chấp nhận quảng cáo từ các cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát".
Tuy nhiên, Twitter cho biết chính sách mới này không áp dụng "đối với các cơ quan có đóng thuế, bao gồm cả các đài truyền hình độc lập".
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong diễn ra như thế nào ?
Người biểu tình Hong Kong đụng độ với cảnh sát
Hàng ngàn người Hong Kong đã biểu tình kể từ tháng Ba để phản đối một dự luật của chính phủ cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục.
Những người chỉ trích dự luật cho rằng nó sẽ làm suy yếu nền tư pháp độc lập của Hong Kong và có thể được sử dụng để nhắm vào những người lên tiếng chống lại chính phủ Trung Quốc.
Dự luật đã bị đình chỉ vào tháng Sáu sau một loạt các cuộc biểu tình lớn. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và hiện đã biến thành một phong trào lớn hơn đòi hỏi cải cách dân chủ và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát trong các cuộc biểu tình.
Tuần trước, hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào sân bay Hong Kong, dẫn đến đụng độ với cảnh sát và khiến trăm chuyến bay bị hủy.
Các nhà tổ chức cho biết 1,7 triệu người đã xuống đường biểu tình ôn hòa hôm Chủ nhật 18/8. Nhưng cảnh sát đưa ra con số thấp hơn nhiều ở mức 128.000.
Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng sau tình trạng bất ổn ở sân bay, lên án đó là "hành vi gần như khủng bố".
*****************
Biểu tình Hong Kong : Facebook, Twitter phát hiện sự can dự do nhà nước TQ hậu thuẫn (VOA, 20/08/2019)
Mạng xã hội Twitter và Facebook ngày 19/8 loan báo đã tháo dỡ một chiến dịch thông tin do nhà nước hậu thuẫn bắt nguồn từ Trung Quốc hầu tìm cách gây phương hại các cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Biểu tình đòi dân chủ và cải cách chính trị tại Hong Kong ngày 18/8/19.
Twitter cho hay đã đình chỉ 936 tài khoản và rằng chiến dịch này dường nhưlà một nỗ lực có phối hợp được nhà nước hỗ trợ xuất phát từ Trung Quốc.
Facebook cho biết đã hủy các tài khoản và các trang mạng từ một mạng lưới nhỏ mà qua điều tra công ty phát hiện các đường dẫn tới những cá nhân có liên hệ tới chính phủ Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong, một trong những thách thức lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012, khởi sự từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi can sang Trung Quốc xét xử. Từ tháng 6 tới nay, các cuộc xuống đường của người dân Hong Kong đã chuyển thành những lời kêu gọi dân chủ rộng lớn hơn.
Twitter nói các tài khoản bị họ khống chế gây phương hại tới tính chính đáng và quan điểm chính trị của phong trào biểu tình ở Hong Kong.
Trong một thông báo khác, công ty truyền thông xã hội này cho biết họ đang cập nhật chính sách quảng cáo trên trang Twitter và từ nay sẽ không chấp nhận các quảng cáo từ các cơ quan truyền thông nhà nước.
**********************
Trung Quốc lên kế hoạch phát triển Thâm Quyến "vượt xa" Hồng Kông (RFI, 19/08/2019)
Chính quyền Bắc Kinh hôm 18/08/2019, công bố bản kế hoạch phát triển Thâm Quyến vượt tầm Hồng Kông, đồng thời kêu gọi Hồng Kông và Macao sáp nhập, nếu không sẽ "tụt hậu", trong bối cảnh cuộc biểu tình tại Hồng Kông diễn ra liên tục 11 tuần qua.
Container tại cảng Diêm Điền (Yantian), Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 04/07/2019) Reuters/Stringer
Theo AFP, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thành phố Thâm Quyến lên mức hàng đầu thế giới vào năm 2025. Bản kế hoạch, tuy không có chi tiết cụ thể, cũng bao gồm ý định sáp nhập Hồng Kông và Macao vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Tờ Global Times hôm nay, 19/08/2019, trích dẫn giới chuyên gia, nhận định rằng Hồng Kông nếu không chộp lấy cơ hội phát triển cùng Thâm Quyến, sẽ vấp phải nhiều hạn chế trong tương lai và sẽ bị tụt hậu.
Ngoài ra, theo kế hoạch nói trên, những người Hồng Kông và Macao sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến sẽ được cấp quyền cư trú, đồng thời mở rộng các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các thành phố. Bản kế hoạch cũng tiết lộ chính sách "mở cửa", tạo điều kiện cho những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Trung Quốc mở công ty công nghệ cao. Đây được cho là biện pháp giúp Thâm Quyến trực tiếp cạnh tranh với Hồng Kông để trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ chính sách xây dựng một khu "Vịnh Lớn" với tâm điểm là thành phố Thâm Quyến, qua đó thiết lập một khu kinh tế giữa Hồng Kông, Macao, và tỉnh Quảng Đông.
Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa hôm qua, 18/08/2019, cảnh cáo Canada "nên cẩn thận với từ ngữ và hành động" của mình. Trước đó một ngày, chính quyền Ottawa và Liên Hiệp Châu Âu đưa thông cáo chung khẳng định người Hông Kông hoàn toàn có quyền biểu tình một cách ôn hòa.
Bắc Kinh hôm nay, 19/08/2019, cũng lên giọng với Đài Bắc vì chính quyền hòn đảo này đứng về phía người biểu tình ở Hồng Kông. Tuy không có cơ chế luật pháp chính thức để nhận người tị nạn chính trị, tổng thống Đài Loan tháng trước đã đề nghị giúp đỡ những người tị nạn chính trị từ Trung Quốc. Hôm nay, phát ngôn viên của Văn phòng Các Vấn Đề Đài Loan Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) yêu cầu chính quyền Đài Loan dừng can thiệp vào Hồng Kông và không dung túng cho người biểu tình Hồng Kông mà Trung Quốc cho là những kẻ phạm pháp.
Gia Hưng