Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ không vào Việt Nam ? (CaliToday, 08/04/2018)

Tròn một tháng sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nhiều người tạm thở phào khi vẫn chưa thấy bóng dáng của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ở Việt Nam.

dailoan3

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh : VOA

Có hy vọng về một sự nhúc nhích trong quan điểm "đu dây" của giới chóp bu Hà Nội. Do quá sợ Trung Quốc.

Bởi nếu căn cứ theo truyền thống "đón tàu Mỹ trước, đón tàu Trung sau" thì sớm là nửa tuần, thông thường là một tuần và chậm là 2-3 tuần lễ sau sự hiện diện của USS Carl Vinson, Liêu Ninh phải được đón tiếp với đầy đủ lệ bộ ở cảng Đà Nẵng hoặc cảng Cam Ranh.

Dẫn chứng gần nhất về "đón tàu Mỹ trước, đón tàu Trung sau" là vào tháng Mười năm 2016, chỉ ít ngày sau khi hai tàu chiến Hoa Kỳ lần đầu trở lại Cam Ranh sau nhiều thập kỷ, hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc cũng tới cảng chiến lược này của Việt Nam.

Một số nguồn tin cho biết trong vài năm qua, phía Trung Quốc đã liên tục gợi ý với Việt Nam để tàu sân bay Trung Quốc, cụ thể là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, được chào đón ở Việt Nam. Cũng có tin cho biết Hà Nội đã cân nhắc cơ chế đón tiếp cả hai hàng không mẫu hạm của Trung Quốc và Hoa Kỳ theo truyền thống "Trung trước, Mỹ sau". Tuy nhiên sau vụ hải quân Trung Quốc gây sức ép ở quần đảo Trường Sa và Bãi Tư Chính khiến Việt Nam phải muối mặt yêu cầu Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – câm lặng rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực mà luôn được Bộ ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam", Tổng bí thư Trọng cùng Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch và một số ủy viên bộ chính trị có vẻ đã thất vọng sâu sắc trước tham vọng "được đằng chân lân đằng đầu" của Bắc Kinh, mà từ đó đã dẫn tới quyết định cử tướng Lịch cấp tốc sang Mỹ vào tháng Bảy năm 2018 để cầu viện, cùng một chút chuyển đổi tư thế "dựa Mỹ đối Trung" của Việt Nam.

Vào năm 2017, khoảng gần 2 tháng sau khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính lần đầu tiên, một viên tướng Trung Quốc là Phạm Trường Long – Phó chủ tịch Quân ủy trung ương – đã đến Hà Nội. Khi đó, tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ là Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam -Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý). Những lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại bị vạch chủ quyền hình "Lưỡi Bò" của Trung Quốc vắt chéo qua. Nhưng sau khi bị giới chóp bu Việt Nam phản đối, tướng Phạm Trường Long đã bỏ về thẳng mà không ở lại dự "giao lưu quân đội Việt – Trung".

Còn vào năm 2018, khi nổ ra "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần thứ hai, không phải Phạm Trường Long mà chính là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh – được hàng chục tàu chiến hộ vệ – đã lừ lừ tiến vào Biển Đông để tập trận như một sự răn đe đối với Việt Nam. Hành động này cũng như muốn phát đi thông điệp rằng Trung Quốc không ngán Mỹ và cái bóng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở Đà Nẵng chẳng là gì cả.

Nếu hàng không mẫu hạm Liêu Ninh không vào Việt Nam ngay trong tháng Tư năm 2018, và cũng không trong các tháng sau đó, thì sao?

Khi đó, bắt đầu có thể tin rằng giới chóp bu Việt Nam đã phần nào thoát khỏi trạng thái "đu dây" dễ té lộn ngược, để nhìn lại vài phát ngôn ẩn ý về "tàu Mỹ đi qua Biển Đông vô hại" của Bộ ngoại giao Việt Nam từ đầu năm 2016 đến nay, cùng việc giới quân sự Việt Nam đã âm thầm đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa từ giữa năm 2016 để đối phó với việc Trung Quốc bố trí tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Và gần đây nhất, có vẻ Việt Nam đang cố gắng "dựa Mỹ" để bảo vệ chủ quyền khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Đà Nẵng – mỏ dầu khí có trữ lượng lớn nhất ở Việt Nam mà hứa hẹn sẽ đổ vào nền ngân sách đang mau chóng cạn kiệt đến 20 tỷ USD, nếu việc hợp tác với hãng dầu khí Mỹ Exxonmobil không bị "người đồng chí tốt" Trung Quốc cấm đoán và đe dọa tấn công.

Nhưng cho dù thoát được Liêu Ninh, giới chóp bu Việt Nam vẫn phải đối mặt với một nguy cơ mới: Tối hậu thư từ Vương Nghị.

Chuyến đi Hà Nội của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị diễn ra vào cuối tháng Ba năm 2018, chỉ khoảng một tuần sau "nỗi nhục Bãi tư Chính lần 2".

Vương Nghị đã nói trắng ra: "Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển".

Kết hợp với những tin tức trong vòng một năm qua về "hợp tác hàng hải" giữa Việt Nam và Trung Quốc, bản chất của những va chạm giữa hai chế độ "anh em" này chỉ là dầu khí và quyền được khai thác dầu khí.

Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng Việt Nam cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận "hợp tác cùng khai thác dầu khí" với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của "Hoàng đế Tập Cận Bình".

Thiền Lâm

************

Mỹ đồng ý bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan (RFI, 08/04/2018)

Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận, Bộ ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn giấy phép bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan, qua đó bật đèn xanh cho giới công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ giúp Đài Bắc tự chế tạo tàu ngầm. Chính quyền Đài Bắc vào hôm nay, 08/04/2018 đã lên tiếng hoan nghênh một quyết định sẽ cho phép Đài Loan xây dựng được một hạm đội có sức chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

dailoan1

Cờ Mỹ và Đài Loan được thấy tại Nghị Viện Đài Loan (Đài Bắc) ngày 27/03/2018. ReutersTyrone Siu

Phủ tổng thống Đài Loan đã chuyển ngay thông điệp hết sức biết ơn tới Washington về việc phê duyệt giấy phép.

Trong một tuyên bố công bố hôm nay, văn phòng của bà Thái Anh Văn ghi nhận : "Quyết định của chính phủ Hoa Kỳ sẽ không chỉ giúp Đài Loan nâng cao năng lực phòng thủ, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho an ninh và ổn định trong khu vực".

Trả lời hãng tin Pháp AFP, tướng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi), phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan, cho rằng quyết định của Mỹ là một "bước đột phá" trong cả một tiến trình mà Đài Loan sẽ "từng bước thực hiện".

Phát ngôn viên Đài Loan không cho biết thêm chi tiết, nhưng theo AFP, từ năm ngoái, vào lúc quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc, Đài Loan đã đề ra một kế hoạch tự đóng tàu ngầm sau khi thấy rằng không thể mua được tàu ngầm đóng sẵn từ Mỹ.

Đài Loan đã tìm mua công nghệ chế tạo tàu ngầm của các tập đoàn vũ khí Mỹ, nhưng thương vụ này cần phải được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phê duyệt, điều vừa được thực hiện.

Đối với AFP, quyết định của Mỹ rất có thể là sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, vì Trung Quốc luôn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và không loại trừ việc dùng võ lực để sát nhập.

Về phía Mỹ, việc cho phép chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan được đưa ra chỉ một tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật mới về Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao Hoa Kỳ sang thăm Đài Loan. Trung Quốc đã phản đối động thái đó, đòi Mỹ cắt đứt các trao đổi chính thức với Đài Loan để tránh "gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ".

Đài Bắc từ lâu vất vả tìm mua thiết kế tầu ngầm mà không được. Tháng 4 năm 2001, tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush đã phê chuẩn việc bán 8 tàu ​​ngầm quy ước cho Đài Loan, nhưng hồ sơ không hề tiến triển, buộc Đài Loan phải nghĩ đến việc tự chế tạo.

Phải nói là từ hơn 40 năm nay, Mỹ đã không còn đóng tàu ngầm thông thường, Đài Loan cũng từng muốn mua thiết kế tàu ngầm của Đức và Tây Ban Nha, nhưng không thành công vì hai nước đó từ chối để khỏi đụng chạm Trung Quốc.

Hải quân Đài Loan hiện đang điều hành một đội tàu ngầm gồm 4 chiếc, đều mua từ nước ngoài, nhưng chỉ có hai trong số này là có năng lực tác chiến, hai chiếc còn lại thuộc loại được Mỹ sản xuất từ những năm 1940, và chỉ được dùng để huấn luyện vì đã quá cũ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, thì phải chờ thêm 10 năm nữa thì Đài Loan mới có được chiếc tàu ngầm tự chế tạo đầu tiên.

Tư lệnh Mỹ : Biển Châu Á quan trọng với Mỹ

Động thái hỗ trợ Đài Loan cũng được Mỹ thể hiện cùng lúc với việc Hải quân Hoa Kỳ cho hải đội tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông, cùng thao diễn trong hai ngày 06-07/04 với Hải quân Singapore ở khu vực phía nam.

Phát biểu vào hôm qua, 07/08 với một số nhà báo trên tàu sân bay Theodore Roosevelt, chuẩn đô đốc Steve Koehler, tư lệnh Hải đội Tác chiến Tàu sân bay số 9 của Hải quân Mỹ, đã khẳng định rằng hoạt động của Hoa Kỳ trên Biển Đông hay bất kỳ nơi nào trong vùng biển quốc tế, đều nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do thương mại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tư lệnh Mỹ không nói cụ thể đến các căng thẳng ở Biển Đông, nhưng cho rằng sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng để gởi đi thông điệp theo đó các "vùng biển chung" phải được rộng mở cho thương mại tự do.

Trọng Nghĩa

**************

Mỹ thách thức Trung Quốc, bán tàu ngầm nguyên tử cho Đài Loan (CaliToday, 08/04/2018)

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chấp thuận giấy phép cần thiết cho các công ty Mỹ bán Đài Loan công kỷ nghệ cần thiết để chế tạo tàu tạo ngầm cho riêng mình, trong khi Tổng thống Trump tiếp tục cuộc chiến thương mại rõ ràng với Trung Quốc.

dailoan2

Đài Loan đã tuyên bố một năm trước rằng họ đã dự định kế hoạch trang bị 8 tàu ngầm mới - Photo Credit: Getty

Theo Reuters, Cơ quan Thông tấn trung ương Đài Loan thông báo về sự chấp thuận này, Bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á Chen Chung-Chi đã xác nhận.

Một viên chức của Bộ ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng chính sách đối với thương mại quốc phòng Mỹ-Đài Loan "đồng thuận" với các chính quyền trước đây.

"Chính sách lâu dài của chúng tôi về việc bán hàng quốc phòng cho Đài Loan đã thỏa thuận trên 7 chính quyền Mỹ khác nhau", viên chức nói. "Chính sách này đã góp phần vào an ninh của Đài Loan và cũng hỗ trợ duy trì hòa bình và ổn định eo biển Đài Loan."

Đài Loan đã tuyên bố một năm trước rằng họ đã dự định kế hoạch trang bị 8 tàu ngầm mới ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để gặp Tổng thống Trump ở Florida lần đầu tiên.

Chính sách của chính phủ Hoa Kỳ về cơ bản là giúp Đài Loan có được kỷ thuật phòng thủ trước khi Tổng thống Trump đưa ra mức thuế nặng đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la.

Tổng thống nói rằng ông không khởi động một cuộc chiến thương mại tuy nhiên Hoa Kỳ đã bị thiệt hại bởi các quyết định không cân bằng của chính quyền trong quá khứ.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống nhắc lại lập trường của ông.

"Hoa Kỳ đã không có thặng dư thương mại với Trung Quốc trong vòng 40 năm. Họ phải chấm dứt thương mại không lành mạnh, gỡ bỏ các rào cản và chỉ áp dụng các biểu thuế đối ứng. Mỹ đang mất 500 tỷ đô la một năm, và đã mất đi hàng tỷ đô la trong nhiều thập niên. Không thể tiếp tục !, "Tổng thống Trump tweeted.

Sau khi đưa ra mức thuế trị giá 50 tỷ USD áp đặt lên Trung Quốc, Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ Năm rằng ông đang cân nhắc một biện pháp khác có thể đưa thêm 100 tỷ USD vào thuế quan đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Gao Feng đáp lại bằng cách tuyên bố hôm thứ Sáu rằng quốc gia của ông "đã chuẩn bị để phản công mạnh mẽ" nếu Hoa Kỳ muốn tiếp tục với thuế quan.

Giấy phép cung cấp thiết bị tàu ngầm nguyên tử cho Đài Loan có thể càng làm trầm trọng thêm mối lo ngại của Trung Quốc. Đài Loan từ lâu đã tuyên bố là một quốc gia độc lập độc lập với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã tuyên bố hòn đảo này là một phần của đại lục kể từ cuộc nội chiến năm 1949.

Tổng thống Trump bày tỏ mối lo ngại về mối quan hệ Trung Quốc-Đài Loan khi ông nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với nữ Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan. Theo báo The Washington Post, lời kêu gọi này thực ra là một kế hoạch được các cố vấn của ông Trump tạo ra trong một giai đoạn khó khăn mà Tổng thống Trump đã đưa ra chống lại Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử.

Ngọc Thạch

(theo Yahoo News)

Published in Châu Á