Giới đại gia Hàn Quốc trong "tầm nhắm" của tân tổng thống Moon Jea-in (RFI, 11/05/2017)
Kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay của hơn một chục đại tập đoàn chaebol mà một số là "đế chế gia đình". Ít nhất bốn đại gia Hyundai, Samsung, SK và LG bị tân tổng thống Moon Jea-in buộc phải sang trang thời kỳ móc ngoặc giữa kinh doanh và chính trị, một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế hạng tư Châu Á.
Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (G), được đưa từ nhà tù đến trình diện tòa tại Seoul ngày 11/05/2017. JUNG Yeon-Je / AFP
Sau cuộc chiến 1950-1953, Hàn Quốc nhanh chóng xóa bỏ hậu quả chiến tranh, từ một nước nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp ngay từ thập niên 1970. Chiếc đũa thần kinh tế này chính là vai trò then chốt của những tập đoàn công kỹ nghệ như Hyundai, Samsung.
Các doanh nghiệp này tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Chỉ riêng tập đoàn Samsung đem lại 25% tổng thu nhập quốc gia GDP, bao trùm nhiều lãnh vực từ TV, Smartphone, chip điện tử cho đến thời trang và khách sạn sang trọng.
Vấn đề là các tập đoàn này có ảnh hưởng mạnh và lũng đoạn giới cầm quyền. Theo AFP, họ bị tố cáo sử dụng sức mạnh tiền bạc và quan hệ chính trị để ngăn chận mọi chính sách canh tân và đa dạng hóa kinh tế từ 25 năm nay. Vụ tai tiếng lớn nhất, nổ ra trong năm nay, đã gây chấn động bộ máy Nhà nước mà hệ quả là nữ tổng thống Park Geun-hye bị truất phế và bị tống giam ở hai phần ba nhiệm kỳ.
Từ thời Kim Dae-jung, tổng thống cánh tả đầu tiên, 1998-2003, Hàn Quốc đã cố gắng trong sạch hóa chế độ và chấm dứt tình trạng móc ngoặc giữa các đại tập đoàn và chính giới, tạo cơ hội cho một thế hệ chuyên gia quản trị xí nghiệp chuyên nghiệp vươn lên thay thế lớp già. Trong số 30 chaebol, Hyundai và Daewoo cùng với 14 tập đoàn chấp nhận đổi chủ. Tuy nhiên, nhiều gia đình thừa kế vẫn tiếp tục chi phối ban quản trị qua một hệ thống chân rết băng đảng tinh vi.
Một tổng thống cánh tả khác, tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Tư, 10/05/2017, tức khắc bắt tay vào việc chặt chân rết, gây sức ép lên bốn đại gia : Hyundai, Samsung, SK và LG. Theo tổng thống Moon Jea-in, sở dĩ bốn tập đoàn này chống lại cải cách vì các chính quyền tiền nhiệm, thuộc đảng Dân Chủ cánh tả cho đến bà Park Geun-hye, đã thiếu nhiệt tâm và tích cực.
Ngay cố tổng thống Kim Dae-jung, Nobel Hòa bình 2002, đã bị tố cáo, qua trung gian của Hyundai, "lót tay" chế độ Bình Nhưỡng 400 triệu đôla, để gặp lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-il vào năm 2000.
Một trong những nhân vật phải trả giá cho vụ tai tiếng "nữ quân sư" Choi Soon-sil là ông Lee Jae-yong, thừa kế tập đoàn Samsung phải ngồi tù, kéo theo chiếc ghế tổng thống của bà Park Geun-hye.
Liệu tổng thống mới, với lời hứa đem lại tính minh bạch trong cách điều hành xí nghiệp, chặt đứt lề thói cha truyền con nối, sẽ thành công ? Thứ Năm 11/05/2017, một ngày sau khi tân tổng thống tuyên thệ, nhiều chaebol thuê trang quảng cáo trên báo để chào mừng ông Moon Jea-in. Trang dành cho Samsung đăng ảnh một bé gái tươi cười với hàng chữ : Hy vọng một tương lai tươi sáng bắt đầu.
Theo AFP, giới phân tích khá lạc quan, đưa ra hai lý do thuận lợi : một là tại Hàn Quốc, lòng dân với mong muốn cải cách thành công, nên bầu ông Moon Jea-in. Thứ hai, tổng thống mới có đa số tại Quốc Hội.
Trong số những biện pháp đề ra là lập đội cảnh sát theo dõi đạo đức nghề nghiệp tránh cảnh cá lớn nuốt cá bé, giới hạn thẩm quyền ân xá đối với tội phạm kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia như giáo sư Robert Kelly, đại học Busan, dè chừng một số cản lực. Thứ nhất, mọi biện pháp trừng phạt các chaebol có thể tác hại lây đến công ăn việc làm và kinh tế. Thứ hai, các đại tập đoàn công nghiệp đã bắt rễ vào "hệ thống" và được đông đảo dân Hàn Quốc ngưỡng mộ. Samsung, Hyundai, Posco… không chỉ là công ty, mà còn là "các nhà vô địch", niềm tự hào của quốc gia.
Tú Anh
******************
Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mục tiêu chung của Tập Cận Bình và Moon Jae-in (RFI, 11/05/2017)
Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay 11/05/2017 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc khẳng định với báo chí là hai nhà lãnh đạo đặt mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại dinh tổng thống Nhà Xanh, Seoul, ngày 11/05/2017 - Blue House/Yonhap via REUTERS
Cuộc điện đàm của tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong những tháng qua do Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ.
Tổng thống Moon Jae-in - vốn là người khá dè dặt trong việc triển khai lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc - đã nói với Tập Cận Bình là ông "ý thức" được những lo ngại của Trung Quốc và đề nghị có thêm thảo luận song phương để có thể hiểu thêm về hồ sơ trên.
AFP trích lời phát ngôn viên của tân tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm 40 phút, tân tổng thống Moon Jae-in cũng đề xuất cử đoàn đại biểu tới Bắc Kinh để thảo luận về lá chắn tên lửa THAAD và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Còn chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức mời đồng nhiệm Hàn Quốc sang thăm Bắc Kinh.
Thùy Dương
**********************
Hàn Quốc gửi đặc sứ tới Trung Quốc bàn về Bắc Hàn và lá chắn THAAD ? (VOA, 11/05/2017)
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Năm cho biết ông dự định cử một phái đoàn sang Bắc Kinh để thảo luận về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên và quan ngại của Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 11/5/2017.
Lãnh đạo 2 nước điện đàm một ngày sau khi ông Moon tuyên thệ nhậm chức, thay thế tổng thống bị phế truất Park Geun-hye.
Người phát ngôn của ông Moon cho biết lãnh đạo Hàn Quốc và Trung Quốc đồng ý về "mục tiêu chung" của nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và nói thêm rằng ông Moon hiểu được mối lo ngại của Trung Quốc về hệ thống phòng thủ phi đạn của Mỹ, còn gọi là THAAD.
Hàn Quốc đã hợp tác với Hoa Kỳ để phát triển hệ thống THAAD nhằm giúp phòng vệ miền Nam nếu Bắc Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công tên lửa. Phần thứ nhất của hệ thống THAAD đã bắt đầu đi vào hoạt động hồi đầu tháng này, và dự kiến toàn bộ hệ thống sẽ được lắp đặt trước cuối năm nay.
Trung Quốc xem THAAD là mối đe dọa và là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực. Trung Quốc áp dụng hạn chế về du lịch và nhập khẩu như biện pháp để trả đũa Hàn Quốc.
Tại lễ nhậm chức hôm thứ Tư, ông Moon tuyên bố ông sẵn sàng lãnh đạo một nỗ lực ngoại giao quốc tế quan trọng để tìm một giải pháp hòa bình cho tình hình an ninh đang căng thẳng.
Ông Moon nói :
"Nếu cần thiết, tôi sẽ bay tới Washington. Tôi sẽ tới Bắc Kinh và Tokyo. Và nếu một số điều kiện được thỏa đáng, tôi sẽ đi Bình Nhưỡng để tạo dựng hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được".
Ông Moon muốn tăng cường đối thoại và mời gọi Bắc Triều Tiên tham gia, trong khi cùng lúc duy trì áp lực và các biện pháp trừng phạt để khuyến khích Bình Nhưỡng thay đổi. Quan điểm này của ông Moon mâu thuẫn với quan điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, giữa lúc ông Trump tìm cách tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng bằng biện pháp tiếp tục cô lập và áp dụng lệnh trừng phạt.
Trao đổi với VOA, nhà phân tích Troy Stangarone thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc dẫn lời ông Moon nói rằng ông chỉ thương lượng với Bắc Triều Tiên sau khi đã tham khảo ý kiến của Hoa Kỳ.
Ông Stangarone nói :
"Tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ cũng muốn lắng nghe những gì ông ấy nghĩ, và các ý kiến đó có khả thi không, và làm thế nào cho ý kiến đó phù hợp với chính sách của Mỹ, là tăng áp lực tối đa và cũng cố gắng tối đa để kêu gọi Bắc Hàn hợp tác".
Nhà phân tích Stangarone nói bất kể ông Moon có những kế hoạch nào về mặt đối ngoại, tình hình kinh tế ở Hàn Quốc và sự kiện ông được bầu sau khi một Tổng thống bị luận tội, có nghĩa là các vấn đề quốc nội sẽ kiềm hãm những gì mà ông Moon muốn thực hiện.
***********************
Tân tổng thống Hàn Quốc sẵn sàng thăm Bắc Triều Tiên (RFI, 10/05/2017)
Tân tổng thống cấp tiến Hàn Quốc Moon Jae-in của đảng Dân Chủ vừa tuyên thệ hôm nay 10/05/2017, trong bài diễn văn nhậm chức đã cho biết sẵn sàng đến Bình Nhưỡng để đối thoại. Thái độ cởi mở với Bắc Triều Tiên cho thấy việc ông Moon lên nắm quyền là một bước ngoặt ngoại giao trong khu vực.
Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo tại phủ tổng thống, Seoul, ngày 10/05/2017-REUTERS
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết :
"Không phải chờ đợi lâu : vừa mới đắc cử, ông Moon Jae-in đã tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nếu hoàn cảnh cho phép. Ông cũng nói sẽ bay sang Washington, Bắc Kinh và Tokyo nếu cần.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in đã nhắc đi nhắc lại là ông muốn tái lập đối thoại với Bình Nhưỡng, cũng như các dự án hợp tác kinh tế chung đã trở thành con số không sau 10 năm phe bảo thủ cầm quyền tại Seoul.
Về điểm này, ông Moon có thể xung đột với Hoa Kỳ, vốn đòi hỏi tăng cường chính sách trừng phạt. Vấn đề gai góc là việc bố trí hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc cũng có thể gây căng thẳng.
Nhưng dù sao đi nữa Moon Jea-in vẫn có thể tìm được một điểm chung với Donald Trump : tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố sẽ "hân hạnh" gặp Kim Jong-un "nếu các điều kiện được hội đủ". Tân tổng thống Hàn Quốc đã trả lời rằng ông hoan nghênh "cách tiếp cận thực dụng này" để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân".
Tổng thống tân cử đã bổ nhiệm Lee Nak-yon, nguyên là nhà báo và cựu dân biểu vào chức vụ thủ tướng. Tân giám đốc cơ quan tình báo là Suh Hoon, người từng đóng vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. Theo hãng tin Yonhap, ông Moon Jae-in sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay.
Về đối nội, ông Moon phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trước hết là hậu quả của xì-căng-đan tham nhũng đã khiến người tiền nhiệm là nữ tổng thống bảo thủ Park Geun-hye bị truất phế. Vụ này đã đưa ra ánh sáng quan hệ mờ ám giữa chính quyền và các đại tập đoàn đang thống trị nền kinh tế thứ tư Châu Á. Trong bài diễn văn hôm nay, ông Moon Jae-in có nhắc đến chủ đề này và hứa hẹn một xã hội "bình đẳng về cơ hội". Ông cũng hứa : "Tôi lên cầm quyền với bàn tay trắng, và tôi cũng sẽ ra đi với đôi bàn tay trắng".
Moon Jae-in : Từ đấu tranh vì dân chủ đến tổng thống Hàn Quốc
Ứng cử viên trung tả, Đảng Dân Chủ, Moon Jae-in đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 09/05/2017, với 41,4% phiếu. Chiến thắng của cựu luật sư nhân quyền, người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng, đã chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của đảng bảo thủ.
Cuộc đời của tổng thống tân cử Hàn Quốc gắn liền với biến động của lịch sử đất nước. Ông Moon Jae-in sinh năm 1953, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, nhưng không có hòa bình bởi đó là điểm khởi đầu đất nước bị chia cắt hai miền Nam–Bắc.
Ông là con cả trong một gia đình có 5 người con, từ miền Bắc chạy vào Nam lánh nạn chiến tranh từ năm 1950. Cả gia đình cuối cùng đến định cư tại Busan, thành phố cảng lớn ở phía đông nam đất nước. Sống trong một gia đình nghèo, cũng bị chịu những nỗi đau ly tán như bao gia đình Triều Tiên khác, ông Moon luôn mơ ước một ngày bán đảo Triều Tiên được thống nhất.
Sự nghiệp của ông Moon cũng đã qua những bước thăng trầm. Từng là luật sư bảo vệ nhân quyền, rồi trở thành nhà đấu tranh vì dân chủ.
Năm 1972, bước chân vào trường Đại học Kyung Hee, Seoul, được 3 năm, Moon Jae-in đã bị bắt và bị đuổi khỏi trường vì tổ chức sinh viên biểu tình chống chế độ độc tài Park Chung-hee, cha của cựu tổng thống Park Geun-hye vừa bị phế truất.
Được tự do, ông lại lao vào đấu tranh chống lại vụ đảo chính Chun Doo-hwan năm 1979 để rồi một lần nữa lại bị ngồi tù năm 1980.
Hai năm sau đó, ông thi đỗ làm luật sư và mở văn phòng luật tại Busan, chuyên về nhân quyền và luật dân sự. Ông chỉ thực sự bước chân vào con đường chính trị từ năm 2003, khi được bổ nhiệm làm chánh văn phòng cho cựu tổng thống Roh Moo-hyun. Năm năm sau, phe bảo thủ lên nắm quyền với tổng thống Lee Muyng-bak. Moon Jae-in chỉ trở lại chính trường vào năm 2012 với nhiệm kỳ dân biểu.
Cuối năm 2016, vụ "bê bối Choi Soon-sil" thao túng quyền lực tổng thống bung ra, đảng đối lập của ông đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi phế truất tổng thống Park Geun-hye. Sự phẫn nộ của dân chúng với chính quyền bảo thủ đã đưa Moon Jae-in lên lãnh đạo đất nước.
Mong ước của người dân muốn thay đổi toàn bộ diện mạo chính trị, kinh tế và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã được trao cho ông Moon Jae-in, một người vẫn được mô tả là thực dụng.
Thụy My