Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông có nữ đặc khu trưởng đầu tiên (RFA, 26/03/2017)

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tên tiếng Anh là Carrie Lam, được bầu làm đặc khu trưởng lãnh thổ Hồng Kông. Bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này.

hongkong1

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tên tiếng Anh là Carrie Lam, được bầu làm đặc khu trưởng lãnh thổ Hồng Kông

Bà Lâm năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, bà trải qua nhiều chức vụ trong lĩnh vực hành chính của đặc khu Hồng Kông, bà từng đảm trách cơ quan lo về phúc lợi xã hội của thành phố này.

Trong diễn văn thắng cử bà Lâm nói rằng Hồng Kông đang bị chia rẽ trầm trọng và nhiệm vụ sắp tới đây của bà sẽ là thống nhất mọi tầng lớp dân chúng tại đặc khu. Bà cũng hứa là sẽ đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho lãnh thổ này.

Đã có những cuộc biểu tình chống lại việc bà Lâm đắc cử, với những biểu ngữ tố cáo sự can thiệp của chính quyền trung ương Bắc Kinh vào chuyện chính trị Hồng Kông. Và cũng có những nhóm ủng hộ bà Lâm giương cao cờ đỏ của Trung Quốc trên đường phố.

Việc bầu chọn đặc khu trưởng Hồng Kông không theo phổ thông đầu phiếu mà được một ủy ban chọn lựa. Kết quả là bà Lâm được 777 phiếu, hơn hẳn đối thủ chính của bà là ông Tăng Tuấn Hoa được 365 phiếu.

Người ta nói ủy ban này là thân Trung Quốc cho nên họ sẽ chọn ứng cử viên nào gần với Bắc Kinh. Trong một số tầng lớp dân chúng Hồng Kông, nhất là giới trẻ có khuynh hướng chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh lên Hồng Kông. Vào năm 2014 đã xuất hiện những cuộc biểu tình lớn và kéo dài đòi bầu cử tự do của sinh viên Hồng Kông.

Xin được nhắc lại Hồng Kông được người Anh trả về cho Trung Quốc vào năm 1997, và cho đến nay lãnh thổ này được điều hành bởi một hệ thống gọi là một quốc gia hai chế độ, tức là đặc khu Hồng Kông có hiến pháp và một số luật lệ riêng. Nhưng ngày càng có nhiều quan ngại, nhất là từ giới trẻ cho rằng Bắc Kinh ngày càng xem vào chuyện nội trị của Hồng Kông, ví dụ như chuyện công an Hoa lục bắc cóc 5 người Hồng Kông làm nghề xuất bản đem sang lục địa vào năm ngoái.

*******************

Hồng Kông : Tân lãnh đạo là một phụ nữ thân Bắc Kinh (RFI, 26/03/2017)

hongkong2

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã được bầu làm trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông. (Ảnh chụp ngày 23/03/2017). REUTERS/Tyrone Siu

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), 59 tuổi, đắc cử trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông trong cuộc bỏ phiếu ngày 26/03/2017. Các thăm dò dư luận cho đến tận ngày bầu cử đều cho thấy đối thủ của bà dẫn đầu cuộc đua với hơn 30 điểm. Nhưng chung cuộc, bà Lâm được 777 trên tổng số 1.194 đại cử tri ủng hộ. Ứng viên về thứ nhì là ông Tăng Tuấn Hoa chỉ được 365 phiếu.

Theo giới quan sát, kết quả bầu cử Hồng Kông đúng như điều Bắc Kinh mong đợi. Thông tín viên đài RFI tại Hồng Kông, Florence de Changy phác họa chân dung bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga :

"Tân lãnh đạo Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, 59 tuổi đã từng bước vươn lên trong chính quyền mà bà đã bắt đầu tham gia từ năm 1980, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Hong Kong University. Khi đó bà mới 22 tuổi và trong những năm tháng còn là sinh viên, Nguyệt Nga từng tham gia một vài cuộc biểu tình. 

Từ đó tới nay, bà đã hoàn toàn vào khuôn phép. Bà từng được cử làm lãnh đạo cơ quan Xã Hội, rồi Phát Triển, trước khi được đề bạt làm nhân vật số 2 trong chính quyền mãn nhiệm của ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying).

Uy tín của bà đã sứt mẻ trong 5 năm vừa qua vì tham gia chính quyền của ông Lương Chấn Anh. Dù vậy, bà vẫn được công luận xem là một phụ nữ có năng lực : làm việc hiệu quả, quyêt tâm, kín đáo và rất giỏi giang. Thêm vào đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lại là một phụ nữ có tài hùng biện.

Về hình thức bề ngoài, bà để tóc ngắn, đeo kính và ăn mặc rất lịch sự, đúng với hình ảnh một phụ nữ nắm vững các hồ sơ.

Tân lãnh đạo Hồng Kông từng theo học ở các trường công giáo và bà luôn là một tín đồ ngoan đạo. Lập gia đình với một giáo sư toán, bà có hai con trai. Lớn lên tại Wan Chai, một trong những khu bình dân của Hồng Kông trong những năm 1960, bà Lâm đã trở thành một trong những nhân vật ưu tú trong xã hội, kiểm soát một phần lớn kinh tế Hồng Kông.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa hưởng một Hồng Kông đang bị chia rẽ và phẫn nộ, với xu hướng muốn Hồng Kông độc lập đối với Bắc Kinh tăng cao trong lúc nền kinh tế phần nào bị suy yếu. Tựu chung là tân lãnh đạo Hồng Kông sẽ phải đương đầu với những khó khăn trên mọi phương diện".

Theo hãng tin Úc Skynews, vào lúc gần 1.200 đại cử tri Hồng Kông bầu chọn tân trưởng đặc khu, ở bên ngoài phòng phiếu, hơn 200 người biểu tình vào sáng nay để đòi quyền bầu lãnh đạo Hồng Kông theo thể thức phổ thông đầu phiếu.

Trong số những người biểu tình, có đông đảo các gương mặt đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông thuộc phong trào học sinh, sinh viên, như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) hay dân biểu trẻ tuổi nhất trong Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông, La Quán Thông (Nathan Law).

Thanh Hà

*********************

Tân lãnh đạo Hong Kong muốn 'hàn gắn chia rẽ' (BBC, 26/03/2017)

hongkong3

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (hay Carrie Lam), 59 tuổi, là phụ nữ đầu tiên trở thành lãnh đạo của Hong Kong.

Người phụ nữ đầu tiên được bầu làm lãnh đạo Hong Kong tuyên bố sẽ hàn gắn những chia rẽ, trong bối cảnh đòi hỏi có thêm dân chủ và phản đối ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại đây.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (hay Carrie Lam), 59 tuổi, người được hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã được kỳ vọng rộng rãi là người giành chiến thắng.

Đặc khu trưởng Hong Kong không phải là người được lựa chọn bằng cuộc bỏ phiếu công khai mà bởi một ủy ban gồm 1.200 người, với đa số áp đảo là các cử tri thân Bắc Kinh.

Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng có một mức độ tự chủ từ Bắc Kinh.

Trong diễn văn nhận lời của mình, bà Lâm nói : "Hong Kong, ngôi nhà của chúng ta, đang bị chia rẽ nghiêm trọng và đã tích tụ rất nhiều thất vọng, ưu tiên của tôi là hàn gắn sự chia rẽ".

Phát biểu tại trung tâm hội nghị Hong Kong, bà nói bà hoan nghênh và khuyến khích các tiếng nói khác nhau và nguyện sẽ "khai thác sức mạnh của các thanh niên của chúng ta".

"Họ thường đi đầu trong xã hội, lôi kéo và thúc đẩy chúng ta như một khối để đạt được tiến bộ".

Bà Lâm cũng hứa sẽ giữ vững "giá trị cốt lõi" của Hong Kong như "hòa nhập, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tôn trọng nhân quyền" và pháp quyền.

'Bắc Kinh cử, Hong Kong bầu'

hongkong4

Bà Lâm thu được 777 phiếu bầu, trong khi các đối thủ, ông Tăng Tuấn Hoa nhận được 365 phiếu và ông Hồ Quốc Hưng được 21 phiếu.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến, đối thủ chính của bà Lâm, cựu giám đốc tài chính, ông Tăng Tuấn Hoa (hay John Tsang), là người được công chúng ưa thích.

Ứng cử viên thứ ba, và tự do nhất, là thẩm phán đã nghỉ hưu Hồ Quốc Hưng.

Bà Lâm thu được 777 phiếu bầu, ông Tăng được 365 phiếu và ông Hồ nhận được 21 phiếu.

Trong một dấu hiệu tiếp tục chia rẽ, các nhóm ủng hộ dân chủ đã tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài địa điểm bầu cử, gọi đây là 'một sự giả dối'.

Những lời kêu gọi bầu cử hoàn toàn tự do đã thất bại, mặc dù các cuộc biểu tình dữ dội, từng được gọi là "biểu tình dù" đã nổ ra vào năm 2014.

hongkong5

Giới chỉ trích và phản đối gọi cuộc 'bầu cử' là 'giả dối' và 'dân chủ giả hiệu' khi cho rằng đây là Bắc Kinh 'cử' và Hong Kông 'bầu'.

Ủy ban Bầu cử Hong Kong đã chọn bà Lâm để kế vị ông Lương Chấn Anh, nhà lãnh đạo được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn và sắp ra đi vào tháng Bảy. Bà từng là phó của ông Lương.

Bà Lâm, một công chức lâu năm, có biệt danh là "người giữ trẻ" do từng điều vận nhiều dự án của chính phủ.

Trong các cuộc biểu tình và phản đối năm 2014 do thanh niên đi đầu, bà Lâm không được công chúng ủng hộ, khi có lập trường bảo vệ những nhượng bộ của Bắc Kinh trước cải cách chính trị.

Các nhượng bộ này cho phép người dân Hong Kong chỉ được lựa chọn lãnh đạo của họ từ những ứng viên đã được Bắc Kinh phê duyệt trước.

Nhà hoạt động vì dân chủ Joshua Wong, người phản đối và là nhân vật lãnh đạo trong phong trào dù, đã gọi quá trình bầu cử là một sự "lựa chọn" trước, chứ không phải là một cuộc "bầu cử" tự do.

**********************

Hong Kong sẽ chọn Đặc khu trưởng theo ý Bắc Kinh (RFA, 24/03/2017)

hongkong6

Bà Carrie Lam, một ứng cử viên cho chức Đặc khu trưởng Hong Kong tại Diễn đàn Bầu cử ngày 19 tháng 3 năm 2017. AFP photo

Ứng viên được Bắc Kinh ưa thích chắc chắn sẽ được chọn vào chức vụ đặc khu trưởng Hong Kong trong cuộc bầu cử vào chủ Nhật tuần này.

Hãng Reuters đưa ra dự báo như vừa nêu cho biết Uỷ ban bầu cử gồm 1.200 người trong đó đa phần là người trung thành với Bắc Kinh sẽ bỏ phiếu cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Trong khi đó, cựu vụ trưởng Tài chính Tăng Tuấn Hoa (John Tsang), người được nhiều người dân Hồng Kông biết đến, được dự báo sẽ chỉ thắng khoảng ¼ tổng số phiếu bầu.

Nhiều người dân cho biết họ sẽ cảm thấy rất buồn và thất vọng nếu ông Tăng Tuấn Hoa không được lên làm lãnh đạo vì họ cho rằng ông này dù không phải người hoàn hảo nhưng sẽ có khả năng đại diện và đoàn kết người dân Hồng Kông.

Còn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vừa qua bị cáo buộc liên quan đến một vụ bê bối về kế hoạch sử dụng một phần khu đất trong một khu phố văn hóa để xây dựng một bảo tàng lưu giữ các hiện vật từ Bảo tàng Hoàng gia ở Bắc Kinh. Bà này biết mọi thông tin về kế hoạch nhưng những thông tin đó chỉ được tiết lộ cho công chúng ngay trước khi bà tuyên bố ra tranh cử.

Hôm 7/3 vừa rồi Trung Quốc cũng lên tiếng cho biết Bắc Kinh có quyền được can thiệp vào việc bầu cử của Hồng Kông. Xin được nhắc lại, Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nhưng chính quyền Bắc Kinh đồng ý dành cho đặc khu này qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’.

**************************

Hồng Kông chuẩn bị bầu lãnh đạo mới (RFI, 25/03/2017)

hongkong7

Ông Tăng Tuấn Hoa, ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông. Ảnh ngày 24/03/2014. Reuters

Chủ Nhật 26/03/2017, gần 1.200 trên tổng số 7,3 triệu dân cư Hồng Kông được dùng lá phiếu để chọn lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông. Trong số ba ứng cử viên thay thế ông Lương Chấn Anh, có đến hai người thân Bắc Kinh.

Theo thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông, báo chí tại vùng lãnh thổ này khẳng định rằng Bắc Kinh đã tìm cách tác động trên kết quả cuộc bỏ phiếu.

" Sẽ có đông cảnh sát hơn là số người đi bỏ phiếu trên đường phố Hồng Kông vào ngày mai khi vùng đất từng là thuộc địa của Anh bầu lại lãnh đạo cho một nhiệm kỳ 5 năm. Đây là lần thứ 5 Hồng Kông bầu lại trưởng đặc khu hành chính kể từ khi được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997. 

Đành là về mặt chính thức, 1.194 người được quyền đi bầu phải mang tính đại diện cho tất cả các lĩnh vực khác nhau trong xã hội Hồng Kông. Nhưng trên thực tế, phần lớn họ đã được chọn vì có lập trường thần phục Bắc Kinh. Số này sẽ chọn một trong ba ứng cử viên : đó là cựu bộ trưởng Tài Chính Tăng Tuấn Hoa (John Tsang), nhân vật số hai trong chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và vị thẩm phán đã về hưu, Hồ Quốc Hưng (Woo Kwok Hing). 

Mọi việc dường như đã được an bài. 

Theo tiết lộ của báo chí địa phương, Bắc Kinh đã điều hai đặc sứ thuộc cấp rất cao sang Thẩm Quyến, thành phố nằm giữa Trung Quốc với Hồng Kông, để tiếp xúc với những đại cử tri Hồng Kông, những người có ảnh hưởng lớn nhất, để hướng dẫn về cách họ nên bỏ phiếu cho ai.

Có rất nhiều khả năng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, 59 tuổi, nhân vật số hai trong chính quyền mãn nhiệm sẽ được bầu vào chức vụ trưởng đặc khu hành chính. Trong khi đó thì ông Tăng Tuấn Hoa đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu, và khoảng cánh nghiêng về ứng cử viên này khá lớn.

Ngoài ra chính quyền Hồng Kông đã huy động 1.800 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho cuộc bỏ phiếu ngày mai, sau khi nhiều tổ chức thông báo ý định biểu tình. Vì không được đến phòng phiếu, một số người dân Hồng Kông sẽ xuống đường, đòi được quyền đi bầu ".

RFI tiếng Việt

Published in Châu Á