Vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chỉ có thể duy trì quyền lực nếu các cấp dưới tin rằng ông sẽ còn tại nhiệm lâu dài.
Liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đảm bảo một nhiệm kỳ dài hơn 5 năm tới hay không phụ thuộc vào các cuộc chiến chính trị sắp tới, và chiến dịch chống tham nhũng sẽ là công cụ của ông. (Nikkei dựng phim / Tân Hoa Xã / Kyodo)
Dưới đây là một thước đo thú vị để đánh giá thành công của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại đại hội toàn quốc của đảng cầm quyền vào cuối năm nay.
"Nếu tất cả những gì ông ấy nhận được chỉ là một nhiệm kỳ tổng bí thư 5 năm nữa, tức là triển vọng về thời kỳ cầm quyền dài lâu không còn rõ ràng, thì trên thực tế, đó sẽ là một thất bại", một nguồn tin chính trị Trung Quốc tiết lộ. Người này cho biết sự kiểm soát của Tập đối với đảng sẽ dần yếu đi.
Bình luận này phản ánh bầu không khí căng thẳng kéo dài hơn hai tháng qua, kể từ khi "Nghị quyết lịch sử lần thứ ba" được thông qua tại Hội nghị trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.
Trong bối cảnh hiện tại, chỉ có một điều chúng ta có thể chắc chắn, đó là Chủ tịch Tập Cận Bình, người kiêm chức tổng bí thư, sẽ không nghỉ hưu tại đại hội đảng toàn quốc sắp tới. Nhưng thời hạn cầm quyền sau đó của ông sẽ phụ thuộc vào kết quả của những trận chiến chính trị diễn ra trong khoảng chín tháng tiếp theo.
Nếu một nhà lãnh đạo của một quốc gia dân chủ còn tại nhiệm 5 năm, có lẽ sẽ chẳng ai nói rằng người đó là một ‘con vịt què’ [chính khách sắp về vườn]. Tuy nhiên, điều này không áp dụng ở Trung Quốc, nơi mọi thứ được quyết định thông qua cuộc chiến tranh giành quyền lực trong đảng, mà người ngoài cuộc ít khi biết được nội tình.
Nếu người dân Trung Quốc bắt đầu thầm thấy rằng vị lãnh đạo cao nhất của họ trong 5 năm nữa có thể là một người khác, thì thái độ của họ, từ lúc đó trở đi, có thể sẽ thay đổi. Họ có thể giả vờ tuân theo mệnh lệnh, nhưng âm thầm kháng cự.
Nhìn lại, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu mất khả năng kiểm soát các vấn đề đối nội và đối ngoại ngay từ năm 2008, một năm sau khi nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu tại đại hội toàn quốc vào mùa thu trước đó.
Bí thư Trùng Khánh mới được bổ nhiệm khi ấy, Bạc Hy Lai, bắt đầu làm loạn, phát động một chiến dịch "nhạc đỏ" theo kiểu Mao Trạch Đông, nhằm khai thác tình cảm dân tộc chủ nghĩa và thúc đẩy tham vọng chính trị của riêng mình. Bạc hiện đang thụ án chung thân sau khi bị thanh trừng.
Sự bất tuân đối với Hồ, người được cho là sẽ nghỉ hưu vài năm sau đó, cũng ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Nhật Bản. Trung Quốc đã không triển khai thỏa thuận với Nhật về các mỏ khí đốt trên Biển Hoa Đông, một thỏa thuận đạt được theo sáng kiến của Hồ.
Thoả thuận năm 2008 ban đầu báo hiệu một sự hoà giải giữa hai nước láng giềng Châu Á. Nhưng các cuộc đàm phán hiệp định, liên quan đến việc cùng phát triển các mỏ khí đốt, đã không có tiến triển và cuối cùng rơi vào bế tắc.
Song song với đó, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, cùng nhiều quan chức và sĩ quan quân đội Trung Quốc, tuy trước mặt tỏ ra tuân thủ mệnh lệnh, nhưng sau lưng lại bí mật chế diễu nó, lo ngại lợi ích riêng của họ sẽ bị xâm phạm.
Nếu người ta tin rằng Hồ sẽ tiếp tục nắm quyền sau đại hội đảng toàn quốc năm 2012, hẳn ông đã có thể khiến các nhóm kháng cự phải quỳ gối.
Tập khi ấy là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, và những quan sát của chính ông đã dẫn đến việc ông bị ám ảnh phải đảm bảo nắm quyền một cách lâu dài. Nếu có thể, ông muốn trở thành một nhà lãnh đạo trọn đời. Một cách để làm điều này là Tập phải trở thành "chủ tịch đảng", chức vụ mà Mao Trạch Đông là người cuối cùng từng nắm giữ.
Nhưng để giành được danh hiệu đó tại đại hội toàn quốc sắp tới, Tập sẽ cần có thành tích vững chắc, ngang bằng với Mao.
Nghị quyết lịch sử lần thứ ba đã cho Tập động lực để bắt kịp, hoặc thậm chí vượt qua, cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình về địa vị trong lịch sử đảng. Nhưng không phải tất cả các thành viên của đảng đều tin rằng ông đã đủ uy tín để đạt được vị trí đó.
Trùng hợp thay, ngày 18/01 cũng đánh dấu lễ kỷ niệm 30 năm của một trong những thành tựu quan trọng của Đặng.
Ngày 18/01/1992, Đặng bắt đầu chuyến "Nam tuần" nổi tiếng của mình. Ông dành khoảng một tháng để thị sát tỉnh Hồ Bắc, tỉnh Quảng Đông, và thành phố Thượng Hải, kêu gọi đẩy mạnh cải cách và mở cửa.
Kể từ vụ Thảm sát Thiên An Môn vào tháng 06/1989 chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ, nền kinh tế Trung Quốc đã sa vào tình trạng ảm đạm, do sự trừng phạt của các quốc gia công nghiệp phát triển, và chính sách thắt lưng buộc bụng của chính nước này. Nhưng sau chuyến Nam tuần của Đặng, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang kinh tế thị trường.
Ba mươi năm trôi qua, với việc Trung Quốc ngày nay muốn tập trung vào thời đại mới của Tập, đã không có sự kiện lớn nào nhằm kỷ niệm 30 năm chuyến đi của Đặng. Công khai ca ngợi thành tích của Đặng đã trở thành một hành động nguy hiểm.
Mới đây đã có một bài báo thu hút nhiều bàn luận, phản ánh tình hình chính trị tế nhị của Trung Quốc hiện nay. Nó có tiêu đề "Vòng tròn nhỏ phá vỡ quy tắc lớn", được đăng tải hôm thứ Sáu trên Thời báo Học tập, tờ báo của Trường Đảng Trung ương .
Bài báo viết rằng : "Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn những kẻ tham vọng và những kẻ âm mưu ăn cắp quyền lực của đảng và nhà nước". "Lòng trung thành tuyệt đối với Đảng không phải trừu tượng mà là cụ thể, không phải có điều kiện mà là vô điều kiện, và luôn được thể hiện trong những hành động thiết thực".
Nói một cách đơn giản, bài báo kêu gọi bảo vệ Ủy ban Trung ương Đảng, với hạt nhân là Tập, và hệ tư tưởng của ông. Nó cũng yêu cầu lòng trung thành tuyệt đối với đảng, một cách cụ thể và vô điều kiện, để những kẻ mưu phản không thể chiếm đoạt quyền lực.
Bài báo này ám chỉ ai, khi nói về ‘những vòng tròn nhỏ’ ?
Một trong số đó là Tôn Lập Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, người đã bị bắt giam do cáo buộc nhận hối lộ 14 triệu USD, trong đó có 300.000 USD tiền mặt được giấu trong một lô hải sản.
Những kẻ mưu phản này liệu có tham vọng chính trị như Bạc Hy Lai không ? Điều đó không được tiết lộ. Nhưng chúng ta có thể ước đoán được mục tiêu từ những phát biểu gần đây của Tập.
Tại Hội nghị Trung ương 6 hồi tháng 11, Tập thề sẽ "đập tan những kẻ nào trong đảng bị cuốn vào các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, và các tầng lớp đặc quyền".
Nội dung đầy đủ của bài phát biểu trong hội nghị tháng 11 đã không được công bố mãi cho đến tháng 1. Trên thực tế, đó chính là một lời tuyên chiến với những người trong đảng.
Một nguồn tin thân cận với chính trường Trung Quốc cho biết, các nhóm lợi ích mà Tập nhắm tới bao gồm các đại gia công nghệ, như Ant Group, Alibaba Group và Didi, các nhà phát triển bất động sản lớn, như China Evergrande Group và Fantasia Holdings Group, cũng như ngành công nghiệp dạy thêm.
Các công ty tư nhân này có xu hướng gần gũi với những chính trị gia giả vờ phục tùng Tập, nhưng âm thầm bất mãn. Các công ty này thường hỗ trợ tài chính cho các lực lượng chính trị như vậy.
Trong số các lực lượng này có "phe Thượng Hải", đứng đầu là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, và phụ tá thân cận của ông, cựu Phó Chủ tịch Tăng Khánh Hồng.
Họ duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới chính trị và công chức, những người có thể làm biến động nền kinh tế. Cảnh giác trước nhóm này, Tập hiện đã sẵn sàng áp dụng lập trường cứng rắn hơn, chống lại thái độ hai mặt của họ.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, do nhà nước điều hành, đã cho phát sóng một chương trình đặc biệt có tựa đề "Không khoan nhượng [đối với tham nhũng]", bắt đầu từ giữa tháng 1, nêu bật vấn đề "an ninh chính trị".
Chương trình đã ghi lại lời thú nhận "loạt tội ác" của Tôn Lập Quân, người với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công an, từng có nhiệm vụ kiểm soát các cơ quan cảnh sát trên khắp đất nước.
Chương trình ca ngợi chiến dịch chống tham nhũng là thành tựu lớn nhất của chính quyền Tập, và cảnh báo rằng chính quyền sẽ tiếp tục sử dụng nắm đấm chính trị trong thời gian chuẩn bị tiến tới đại hội toàn quốc.
Cuộc chiến chống tham nhũng thành công là thành tựu duy nhất của Tập. Và trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng mang dấu ấn của ông nhằm tiêu diệt kẻ thù.
Nếu chính quyền thành công một lần nữa, Tập không chỉ có thể đảm bảo thêm một nhiệm kỳ 5 năm, mà còn có quyền dàn xếp một đội hình mới cho Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, theo hướng có lợi cho bản thân ông.
Nếu người ta nghĩ rằng Tập sẽ trị vì với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trong ít nhất 10 năm nữa, hoặc thậm chí là suốt đời, thì ông có thể sẽ không trở thành một con vịt què.
Mùa hè năm 2017, khi đại hội toàn quốc của đảng gần kề, Tôn Chính Tài, khi đó là quan chức cấp cao nhất của Trùng Khánh, đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị, đã đột ngột bị thanh trừng. Ông được đánh giá là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua của những người một ngày nào đó sẽ thế chỗ Tập.
Nhiều khả năng một nhân vật có ảnh hưởng khác sẽ bị thanh trừng trong năm nay.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : If Xi secures just 5 more years, he loses, Nikkei Asia, 27/01/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 08/02/2022
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Những lời hùng biện của ông ta đã trở nên hoang tưởng - và việc cố gắng bám trụ ở Bắc Kinh cũng không giúp được gì.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình lớn trong buổi biểu diễn văn nghệ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Sân vận động Quốc gia ở Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 6 năm 2021. Noel Celis / AFP via Getty Images
Những ngày này hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện khắp các mặt báo nhưng trong đời thực, ông Tập đã hoàn toàn biến mất khỏi vũ đài thế giới. Kiên trì bám trụ ở Bắc Kinh hơn 700 ngày, ông Tập đã không xuất hiện tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc ở Glasgow, Scotland. Sự vắng mặt của ông Tập xảy ra giữa lúc ông và đĐảng cộng sản Trung Quốc phải đối diện với những khó khăn trầm trọng ở trong nước, bao gồm tình trạng thiếu năng lượng tràn lan, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thị trường bất động sản trên bờ vực sụp đổ.
Thời thế rõ ràng đã thay đổi so với trước đại dịch Covid/19, khi ông Tập khoe khoang một cách tự tin về việc đưa ra một trật tự toàn cầu mới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Việc ông Tập từ chối ra nước ngoài phản ánh rõ mong muốn nhiệt thành của ông ấy là luôn sẵn sàng khống chế bất kỳ đợt bùng phát mới nào của coronavirus, mà tác động dây chuyền của nó đã làm tê liệt sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng chỉ riêng đại dịch thì không thể giải thích được việc Tập từ chối bỏ trống chiếc ghế quyền lực của mình hay tạm thời gác lại những tham vọng quốc tế lớn lao của ông ta.
Thay vào đó, nếu những tuyên bố mới nhất của ông Tập là một dấu hiệu, thì có một điều gì đó khác khiến ông ta thức trắng đêm : nỗi lo sợ ngày càng tăng về phản ứng chống lại sự cai trị của ông ta từ các phe phái bên trong Đảng cộng sản Trung Quốc.
Nói một cách rõ ràng, khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và vị thế toàn cầu của nó sụp đổ, ông Tập nhanh chóng nhận ra rằng sau gần một thập niên cầm quyền, đòi hỏi của ông về "lòng trung thành tuyệt đối" trong Đảng cộng sản Trung Quốc, tốt nhất cũng chỉ là chuyện viển vông, còn tệ nhất là sự điên cuồng. Và đó là nguyên nhân chính gây lo ngại khi chưa đầy 10 tháng nữa Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra, trong đó ông Tập dự kiến sẽ đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba trong chức vụ tổng bí thư của đảng - một điều có thời là không thể tưởng tượng được.
"Nếu bạn mềm yếu, cuối cùng mọi người sẽ chết", ông Tập đã cảnh báo vào tháng Mười Một năm ngoái. Những lời cảnh báo mơ hồ như vậy hầu như không thể hiện sự nắm chắc quyền lực một cách tự tin của một nhà lãnh đạo, nhưng chúng vẫn nổi bật trong bài diễn văn quan trọng của Tập tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu - một cuộc tập hợp quan trọng của giới tinh hoa Đảng cộng sản Trung Quốc. Chính trong cuộc họp này, ông Tập đã đẩy ra một nghị quyết lịch sử, làm đảo lộn cái tiền lệ đã có hàng thập niên giới hạn các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hai nhiệm kỳ năm năm. Khi làm như vậy, ông Tập đã đặt mình một cách hiệu quả bên cạnh Mao Trạch Đông trong điện thờ các nhà cầm quyền vĩ đại của Trung Quốc.
Nhưng có lẽ cảm nhận được sự mất đoàn kết trong hàng ngũ, ông Tập đã thẳng thừng cảnh báo : "Các bè phái, băng đảng và nhóm lợi ích trong đảng sẽ kiên quyết bị điều tra và trừng phạt". Về mặt này, ông Tập đã hứa "không khoan nhượng" các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc nào đặt mình lên trước sự đoàn kết của đảng.
Cũng ít người ngạc nhiên khi thấy ông Tập tránh đề cập đến những cải cách được thể chế hóa bởi Đặng Tiểu Bình, một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại khác của Trung Quốc. Những cải cách đó bao gồm sự phản đối của Đặng đối với nạn sùng bái cá nhân và việc bãi bỏ các chức vụ chính trị suốt đời. Giới tinh hoa chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc chắc chắn không thể không chú ý tới những hành động phớt lờ như vậy của ông Tập - giới này từ lâu đã nghi ngờ việc củng cố quyền lực một cách vội vàng và thường lộn xộn của Tập trong suốt mười năm qua.
Lời cảnh báo tháng Mười Một của ông Tập vẫn được giữ kín cho đến Ngày Đầu Năm Mới 2022, khi các đoạn trích chính từ bài diễn văn của ông được đăng trên tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc, tạp chí Cầu Thị (Qiushi). Thời điểm bài diễn văn được phát hành - hơn sáu tuần sau hội nghị trung ương đảng - cũng không đơn thuần là chuyện tình cờ. Thay vào đó, nó được đưa ra với dự định gửi một lời đe dọa rõ ràng đến các thành viên Đảng cộng sản Trung Quốc vào ngày đầu tiên của một năm có thể là năm tự đắc nhất của ông Tập. Và thông điệp đó là : Hãy đứng vào hàng ngũ trong năm nay, nếu không thì...
Ông Tập đã có một giọng điệu thẳng thắn tương tự tại một sự kiện đầu tháng Mười Hai 2021 khi ông phê chuẩn chiến lược bảo vệ "an ninh quốc gia" của chính phủ ông. An ninh quốc gia là một thuật ngữ trong tiếng Quan thoại chủ yếu được dùng để mô tả các mối đe dọa từ trong nước đối với tính hợp pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc hơn là các thách thức quân sự hoặc địa chính trị. Đứng đầu danh sách các mối đe dọa của năm 2022 không chỉ đơn giản là sự rủi ro về "mất ổn định", một thuật ngữ tổng hợp được sử dụng trong các tài liệu trước đây. Thay vào đó, ông Tập đã nhấn mạnh quan điểm bảo vệ "an ninh quốc gia", có nghĩa là bất kỳ mối đe dọa nào đối với nhà nước nói chung đều là mối đe dọa đối với đảng. Việc nhấn mạnh vào phòng ngừa và kiểm soát để duy trì sự gắn kết xã hội chặt chẽ cho thấy một cách tiếp cận chủ động hơn so với trước đây trong công cuộc quản trị đất nước. Nó cũng xảy ra vào thời điểm mà ông Tập nỗ lực tăng gấp đôi vai trò của các đảng viên trong việc bảo vệ cái gọi là "hai tầng bảo vệ" - các đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc phải bảo vệ một cách thận trọng cả quyền lực của chính quyền trung ương và vị trí lãnh đạo cốt lõi của ông Tập.
Sự tập trung của ông Tập về an ninh của chế độ cũng được đưa ra trong một buổi họp hồi cuối tháng Mười Hai, có mặt gần như mọi thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cấp cao nhất của Trung Quốc. Ông Tập yêu cầu tất cả những người có mặt cam kết bảo vệ thẩm quyền của cơ chế lãnh đạo tập trung, thống nhất của đảng. Nói cách khác, ông đòi hỏi các nhà lãnh đạo đảng phải chứng minh lòng trung thành cá nhân của họ đối với chính ông. Đã bao nhiêu lần các ủy viên Ban Thường vụ phải lặp lại lời cam kết trung thành này trong những năm gần đây ? Chắc chắn là vô số lần. Điều khó hiểu hơn là tại sao ông Tập phải liên tục nghe họ tuyên bố điều đó trước công chúng nếu, như ông từng tuyên bố một cách ngang ngược, tương lai chính trị của ông hoàn toàn được bảo đảm ?
Lời giải thích đơn giản cho việc ông Tập từ chối rời Trung Quốc và sự thúc đẩy lòng trung thành quá mức gần đây của ông là ông Tập nhận ra mình ngày càng dễ bị tổn thương.
Công bằng mà nói, từ lâu ông Tập Cận Bình đã tìm cách thể hiện sự tự tin như một phương tiện che giấu những nỗi bất an cá nhân và nỗi nghi ngờ sâu sắc của những người thân cận nhất với ông. Vẻ hiên ngang của ông thể hiện mạnh mẽ nhất vào đầu nhiệm kỳ, khi nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cá nhân các nhà lãnh đạo đảng có thích và tôn trọng ông hay không dường như không quan trọng hơn so với khả năng của ông mang lại hiệu quả. Và ông đã làm được, gần như với mọi thước đo có thể định lượng.
Đó là cho đến năm 2021. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã hạ nhiệt được một thời gian nhưng tăng trưởng đã chậm lại đáng kể trong những tháng cuối năm ngoái. Có thể theo dõi cái áp lực suy giảm này đối với việc quản lý tài chính yếu kém của ông Tập, bao gồm hàng loạt quy định sâu rộng của ông nhằm "kiềm chế sự mở rộng vốn đầu tư một cách mất trật tự" không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Các yếu tố khác bao gồm việc đóng cửa các nhà máy như là một phần của chính sách zero-Covid/19, cũng như giá nguyên liệu và nhân công tăng cao.
Bất kể nguyên nhân là gì, sự chậm lại đột ngột rõ ràng của nền kinh tế đã khiến Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ. Đáng lo ngại hơn nữa, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã nhận xét rằng cùng với "suy thoái kinh tế, một số vấn đề sâu xa có thể xuất hiện".
Vào một thời điểm không thích hợp nhất với Tập - vài tháng trước khi ông đăng quang nhiệm kỳ thứ ba - ở trong đảng đã vang lên những tiếng nói ngày càng khó chịu không chỉ về năng lực chèo lái nền kinh tế của ông Tập mà toàn bộ triết lý điều hành của ông.
Một bài phát biểu gần đây của cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã thu hút sự quan tâm to lớn trong giới chính trị và ngoại giao Trung Quốc. Sử dụng những từ như "bất cẩn" và "kém năng lực", Thôi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vị thế toàn cầu đang bị xói mòn của Bắc Kinh và khả năng ngày càng tăng của Washington trong việc hạn chế tham vọng của Trung Quốc. Trong một lời chỉ trích gay gắt về cái gọi là ngoại giao chiến binh sói mà ông Tập đã tung ra, Thôi lưu ý Trung Quốc "không nên chiến đấu một cuộc chiến mà chúng ta không chuẩn bị, một cuộc chiến mà chúng ta không chắc thắng, một cuộc chiến giận dữ và tiêu hao sinh lực". Cụ thể hơn, Thôi cảnh báo, "Mỗi đồng lợi nhuận mà dân tộc chúng ta kiếm được đều hết sức khó khăn mới có, và chúng ta không được để chúng bị cướp đoạt bởi bất kỳ ai hoặc bị tổn thất do sự bất cẩn, lười biếng và kém cỏi của chúng ta".
Bản chất ngày càng lộ rõ của chiến dịch thúc đẩy chống tham nhũng bề ngoài của ông Tập cũng cho thấy một đảng dường như đang đối đầu với chính mình. Các cuộc thanh trừng của Mao thường bừa bãi, nhắm vào cả những người bạn cũng như kẻ thù không đồng tình với ông ta. Ông Tập thúc đẩy sự trong sạch của đảng chủ yếu nhằm vào những người kế nhiệm tiềm năng và các đối thủ chính trị. Một trường hợp điển hình : trong tuần qua một "bản án tử hình" đã được dành cho Đổng Hồng (Dong Hong), trợ lý thân cận của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), một đối thủ của ông Tập.
Gần đây, một số quan chức cấp cao khác, một số người đã được ông Tập lựa chọn cẩn thận, cũng bị cách chức vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng. Trong số này có cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân (Sun Liqun) ; cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) ; và Phó chủ tịch chính quyền khu tự trị Tây Tạng Trương Vĩnh Trạch (Zhang Yongze). Các quan chức hàng đầu khác của Đảng cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả cựu Phó Bí thư tỉnh Quý Châu Vương Phú Ngọc (Wang Fuyu) và Bí thư thành phố Hàng Châu Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát kỷ luật hàng đầu của đảng, bắt giữ vì tội tham nhũng.
Vẫn chưa rõ liệu ông Tập có loại bỏ ủy viên Bộ Chính trị nổi tiếng Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) sau vụ bê bối bất động sản gây tranh cãi liên quan đến con gái của Lật hay không, chưa kể đến cựu ủy viên Bộ Chính trị Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), người bị ngôi sao quần vợt Bành Súy (Peng Shuai) cáo buộc tấn công tình dục gần đây.
Trong khi cuộc thanh trừng Đổng Hồng phù hợp với vở kịch của Tập, một số cuộc thanh trừng khác đã gài bẫy các quan chức không chỉ do Tập đưa lên mà còn là những người có phẩm hạnh được ông Tập đích thân khẳng định. Không ai trong số họ được coi là đối thủ đáng tin cậy, điều đó cho thấy Tập không cố ý đưa họ lên để dìm xuống. Những bước phát triển này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Ở mức tối thiểu, chúng cho thấy sau gần 10 năm tại vị, sự lèo lái Đảng cộng sản Trung Quốc của ông Tập vẫn là một công việc lộn xộn.
Khi danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc chao đảo, ngày càng rõ rằng Tập không thể dẫn dắt thế giới vào "kỷ nguyên mới" như ông ta từng dự báo trong khi ông hầu như không rời khỏi cung điện của mình. Và, trong khi ông Tập vẫn tập trung vào việc định vị Trung Quốc như một thế lực thay thế cho Hoa Kỳ, việc ông không ra khỏi nước và những lời hùng biện hoang tưởng gần đây của ông cho thấy các mục tiêu toàn cầu cao siêu của ông Tập có thể sẽ bị đẩy lùi ra sau những thách thức cấp bách hơn ở quê nhà trong phần lớn năm 2022.
Khoảng cách cơ hội hẹp đó cuối cùng có thể tạo cơ hội cho chính quyền Biden hệ thống hóa chính sách Trung Quốc đã bị trì hoãn từ lâu, mà sau một năm cầm quyền của Biden, vẫn còn là một trong những lỗ hổng chính sách đối ngoại rõ ràng nhất.
Tất nhiên, nhiều nhà quan sát có thể đã diễn dịch sai các dấu hiệu phản kháng lại cuộc đàn áp của ông Tập trong quá khứ, vì vậy sẽ là quá sớm để tiên đoán về sự sụp đổ chính trị của ông Tập. Hơn nữa, đã có sự chuẩn bị chống lại bất kỳ kẻ âm mưu tiềm tàng nào chống lại Tập ; những người đang cầu nguyện để ông ta vấp những sai lầm lớn tiếp theo nhưng họ thiếu gần như tất cả các phương tiện để tập hợp những người khác theo mục đích của họ một cách an toàn và tự tin. Ít nhất có một điều chắc chắn : Tập ngày càng lo ngại về những người bên trong Trung Quốc có thể đang làm điều đó.
Craig Singleton
Nguyên tác : Xi Jinping Is Watching His Back, Foreign Policy, 28/01/2022
Một thân hữu của Viet-studies dịch
Craig Singleton là thành viên cấp cao về Trung Quốc của Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ (China fellow at the Foundation for Defense of Democracies) và là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ.
Lãnh tụ tối cao Trung Quốc có trình độ lớp 8 ? Tập Cận Bình được cho là có bằng thạc sĩ mác-xít, chính trị học và tiến sĩ luật. Nhưng luận án của ông có tên là ‘Nghiên cứu tiếp thị nông thôn ở Trung Quốc’ do một cộng sự viết. Mặc cảm thấp kém khiến ông Tập trở nên thô bạo chăng ? Theo L'Obs, những ‘thái tử đỏ’ khác không còn nhiều thời gian để mất, nếu họ muốn ngăn cản Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ.
Ông Tập Cận Bình trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc ngày 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Le Pointtuần này quan tâm đến "Lạm phát, mối đe dọa lớn lao". L’Obsdành hồ sơ cho chủ đề "Từ cánh trung đến cực hữu, trò bắt cá hai tay của Valérie Pécresse". Không hẹn mà nên, nếuL’Expresschạy tựa trang nhất "Trong tư tưởng Macron", thì chuyên đề củaCourrier Internationalnhằm tìm hiểu những ý nghĩ "Trong đầu Vladimir Putin", còn trang bìa The Economist là hình vẽ một khẩu súng với ổ đạn sáu viên, với tựa đề "Trò ru-lét Nga". Hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Trung Quốc là chủ đề được các tuần báo phân tích nhiều nhất.
L’Obsdành đến 8 trang báo cho "Nhà độc tài Tập Cận Bình và sự phức tạp của ông ta". Ngày 04/02 sắp tới, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ là một bậc thang mới cho chủ tịch Trung Quốc, nhưng thực ra ông ta là ai ?
Tại Bắc Kinh rất hiếm khi có tuyết, nhưng cả một hệ thống đường ống ngầm dưới lòng đất đã được lắp đặt để đưa 185 triệu lít nước đến những dàn đại bác, sẽ phun ra tuyết nhân tạo cho những đường trượt và khu vực xung quanh, tạo ra khung cảnh miền núi cao như vùng Alpes. Đó là tuyết giả, nhưng có hề gì. Khi chủ tịch Tập Cận Bình muốn, là Trung Quốc có thể làm được !
Chỉ trong vài năm, ông Tập đã áp đặt được ý muốn của mình lên tất cả các hồ sơ, trên mọi vấn đề. Mọi quyền hành tập trung trong tay Đảng cộng sản, và sùng bái lãnh tụ lại lan tràn. Trong tất cả những cửa hàng ở Hoa lục, đều có chân dung Tập Cận Bình và những đồ vật mang hình ảnh ông, còn phổ biến hơn cả thời Mao Trạch Đông. Truyền hình không ngớt ca ngợi "sự lãnh đạo khôn ngoan" của chủ tịch, nhất cử nhất động đều được báo chí tuyên truyền.
Thậm chí có cả một ứng dụng mà 88 triệu đảng viên phải cài đặt trên điện thoại di động, về "tư tưởng Tập Cận Bình" dưới dạng những câu cách ngôn, những video phải xem. Ứng dụng này theo dõi người sử dụng, ghi lại thời gian họ "tụng niệm". Trong xã hội giám sát chặt chẽ mà ông ta đã thiết trí, Tập Cận Bình chỉ huy Đảng như kiểu trùm mafia.
Cách đây mười năm, khi mới lên cầm quyền và nói về "Giấc mộng Trung Hoa", không ai tại Trung Quốc hình dung được là ông ta sắp nhốt cả xã hội vào một nhà tù lớn. Dưới chiếc mặt nạ hiền hòa, là một ý chí sắt đá. Vừa ngự được trên ngai, hàng trăm ngàn cán bộ với cáo buộc tham nhũng bị thẳng tay thanh trừng. Một chinh sách diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ được đặt ra, Hồng Kông bị đàn áp bất chấp cam kết với quốc tế. Và gần đây một loạt quyết định ập xuống : những ngôi sao có hàng triệu người theo dõi biến mất, các tỉ phú bị trấn áp, giáo dục tư nhân bị xóa sổ. Trong trường học, giáo viên không còn được dùng sách giáo khoa nước ngoài hoặc dịch từ ngoại ngữ khác, tuổi trẻ thay trò chơi video bằng "tư tưởng Tập Cận Bình".
Bàn tay sắt cũng chứng tỏ quyền uy với bên ngoài. Bắc Kinh chèn ép Litva vì dám cho mở văn phòng đại diện Đài Loan, gặm nhấm lãnh thổ của quốc gia tí hon Bhutan, giành giật Himalaya với Ấn Độ, đòi Indonesia ngưng khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của chính nước này, cho hàng trăm chiến đấu cơ bay sát Đài Loan thị uy… Tóm lại, không một biên giới nào được Tập Cận Bình chừa ra.
Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường Đảng trung ương nhìn nhận đã là một trong số những người ngây thơ tin rằng ông Tập sẽ làm chế độ cởi mở hơn. Bà phải tị nạn ở Hoa Kỳ năm 2019 vì đã nhận xét Đảng dưới quyền Tập Cận Bình đã trở thành "mafia đứng trên luật pháp", "xác sống". Có những người bạn trong giới "thái tử đảng" của bà Thái Hà từng là bạn học của ông Tập, họ không đánh giá cao ông và giờ đây muốn ông từ chức vì đưa Đảng về hướng độc tài hơn, "sử dụng biện pháp côn đồ", "ý thức hệ cứng nhắc" gây nguy hiểm cho đất nước.
Nhà sử học Joseph Torigian giảng dạy tại đại học Washington cho biết Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cha của Tập Cận Bình là một nhân vật như trong tiểu thuyết, có ảnh hưởng lớn lên ông. Tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên, Tập Trọng Huân nhiều lần thoát chết, và năm 1935 tại Diên An (Yan'an), suýt bị một phe đối địch chôn sống nhưng được Mao Trạch Đông cứu. Ông Tập cha mang ơn Mao suốt đời dù đến 1962 bị cáo buộc oan, mất mọi chức vụ, phải về quê lao động.
Tập Cận Bình đang là thái tử đỏ - có vú nuôi, đầu bếp, tài xế, học trường dành cho con cán bộ cao cấp - bị đưa về Lương Gia Hà (Liangjiahe) cùng những người trẻ bị cải tạo, nơi ở như hang động đầy rệp, không điện nước. Đến năm 15 tuổi Tập Cận Bình trốn về Bắc Kinh nhưng bị mẹ dẫn ra công an trình diện, lại phải lao động tiếp ở Lương Gia Hà bảy năm nữa. Người cha sau đó được phục hồi và khôn khéo đưa con lên từng nấc thang danh vọng.
Sự khôn ngoan chiến lược được cha truyền lại, là ưu điểm duy nhất của Tập Cận Bình, theo bà Thái Hà. Trong suốt 30 năm, Tập Cận Bình giấu kín tham vọng, và con người luôn tỏ ra khiêm tốn, dễ mến, nhút nhát ấy đã được Giang Trạch Dân chọn làm người kế vị. Ông Giang đã lầm lẫn lớn. Ngay sau đó Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào phe Giang Trạch Dân, hai năm sau đến lượt phe Hồ Cẩm Đào và rồi tất cả những phe phái khác. Những chiếc ghế trống được dành cho những đệ tử biết vâng lời ông chủ mới. Những khuôn mặt có khuynh hướng tự do trong Đảng rụng rời ! Nhà sử học Lý Nhuệ (Li Rui), từng là thư ký của Mao trước khi bị đi cải tạo 20 năm, không thể nào tin được. Năm 2019 ông qua đời ở tuổi 101 và lúc sắp chết còn đặt câu hỏi, phải chăng đó là do Tập Cận Bình không được học hành đến nơi đến chốn.
Lãnh tụ tối cao Trung Quốc có trình độ học vấn thấp ? Nhà sử học Tống Vĩnh Nghị (Song Yongji) chuyên nghiên cứu về Cách mạng Văn hóa giải thích, tất cả trường học vào thời kỳ đó đều bị đóng cửa. Tập Cận Bình có thể đang học lớp 8, người ta gọi lứa tuổi này là "thế hệ mất mát". Đến năm 1975 ông Tập được vào đại học, nằm trong diện công nông binh, được đặc cách theo tiêu chuẩn chính trị. Trình độ của họ rất kém, và những người giảng dạy họ cũng thế, các giáo sư thực thụ đã phải về nông thôn "học tập quần chúng". Nhiều người thuộc thế hệ này vẫn ở cấp tiểu học, thậm chí mù chữ.
Theo bản lý lịch chính thức, Tập Cận Bình đậu thạc sĩ năm 2002 về chủ nghĩa mác-xít và chính trị, và có bằng tiến sĩ luật nhờ thực tế hoạt động. Nhưng năm 2013, các nhà điều tra ma-lanh đã tìm được bản luận án của ông Tập ở trường đại học, và phát hiện đó chẳng phải mác-xít cũng như luật, mà có tên là "Nghiên cứu tiếp thị nông thôn ở Trung Quốc". Theo một tác giả Hồng Kông, luận án do một cộng sự của Tập Cận Bình viết, bà này sau đó đổi tựa và ký tên mình. Kiểu luận án dỏm này rất tiện lợi cho các cán bộ không đủ năng lực.
Ông Tập thực sự ít học chăng ? L'Obs lại đặt câu hỏi này với bà Thái Hà và được trả lời, chỉ cần lắng nghe những bài diễn văn của ông ấy. Khi dùng những thành ngữ (tại Trung Quốc thường gói gọn trong bốn chữ), Tập Cận Bình thường đọc sai. Ông ta cũng đọc nhầm tên những nhân vật lịch sử, tóm lại trình độ văn hóa khá sơ sài.
Những ảnh chụp màn hình bài diễn văn của ông được lan truyền trên các nhóm WeChat cho thấy những chữ Hán mà ông Tập không biết cách đọc đều được phiên âm ra. Một nguồn đáng tin cậy nói với bà Thái Hà, có lần phu nhân Bành Lệ Viện (Peng Liyuan) đã triệu hai ủy viên Bộ Chính trị trung thành với ông Tập, quát vào mặt họ tại sao không để ông đọc đi đọc lại bài diễn văn trước khi ghi âm, yêu cầu tránh nhét vào những chữ ông Tập không biết đọc.
Một nhà ly khai sống ở Mỹ cho rằng để tránh xấu hổ, Tập Cận Bình tỏ ra ngạo mạn, và mặc cảm thấp kém thời trẻ khiến ông trở nên thô bạo. Nhà Trung Quốc học David Shambaugh đánh giá đó là thái độ của một nhà lãnh đạo cảm thấy bất an. Đặng Tiểu Bình không sợ bị phản đối, vẫn chừa một ít chỗ cho giới trí thức phê bình, nay Tập Cận Bình đóng lại không gian xả xú báp của người dân. Và bây giờ thì Thế vận hội phải "thành công rực rỡ", trước khi Đại hội Đảng diễn ra vào tháng 10/2022.
Tập Cận Bình sẽ tiếp tục làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba chăng ? Ông ta còn cai trị quốc gia đông dân nhất thế giới bao lâu nữa, đến năm 2027, 2032 hay suốt đời ?
Thách thức của ông trong những tháng tới là tránh được chiếc bẫy vốn luôn rình rập những nhà độc tài đang say sưa trong chiến thắng : đánh giá thấp đối thủ, mà đối thủ thì ông Tập không thiếu. L'Obs cho rằng những "thái tử đỏ" khác không còn nhiều thời gian để mất, nếu họ muốn ngăn cản Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, đặc phái viên Le Pointmô tả "Hồng Kông, những người hùng của tự do sau song sắt". Hầu như tất cả những khuôn mặt đấu tranh dân chủ hàng đầu đều đang ở tù. Từ năm 2019, đã có trên 10.500 vụ câu lưu liên quan đến phong trào phản kháng, 1.700 phiên tòa được tổ chức và 1.200 vụ xử án diễn ra. Giữa tháng 1/2022, blogger Brian Kern ghi nhận trên 750 tù nhân chính trị ở Hồng Kông, trong đó 274 đã hết hạn tù, 488 người vẫn đang bị giam giữ. Những con số khó thể tưởng tượng cách đây 5 năm tại vùng đất tự do của Châu Á.
Bên cạnh hàng trăm người vô danh, là những dân biểu, luật sư, lãnh tụ sinh viên học sinh, giáo sư đại học, chủ báo, nhà báo nổi tiếng, ca sĩ… Benedict Rogers, người sáng lập trang Hong Kong Watch khẳng định "Hầu như tất cả những khuôn mặt hàng đầu đều đang trong cảnh tù tội", một số phải ra tòa từ 4 đến 6 vụ. "Đảng cộng sản Trung Quốc muốn bảo đảm rằng ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Đái Diệu Đình (Benny Tai) không bao giờ ra khỏi trại giam, họ liên tục bị truy tố".
Le Point gặp gỡ luật gia người Mỹ 37 tuổi Samuel Bickett, bị kết án bốn tháng rưỡi tù giam chỉ vì giựt dùi cui của một người đang đánh đập một thiếu niên - trước những người chứng kiến, kẻ hành hung chối không phải là cảnh sát - nhưng Bickett lại bị cáo buộc tấn công người thi hành công vụ. Điều làm anh xúc động là những thanh niên Hồng Kông dễ mến tuổi mới 20, 21 có nguy cơ bị án 20 năm hoặc chung thân vì tội "an ninh quốc gia" lại rất vững tinh thần và giúp đỡ anh rất nhiều. Anh cho biết các tù nhân lương tâm "VIP" như Lê Trí Anh, Hoàng Chi Phong đều bị biệt giam, mỗi ngày chỉ được cho ra ngoài vận động 1 giờ, tệ hơn cả chế độ của Pháp dành cho những tù nhân nguy hiểm nhất nước.
Tại Châu Âu, đồng minh hiện nay của Tập Cận Bình là Vladimir Putin cũng đang làm mưa làm gió khi rầm rộ đưa quân áp sát biên giới Ukraine. Hồ sơ 10 trang khổ lớn của Courrier Internationalmang tựa đề "Trong suy nghĩ của Vladimir Putin", đặt vấn đề : Tổng thống Nga tìm cách duy trì ảnh hưởng tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, từ Ukraine đến Kazakhstan, nhưng với cái giá nào ?
Đáng chú ý là ý kiến của ông Harard Malmgren, cựu cố vấn của hai tổng thống Kennedy và Nixon đăng trên tờ UnHerd xuất bản ở Luân Đôn, được Courrier International trích dịch. Nhà ngoại giao lão luyện Mỹ đã từng gặp Vladimir Putin khi ông này là khuôn mặt mới vừa được Evgueni Primakov, "Kissinger Nga" cất nhắc với Yeltsin và đích thân giới thiệu để Malmgren truyền lại những kinh nghiệm. Ông nhận định Putin rất thông minh, chịu khó lắng nghe.
Khi được hỏi trở ngại nào cho việc làm ăn giữa các doanh nghiệp Mỹ và Nga, Harard Malmgren nói thẳng đó là sự thiếu vắng quyền tư hữu, khiến không có cơ sở để giải quyết tranh chấp. Putin trả lời, phương Tây xử lý thông qua luật sư và tòa án rất tốn kém và mất nhiều thời gian. "Tại Nga, tranh chấp thường được giải quyết một cách thực tế. Nếu liên quan đến một số tiền lớn, hai bên sẽ gởi các đại diện đến cùng ăn tối. Tất cả những người hiện diện đều mang vũ khí. Trước khả năng một kết quả đẫm máu, đôi bên luôn tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho cả hai. Sự sợ hãi là chất xúc tác cho hướng tốt".
Lý lẽ này, theo nhà cựu ngoại giao Mỹ, tiếp tục được Vladimir Putin áp dụng trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Ông ta biết rằng Nga không thể tiến hành một cuộc chiến lâu dài với Kiev, Joe Biden đang lo cho cuộc bầu cử giữa kỳ, không muốn có những căng thẳng trong đối ngoại, thế nên Washington sẽ phải thỏa hiệp với Moskva.
Trong bài "Putin và những bóng ma của lịch sử Châu Âu" đăng trênL’Obs, tác giả Pierre Haski nhận xét nguy cơ một cuộc chiến "kiểu cũ" bất ngờ quay lại với Châu Âu. Người dân Châu Âu đã loại ra khỏi tiềm thức những cuộc đại chiến thế giới với những đoàn xe tăng, tiền tuyến nồng nặc khói súng… ; đã bị chấn động vì sự bất lực trước cuộc vây hãm Sajajevo và Nam Tư tan rã trong thập niên 90 ; và trong 20 năm qua đã can thiệp vào những cuộc chiến xa xôi ở Afghanistan, Trung Đông, Sahel ; đã biết đến nạn khủng bố ngay trung tâm đô thị. Tuy nhiên một cuộc xung đột "kiểu xưa" với một cường quốc nguyên tử thì không còn trong ý nghĩ. Thế rồi mối nguy này bỗng dưng hiển hiện ngay trước mắt Châu Âu.
Vladimir Putin có được lợi thế là có thể một mình, lạnh lùng ra lệnh cho 100.000 quân lính cùng với khí tài áp sát biên giới Ukraine, tung ra các cuộc tấn công tin học, hay áp đặt điều kiện cho những láng giềng dễ tổn thương. Tổng thống Nga biết rõ rằng phương Tây xưa kia là người chinh phục, nay đang ở thế thủ và không thể quen được với một thế giới mà sự tàn bạo lại là tiêu chí. Một thế giới trước 1914 ! Trật tự dù chưa hoàn hảo trong 30 năm qua tại Châu Âu và trên thế giới đang bị thách thức bởi một nước Nga vừa trỗi dậy, và ở xa hơn, một Trung Quốc đang tìm lại sức mạnh cường quốc như hồi thế kỷ 19.
Những con ma của lịch sử làm phức tạp thêm khả năng phân tích. Thời nay không một ai muốn quay lại làm một người chiến binh nhỏ nhoi trong cuộc chiến tranh lạnh mới, hoặc tệ hơn nữa, một trận thế chiến. Nhưng ai cũng hiểu nếu nhường bước cho kẻ độc tài thống trị, chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Một lần nữa, trọng lượng lịch sử đè nặng. Giữa việc đương cự với những đòi hỏi trắng trợn, và tránh không lao vào một cuộc đối đầu, là một con đường rất hẹp. Đó là những gì đang diễn ra, và lối thoát sẽ quyết định một phần thế giới trong những năm sắp tới.
Tương tự, tác giả Luc de Barochez trênLe Pointcho rằng "Châu Âu đã mất đi tiếng nói ở Ukraine". Cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên của năm 2022 khiến chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Pháp, cũng như tân chính phủ Đức của ông Olaf Scholz đều lúng túng. Thật tương phản với nhiệm kỳ chủ tịch EU năm 2008, khi đó tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy với sự ủng hộ của bà Angela Merkel đã đến Tbilissi và Moskva để thương lượng ngưng bắn giữa Nga với Georgia !
Có nhiều lý do khiến Putin chỉ muốn đối thoại với Hoa Kỳ, gạt EU ra ngoài lề : chính quyền mới ở Berlin thiếu kinh nghiệm, Pháp sắp bầu cử tổng thống, Ba Lan bị cô lập về chính trị, thủ tướng Mario Draghi đang trong tình thế bất ổn ở Roma, chưa kể những khó khăn của thủ tướng Anh Boris Johnson. Sâu xa hơn, là sự lệ thuộc vào khí đốt Nga do chủ trương của Đức về ống dẫn khí Nord Stream 2, do dự về quốc phòng chung Châu Âu, yếu thế về địa chính trị. Đành rằng kẻ mạnh luôn áp đặt luật lệ với kẻ yếu, nhưng vấn đề là Nga - với nền kinh tế chỉ tương đương Ý - lại có thể chèn ép toàn thể Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Le Point, Paris và Berlin không thể để yên cho Nga chà đạp lên những nguyên tắc căn bản đã làm nên hòa bình cho Châu Âu : biên giới bất khả xâm phạm, quyền tự quyết của các dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền tự do chọn lựa liên minh. Khi phơi bày những điểm yếu của mình, coi như EU mời gọi những thế lực như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc khai thác những chia rẽ. Trong một thế giới của loài ăn thịt, những động vật ăn cỏ là các nạn nhân bị xé xác trước tiên.
Thụy My
Tác giả Nicolas Baverez trên trang Ý kiến của Le Figarohôm nay đặt vấn đề "Liệu Tập Cận Bình sẽ có được quyền lực tuyệt đối hay không ?"
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa. AP - Andy Wong
Năm 2022 chừng như mở ra cả một đại lộ thênh thang cho ông Tập. Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu sẽ phá lệ, giao cho ông một nhiệm kỳ thứ ba. Nghị quyết được Hội nghị trung ương thông qua tháng 11/2021 vẽ lại lịch sử Trung Quốc theo cách nhìn của ông Tập. Chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số bảo đảm kiểm soát xã hội, đại dịch Covid giúp xuất khẩu tăng vọt, nhất là vật liệu y tế và máy tính. Hồng Kông đã bị khống chế, gọng kềm siết lại với Đài Loan, và Trung Quốc khởi đầu năm mới bằng cách phô trương sức mạnh toàn cầu nhân Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.
Tuy nhiên sự đời không đơn giản. Tập Cận Bình sẽ tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, nhưng không thể nắm trong tay tất cả quyền lực, và sẽ phải có những thỏa hiệp để vượt qua những khó khăn chồng chất. Hồi kết của "bốn mươi năm huy hoàng" tạo ra tâm trạng lo âu ở Hoa lục, tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình khiến quốc tế phải tìm cách ngăn chặn.
Sự sụp đổ của Evergrand (Hằng Đại) hôm 09/12/2021 và tiếp theo là nhiều tập đoàn địa ốc khác cho thấy khủng hoảng trầm trọng của thị trường bất động sản và mô hình tăng trưởng dựa trên tín dụng. Địa ốc chiếm 30% GDP và 40% tài sản các gia đình. Giá nhà tăng gấp 6 lần, phải 40 năm lương trung bình mới mua được một căn hộ ở các tòa nhà có tuổi thọ chỉ 30 năm.
Hiện nay có đến 3 tỉ mét vuông nhà chưa bán được, với món nợ lên đến 4.700 tỉ đô la, là nguy cơ cho ổn định tài chánh và khởi đầu quá trình đi xuống của chu kỳ siêu tăng trưởng. Bong bóng địa ốc bị vỡ sẽ làm túi tiền người dân vơi đi, khiến tiêu dùng nội địa giảm sút. Kỹ nghệ không đi cùng với mục tiêu giảm khí thải carbone năm 2060, chưa kể việc áp đặt ý thức hệ và siết lại lãnh vực tư nhân. Tăng trưởng đạt 10,4% những năm 2000 sẽ chỉ còn khoảng 4% từ 2025 đến 2030.
Sự hung hăng ngoại giao và quân sự của Trung Quốc đã tạo ra cú sốc quật ngược trở lại. Đại dịch Covid được tiếp tục che giấu nguồn gốc chứng tỏ không thể nào tin tưởng nổi Bắc Kinh. Hình ảnh trên trường quốc tế trở nên thảm hại với việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, vụ Bành Súy, cũng như việc xé cam kết về Hồng Kông, chiếm các đảo ở Biển Đông, hà hiếp Úc… Con đường tơ lụa với bẫy nợ gây ra các vụ nổi dậy chống đối Trung Quốc ở Pakistan, Nepal, Ethiopia, Zambia, Hy Lạp, Montenegro. Cuối cùng, tiến bộ công nghệ của quân đội Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ ràng vì không có kinh nghiệm chiến đấu, sau thất bại cay đắng trước Việt Nam năm 1979.
Việc mở ra thời kỳ đối đầu với Hoa Kỳ trên toàn cầu - được cho là đang xuống dốc vì các cuộc chiến từ 2001, khủng hoảng 2008, đại dịch - có phần vội vã. Trong cuộc họp video với Joe Biden hôm 15/11, Tập Cận Bình dùng giọng điệu ôn hòa hơn, tuy nhiên rủi ro xung đột vẫn cao, vì Đài Loan là trọng tâm của nhiệm kỳ thứ ba. Trung Quốc mang trong mình những nghịch lý, nhưng vẫn tin vào "thiên mệnh" làm bá chủ thiên hạ. Thế nên theo tác giả, ngoài việc bắt tay ngăn chặn, các nền dân chủ còn phải củng cố các giá trị tự do đã làm nên thành công của mình.
Trên lãnh vực dịch tễ, Libérationđặt câu hỏi "Một mô hình Trung Quốc về Covid, bạn có chắc hay không ?". Tờ báo cho rằng những ai ca ngợi "hiệu quả" của chiến lược zero Covid của Bắc Kinh nên tỉnh táo nhìn kỹ lại tình hình, cũng như lắng nghe các nhà khoa học ngay tại Hoa lục.
Hôm thứ Năm tuần trước, giáo sư Enrique Casalino, trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Bichat nói rằng tuy người Trung Quốc bị mất tự do nhưng ít tử vong hơn và kinh tế phát triển trở lại. Libération nhắc nhở, cần nhớ rằng vào cuối tháng 12/2019, tám bác sĩ Vũ Hán báo động về sự xuất hiện của con virus SARS-CoV-2 đã bị bắt giam. Rằng hôm 20/01/2020, khi các bệnh viện Vũ Hán đầy người bệnh, chính quyền cộng sản đã tổ chức một buổi tiệc siêu lây nhiễm với 40.000 gia đình nhằm đạt kỷ lục. Rằng dòng người đông đảo vẫn được phép về quê ăn Tết tuy biết rằng dịch đang lây lan. Bắc Kinh để người Trung Quốc thoải mái mang con virus ra nước ngoài và phản đối việc các nước ngưng đường bay đến Hoa lục, trước khi tự đóng cửa.
Từ đó đến nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đắc chí trước việc Covid tàn phá những nước dân chủ, đóng vai người cứu độ nhân loại vì bán khẩu trang và vật liệu y tế, nhưng kịch liệt chống lại việc mở điều tra độc lập về nguồn gốc con virus. Các nhà báo công dân thông tin về tình hình Vũ Hán bị mất tích hoặc kết án, mọi chỉ trích về chính sách chống dịch bị cấm. Tỉ phú địa ốc thân cận với chính quyền, Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) tháng 2/2020 phê phán đảng cộng sản trốn tránh trách nhiệm, đã bị bắt và lãnh án 18 năm tù.
Dù xuất hiện các biến thể và những đợt dịch, Tập Cận Bình vẫn lao vào "cuộc chiến chống Covid" bằng mọi giá, bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học. Trương Hồng Vệ (Zhang Weihong), được mệnh danh là "Anthony Fauci Trung Quốc" mùa hè rồi nhận định nên chấm dứt "zero Covid". Ông cho rằng điều khó khăn nhất là khôn ngoan tìm cách chung sống lâu dài với con virus. Lập tức nhà khoa học trở thành mục tiêu tấn công của một làn sóng dân tộc chủ nghĩa, bị gọi là "kẻ phản bội", và trường đại học mở đìều tra về bằng cấp của ông.
Giờ đây chỉ còn có Quản Dật (Guan Yi), nhà virus học nổi tiếng ở Hồng Kông với các nghiên cứu về virus SARS và MERS, còn dám cảnh báo nguy cơ kinh tế sụp đổ nếu các địa phương cố tiêu diệt mọi dấu vết của Covid. Ông nói : "Chẳng ích lợi gì khi xét nghiệm đại trà, cách ly, đo nhiệt độ tất cả mọi người ở bất cứ đâu ; thay vào đó nên xác định mức độ bảo vệ của chương trình tiêm chủng hàng loạt, loại ra những vac-xin không còn hiệu quả". Đã có 75% dân số Trung Quốc được chích ngừa, nhưng năm loại vac-xin nội địa chỉ hiệu lực 50 đến 82% so với phương Tây.
Bên cạnh số liệu thiếu minh bạch như thường lệ, là một loạt biện pháp cực đoan đến vô lý của các quan chức địa phương. Có thể kể : đóng cửa với người ngoại tỉnh, cách ly liên miên, quản thúc và buộc người Châu Phi sống ở Quảng Đông đi xét nghiệm, phun thuốc tiệt trùng đường phố, thưởng 13.500 euro cho ai tố cáo các ổ dịch ở Hắc Hà (Heihe) gần biên giới Nga, buộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương dùng một loại thức uống kỳ lạ…
Chính quyền buộc sơ tán 34.000 khách tham quan Disneyland Thượng Hải sau khi phát hiện một ca dương tính duy nhất, hàng ngàn hành khách trên một chuyến tàu bị chận lại vì một trường hợp tiếp xúc (đôi khi do cách người bị nhiễm dưới 800 mét). Các hãng hàng không ngoại quốc bị cho vào danh sách đen, niêm phong cửa nhà người dân không cho ra ngoài. Thứ Tư tuần trước ở Tĩnh Tây (Jingxi), bốn người bị cáo buộc đưa người nhập cư trái phép từ Việt Nam đã bị đeo bảng tên bêu ra trước công chúng như thời Cách mạng Văn hóa.
Mười ba triệu dân Tây An (Xi’an) bị phong tỏa, thiếu thốn thực phẩm, hàng hóa nhưng hôm 31/12 được khuyến khích hát những bài ca ái quốc mừng năm mới. Nhiều sinh viên đang ở ký túc xá bị tống vào một khách sạn bỏ trống trên núi, không được sưởi ấm trong khi bên ngoài âm 10°C. Le Monde cho biết người dân Tây An chỉ được phép ra ngoài để xét nghiệm PCR, thành phố đã lập ra 12.000 trạm xét nghiệm, huy động 160.000 nhân viên. Một số người không còn thức ăn phải lên mạng kêu cứu, sẵn sàng trả bằng mọi giá. Một giáo viên đăng tin : "Có ai cần dạy kèm không ? Tôi phụ đạo ba tiếng đồng hồ, đổi lấy ba củ khoai tây". Hashtag "Khó mua đồ ăn ở Tây An" đã được xem hơn 300 triệu lần trên Weibo, và tệ hơn nữa là ít nhất 6 bệnh viện không còn nhận bệnh nhân.
Tại Nga, đồng minh cơ hội của ông Tập là Putin "muốn NATO và Châu Âu phải quy phục", theoLe Figaro. Bằng việc duy trì áp lực quân sự lên Ukraine, ông chủ điện Kremlin mơ làm tái sinh đế quốc Liên Xô cũ.
Ngược với Georgia – phong trào nổi dậy đã yếu hẳn sau vụ can thiệp quân sự của Nga năm 2008, hay Belarus – đành phải quỳ gối trước áp lực kinh tế và quân sự của điện Kremlin, Ukraine dù đã bị chiếm mất Crimea và vùng Donbass bị quấy rối, vẫn tỏ ra gắn bó với phương Tây và giá trị dân chủ, ngày càng gõ cửa NATO và Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên đối với Vladimir Putin, đây là lằn ranh đỏ.
"Tối hậu thư" của Nga không chỉ liên quan đến Ukraine, mà còn đòi không mở rộng NATO, đóng băng hoạt động của các căn cứ tại những nước thuộc Liên Xô cũ, rút vũ khí nguyên tử Mỹ khỏi Châu Âu… tức gián tiếp buộc Mỹ triệt thoái khỏi Đông Âu. Nhà sử học Françoise Thom nhận định "Vladimir Putin muốn xóa nhòa việc Liên Xô sụp đổ. Ông ta cho rằng tương quan sức mạnh giờ đây đã thay đổi, nghiêng về các lực lượng chống phương Tây".
Nhưng nếu nhượng bộ Moskva mãi, Mỹ sẽ mất thêm uy tín, sau khi Obama nuốt lời hứa với Pháp, từ chối tấn công Syria năm 2013. Về phía Châu Âu đã bác bỏ việc thương lượng vào ngày 10/01. Putin vốn không coi trọng một Châu Âu hay chia rẽ, áp đặt một cuộc đối thoại tay đôi với Hoa Kỳ như thời chiến tranh lạnh. Lần đầu tiên ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu Josep Borell tỏ ra cứng rắn hơn cả Nhà Trắng, tuyên bố các yêu sách của Nga "không thể chấp nhận được", nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của một Nhà nước có chủ quyền là "không thể thương lượng". Còn với Ukraine, hy vọng gia nhập NATO ngày một xa dần.
Chuyên gia Françoise Thom cảnh báo : "Sau Munich năm 1938, phương Tây đáng xấu hổ khi để cho Tiệp Khắc rơi vào móng vuốt của Hitler. Ngày nay chúng ta đang bỏ rơi Ukraine một cách hèn nhát, mà không ý thức được nỗi nhục và những tai hại khi nhường bước trước một kẻ xâm lăng".
Cũng về Châu Âu, cây bút bình luận Dominique Moisi trênLes Echoscho rằngBa Lan đã phạm sai lầm lịch sử khi có thái độ khiêu khích Đức, thách thức EU về luật pháp. Sau khi Anh ra đi, "Câu lạc bộ ba nước" được hình thành gồm Pháp, Đức, Ý, đây là cơ hội duy nhất cho Ba Lan để chuyển đổi thành "Câu lạc bộ bốn nước". Ba Lan là thành viên mới quan trọng nhất của EU, nhưng thủ tướng Kaczynski lại cáo buộc "Đức muốn biến Liên Hiệp Châu Âu thành Đệ tứ quốc xã", một thái độ dối trá mà theo tác giả không khác gì Putin.
Cuộc chiến chống Covid và cuộc chạy đua vào điện Elysée là hai chủ đề lớn chiếm trang nhất các báo Pháp trong ngày đầu năm mới 03/01/2022. Libération kể ra : giáo dục, giao thông, bệnh viện, chiến dịch tranh cử tổng thống… tất cả đều bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron, có nguy cơ gây rối loạn. La Croix chạy tựa trang nhất "Covid, làm thế nào tránh được sự hỗn loạn" khi doanh nghiệp và dịch vụ công thiếu người làm việc vì virus lây nhiễm quá nhanh. Le Monde nhận định chủ trương mở cửa trường học của bộ trưởng Giáo Dục đang gặp thử thách. Le Figaro chú ý đến "Cuộc chiến tranh cử tổng thống đã được khởi động", riêng Les Echos quan tâm đến việc Châu Âu bật đèn xanh cho năng lượng nguyên tử.
Le Figaro than thở Covid thống trị mọi thứ, xâm nhập khắp nơi. Phong tỏa, giới nghiêm, hộ chiếu dịch tễ, liều vac-xin thứ hai rồi thứ ba, đợt dịch thứ tư, thứ năm… Từ hai năm qua, chính quyền bối rối, người dân bị hạn chế bớt tự do, có cảm giác như tình trạng này không bao giờ kết thúc. Bên cạnh đó là lời cảnh báo "Nước Pháp đang lệ thuộc vào Trung Quốc về các loại hàng thiết yếu, vào công nghệ Mỹ và bảo đảm tín dụng của Đức". Les Echos nhận thấy đối với các ứng cử viên tổng thống, các cuộc mít-tinh hết sức cần thiết để huy động lực lượng nên khó thể giảm thiểu tối đa ; tuy nhiên không ai muốn cuộc tập hợp của mình biến thành ổ dịch.
La Croix ghi nhận, từ bệnh viện đến lực lượng cứu hộ, từ phân phối lưu thông đến ngân hàng, các lãnh vực thiết yếu cho người dân Pháp đang được tổ chức lại để có thể hoạt động cả trong tình huống nhiều nhân viên bị lây nhiễm phải tạm nghỉ việc. Một tia hy vọng đến từ Luân Đôn : dù có đến 1,7 triệu trường hợp dương tính trong vòng hai tuần lễ, hệ thống y tế nước Anh vẫn chống chọi được trước làn sóng Omicron.
Thụy My
Nghị quyết thứ ba về lịch sử của đảng cộng sản Trung Quốc được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/11/2021, được công bố toàn văn hôm 16/11, tiếp tục được giới nghiên cứu soi xét, nhằm tìm cách lý giải những vận động hiện tại trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình tại một hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc. © Ju Peng / AP
Bản nghị quyết thứ ba của Đảng cộng sản Trung Quốc về lịch sử, với tên gọi chính thức "Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong thế kỷ qua", được công bố đúng vào năm chính quyền Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng cộng sản (1921-2021).
Bản nghị quyết về lịch sử này cũng thường được coi như một nghị quyết có ý nghĩa "lịch sử". Hai nghị quyết về lịch sử trước đó của đảng cộng sản Trung Quốc (vào hai năm 1945 và 1981), mỗi lần ra mắt đều mở đường cho một thời kỳ mới trong lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc. Thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, và thời kỳ chính quyền Trung Quốc từ bỏ con đường Mao Trạch Đông, chuyển hướng theo chủ trương cải cách, hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình.
Nghị quyết lần thứ ba về lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc có tham vọng mở ra "một kỷ nguyên mới" cho đất nước Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Tập Cận Bình (1). Tuy nhiên, nghị quyết này có ý nghĩa lịch sử như vậy hay không ? Nghị quyết lần thứ ba về lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc có mang lại cho ông Tập Cận Bình cơ hội khẳng định quyền thống trị toàn Đảng, như Mao Trạch Đông trước đây, hay xác định hướng đi lâu dài cho Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình ?
Nhà Trung Quốc học Alex Payette có bài phân tích trên trang mạng Asialyst , chuyên về thời sự Châu Á, nhan đề "Trung Quốc : Tập Cận Bình uy quyền tối thượng sau 2022 ? Trong hiện tại không có gì là chắc chắn". Cũng như một số chuyên gia, ông Alex Payette khẳng định nghị quyết thứ ba về lịch sử không tạo ra được một "sự đứt đoạn rõ ràng" so với "kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình" (2). Nhà Trung Quốc học Alex Payette cũng nhấn mạnh đến việc lãnh tụ Tập Cận Bình, người được tôn làm lãnh đạo "hạt nhân" của Đảng (trong một nghị quyết của Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2016), đã buộc phải có nhiều nhượng bộ đáng kể trên con đường khẳng định quyền lực sau 2022.
***
Vì sao nói ông Tập Cận Bình phải có nhiều nhân nhượng đáng kể ?
Theo chuyên gia Alex Payette, các nhân nhượng đáng kể nhất của ông Tập Cận Bình với đối thủ tiềm năng trong đảng đặc biệt liên quan đến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, được coi là con người đầy quyền uy trong bóng tối, cho dù đã chính thức giã từ quyền lực, nhưng vẫn đề lại ảnh hưởng sâu đậm trong bộ máy cầm quyền Trung Quốc.
Có hai chi tiết đáng chú ý. Một nằm trong phần 4 của Nghị quyết, có nhan đề "Không gian mới của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc". Phần đặc biệt quan trọng, với 13 tiểu mục này, có mục tiêu ca ngợi đường lối mang dấu ấn cá nhân của lãnh tụ Tập Cận Bình, đã không trực tiếp phê phán di sản thời Giang Trạch Dân, không chính thức chỉ ra các hậu quả tiêu cực của các cải cách do Đặng và Giang chủ trương, như điều mà ông Tập Cận Bình "đã từng muốn".
Điểm đặc biệt đáng chú ý thứ hai, cũng là điểm "nhân nhượng lớn thứ hai", là nghị quyết về lịch sử thứ ba của Đảng cộng sản Trung Quốc đã phải khẳng định Giang Trạch Dân là người đã "biết cách bảo vệ Đảng và các lợi ích của Đảng" sau biến cố Thiên An Môn 1989. Lần duy nhất Nghị quyết dẫn tên cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân trong văn bản, là để ca ngợi vai trò đặc biệt của Giang Trạch Dân trong giai đoạn hậu Thiên An Môn.
Đoạn liên quan đến Giang Trạch Dân nằm trong phần 3 của Nghị quyết cụ thể như sau : "Sau phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, những người cộng sản Trung Quốc với đồng chí Giang Trạch Dân đứng đầu đã đoàn kết, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân giữ vững đường lối và lý luận cơ bản của Đảng, làm sâu sắc thêm hiểu biết về chủ nghĩa xã hội và phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, và việc cần phải có một đảng chính trị như thế nào để đạt được mục tiêu này, và làm thế nào để xây dựng một đảng như vậy".
Hội nghị trung ương nói trên diễn ra trong hai ngày 23 và 24/06/1989, tức 20 ngày sau vụ Thảm sát các sinh viên tranh đấu đòi dân chủ tại quảng Thiên An Môn.
Đoạn viết quan trọng vừa nêu liên quan đến cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân cho biết rõ : "Trên cơ sở này, Ban chấp hành Trung ương đã xác lập Lý thuyết Ba Đại Diện (tức lý thuyết cho phép kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc chủ các doanh nghiệp tư nhân – vốn bị coi là kẻ thù giai cấp trong lý luận truyền thống của đảng cộng sản). Trước tình hình phức tạp trong nước, quốc tế và những thất bại nghiêm trọng đối với chủ nghĩa xã hội thế giới, Ban chấp hành Trung ương đã bảo vệ được chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, xác định việc xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của cải cách, đặt ra khuôn khổ cơ bản về vấn đề này, xây dựng hệ thống kinh tế cơ bản cho giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, theo đó sở hữu công cộng là trụ cột và các hình thức sở hữu đa dạng cùng phát triển, cũng như một hệ thống phân phối thu nhập mà phân phối theo lao động là chủ đạo, đồng thời tồn tại nhiều hình thức phân phối. Họ đã mở ra những chân trời mới cho công cuộc cải cách, mở ra trên mọi mặt trận và đạt được nhiều tiến bộ trong công trình vĩ đại mới của việc xây dựng Đảng. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần thành công đưa chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc vào thế kỷ XXI".
Theo chuyên gia Alex Payette, đây là một nhân nhượng "ghê gớm" so với những gì Tập Cận Bình thực sự nghĩ về Giang Trạch Dân. Nghị quyết về lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc chính thức ghi công của Giang trong việc cứu chế độ khỏi tình trạng hỗn loạn, do "những yếu tố bên ngoài, và áp lực nội bộ".
Theo chuyên gia Alex Payette, việc đặt Giang Trạch Dân vào vị trí công đầu này là điều hoàn toàn bất ngờ, trong lúc Tập Cận Bình không hề có ý định dành cho Giang bất cứ khen ngợi nào, chưa nói đến các chỉ trích, phê phán (3). Theo Alex Payette, "chắc chắn trong nội bộ Đảng đã phải có những tranh luận dữ dội xung quanh vấn đề này, bởi vì rõ ràng là ông Tập Cận Bình sẽ không dễ dàng chấp nhận điều này".
Nhìn chung, tương quan lực lượng trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc ra sao, sau Nghị quyết thứ ba về lịch sử nói trên, theo chuyên gia Alex Payette ?
Nhà Trung Quốc học Alex Payette đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất khó lường của phong trào "tanping" (tạm dịch là "nằm ườn") thể hiện rõ ràng trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc, với đặc điểm tiêu biểu là các quan chức cấp dưới, ở địa phương, không tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm lên trên. Điều này đặc biệt thể hiện ra qua cuộc khủng hoảng điện những tháng gần đây. Các quan chức địa phương đã không chủ động điều chỉnh việc giảm dần sử dụng năng lượng than, mà đa số tiếp tục để cho sử dụng than đạt hết định mức cho phép, một khi hết định mức, tất cả đều ngưng lại. Đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng vừa qua. Nhìn chung, chủ trương tập trung thâu tóm quyền lực trở lại về trung ương (ngược lại chủ trương tản quyền của Đặng Tiểu Bình), bắt đầu từ thời Hồ Cầm Đào, đang gây nhiều phản ứng tiêu cực từ phía các cấp chính quyền cơ sở.
Theo chuyên gia Alex Payette, Nghị quyết thứ ba về lịch sử này hoàn toàn không mang lại cho ông Tập Cận Bình một lợi thế đủ để thâu tóm toàn bộ quyền lực. Mà, nếu không có được một "thắng lợi triệt để", thì sau năm 2022, ông Tập Cận Bình sẽ phải mang theo toàn bộ các vấn đề của thời kỳ sau 2013 (tức từ khi ông Tập lên nắm quyền) sang nhiệm kỳ mới.
Tình trạng bất hợp tác của giới quan chức địa phương, cấp dưới (hay phong trào "nằm ườn" trong giới quan chức) dự kiến sẽ gia tăng với quy mô lớn hơn nhiều. Những kháng cự mang tính gián tiếp này trong bộ máy cũng đặt ra vấn đề : ông Tập Cận Bình thậm chí có thể không còn muốn tiếp tục nắm quyền.
Vấn đề là, để được an toàn và để bảo đảm thế cân bằng quyền lực trong nội bộ, Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách giao phó nhiều quyền lực hơn cho các cấp dưới thân tín. Khó khăn với Tập Cận Bình, theo chuyên gia Alex Payette, là đương kim lãnh đạo Trung Quốc không đủ mạng lưới tay chân thân tín sâu rộng như Giang Trạch Dân. Ông Tập sẽ khó lòng rút khỏi quyền lực, mà phần nào vẫn tiếp tục có ảnh hưởng như Giang.
Theo chuyên gia Alex Payette, Tập Cận Bình khó có thể là một lãnh đạo tuyệt đối sau 2022, mà ngược lại phải chia sẻ quyền lực hay ("hòa loãng quyền lực" từ dùng của tác giả), để chuẩn bị cho giai đoạn sau đó. Điều đặc biệt thách thức với nền chính trị Trung Quốc hiện nay là việc ban lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay không để ngỏ cơ chế cho khả năng lãnh đạo tối cao (tức Tập Cận Bình) ra đi, mà không khiến toàn bộ hệ thống chính trị phải thay đổi.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 16/12/2021
Ghi chú
1. "Trung Quốc : Lịch sử đảng cộng sản theo tầm nhìn của Tập Cận Bình", RFI ngày 12/11/2021.
2. "Còn quá sớm để nói về “một thời đại mới của đảng cộng sản Trung Quốc”", RFI ngày 18/11/2021.
3. Giới nghiên cứu đặc biệt chú ý đến tấm gương của người cha trong hành trang chính trị của ông Tập Cận Bình. Nhà báo Katsuji Nakazawa nhắc đến câu chuyện thân phụ Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân (1913 – 2002), một lãnh đạo cao cấp của đảng, từng ngăn chặn việc Đặng Tiểu Bình cách chức tổng bí thư của Hồ Diệu Bang (1915 - 1989), lãnh đạo theo đường lối ủng hộ dân chủ hóa. Cái chết của Hồ Diệu Bang được coi như đã châm ngòi nổ cho phong trào đòi dân chủ tại Thiên An Môn, mùa xuân 1989. Xem Katsuji Nakazawa, "Analysis : Xi’s need to overtake Deng poses big risk for Taiwan ", Nikkei Asia, ngày 18/11/2021.
Lãnh đạo một quốc gia đang tự đóng kín, được thúc đẩy thêm bởi "cuộc chiến ái quốc" chống đại dịch Covid-19, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc 4 thập niên Trung Quốc mở cửa ra thế giới. Trên đây là nhận định của Sébastien Faletti, thông tín viên báo Le Figaro tại khu vực Châu Á trong bài viết có tiêu đề "Bằng cách nào hoàng đế và nhà độc tài Tập Cận Bình khóa chặt Trung Quốc ?"
Ảnh của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Đảng cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/11/2021. AP - Ng Han Guan
RFI tóm lược bài viết đăng trên Le Figaro ngày 03/12/2021 và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.
Covid-19 là cái cớ để Tập Cận Bình dựng lên Vạn Lý Trường Thành mới quanh "công xưởng thế giới" ?
Trung Quốc từng là "công xưởng thế giới", khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt, dựng lên một bức Vạn Lý Trường Thành chặn virus corona. Nhiều nơi được canh gác, kiểm soát nghiêm ngặt với những phương tiện công nghệ hiện đại, robot, vừa giống những cảnh trong phim "Chiến tranh giữa các vì sao", lại vừa khiến người ta liên tưởng đến "thế giới của Orwell". Viện dẫn nguyên tắc không thể phản bác là bảo vệ sức khỏe người dân, Tập Cận Bình đã lợi dụng điều mà ông ta gọi là "cuộc chiến ái quốc" chống Covid-19, đẩy nhanh việc thực hiện giấc mơ kiểm soát, giam hãm đất nước đông dân nhất toàn cầu. "Công xưởng thế giới" vẫn là tâm điểm của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng về ý thức, tinh thần, chưa bao giờ Trung Quốc bị khóa chặt như vậy.
1,4 tỉ dân Trung Quốc bị cô lập không phải chỉ để bảo vệ họ khỏi Covid-19 ?
Sau bốn thập kỷ Trung Quốc bừng tỉnh, cất cánh mạnh mẽ về kinh tế, mở cửa ra thế giới nhờ chính sách của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình lại đánh dấu giai đoạn đóng chặt, khép kín của "đế chế". Từ gần 2 năm nay, cường quốc thứ hai thế giới sống biệt lập phía sau những biên giới đóng kín và các biện pháp kiểm duyệt ngày càng khắc nghiệt. 1,4 tỉ dân Trung Quốc đang bị bọc trong một bong bóng khổng lồ, bảo vệ họ khỏi virus corona và cả những ý tưởng về "lật đổ" đến từ nơi khác trên thế giới.
Tập Cận Bình cũng đã tranh thủ giai đoạn đóng cửa này để quảng bá cho sự tự chủ công nghệ, trí thông minh nhân tạo và mạng 5G, thông báo tập trung trở lại vào thị trường nội địa, với khái niệm "kinh tế đối ngẫu" để giảm sự lệ thuộc, vốn vẫn đang rất rõ rệt, vào thị trường thế giới.
Đóng cửa đất nước, nhưng Tập Cận Bình không ngừng chính sách "ngoại giao tấn công" ra khắp thế giới ?
Ẩn náu bên trong "pháo đài", không hề xuất ngoại trong gần 2 năm qua, thậm chí không dự thượng đỉnh G20, nhưng ông Tập đang triển khai chính sách "ngoại giao tấn công", tiến hành một cuộc đọ sức không khoan nhượng với nước Mỹ, phô trương sức mạnh với Ấn Độ ở dãy Himalaya, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đưa Hồng Kông vào "khuôn phép", thường xuyên điều máy bay xâm nhập khu nhận dạng phòng không Đài Loan, đe dọa một cuộc tấn công nhắm vào hòn đảo, tuyên bố "việc thống nhất là không thể tránh khỏi".
Các nước láng giềng Châu Á đang lo ngại vướng vào một cuộc "chiến tranh lạnh" mới giữa hai cừu địch Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực để bù đắp cho sự chậm trễ của Giải Phóng Quân Nhân Dân (PLA) so với Quân Đội Mỹ : về số lượng tàu, hạm đội của Trung Quốc giờ đã vượt Hải Quân Hoa Kỳ, và theo Financial Times, Bắc Kinh đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng bay một vòng quanh Trái Đất.
Đại dịch đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong mắt Tây Phương, càng khiến cho Tây Phương hiểu ra rằng thế giới và Trung Quốc không thể chung sống tốt đẹp với nhau. Trên mặt trận ngoại giao, các "chiến lang" càng làm dấy lên "mối đe dọa từ Trung Quốc" trong công luận Tây Phương.
Tập Cận Bình đã biến Covid-19 thành bàn đạp để khẳng định ưu thế của chế độ ?
Bắc Kinh đã tận dụng đại dịch Covid-19 để khẳng định mô hình chuyên quyền, toàn trị của Trung Quốc có ưu điểm vượt trội so với nền dân chủ Tây Phương. Tập Cận Bình từng tuyên bố : "Khi đối mặt với đại dịch, chúng ta có thể đánh giá ngay lập tức sự vượt trội của nhà lãnh đạo và chế độ của từng nước".
Theo nhà sử học Rana Mitter của đại học Oxford, trong mắt các nhà chiến lược của Đảng cộng sản Trung Quốc, đại dịch chứng tỏ rằng chế độ chuyên quyền hiệu quả hơn và họ muốn lợi dụng điều này để khẳng định một mô hình thay thế mô hình dân chủ của phương Tây, cũng là để thu hút các nước nam bán cầu, cả Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Như trong ván cờ vây, Bắc Kinh có tham vọng chinh phục thế giới thông qua các vùng ngoại vi, "truất ngôi" phương Tây thông qua chiến lược bao bọc mà biểu tượng là dự án của Tập Cận Bình về "Những con đường tơ lụa mới".
Covid-19 là một yếu tố thúc đẩy lịch sử, đẩy nhanh tiến độ ông Tập áp đặt ý thức hệ một cách có phương pháp lên Đảng cộng sản và xã hội Trung Quốc mà ông bắt đầu thực hiện từ khi lên nắm quyền hồi năm 2013. Tập Cận Bình tin rằng làn gió lịch sử đang "thổi về phương Đông", tuyên bố gã khổng lồ Châu Á đã trở lại tâm điểm cuộc chơi thế giới, sau "một thế kỷ tủi nhục" từ khi khuất phục các pháo thuyền đến từ phương Tây sau "cuộc chiến thuốc phiện" ô nhục.
Tập Cận Bình khẳng định "Thời gian đứng về phía chúng ta", hy vọng đến năm 2049, nhân 100 năm thành lập, Trung Quốc cộng sản sẽ chiếm "quyền bá chủ" của Mỹ. "Hoàng tử đỏ" đã biết tận dụng cơ hội biến thách thức dịch bệnh thành bàn đạp để áp đặt quyền lực tuyệt đối lên toàn bộ hệ thống, đồng thời khởi động một thách thức đáng gờm đối với mô hình dân chủ trên toàn thế giới.
Liệu có thể nói là Covid-19 là điều trớ trêu của lịch sử ?
Một nhà ngoại giao làm việc tại Bắc Kinh nhận định là ở Trung Quốc, tất cả các thảm họa đều bắt đầu từ sự thất bại của hệ thống nhưng lại chấm dứt với thắng lợi của chính hệ thống đó.
Lần này, điều trớ trêu là cho dù ban đầu khi virus corona bùng phát, bất chấp sự báo động của bác sĩ Lý Văn Lượng, chính quyền vì bị ám ảnh bởi sự kiểm duyệt, lo sợ chế độ sụp đổ như chuyện từng xảy ra với Liên Xô, đã không phản ứng kịp thời. Đến khi người chết như ngả rạ tại tỉnh Hồ Bắc, Tập Cận Bình lại đóng vai một vị tướng chỉ huy "cuộc chiến tranh ái quốc" chống "quái vật virus" … và sau này dùng chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 để biện hộ, quảng bá cho mô hình độc tài.
Giờ đây, cuộc chiến chống Covid được dùng để phục vụ cho vinh quang vĩ đại hơn của Đảng cộng sản Trung Quốc, mạ ánh hào quang cho Tập Cận Bình trong công cuộc theo đuổi "giấc mộng Trung Hoa" về tái sinh, củng cố tiếng tăm của ông ta thông qua các hoạt động tuyên truyền, củng cố sự ủng hộ của dân chúng đối với bộ máy Nhà nước.
Không những vậy, chế độ Tập Cận Bình còn lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để làm tăng thái độ hoài nghi, ngờ vực trong dân chúng đối với người ngoại quốc. Bộ máy tuyên tuyên truyền của Trung Quốc ngày nào cũng "ra rả" nói rằng virus đến từ nước ngoài, trong bối cảnh người dân bị bưng bít thông tin, không được tiếp cận với các nguồn tin độc lập : Bắc Kinh đã phong tỏa các kênh truyền thông nước ngoài và các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội như Google, Twitter, thậm chí cả Wikipédia …
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 10/12/2021
Phong trào suy tôn lãnh tụ Tập Cận Bình rộ lên trong thời gian gần đây tại Trung Quốc, kèm theo là cả một chiến dịch thanh lọc ngành công an Trung Quốc ngày càng thu hút sự chú ý của giới quan sát tình hình Trung Quốc.
Suy tôn lãnh tụ :
Trong một bài phân tích ngày 03/09/2020 (báo giấy), thông tín viên nhật báo Pháp Le Monde tại Bắc Kinh đã cho rằng nhân vật số một tại Trung Quốc đang dốc sức củng cố quyền lực để tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước lâu dài, bất chấp thông lệ hai nhiệm kỳ.
Tiếp tục nắm quyền chính là tham vọng của đương kim lãnh đạo Trung Quốc. Cho đến nay, khi đến giữa nhiệm kỳ thứ hai của mình, những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình đều chuẩn bị giới thiệu người kế nhiệm. Riêng ông Tập thì hoàn toàn làm ngược lại. Cách đây 2 năm, vào năm 2018, ông đã cho xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch Trung Quốc, và vào lúc này, ông đang làm tất cả để củng cố địa vị trước Đại hội Đảng 2022 và cả về sau.
Chiếm lĩnh mặt bằng truyền thông
Ghi nhận đầu tiên của Le Monde là trong suốt mùa hè, ông Tập Cận Bình đã chiếm lĩnh không gian truyền thông. Một ví dụ: Ngày 02/09 vừa qua, trên trang web của Tân Hoa Xã, những thông tin chính trong ngày về Trung Quốc đều nêu bật hoạt động của ông Tập Cận Bình, nào là ông Tập với lũ lụt sông Hoàng Hà, với việc giảng dậy triết học chính trị, với cải tổ kinh tế, với môi trường, với Tây Tạng, nào là Tập Cận Bình và hợp tác với Indonesia, quan hệ với Maroc, trao cờ cho cảnh sát…
Hiện tượng suy tôn cá nhân ông Tập Cận Bình rầm rộ đến mức mà nhiều người cho rằng vào năm 2022 tới đây, ông có thể giành được chức vị cuối cùng mà ông còn thiếu : Chức chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc đã biến mất vào năm 1982.
Song song với trào lưu sùng bái lãnh tụ, Le Monde đặc biệt ghi nhận cả một chiến dịch thanh trừng mới, theo kiểu Mao Trạch Đông, xuất hiện từ tháng Bảy, nhắm vào ngành công an, tư pháp và guồng máy an ninh Nhà nước.
Chiến dịch "chỉnh phong" theo kiểu Mao Trạch Đông
Điểm đáng chú ý là khi trình bày chiến dịch, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), tổng thư ký Ủy ban Chính pháp trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đã chọn những từ ngữ gợi lên thời kỳ đen tối chủ nghĩa Mao như "chỉnh huấn đội ngũ cán bộ", "nạo độc đến tận xương".
Nhân vật mà nhiều người cho là nằm trong số có thể kế nhiệm Tập Cận Bình, đã so sánh chiến dịch thanh trừng này với chiến dịch "Diên An chỉnh phong" của Mao Trạch Đông trong những năm 1942-1944, đã khiến 10.000 người thiệt mạng trong hàng ngũ các đối thủ thật sự hay chỉ bị nghi là chống Mao trong nội bộ Đảng, sản sinh ra phong trào sùng bái lãnh tụ.
Theo ghi nhận của Le Monde, được tiến hành ở một số đia phương trước khi mở rộng ra toàn quốc, chiến dịch thanh trừng cho đến nay đã có khoảng 30 nạn nhân.
Loại trừ thành phần "hai mặt" không trung thành với ông Tập
Một nạn nhân tiêu biểu của làn sóng thanh trừng mới này là Cung Đạo An (Gong Daoan), lãnh đạo cảnh sát ở Thượng Hải từ năm 2017, đã bị bắt vào giữa tháng 8 vừa qua với tội danh "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật". Trước đó, vào cuối tháng Sáu, giám đốc công an Trùng Khánh, một thành phố lớn phía tây, Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cũng bị cùng số phận.
Theo Le Monde, chiến dịch bảo đảm "lòng trung thành tuyệt đối" của lực lượng công an Trung Quốc -như tuyên bố của bộ trưởng công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi)- đã được thể hiện qua việc truy lùng những kẻ "hai mặt", những cán bộ bị nghi ngờ là không trung thành với ông Tập cận Bình, một chiến dịch sẽ chỉ kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2022, tức sáu tháng trước Đại hội Đảng lần thứ 20.
Đối với thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, xu hướng sùng bái cá nhân Tập Cận Bình, chiến dịch chống tham nhũng và nhất là vấn đề xem xét lại các cải tổ kinh tế bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình đã gây bất mãn trong giới ưu tú tại Trung Quốc.
Nhiều người trong các thành phần lãnh đạo xí nghiệp quốc doanh, giới cán bộ Nhà nước, giới giảng dậy, đã bị tịch thu hộ chiếu, không thể xuất ngoại vì lý do cá nhân.
Chỉ còn phe thân Tập Cận Bình, phân biệt nhau bằng xuất xứ
Tuy nhiên, ngoài một số người hơn 60 tuổi, mà đa số đã ra nước ngoài, thì không ai dám lên tiếng chính thức phản đối, nhất là khi ông Tập Cận Bình đã cài người của ông vào mọi nơi.
Một nhà ngoại giao giải thích: "Trước đây, người ta phân tích việc đề bạt lãnh đạo các tỉnh trên cơ sở phe phái. Bây giờ thì người ta tìm cách phân biệt họ thuộc nhóm trung thành nào của ông Tập Cận Bình: giới kỹ trị thuộc các tập đoàn công nghiệp quân sự, nhóm Triết Giang, nơi ông Tập Cận Bình khởi đầu sự nghiệp, nhóm những người ông Tập quen biết khi còn ở Đại Học, giới tài chính… Tất cả đều có năng lực và trung thành với Tập Cận Bình".
Áp đặt đường lối kinh tế trọng doanh nghiệp Nhà nước
Theo ghi nhận của Le Monde quyền lực độc tôn của của ông Tập Cận Bình còn bắt đầu được ông áp đặt trên lãnh vực kinh tế, vốn trên nguyên tắc do thủ tướng Lý Khắc Cường chịu trách nhiệm. Vấn đề là khác biệt trong quan điểm giữa hai người: Thủ tướng Lý Khắc Cường được xem là theo xu hướng tự do, trong lúc ông Tâp Cận Bình lại chuộng mô hình kinh tế quốc doanh.
Tháng Tám vừa qua, chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định lại vị trí hàng đầu của các xí nghiệp nhà nước và học thuyết mác-xít. Dấu hiệu rất rõ là sự kiện bán nguyệt san Cầu Thị (Qiushi) của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, trong số giữa tháng 8, đã đăng bài phát biểu của ông Tập trước Bộ Chính trị vào năm 2015, trong đó ông đã nhấn mạnh là "quy chế cơ bản của quyền sở hữu nhà nước và vai trò đầu tàu của doanh nghiệp nhà nước không thể bị bào mòn".
Đối với ông Tập Cận Bình, kinh tế tư nhân cũng có một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng phải phục vụ đất nước, tức là đảng cộng sản…
Khái niệm kinh tế mới : "Lưu thông kép"
Mùa hè vừa qua, theo Le Monde, một khái niệm kinh tế mới đã nở rộ tại Trung Quốc : Khái niêm "song tuần hoàn", sẽ chiếm vị trí trọng tâm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trên nguyên tắc sẽ được đưa ra trước hội nghị toàn thể đảng cộng sản, dự trù mở ra vào nửa cuối tháng 10.
Điểm chủ đạo trong khái niệm này không phải là từ bỏ toàn cầu hóa kinh tế (vòng lưu thông-tuần hoàn thứ nhất), mà là hóa giải các giới hạn của toàn cầu hóa bằng cách quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu nội địa (vòng lưu thông-tuần hoàn thứ 2).
Theo hai chuyên gia Jude Blanchette et Andrew Polk thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington, đây là chiến lược Bắc Kinh đề ra để đối phó với xu hướng tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc (decoupling) đang xuất hiện, đặc biệt là tại Mỹ.
Theo Le Monde, việc Trung Quốc đưa ra kế hoạch này vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11, cho thấy là Bắc Kinh không còn hy vọng về một quan hệ hòa hoãn với Washington, và cho dù tân chủ nhân Nhà Trắng có là ai chăng nữa, thì Trung Quốc vẫn tin chắc rằng là hai quốc gia sẽ là đối thủ hơn là đối tác, và cần phải thủ thế.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 07/09/2020