Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàng chục ngàn người Hồng Kông tưởng niệm Thiên An Môn (RFI, 05/06/2017)

Hàng chục ngàn người dân ở Hồng Kông tối qua 04/06/2017 đã tập họp lại để tưởng niệm 28 năm vụ thảm sát các sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 4 tháng 6 năm 1989.

tq1

Hồng Kông : Đêm thắp nến tưởng niệm sự cố Thiên An Môn, tại công viên Victoria, ngày 04/06/2017. Reuters

Theo các nhà tổ chức, có khoảng 110.000 người đã tham gia đêm thắp nến tưởng niệm tại công viên Victoria, so với năm 2016 là 125.000 người. Phía cảnh sát cho là chỉ có 18.000 người tham gia. Cả sáu sân banh của công viên đông kín người cầm nến và dùng điện thoại di động làm đèn, họ hô khẩu hiệu và đồng ca. Một màn hình lớn chiếu cảnh đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn và cảnh đối thoại với một số bà mẹ các nạn nhân.

Những người biểu tình sau đó tuần hành đến văn phòng liên lạc Hoa lục, hô vang "Không ai bị lãng quên", đòi trả tự do cho các tù chính trị tại Trung Quốc. Sau phút mặc niệm, họ ném 28 cây nến vào hàng rào tòa nhà được giữ an ninh cẩn mật. Người biểu tình cũng đốt một lá cờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi giải tán.

Vùng đất bán tự trị Hồng Kông là nơi duy nhất hàng năm đều tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Nhưng trong hai năm gần đây, một số tổ chức sinh viên đã tẩy chay lễ tưởng niệm truyền thống ở công viên Victoria, cho rằng nên dành ưu tiên đấu tranh cho dân chủ của Hồng Kông chứ không phải trên toàn Trung Quốc.

Mạch Quân Vĩ (Mak Kwan Wai), phó chủ tịch hội sinh viên trường đại học Báp-tít Hồng Kông nói với AFP là người Hồng Kông cần phải tự bảo vệ trước, còn việc xây dựng nền dân chủ tại Trung Quốc không phải là trách nhiệm của họ. Tuy nhiên lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) quan niệm rằng không thể lãng quên các nạn nhân vụ thảm sát, và chính quyền Bắc Kinh phải gánh lấy trách nhiệm vụ đàn áp đẫm máu này.

Đặc biệt năm nay mang ý nghĩa chính trị quan trọng, vì một tháng nữa ông Tập Cận Bình sẽ đến Hồng Kông để kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc. Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan), một trong những nhà tổ chức nói : "Khi Tập Cận Bình đến đây, ông ta sẽ thấy rằng người dân Hồng Kông không hề quên".

Đài Loan, Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc dân chủ hóa

Tại Đài Loan, ngày tưởng niệm 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn là dịp để tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi Bắc Kinh tiến hành chuyển đổi sang dân chủ. Bà viết trên Facebook và Twitter :

"Về dân chủ, có một số đi trước và một số còn chậm trễ, nhưng tất cả rốt cuộc sẽ đến đích. Nếu áp dụng các kinh nghiệm của Đài Loan tôi tin rằng Trung Quốc sẽ rút ngắn những khó khăn trong cải cách dân chủ. Khoảng cách lớn nhất giữa hai bên eo biển Đài Loan chính là dân chủ và tự do".

Ở Bắc Kinh, lực lượng an ninh dày đặc trên quảng trường Thiên An Môn, khám xét túi xách và kiểm soát giấy tờ của những ai có mặt. Trên mạng Vi Bác, các từ khóa liên quan đến Thiên An Môn đều bị chặn, nhưng các cư dân mạng có thể né kiểm duyệt bằng cách đăng những câu như "Không bao giờ quên lãng", hay ảnh một bàn cờ mạt chược có số 4 và số 6 (tượng trưng cho ngày 4 tháng 6).

Về phía Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump hôm qua đả kích Bắc Kinh trên hồ sơ nhân quyền. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ viết : "Hoa Kỳ coi việc bảo vệ nhân quyền là một trong những nghĩa vụ căn bản của tất cả các quốc gia. Chúng tôi khuyến khích chính quyền Trung Quốc tôn trọng các quyền con người phổ quát và quyền tự do căn bản của mọi công dân".

Ngành ngoại giao Mỹ hàng năm đều kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989. Trong dịp tưởng niệm lần đầu tiên dưới chính quyền Trump, phía Mỹ "một lần nữa kêu gọi Trung Quốc đưa ra bản tổng kết chính thức về số người bị sát hại, giam giữ hay mất tích" liên quan đến sự kiện này, và chấm dứt quấy nhiễu thân nhân các nạn nhân.

Hai đại cường từ gần chục năm qua vẫn duy trì cuộc "đối thoại chiến lược và kinh tế" vào tháng Sáu, nhưng thời điểm đối thoại năm nay vẫn chưa được chính thức loan báo.

Thụy My

***********************

Trung Quốc hợp pháp hóa việc theo dõi các nhà hoạt động (RFA, 05/06/2017)

Các nhà hoạt động Trung Quốc tỏ ra lo ngại biện pháp tăng cường theo dõi khi mà nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố dự luật hợp pháp hóa việc giám sát các nghi phạm và khám xét nơi ở.

tq2

Một cảnh đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc hôm 28/2/2017. AFP photo

Hãng tin Reuters ngày 5/6 cho biết nhiều nhà hoạt động đã nói với hãng này rằng họ phải đối mặt với sự giám sát tăng cường của an ninh và bị đặt camera bên ngoài nhà. Các hoạt động trên mạng xã hội cũng bị theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ. Một số người cho biết trước đó, họ bị theo sát một cách bí mật nhưng bây giờ an ninh nói thẳng là đang theo dõi họ.

Dự thảo này được Trung Quốc công bố vào ngày 16 tháng 5 với mục đích để củng cố và mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc trong và ngoài nước.

Tuy nhiên nhiều người cho biết dự thảo này rất mơ hồ và không quy định rõ quyền hạn của các cơ quan nhà nước khác nhau.

*******************

Zambia bắt 31 người Trung Quốc vì khai thác đồng (BBC, 05/06/2017)

Zambia vừa bắt giữ 31 người Trung Quốc vì khai thác đồng trái phép ở Chingola nhưng vụ việc đã ngay lập tức bị Bắc Kinh phản đối.

tq3

Hai đốc công người Trung Quốc bị kết tội 'cố ý giết người' đối với thợ mỏ Zambia khi họ phản đối điều kiện làm việc tồi ở một mỏ than năm 2010.

Nhà chức trách Trung Quốc nói phía Zambia không cung cấp đủ bằng chứng phạm tội.

Báo chí Zambia trích lời quan chức nước này nói việc tham gia vào chế biến quặng đồng của người Trung Quốc mà không có giấy phép là "phạm pháp".

Ông Lâm Tùng Thiêm (Lin Songtian), Vụ trưởng Vụ Châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã viết thư phản đối động thái này của Zambia.

Ông nói Trung Quốc hiểu và ủng hộ hành động trấn áp việc khai thác mỏ bất hợp pháp, hãng Reuters trích lời một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tuy nhiên, Zambia đã không đưa đủ bằng chứng phạm tội của 31 người bị bắt giữ, và còn bắt giữ một phụ nữ đang mang thai và hai người khác đang bị sốt rét, ông Lâm nói.

"Trung Quốc vô cùng quan ngại và phản đối quyết liệt vụ việc này".

tq4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete trong chuyến đi thăm ba nước Châu Phi của ông Tập năm 2013

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Zambia, quốc gia giàu nguồn quặng đồng. Tuy nhiên, nhiều công nhân Zambia cáo buộc các công ty Trung Quốc lạm dụng sức lao động và trả lương thấp.

Năm 2012, công nhân mỏ Zambia giết hại một đốc công Trung Quốc và làm trọng thương một đốc công khác trong vụ bất đồng về tiền lương ở một mỏ than.

Trước đó hai năm, cảnh sát Zambia buộc tội hai đốc công khác cũng ở mỏ than này sau khi 13 thợ mỏ bị bắn cũng vì xung đột về tiền lương.

Trung Quốc, nước thiếu nguyên liệu thô, đang đầu tư mạnh vào Châu Phi, nơi cung cấp dầu và nguyên liệu thô như đồng và uran.

Nhưng có những chỉ trích rằng các công ty Trung Quốc này vẫn hoạt động với thói quen xấu về việc bảo vệ quyền công nhân và môi trường.

Published in Châu Á