Trọng Nghĩa, RFI, 29/03/2021
Trong một cuộc họp báo vào hôm 29/03/2021, chính quyền vùng Tân Cương đã tố cáo Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Canada là đã can dự vào những hoạt động "thao túng chính trị" để gây bất ổn cho Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, ông Xu Guixiang, một phát ngôn viên của chính quyền vùng tự trị Tân Cương đã tuyên bố như trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc diệt chủng, cũng như phản đối các lệnh trừng phạt mà các chính phủ phương tây đã công bố liên quan đến những hành vi chà đạp nhân quyền nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở đây.
Ngoài việc liên tục bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và vi phạm nhân quyền trong khu vực, đại diện chính quyền Tân Cương còn tố cáo ngược lại các cường quốc phương Tây là có ý đồ chính trị để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.
Hoa Kỳ vào tháng Giêng đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm bông và cà chua từ khu vực này do cáo buộc lao động cưỡng bức những người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc như vậy và nói rằng đó là các trại huấn nghệ để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Ngoài những cáo buộc kể trên, chính quyền Tân Cương hôm nay cũng đã cảnh cáo tập đoàn may mặc H&M của Thụy Điển và các công ty nước ngoài khác là không nên có hành động hấp tấp hoặc xen vào chính trị sau khi các công ty này nêu quan ngại về tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương, gây ra phản ứng dữ dội và tẩy chay trên mạng ở Trung Quốc.
H&M, Burberry, Nike và Adidas và các thương hiệu phương Tây khác đã bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay kể từ tuần trước vì những bình luận về nguồn cung cấp bông của họ ở Tân Cương. Tình hình ngày càng nghiêm trọng sau khi Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác gia tăng áp lực lên Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.
Cư dân mạng Trung Quốc từ tuần trước đã bắt đầu một phong trào tẩy chay tất cả các thương hiệu hàng may mặc phương Tây đã từng tuyên bố không mua bông từ Tân Cương với lý do là đã được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Washington hôm thứ Sáu vừa qua đã lên án cái mà họ gọi là một chiến dịch truyền thông xã hội "do nhà nước lãnh đạo" ở Trung Quốc chống lại các công ty Hoa Kỳ và quốc tế khác vì cam kết không sử dụng bông từ Tân Cương.
Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết Liên Hiệp Quốc đã tiến hành "các cuộc đàm phán nghiêm túc" với Trung Quốc để cử đại diện tới Tân Cương, nơi người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ là nạn nhân của chính sách đàn áp bị phương Tây lên án,
Trong một cuộc phỏng vấn do kênh CBC của Canada phát sóng hôm 28/03, ông Guterres cho biết "Các cuộc đàm phán nghiêm túc hiện đang được tiến hành giữa văn phòng Cao Ủy (Nhân Quyền) và chính quyền Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
*********************
Mai Vân, RFI, 29/03/2021
Bị phương Tây, cụ thể là Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Mỹ và Canada, trừng phạt về tội đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc đã lập tức trả đũa. Tuy nhiên, các biện pháp mà Bắc Kinh áp dụng đi xa hơn là những quyết định "ăn miếng trả miếng" đơn thuần về mặt ngoại giao, mà còn nhắm mục tiêu "bịt miệng" những người phê phán Trung Quốc dữ dội nhất. Bên cạnh đó vũ khí tẩy chay thương mại cũng được tung ra đồng thời để tăng cường áp lực.
Cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trên vấn đề người Duy Ngô Nhĩ bùng lên ngày 22/03/2021 khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) công bố quyết định trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc vì các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, liên quan đến các trại cải tạo giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.
Trong số các cá nhân bị trừng phạt, nổi bật nhất là ông Trần Minh Quốc (Chen Ming Guo), giám đốc Công An Tân Cương. Thực thể Trung Quốc bị trừng phạt là Binh Đoàn Sản Xuất và Xây Dựng Tân Cương (XPCC) - một tổ chức kinh tế và bán quân sự trong vùng. Ngoài Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada cũng gần như cùng lúc loan báo các quyết định trừng phạt của mình
Bắc Kinh đã lập tức quyết định đáp trả các động thái của phương Tây. Ngay hôm 22/03, Trung Quốc công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính khách và học giả), trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể mà theo Bắc Kinh đã "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc" liên quan đến vấn đề Tân Cương.
Sau đó đến ngày 26/03, Bắc Kinh thông báo tiếp lệnh trừng phạt nhằm vào 4 thực thể và 9 công dân Anh, trong đó có cả các nhà lập pháp, luật sư và doanh nhân mà họ cho là "nói dối và gieo rắc thông tin sai lệch" về những hành động của Trung Quốc ở Tân Cương. Trong số này, có cựu lãnh đạo đảng Bảo Thủ Iain Duncan Smith và Ủy Ban Nhân Quyền đảng Bảo Thủ Anh Quốc.
Và đến hôm 27/03 vừa qua, 3 cá nhân và một tổ chức của Mỹ và Canada đã trở thành đối tượng mới nhất bị Bắc Kinh trừng phạt. Bị Trung Quốc nhắm tới là chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo QuốccTế Mỹ (USCIRF) Gayle Manchin cùng với ông Tony Perkins, phó chủ tịch. Đối với Canada, người bị Bắc Kinh tấn công là dân biểu Michael Chong và Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Tế thuộc Hạ Viện Canada.
Đối với giới phân tích, có một khác biệt rõ nét trong cách trừng phạt của phương Tây và trả đũa của Trung Quốc. Theo báo Le Monde ngày 26/03, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Vương Quốc Anh và Canada đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nhà lãnh đạo trong quá khứ hoặc hiện tại của vùng Tân Cương, trong khi Trung Quốc lại nhắm vào các học giả hay chính khách đã vạch trần chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Đối với Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn, Trung Quốc xử phạt trước tiên mười nhân vật Châu Âu, bao gồm năm nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu. Tất cả đều bị cáo buộc "truyền bá lời nói dối" dựa trên các nghiên cứu mà Trung Quốc cho là thiên vị. Tất cả đều là những người tích cực đấu tranh cho người Duy Ngô Nhĩ.
Hai nhân vật tiêu biểu mà Bắc Kinh muốn bịt miệng là học giả người Đức Andrien Zenz, tác giả nhiều công trình tố cáo các hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương, và nghị sĩ Châu Âu người Pháp Raphaël Glucksmann, đã không ngừng lên án chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh.
Ý đồ bịt miệng những tiếng nói đanh thép nhất vạch trần các hành vi của Trung Quốc cũng được thấy trong việc Bắc Kinh đã mở rộng các biện pháp trừng phạt sang 9 người Anh, bao gồm cả các nghị sĩ cấp cao, cũng như 4 thực thể, trong đó có Ủy Ban Nhân Quyền của đảng Bảo Thủ của thủ tướng Boris Johnson, cũng như cựu lãnh đạo của đảng này, Iain Duncan Smith.
Thủ tướng Anh đã vạch trần ý đồ này của Trung Quốc khi nói rằng những người Anh bị nhắm trong các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đóng một "vai trò quan trọng" trong việc tố cáo "những vi phạm thô bỉ" đối với nhân quyền.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc phương Tây là nguồn gốc của các hành động thù địch. Bà nói, Trung Quốc chỉ có thể "đối phó với họ theo cách mà họ hiểu và ghi nhớ".
Ngoài các biện pháp trả đũa nhắm vào các học giả và chính khách Âu Mỹ có lập trường phê phán Trung Quốc, Bắc Kinh lần này không ngần ngại bật đèn xanh cho chiến dịch tẩy chay các thương hiệu đã đáp ứng lời kêu gọi tẩy chay bông vải sản xuất bằng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.
Mỹ là nước nhạy bén nhất trong việc tố cáo chiến dịch tẩy chay mà Trung Quốc khởi động. Ngay khi nắm được thông tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter tuyên bố: "Hoa Kỳ lên án chiến dịch do Nhà nước Trung Quốc tiến hành trên các mạng xã hội, và việc tẩy chay các công ty và người tiêu dùng nhắm vào các doanh nghiệp, đặc biệt là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, vì đã quyết định không sử dụng bông từ Tân Cương, sản phẩm của lao động cưỡng bức", Washington như thế "ủng hộ" các doanh nghiệp trên.
Theo các nghiên cứu do các trung tâm tham vấn của Mỹ và Úc công bố, nhưng bị Bắc Kinh bác bỏ, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các "trại" ở Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, và một số bị "lao động cưỡng bức", đặc biệt là trên các cánh đồng bông. Washington cho rằng việc đàn áp thiểu số Hồi Giáo này cấu thành "tội ác diệt chủng". Một số công ty hàng may mặc sẵn như H&M của Thụy Điển, hay Uniqlo của Nhật Bản, hiệu giầy Nike của Mỹ, Adidas của Đức đã cam kết vào năm ngoái sẽ tẩy chay vải bông từ Tân Cương - khu vực chiếm gần 1/5 sản lượng toàn cầu và cung cấp cho nhiều đại gia quần áo.
Phong trào tẩy chay sản phẩm các công ty này đã bùng lên trong những ngày qua, mà bị nặng nhất là hãng H&M của Thụy Điển, đã chứng kiến sản phẩm của họ bị rút khỏi các trang bán hàng trực tuyến chính của Trung Quốc vào hôm thứ Tư, 24/03. Qua thứ Sáu, thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã ủng hộ doanh hiệu số hai thế giới về quần áo, thực hiện hơn 5% doanh thu tại Trung Quốc. Ông nói : "Rất tốt khi các công ty chịu trách nhiệm về điều kiện làm việc của nhân viên trên toàn thế giới".
Tình hinh căng thẳng thêm với sự kiện một số diễn viên và ca sĩ Trung Quốc loan báo rằng họ sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Nike, Adidas, Uniqlo, Converse hoặc thậm chí là Calvin Klein, mà họ là đại sứ. Nạn nhân mới nhất là Hugo Boss và Burberry.
Dù chính quyền Trung Quốc không đích thân lên tiếng, nhưng một dấu hiệu cho thấy rõ sự can thiệp của chính quyền khi chính Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc đã phát động các hành động tẩy chay.
Mai Vân
*********************
Thụy My, RFI, 28/03/2021
Bắc Kinh hôm 27/03/2021 thông báo trừng phạt một số nhân vật và định chế Mỹ và Canada, để trả đũa việc các nước này áp đặt nhiều biện pháp cấm đoán vào đầu tuần do Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Biện pháp của Bắc Kinh nhắm vào hai thành viên ủy ban Mỹ về tự do tín ngưỡng quốc tế, Gayle Manchin và Tony Perkins, cùng với dân biểu Canada Michael Chong và một ủy ban Quốc hội Canada về nhân quyền. Tất cả bị cấm nhập cảnh vào Hoa Lục, Hồng Kông, Macao, và không được giao dịch làm ăn với công dân cũng như các định chế Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Kỳ và Canada trừng phạt "trên cơ sở tin đồn và thông tin bị bóp méo". Các nhân vật bị Bắc Kinh cấm vận "phải chấm dứt xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, nếu không họ sẽ phải hối hận".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tố cáo động thái trên, và khẳng định "âm mưu của Bắc Kinh đe dọa và bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản chỉ làm quốc tế càng chú ý đến nạn diệt chủng và các tội ác chống nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương".
Về phía thủ tướng Canada, Justin Trudeau tuyên bố ủng hộ các dân biểu trước "các biện pháp không thể chấp nhận được" của Bắc Kinh, và tiếp tục bảo vệ các quyền của họ.
Dân biểu Michael Chong phản ứng trên Twitter, khẳng định coi việc Bắc Kinh trừng phạt là một sự "tưởng thưởng". Ông viết : "Chúng ta có bổn phận buộc Trung Quốc phải trả giá vì đã đàn áp Hồng Kông và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ. Được sống tự do trong các chế độ dân chủ, dưới Nhà nước pháp quyền, chúng ta phải là tiếng nói của những người bị bịt miệng".
Hôm thứ Hai 22/03, Hoa Kỳ, Canada cùng với Liên Hiệp Châu Âu và Anh quốc đã cùng phối hợp trừng phạt các quan chức Tân Cương vì đã cưỡng bức cải tạo cả triệu người Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc ngay sau đó đã trả đũa bằng cách trừng phạt một số nhân vật Châu Âu và Anh, nay đến lượt Hoa Kỳ và Canada.
Thụy My
*********************
Trung Quốc chế tài các cơ quan của Mỹ, Canada về vấn đề Tân Cương
VOA, 27/03/2021
Trung Quốc ngày thứ Bảy áp đặt các chế tài lên hai quan chức đặc trách quyền tôn giáo của Mỹ và một nhà lập pháp Canada để đáp trả các chế tài của Mỹ và Canada về Tân Cương.
Bắc Kinh đang phản pháo các chế tài mà Mỹ, Liên minh Châu Âu, Anh và Canada áp đặt vì điều mà họ nói là những vi phạm nhân quyền nhắm vào người Hồi giáo Uighur và các dân tộc thiểu số người Turk khác ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này sẽ có các biện pháp nhắm vào bà Gayle Manchin và ông Tony Perkins, chủ tịch và phó chủ tịch của Ủy hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), một cơ quan cố vấn của chính phủ Mỹ.
Trung Quốc cũng trừng phạt thành viên nghị viện Canada Michael Chong, Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế (FAAE) của nghị viện, cũng như Tiểu ban về Nhân quyền Quốc tế của FAAE. Tháng này tiểu ban đã trình bày mộtbáo cáo kết luận những hành động tàn bạo được thực hiện ở Tân Cương cấu thành tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng.
"Chính phủ Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích an ninh và phát triển của mình, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hiểu rõ tình hình và khắc phục sai lầm của họ," bộ nói.
"Họ phải ngừng thao túng chính trị đối với các vấn đề liên quan đến Tân Cương, ngừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc dưới mọi hình thức và kiềm chế không đi xa hơn vào con đường sai trái. Nếu không họ sẽ bị bỏng tay".
Bộ cho biết các cá nhân này bị cấm nhập cảnh Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau, đồng thời các công dân và tổ chức Trung Quốc bị cấm giao dịch với các cá nhân này hoặc có bất kì trao đổi nào với tiểu ban.
Các chế tài trước đây của Trung Quốc nhắm vào các cá nhân của Mỹ, những người mà họ nói đã làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc về vấn đề liên quan đến Tân Cương, vẫn có hiệu lực, theo thông cáo.
Các nhà hoạt động và các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói ít nhất một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc xâm hại và nói rằng các trại này đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.