Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biển Đông: Quốc sách chủ bại trước Bắc Kinh của Tổng thống Philippines (RFI, 30/05/2018)

Ngày 28/05/2018 vừa qua, ngoại trưởng Philippines Cayetano cứng rắn cho biết là nước này sẵn sàng "chiến đấu" chống Trung Quốc nếu Bắc Kinh có những hành động mà Tổng thống Duterte xem là không thể chấp nhận được. Tuyên bố đanh thép hiếm hoi này được đưa ra ít lâu sau khi Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington (Mỹ) công bố ảnh vệ tinh ngày 17/05 cho thấy quân đội Philippines đã bắt đầu sửa chữa một phi đạo và nâng cấp một số cơ sở hạ tầng khác trên đảo Thị Tứ, do Manila kiểm soát tại Trường Sa.

bd1

Ảnh minh họa: Tổng thống Rodrigo Duterte, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 120, ngày thành lập Hải Quân Philippines? Ảnh tại Manila, ngày 22/05/2018. Reuters/Romeo Ranoco

Đối với giới quan sát, đó là những động thái có mục tiêu trấn an dư luận Philippines, đang ngày càng lo lắng trước đường lối bị coi là chủ bại, thậm chí là đầu hàng Trung Quốc, của tổng thống Duterte trên vấn đề Biển Đông, để tranh thủ lợi ích trong lãnh vực kinh tế, thương mại.

Trong bài phân tích mang tựa đề "Cuộc đấu mờ nhạt của Philippines ở Biển Đông - Philippines' lacklustre fight in the South China Sea", trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera ngày 22/05 đã dẫn lời một số chuyên gia Philippines cho rằng "nhân nhượng" Trung Quốc không phải là một giải pháp tốt cho đất nước Đông Nam Á này.

"Tôi không thể đi đến chiến tranh với Trung Quốc": đây là những lời của tổng thống Philippines Duterte mỗi khi được hỏi về tranh chấp chủ quyền của Philippines trên một phần Biển Đông. Đây cũng là quan điểm ông từng nêu lên khi phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ 120 ngày thành lập Hải Quân, vào hôm 22/05/2018. Mặc dù khen ngợi những nỗ lực ‘oai hùng’ của các lính thủy trong việc gìn giữ bảo vệ lãnh thổ Philippines, nhưng ông Duterte đã gián tiếp công nhận thế yếu của họ so với đối thủ Trung Quốc.

"Tôi không thể lao vào một trận chiến mà tôi không thể thắng", ông đã nói như vậy trước những người lính Hải Quân và các nhân vật cao cấp.

Đối với giới chỉ trích, quả là tổng thống Philippines đã đưa ra những lập luận chủ bại, và ông phải gánh một phần trách nhiệm trong thái độ hung hăng của Trung Quốc, tiếp tục quân sự hóa Trường Sa và Hoàng Sa, bất chấp những lời kêu gọi từ biết bao quốc gia đòi Bắc Kinh ngưng ngay việc này.

Manila đã không cùng lên tiếng với họ, trong khi mà Philippines là quốc gia duy nhất nắm con chủ bài có thể giúp ngăn sức mạnh quân sự của Trung Quốc: Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, và khẳng định đặc quyền kinh tế của Philippines trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển của mình.

Do việc ông Duterte đã chủ trương gác qua một bên phán quyết quốc tế với hy vọng tranh thủ được Trung Quốc, giới phân tích giờ đây đánh giá là Philippines đang thua trong cuộc tranh chấp, trước một láng giềng hung hăng hơn.

Trả lời đài Al Jazeera, chuyên gia Jay Batongbacal, thuộc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải và Luật Biển thuộc Đại Học Philippines, cảnh báo rằng: "Nếu Manila cứ tiếp tục trên con đường hiện tại, thì phán quyết kể như sẽ không còn phù hợp với thực tế trên hiện trường trong một năm tới đây".

Đối với ông Batongbacal, vì cho là phán quyết quốc tế luôn có giá trị, muốn dùng lúc nào cũng được, cho nên ông Duterte đã "nhượng cuộc chơi quá sớm" và chính quyền của ông chỉ có thể tự trách mình khi gác qua một bên và "lãng phí chiến thắng có ý nghĩa nhất của Philippines trong tranh chấp Biển Đông".

Oanh tạc cơ và tên lửa Trung Quốc trên Biển Đông

Vào hôm thứ Sáu 18/05, Không Quân Trung Quốc thông báo triển khai oanh tạc cơ tại một tiền đồn ở Hoàng Sa, một nơi mà Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền.

Vào thượng tuần tháng 5 này, kênh truyền thông Mỹ CNBC trích nguồn tin tình báo Mỹ, nói rõ là Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và hỏa tiễn phòng không ở Trường Sa, nơi mà cả Philippines, lẫn Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cùng tuyên bố chủ quyền.

Trong cả hai trường hợp, Philippines đều rơi vào bên trong tầm nhắm của vũ khí tấn công Trung Quốc đặt cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong dân chúng và tăng sức ép lên tổng thống Duterte, thúc giục ông hành động.

Bộ ngoại giao Philippines nói rằng họ "đang đưa ra hành động ngoại giao thích hợp" để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của đất nước", nhưng sẽ không "nói công khai về bất kỳ hành động đưa ra nào". Đó không phải là phản ứng mà công luận Philippines chờ đợi.

Khác với Việt Nam đã công khai lên tiếng tố cáo Trung Quốc "làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn định trong khu vực" và yêu cầu Bắc Kinh ngưng quân sự hóa Biển Đông.

Quyền lãnh đạo Tư Pháp Philippines Antonio Carpio và cựu ngoại trưởng Alberto Del Rosario, hai người từng là tác nhân vụ kiện và bảo vệ đơn khiếu nại của Philippines trước Tòa Trọng Tài La Haye, đã chỉ trích phản ứng của chính quyền Duterte.

Ông Del Rosario cho là chính quyền phải "xem xét lại" chính sách ngoại giao của mình, quyết định xếp vào ngăn tủ phán quyết Tòa Trọng Tài sẽ làm Philippines mất đi "cơ may thúc đẩy lập trường của mình" và tạo điều kiện cho Trung Quốc "đi vào sân sau của Philippines".

Từ năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp 7 đảo đá ở Trường Sa và biến chúng thành những cơ sở quân sự. Theo phán quyết của Tòa Trọng Tài thì những đảo đá đó nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chiếu theo Luật Biển quốc tế.

Phần ông Carpio thì thúc giục chính quyền "chính thức phản đối" hành động của Trung Quốc và lôi kéo những quốc gia khác muốn hậu thuẫn cho phán quyết của tòa quốc tế. Không làm như vậy, Philippines sẽ trở thành "nạn nhân tự nguyện của chiến lược chiến tranh thứ 3 của Trung Quốc", dùng sức mạnh quân sự để hù dọa đối thủ tranh chấp.

Để giải tỏa nỗi sợ hãi của ông Duterte về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, ông Carpio giải thích là việc chính thức phản đối được Hiến Chương Liên Hiệp Quốc công nhận là một hành đông đáp trả "hòa bình và chính đáng", và do đó không thể trở thành cớ để gây chiến.

Người tích cực cộng tác với kẻ xâm lược

Tổng thống Duterte đã bị nhiều người chỉ trích vì đã nêu khả năng xẩy ra chiến tranh với Trung Quốc thành một cái cớ để không làm gì cả trên vấn đề Biển Đông.

Trong một tham luận vào tháng 7/2017, ông Carpio nhận thấy là tổng thống Duterte có "một thiếu sót kiến thức đáng ngạc nhiên về luật quốc tế và quan hệ quốc tế", và ông nêu bật là Trung Quốc sẽ không mạo hiểm tấn công Philippines vì làm như thế sẽ khởi động hiệp định phòng thủ hỗ tương mà Manila đã ký với Mỹ.

Nói cách khác, một cuộc chiến với Philippines sẽ là một cuộc chiến với Mỹ mà ông Carpio cho rằng Trung Quốc không muốn.

Tuy nhiên đối với ông Jose Antonio Custodio, một nhà phân tích quân sự, từng là cố vấn cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Philippines, thì ông Duterte không đơn thuần là quá thận trọng.

Trả lời Al Jazeera, chuyên gia này phân tích: "Các hành động của chính quyền Duterte ngay từ ngày đầu đã cho thấy là họ từ bỏ việc lập một khối đồng thuận quốc tế chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc để chuyển qua cộng tác đắc lực với Bắc Kinh".

Bên cạnh việc gạt qua một bên phán quyết thuận lợi cho Philippines của Tòa Trọng Tài, ông Duterte còn giảm nhẹ mức độ cứng rắn trong bản tuyên bố chung của ASEAN muốn nêu lên vấn đề tranh chấp Biển Đông lúc ông làm chủ tịch vào năm ngoái 2017. Ông Duterte vẫn tiếp tục ca ngợi, tâng bốc Bắc Kinh, mở cửa Philippines cho ảnh hưởng kinh tế và chính trị Trung Quốc thông qua các khoản trợ giúp, tín dụng.

Những điều đó, theo ông Custodio, cho thấy hình ảnh một Duterte năng nổ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc, và "phổ biến một không khí chủ bại để biện minh cho chính sách thân Bắc Kinh".

Trung Quốc chỉ là một mối quan ngại chứ không là đe dọa

Ê kíp truyền thông của ông Duterte ý thức rất rõ là chính quyền bị chỉ trích như thế, cho nên đã cố phô trương hình ảnh một Duterte yêu nước.

Vào trung tuần tháng 5, tổng thống Duterte đã viếng một tàu hải quân chuẩn bị đến Benham Rise, một vùng giàu tài nguyên và và có vị trí chiến lược ngoài khơi Thái Bình Dương, và đã được ông đặt tên lại là Philippine Rise sau khi phát hiện tàu Trung Quốc trong khu vực.

Con trai ông cùng với cộng sự viên cao cấp nhất của ông đã chạy môtô nước chung quanh chiếc tàu bỏ neo ngoài biển, như để nhắc lại tuyên bố của ông Duterte lúc vận động tranh cử là sẵn sàng chạy môtô nước ra Trường Sa cắm cờ Philippines trên một cơ sở của Trung Quốc.

Có điều hiện nay, ngay cả những phụ tá của ông Duterte cũng tỏ ra rất thận trọng khi nói về Trung Quốc. Khi được hỏi về quan điểm của tổng thống về những diễn tiến mới đây ở Biển Đông, phát ngôn viên của ông Duterte giải thích là tổng thống nhìn Trung Quốc như một "mối quan ngại chứ không là mối đe dọa".

Ông Duterte luôn luôn nhấn mạnh là Philippines không có nhiều chọn lựa, nếu không muốn nói là không có bất kỳ chọn lựa nào khi xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc, do đó chỉ có thể "hy vọng nơi thái độ khoan dung" của Bắc Kinh.

Mai Vân

*******************

Biển Đông : Tạo rủi ro khi khoan dầu, Trung Quốc muốn bóp nghẹt kinh tế Việt Nam (RFI, 29/05/2018)

Reuters nhận xét, một số lô dầu ngoài khơi Việt Nam lại nằm lọt trong phạm vi đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, để yêu sách chủ quyền hầu hết diện tích vùng biển quan trọng này.

bd2

Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Nga Rosneft và tàu hậu cần hoạt động ngoài khơi Vũng Tàu, ngày 29/04/2018. Reuters/Maxim Shemetov

Tuần trước, Rosneft Vietnam BV, chi nhánh của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft tiến hành khoan thăm dò tại một lô khí đốt ở ngoài khơi làm Bắc Kinh tức giận. Hôm 17/05/2018, Rosneft tuyên bố khu vực Biển Đông mà tập đoàn này có giấy phép khai thác "nằm bên trong vùng lãnh hải của Việt Nam", khẳng định chỉ tiến hành các hoạt động "trên thềm lục địa của Việt Nam".

Bộ ngoại giao Việt Nam lập tức tuyên bố lô khí đốt 06.01 "hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", cảnh báo Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của nước mình.

Dầu khí, nguồn thu quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế

Hồi tháng Ba, Việt Nam đã phải cho ngưng một dự án khoan dầu ở gần mỏ Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) do áp lực của Trung Quốc. Đây là một phần của lô 07.03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn ở ngoài khơi Vũng Tàu, có tiềm năng cung cấp gần 30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày. Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đã chi trên 40 triệu đô la cho việc thăm dò mỏ này.

Trước đó vào tháng 7/2017, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam tại Trường Sa, do Repsol chuẩn bị khoan thăm dò lô 163-3 ở bãi Tư Chính. Repsol liên doanh với Mubadala Development Co. (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất), đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (có tin cho rằng đến 300 triệu đô la), nhưng Hà Nội đành phải cho ngưng khoan, khi tướng Trung Quốc Phạm Trường Long giận dữ bỏ về nước không tham gia hoạt động giao lưu quốc phòng Việt-Trung.

Chuyên gia phân tích rủi ro Verisk Maplecroft nhận định, vụ Cá Rồng Đỏ là "một đòn nặng nề cho kỹ nghệ thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, và việc chính quyền Hà Nội gọi thầu để tìm kiếm nguồn lợi dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam hoàn toàn có quyền hợp pháp, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".

Lãnh vực dầu khí rất quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Việt Nam, tức PetroVietnam, cung cấp đến 20% tổng sản phẩm nội địa (GDP), và chiếm 30% tổng thu nhập ngân sách của Hà Nội từ 1986 đến 2009.

Việt Nam có trữ lượng từ 3,3 tỉ đến 4,4 tỉ tấn dầu thô và khí đốt tại vùng biển của mình – theo PetroVietnam. Hiện nay mỗi năm tập đoàn này đang sản xuất ra 22 đến 33 triệu tấn dầu, từ các lô đang khai thác.

Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, nếu đường lưỡi bò gồm 9 đoạn của Trung Quốc được nối liền với nhau, thì sẽ cắt làm đôi hoặc nuốt gọn 67 lô dầu của Việt Nam. Cũng theo Wood Mackenzie, thì có bốn trong số các lô này đang sản xuất ra dầu thô, số còn lại đang ở các giai đoạn thăm dò hoặc khai thác khác nhau.

Bắc Kinh cố phá hoại phán quyết của Tòa Trọng tài trên thực tế

Yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh, Philippines vẫn tìm cách kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm thẩm phán quốc tế năm 2016 đã trao cho Manila chiến thắng vang dội, qua việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc, tuyên bố đường 9 đoạn do Bắc Kinh tạo ra để kiểm soát Biển Đông, là vô căn cứ.

Bắc Kinh vốn từ chối tham gia tranh tụng, lu loa rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là trò hề, và tiếp tục đòi hỏi quyền tài phán trên hầu hết diện tích Biển Đông, cho dù vẫn chưa nối liền 9 đoạn của đường lưỡi bò.

Trung Quốc và các nước khác yêu sách chủ quyền Biển Đông đã có bàn bạc về việc cùng khai thác năng lượng trên vùng biển tranh chấp, nhưng không đi đến đâu do vấn đề chủ quyền.

Tháng trước, Philippines cho biết đang tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vài tháng để cùng thăm dò dầu khí tại Biển Đông.

Tuy nhiên trong lúc Trung Quốc tỏ ra nhập nhằng, không cụ thể hóa các yêu sách, vùng biển bao quanh các mỏ dầu ở đông nam Việt Nam từ lâu vẫn là điểm nóng.

Bắc Kinh luôn cố tìm cách ngăn trở các hoạt động của Việt Nam, thông qua việc đe dọa trong hậu trường, và đôi khi còn phô trương cơ bắp trên biển.

Việc Trung Quốc đe dọa ngầm chính quyền Việt Nam đặc biệt dữ dội vào năm 2007 và 2008. Tập đoàn Mỹ ExxonMobil Corp không khuất phục trước áp lực, nhưng tập đoàn Anh BP và các công ty dầu khí khác đành phải rút lui khỏi một số lô. Bắc Kinh hăm dọa không bảo đảm cho khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa lục, cũng như an toàn cho đội ngũ công nhân kỹ thuật của tập đoàn Anh tại khu vực "tranh chấp".

Ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của ISEAS Yusof Ishak Institute ở Singapore nhận xét, phản ứng của Trung Quốc trước việc Rosneft khoan thăm dò "hoàn toàn là một thử nghiệm, xem Bắc Kinh có thể dấn tới đến đâu. Đó là cách thức của Trung Quốc, nhằm cố gắng phá hoại toàn bộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 trên thực tế".

Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông

Các nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế đều cho rằng các nỗ lực của Hà Nội nhằm thu hút các tập đoàn nước ngoài tham gia thăm dò, khai thác dầu khí, là một phần của chiến lược đối phó với áp lực của Trung Quốc, qua việc "quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông.

Vào tháng Năm và Sáu năm 2011, Hà Nội chính thức phản đối các hành động của những tàu "dân sự" Trung Quốc quấy nhiễu các tàu khảo sát địa chấn, thậm chí còn cắt cả cáp của một tàu thăm dò Na Uy đang hợp đồng với PetroVietnam.

Căng thẳng càng tăng lên vào tháng Năm năm 2014, các tàu tuần duyên và tàu cá của hai bên đâm va, rượt đuổi nhau, sau khi tập đoàn CNOOC (Chinese National Offshore Oil Corporation) của Trung Quốc cho kéo giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shi You) 981 đến khoan thăm dò tại vùng biển Hoàng Sa. Sau đó Bắc Kinh phải cho rút giàn khoan này đi, trước làn sóng biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong năm đó là 15,53 triệu tấn. Đến năm 2017, sản lượng bị giảm xuống chỉ còn 13,567 triệu tấn dầu thô, tức giảm 12,6%.

Tháng Tư năm nay, PetroVietnam cho biết tình hình căng thẳng trên biển với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến việc thăm dò ngoài khơi và các hoạt động sản xuất trong năm 2018, khiến việc khoan khảo sát của Rosneft trở nên đặc biệt quan trọng.

Nga sẽ không bị Trung Quốc kèn cựa ?

Nhờ quan hệ đối tác với Liên Xô cũ, Việt Nam mới khởi động thăm dò trữ lượng dầu của mình. Với logo mang ngôi sao vàng của Việt Nam và hình búa liềm của Liên Xô, Liên doanh Dầu khí Việt-Xô tức Vietsovpetro đã được thành lập vào năm 1981. Liên doanh này bắt đầu khảo sát thềm lục địa Việt Nam, và phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên của đất nước là mỏ Bạch Hổ năm 1984.

Anton Tsvetov, nhà phân tích về Đông Nam Á của think tank độc lập Centre for Strategic Research (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược) ở Moskva nhận định, trái với những quốc gia khác, các lợi ích về dầu khí của Nga trong khu vực có vẻ được để yên.

Theo chuyên gia Tsvetov, ngoài các tuyên bố chính thức, khó thể có việc Trung Quốc gây sức ép trực tiếp lên Rosneft hay chính phủ Nga về việc khoan thăm dò tại Việt Nam mới đây. Ông nói : "Hiện nay Trung Quốc và Nga có mối quan hệ rất chặt chẽ, và vấn đề năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Cho nên tôi nghĩ rằng sẽ rất bất thường nếu Trung Quốc gây rắc rối cho một tập đoàn dầu khí lớn như thế của Nga".

Thụy My

******************

Biển Đông: Trung Quốc cho vận hành mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm (RFI, 29/05/2018)

Trung Quốc vừa cho vận hành mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, theo hãng tin chính thức Trung Quốc, China News Service, hôm qua, 29/05/2018.

bd3

Hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy Trung Quốc phát triển hệ thống vũ khí mới trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018. CSIS AMTI/Handout via Reuters

Hệ thống đường dây điện này, chính thức vận hành kể từ Chủ nhật, 27/05 có thể tải điện từ các máy nhiệt điện và điện mặt trời. Mạng lưới vừa được vận hành có thể được nối với hệ thống điện chính của tỉnh Hải Nam hoặc vận hành độc lập và sẽ giúp tăng gấp 8 lần lượng điện cung cấp trên đảo Phú Lâm, phục vụ cho các hoạt động tại đây.

Theo China News Service, mạng lưới điện đầu tiên này cũng sẽ được sử dụng cho việc phát triển dân sự và quân sự, thậm chí có thể trở thành một trung tâm kiểm soát, điều khiển các mạng lưới điện trên các đảo khác. Riêng về mặt quân sự, nguồn điện ổn định là rất cần thiết đối với các kho vũ khí trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và độ mặn cao trên các đảo như Phú Lâm. Các hệ thống tên lửa địa đối không và tên lửa chống hạm của Trung Quốc trên đảo này kể từ nay có một nguồn điện ổn định.

Việc lắp đặt mạng lưới điện là một bước mới của Trung Quốc trong việc phát triển các đảo trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền, nhưng Bắc Kinh hiện kiểm soát toàn bộ.

Giữa tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh cũng đã triển khai các oanh tạc cơ chiến lược H-6K đến đảo Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng ( Yongxing ). Đây là lần đầu tiên các oanh tạc cơ của Trung Quốc hạ cánh trên một đảo ở Biển Đông.

Cũng về Biển Đông, hôm qua, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết, tổng thống Rodrigo Duterte đã cảnh cáo Trung Quốc rằng Manila sẵn sàng đi đến chiến tranh với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vượt qua những "lằn ranh đỏ" và giành độc quyền khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông.

Phe đối lập Philippines vẫn chỉ trích tổng thống Duterte đã không mạnh mẽ lên tiếng về những hành động gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc lắp đặt các tên lửa trên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa.

Thanh Phương

Published in Châu Á