Việt Nam có đủ đặc trưng của một con hổ Châu Á
Chuyến công du Pháp của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được nhật báo kinh tế Les Echos (28/03/2018) quan tâm. Nhiều hợp đồng thương mại quan trọng đã được ký kết giữa hai nước, đồng thời tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kêu gọi doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại điện Elysée, ngày 27/03/2018. Reuters/Charles Platiau
"Việt Nam gây ấn tượng về sự năng động tại Paris" là nhận định của Les Echos. Vì "nền kinh tế Việt Nam có những đặc trưng thường thấy của một con hổ", theo đánh giá của ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế của Coface, nhờ sức tăng trưởng đáng ngạc nhiên : tăng trưởng mạnh được duy trì ở mức 6% từ nhiều năm nay, đầu tư nước ngoài tương đương với 6,2% GDP vào năm 2016, thị trường nội địa năng động nhờ vào hơn 90 triệu dân, cơ cấu kinh tế được đa dạng hóa và nâng cấp, không còn chỉ dừng ở ngành dệt may mà chuyển hướng sang lĩnh vực điện tử…
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chính phủ cũng phải giải quyết nhiều bất cập. Những điểm yếu cơ cấu của Việt Nam vẫn là cơ sở hạ tầng chưa đủ, tham nhũng, nợ công cao (60% GDP), hệ thống ngân hàng bấp bênh dù đang được điều chỉnh… Hai lĩnh vực nợ công và ngân hàng lại là hai điểm liên quan lẫn nhau, vì chính quyền trung ương từng khuyến khích tăng tín dụng mạnh với những quy tắc về an toàn lỏng lẻo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước.
Nền kinh tế Việt Nam hiện bị phân chia thành hai mảng đối nghịch, một bên là các tập đoàn khổng lồ và bên kia là lĩnh vực tư nhân đầy năng động, với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cải thiện cách điều hành các doanh nghiệp Nhà nước kém cạnh tranh sẽ là chìa khoá cho những cải cách mới, trong đó nhiều cải cách đã thành công như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Trên trường quốc tế, theo chuyên gia Julien Marcilly, Việt Nam tiến rất nhanh, trong đó phải kể đến việc gia nhập Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nền kinh tế Việt Nam cởi mở và các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hòa nhập vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là với các nước trong khu vực. Nhưng Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng chiếm thị phần còn rất khiêm tốn tại Việt Nam.
Một nghiên cứu cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp định TPP khiến GDP Việt Nam chỉ có thể tăng thêm 1 điểm thay vì 6 điểm như dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng việc doanh nghiệp Trung Quốc bị đẩy khỏi thị trường Mỹ để thế chân trong các lĩnh vực đồ chơi, dệt may, điện tử…
Quan hệ Việt-Pháp tăng cường qua các hợp đồng thương mại
Dù có quan hệ lịch sử chặt chẽ với Việt Nam, Pháp vẫn chưa hiện diện một cách nổi trội, và chỉ chiếm khoảng 1% ngoại thương của Việt Nam. Năm 2017, Pháp chỉ đứng vị trí thứ 16 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam với tổng trị giá khoảng 2,8 tỉ đô la (sau các nhà đầu tư chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…). Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng "Pháp cần phải hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam" và đích thân ông thông báo sẽ đến quốc gia có thành công kinh tế "ấn tượng" này vào năm 2019.
Tại Paris, sự năng động của nền kinh tế Việt Nam được chú ý. Theo phân tích của Les Echos, trước hết, Việt Nam thu hút nhờ nhân công địa phương có trình độ công nghiệp và mức lương rẻ, khoảng 180 euro/tháng.
Tiếp theo, tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, có lợi cho hợp tác song phương, còn rất nhiều, như phát biểu của tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trước các chủ doanh nghiệp hai nước : năng lượng, công nghệ thực phẩm, giao thông, y tế, dẫn nước, công nghệ số…
Tiềm năng và quy mô hợp tác song phương được các công ty EDF, Suez, Vinci và Air France khẳng định. Hãng hàng không VietJetAir ký bản ghi nhớ thỏa thuận với Safran và General Electric với tổng trị giá 6,5 tỉ đô la để cung cấp 200 động cơ. Ngày 26/03, Airbus đã ký ghi nhớ thỏa thuận với tập đoàn FLC Group của Việt Nam để mua 24 máy bay A321 Neo trang bị cho hãng hàng không Bamboo Airways. Tập đoàn Bouygues sẽ xây dựng một tuyến tầu điện ngầm ở Hà Nội với trị giá là 1,5 tỉ euro.
Chuyến thăm Bắc Kinh "bí mật" và "biểu tượng" của Kim Jong-un
Bắc Kinh vừa chính thức thông báo lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thăm chính thức Trung Quốc từ ngày Chủ Nhật 25/03 đến thứ Tư 28/03/2018. Các nhật báo Pháp đều sử dụng hai từ "bí ẩn" và "biểu tượng" để nói về sự kiện này.
"Bí ẩn" vì chính quyền Bắc Kinh không tiết lộ một lời nào về chuyến thăm bốn ngày, như từng làm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il. Nhật báo Libération miêu tả đoàn tầu gồm 21 toa sơn xanh và vàng với cửa sổ kính đen đã không theo lịch trình các chuyến tầu nối liền thủ đô hai nước, 4 chuyến mỗi tuần.
"Biểu tượng" vì đây là chuyến "xuất ngoại" đầu tiên của Kim Jong-un kể từ khi ông lên lãnh đạo đất nước năm 2011. Quốc gia được chọn là nước đồng minh Trung Quốc và đây cũng là lần đầu tiên ông Kim gặp đồng nhiệm Tập Cận Bình. Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến tính biểu tượng của chuyến công du trong bối cảnh chỉ một tháng trước thượng đỉnh liên Triều, thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên và tổng thống Donald Trum vừa bổ nhiệm cố vấn an ninh quốc gia mới, ông John Bolton, một nhân vật nổi tiếng "diều hâu" trong hồ sơ hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên.
Với người dân trong nước, theo Libération, khi sử dụng tầu hỏa, thay vì máy bay (dù ông Kim Jong-un không bị chứng sợ máy bay như người cha), còn nhằm dụng ý gắn liền với hình ảnh nhà sáng lập nước Kim Nhật Thành, cũng đi tầu riêng sang thăm Trung Quốc.
Les Echos đánh giá là "trước khi gặp Donald Trump, Kim Jong-un làm lành với Tập Cận Bình". Chế độ Bình Nhưỡng muốn nối lại quan hệ với Bắc Kinh sau nhiều năm quan hệ phức tạp. Trung Quốc không ủng hộ việc nước láng giềng tăng tốc trong chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo. Còn Bình Nhưỡng vẫn trách đối tác kinh tế chính đã nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ loạt biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Trục xuất nhà ngoại giao : Phương Tây "đoàn kết" trước Moskva
Hoa Kỳ và 16 nước Liên Hiệp Châu Âu cùng với nhiều đồng minh khác đã phản ứng mạnh mẽ trước vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal ở Anh Quốc, được cho là do Moskva chủ mưu. "Đối mặt với Moskva, phương Tây siết chặt đội ngũ" là nhận định trên trang nhất của nhật báo Le Monde.
Trong tổng số ít nhất 116 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất về nước. Washington dẫn đầu phong trào khi quyết định, ngày 26/03, trục xuất 60 "điệp viên" (thuộc 48 phái bộ khác nhau trên lãnh thổ Mỹ, và 12 người ở Liên Hiệp Quốc), đồng thời đóng cửa lãnh sự Nga ở Seattle. Pháp và Đức, mỗi nước trục xuất 4 người. Chuyến viếng thăm Nga của tổng thống Emmanuel Macron, được dự kiến vào tháng cuối tháng Năm, có lẽ sẽ bị điều chỉnh, thậm chí có nguy cơ bị hoãn lại. Theo bước Anh, Pháp và Đức, Ba Lan sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, Cộng Hòa Séc và Litva 3, Ý và Đan Mạch 2, Phần Lan, Estonia và Latvia 1. Nhiều nước khác sẽ làm tương tự trong thời gian tới.
Le Monde đánh giá đây là "đòn phản công chưa từng có, vừa về quy mô lẫn tính chất phối hợp", mang tính biểu tượng và cũng là cách để tránh mọi "dấu hiệu yếu đuối", mà theo bài xã luận của Le Monde, "phương Tây không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ".
Với Châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, hiện phải xác định được một chiến lược lâu dài. Theo nhận định của ông Philip Gordon, một cựu quan chức ngoại giao dưới thời tổng thống Obama, hiện là thành viên của Council on Foreign Relations, "trục xuất các "nhà ngoại giao" vẫn không đủ. Châu Âu và Mỹ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người chịu trách nhiệm về những hành động như vậy và tăng cường trừng phạt đối với nền kinh tế Nga nếu các hành động quá đáng như thế còn tiếp diễn". Đồng thời, ông cũng khuyến cáo "các nhà lãnh đạo Châu Âu không tham dự Cúp Bóng đá Thế giới ở Nga (vào mùa hè này) để không thừa nhận chiến thắng mà ông Putin không xứng".
Le Figaro nhận định một "cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga" đang diễn ra. Còn lưu luyến thời Xô Viết, ông Putin, từ khi lên nắm quyền, tìm cách khôi phục sự đối đầu với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lại có rất nhiều điểm khác biệt với chiến tranh lạnh thời Liên Xô : "Thời chiến tranh lạnh, sự đối đầu về ý thức hệ rất rõ ràng. Ngày nay, các cuộc xung đột phức tạp hơn nhưng lại không logic bằng trước đây. Điều mà ông Putin quan tâm, đó là làm nổ tung Liên Hiệp Châu Âu từ bên trong. Ông ấy muốn gây bất ổn đối với trật tự Châu Âu bằng những cách thức rất đa dạng, mà không hẳn cần đến quân sự", theo giải hích của giáo sư Thorniké Gordadzé, trường Sciences Po.
Khủng bố ở Trèbes : Pháp tổ chức quốc tang cho trung tá Beltram
Sáng 28/03/2018, Pháp tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Trèbes và tổ chức quốc tang cho trung tá hiến binh Arnaud Beltram, "người đã hy sinh thân mình để cứu một con tin trong vụ tấn công khủng bố ở Aude", được Libération đăng ảnh trên trang nhất. Còn xã luận của La Croix ca ngợi sĩ quan hiến binh là "một bằng chứng phi thường của một người sẵn sàng hy sinh để chống lại cái chết".
Vấn đề khủng bố và những người nằm trong danh sách "S" một lần nữa lại được các nhật báo Pháp bình luận. Trang nhất của Le Figaro nhận định "Khủng bố là cuộc chiến hàng ngày của hiến binh". Trong khi đó, "không nhân nhượng trước những lời chỉ trích của phe đối lập, tổng thống Pháp Macron muốn người dân Pháp đoàn kết chống khủng bố".
Smartphone : Huawei và Xiaomi tuyên chiến với Samsung và Apple
Hai tập đoàn lớn của Trung Quốc, "Huawei và Xiaomi tuyên chiến với Samsung và Apple", theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos, vì không còn muốn núp bóng cặp đôi làm mưa làm gió thị trường thế giới.
Huawei chọn Paris làm điểm khởi đầu trên quy mô quốc tế của hai mẫu mã mới, với tham vọng trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới, còn Xiaomi với mới tung ra một loại điện thoại thông minh giá rẻ để chinh phục thị trường.
Thu Hằng