Việt Nam và Campuchia nỗ lực đàm phán phân định phần đường biên giới còn lại
Châu Anh, VOV.vn, 26/05/2022
Liên quan đến vấn đề biên giới giữa Việt Nam-Campuchia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hai bên đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại.
Cột mốc biên giới số 240 của Việt Nam và Campuchia. Ảnh : Ngọc Viên Nguyễn/Panoramio
Chiều 26/5, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền để xây dựng một dường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị, ổn định bền vững là nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã hợp tác chặt chẽ hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 1045km, tương đương với khoảng 84% chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến. Đây là thành quả quan trọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giao thương giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng như việc phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước. Hiện hai bên đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại.
Châu Anh
*******************
Thủ tướng Hun Sen : Việt Nam và Campuchia đạt thống nhất về các đoạn biên giới chính
VOA, 23/05/2022
Việt Nam và Campuchia đã đạt được đồng thuận về 6% biên giới chưa phân chia còn lại giữa hai nước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa tiết lộ thông tin này khi tiếp xúc với cộng đồng người Campuchia ở Châu Âu.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (thứ 2, trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (thứ 4, trái) đã có cuộc gặp riêng khi tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào ngày 11/5/2022.
Theo tường thuật của Phnom Penh Post, trong buổi tiếp xúc với cộng đồng Campuchia vào ngày 21/5 trước khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Hun Sen cho biết các ủy ban biên giới của Campuchia và Việt Nam gần đây đã đàm phán về ranh giới cho 6% trong số 16% còn lại của đường biên giới chưa phân định giữa hai nước.
"Tôi đã mời Thủ tướng Việt Nam đến thăm Campuchia và ký vào 6% này", ông Hun Sen nói, đề cập đến cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính trong Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào ngày 12-13/5 tại Washington DC.
Thủ tướng Campuchia cũng chỉ trích những người cáo buộc ông "nhượng đất "cho Việt Nam. Ông nói nếu đúng như vậy, ông sẽ không cần phải đàm phán, như đã từng làm với Việt Nam về 6% đường biên giới.
"Tôi không có quyền lấy lãnh thổ Campuchia và trao nó cho người khác - dù chỉ một milimet. Nếu đó là… đất của tôi, chắc chắn, tôi có thể nhượng một phần trong số đó cho người khác. Nhưng không thể nhượng đất của quốc gia này cho quốc gia khác được", Phnom Penh Post dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.
Ông Hun Sen nói thêm rằng Campuchia cần phải thân thiện với các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có chung đường biên giới, nhưng thẳng thừng bác bỏ những lời chỉ trích về chiến thuật đàm phán của ông từ những người mà ông nói rằng trong lịch sử đã tìm cách "chống lại Việt Nam để lấy lại đất đai".
Cho tới nay, Việt Nam chưa đưa ra thông tin gì về thoả thuận 6% đường biên giới trên.
Khi tường thuật về sự kiện Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vào tuần trước, tờ Nhân Dân chỉ cho biết ông Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào chiều 11/5, và hai lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao trong "Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam 2022", nỗ lực duy trì đà phát triển thương mại-đầu tư, phát huy thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và tiếp tục giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% còn lại.