"Vận mệnh Châu Á" đang được quyết định tại Hồng Kông
Báo chí Pháp hôm nay tràn ngập bài viết về Hồng Kông sau ngày xuống đường phản kháng quy mô khổng lồ chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, bất chấp việc chính quyền đình hoãn dự luật.
Người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ mang hình lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Hồng Kông, 16/04/2019. Reuters/Jorge Silva
Trang nhất Le Figaro đăng hình dòng người kín đặc con đường trung tâm thành phố, với tiêu đề : "Tại Hồng Kông, 2 triệu người xuống đường thách thức Bắc Kinh, bất chấp chính quyền lùi bước". Les Echos có bài của Dominique Moisi, với tựa đề "Khi vận mệnh Châu Á được quyết định tại Hồng Kông".
Theo nhà địa chính trị học Pháp, các cuộc biểu tình phản kháng khổng lồ tại Hồng Kông cho thấy một "không khí căng thẳng chung của toàn khu vực", trong bối cảnh đặc biệt : 30 năm thảm sát Thiên An Môn và cũng là 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, kết liễu sự phân liệt của Châu Âu thành hai khối, Đông và Tây.
Công dân nhiều quốc gia Châu Á hiện tại đang đứng trước lựa chọn : Có chấp nhận theo đuổi tăng trưởng kinh tế và tình trạng được gọi là "ổn định" xã hội hay không, nếu các quyền căn bản của họ bị xâm phạm. Theo tác giả, mâu thuẫn chủ yếu hiện nay tập trung vào thế đối đầu giữa các chế độ, như Trung Quốc, lấy việc tập trung quyền lực tuyệt đối làm điều kiện căn bản cho thành công kinh tế, và bên kia là các xã hội "trưởng thành", nơi người dân không chấp nhận vận mệnh của mình bị các chế độ độc tài quyết định.
Đối với ông Tập Cận Bình, việc tập trung quyền lực tuyệt đối - với bàn tay sắt không cần bọc nhung - là điều kiện cho sự ổn định chính trị, và tăng trưởng kinh tế. Đối với Bắc Kinh, thảm sát Thiên An Môn mở đầu cho một thời kỳ tăng trưởng kéo dài (đây là điều hoàn toàn đi ngược lại với sự thực lịch sử, vì tăng trưởng đã bắt đầu tại Trung Quốc trước Thiên An Môn - theo tác giả), còn việc bức tường Berlin sụp đổ đã dẫn đến "sự lộn xộn, nếu không phải là sự hỗn loạn".
Tuy nhiên, những cuộc phản kháng tại Hồng Kông vừa qua cho thấy sự tập trung quyền lực ngày càng lớn của ông Tập Cận Bình đã không dẫn đến ổn định. Tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc đã đi quá xa. Nhà chính trị học Dominique Moisi nhận xét : Các chế độ độc tài tưởng rằng họ đi đúng hướng khi kích động tình cảm dân tộc của dân chúng, với quan điểm "Hãy tự hào về tổ quốc, về nền văn hóa của mình ! Hãy phát triển kinh tế ! Còn các quyền tự do không phải là điều quá quan trọng". Nhân danh vinh quang Trung Hoa, Bắc Kinh thúc đẩy người Hoa thần phục chế độ cộng sản.
Hồng Kông : Tuyến đầu của thế giới dân chủ tại Châu Á
Tuy nhiên, hiện thực là phức tạp hơn nhiều. Nhiều công dân Hồng Kông - cho dù cảm thấy mình là người Trung Quốc, cũng như nhiều người Singapore gốc Hoa - vẫn hiểu rằng có một sự khác biệt không hề nhỏ giữa họ và dân cư Hoa lục. Đó là họ được sống trong một Nhà nước pháp quyền như Singapore, hoặc nếu không cũng là trong một nền dân chủ hiện thực, cho dù bị khống chế về nhiều mặt, như trường hợp Hồng Kông.
Nhà địa chính trị học Pháp nhấn mạnh là toàn bộ lục địa Châu Á hiện nay đang trong tình trạng đối đầu gia tăng, giữa các chế độ tập quyền và các quốc gia gắn bó với nền dân chủ. Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau để đối trọng lại với Trung Quốc, và các quốc gia Châu Á nói trên làm điều này trong khuôn khổ một Liên minh các nền dân chủ đang hình thành tại "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Sự độc đoán và tham vọng bành trướng của chính quyền Bắc Kinh càng gia tăng, thì liên minh các nền dân chủ Châu Á ngày càng siết chặt. Chính theo nghĩa đó, có thể nói tương lai Châu Á hiện đang được quyết định tại Hồng Kông, vùng đất nằm trên tuyến đầu của các nền dân chủ Châu Á.
Chiến lược của Tập Cận Bình đã bị ngăn chặn
"Chiến lược của ông Tập Cận Bình bị ngăn chặn" là một phân tích khác trên Le Figaro. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nắm quyền năm 2012, "Hoàng đế đỏ" đã phải lùi bước trước áp lực đường phố.Tình hình là khác hẳn so với hồi năm 2014, khi "cuộc cách mạng dù vàng" làm tê liệt trung tâm Hồng Kông trong hơn 2 tháng cũng không buộc Bắc Kinh đổi ý.
Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít Hồng Kông, Bắc Kinh yêu cầu lãnh đạo đặc khu "từ bỏ" dự luật này, cho dù bà Lâm đã tuyên bố đình hoãn. Le Figaro điểm lại bước ngoặt thứ Năm tuần trước, sau ngày đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát, lãnh đạo Hồng Kông đã phải bí mật gặp đại diện của Bắc Kinh tại Thâm Quyến. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh xem việc lãnh đạo Hồng Kông cho phép cảnh sát sử dụng bạo lực quá đà là "phản tác dụng".
Theo nhà bình luận chính trị Hồng Kông Lâm Lập Hòa (Willy Lam), phong trào phản kháng dữ dội tại Hồng Kông đã khiến ông Tập "mất mặt".
Tình hình Hồng Kông trở nên bốc lửa đúng vào lúc ông Tập đang đứng trước áp lực rất lớn từ Mỹ, trong chiến thương mại song phương, mà hai bên đều tuyên bố muốn sớm ký thỏa thuận hưu chiến. Có một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu bỏ rơi bà Lâm, đó là tuyên bố của đại sứ Trung Quốc tại Anh : Dự luật dẫn độ sang Hoa Lục chỉ là "sáng kiến riêng" của lãnh đạo Hồng Kông, chứ không phải của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách biến bà Lâm thành "hình nhân thế mạng", để tránh nỗi giận Hồng Kông trực tiếp hướng vào Đảng Cộng Sản và chính quyền trung ương.
Thế hệ Dù vàng trưởng thành : "Năng lượng của nỗi tuyệt vọng"
Le Figaro cũng có một bài viết khác về Hồng Kông mang tựa đề "Thế hệ "Dù vàng" hết ngây thơ". Phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ gắn liền với sự trưởng thành của giới trẻ Hồng Kông, từng đứng lên chống lại các quyết định độc đoán của chính quyền, với phong trào 2014.
Theo Le Figaro, chính lớp trẻ với tâm lý đầy "lo hãi" (do nền dân chủ đặc khu ngày càng bị bóp nghẹt) nhưng cũng khát khao lý tưởng đã làm nên "chiến thắng đầu tiên" cho lực lượng dân chủ Hồng Kông. Poly, một thiếu nữ, thành viên trụ cột của phong trào, cho biết họ đã rút ra được nhiều bài học từ các sai lầm trong quá khứ và kiên định hơn. Cựu nghị sĩ ủng hộ dân chủ, bà Margaret Ng, nhận xét là "sự quả cảm của giới trẻ khiến tôi nhớ đến các sinh viên tranh đấu năm xưa trên quảng trường Thiên An Môn. Họ sẵn sàng hy sinh vì thành phố của mình".
Theo Hoi Yi, một người biểu tình 24 tuổi, thì cuộc chiến chống lại dự luật dẫn độ là vấn đề "sống chết" của Hồng Kông. Chính nỗi tuyệt vọng đã làm dấy lên một năng lượng mới trong giới trẻ, cho dù tất cả các lãnh đạo năm 2014 đều đang ngồi sau song sắt. Một trong các điểm mới của phong trào hiện nay là giới trẻ không còn đối lập phe chủ trương cứng rắn với phe chủ trương ôn hòa. Vẫn theo cô Poly, giờ đây tất cả đoàn kết lại, mọi người quyết định không chỉ trích lẫn nhau. Mỗi khi phải đối đầu với cảnh sát những người thuộc nhóm cứng rắn lên tuyến đầu, trong lúc nhóm ôn hòa tiến hành các hoạt động tranh thủ dư luận.
Cuộc chiến còn kéo dài …
Tuy nhiên, ông Jimmy Lai, người sáng lập nhật báo Apple Daily, nhật báo số một của thành phố, cảnh báo là tương lai dân chủ tại Hồng Kông là bất định, cuộc chiến sẽ còn kéo dài đến năm 2047, cho đến khi đặc khu này hoàn toàn mất quy chế bán tự trị, theo dự kiến.
Trả lời phỏng vấn báo Les Echos, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan cũng lưu ý là phong trào phản kháng mới chỉ chiến thắng một trận đầu, Bắc Kinh sớm hay muộn cũng sẽ trở lại. Và yêu sách của người biểu tình hiện nay chỉ là giữ chế độ chính trị tại Hồng Kông ở nguyên trạng, so với thời điểm 1997, chứ không phải đòi hỏi thêm quyền dân chủ như hồi 2014.
Hồng Kông vẫn là "nguồn lợi lớn"
Theo báo chí Pháp, việc Bắc Kinh phải lùi bước một phần chủ yếu là do lo ngại thị trường phản ứng tiêu cực. Libération nhấn mạnh đến việc tập đoàn bất động sản Goldin từ bỏ một dự án lớn tại Hồng Kông trong bối cảnh khủng hoảng là một dấu hiệu cho thấy dự thảo luật dẫn độ đe dọa ổn định kinh tế của đặc khu và sự an toàn pháp lý mà Hồng Kông được hưởng cho đến nay.
Les Echos nhấn mạnh là, đối với Bắc Kinh, với tư cách thị trường tài chính hàng đầu Châu Á, nơi các doanh nhân được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt, khác hẳn với Hoa lục, Hồng Kông vẫn còn là một nguồn tài chính quan trọng cho các hoạt động doanh nghiệp tại Trung Quốc, một "lá chủ bài kinh tế" của Bắc Kinh.
Vịnh Ba Tư : Leo thang nguy hiểm
Cùng với Hồng Kông, hầu hết các báo Pháp hôm nay đều tiếp tục nói đến tình hình căng thẳng vùng Vịnh. Libération ghi nhận bốn ngày sau vụ hai tầu dầu bị tấn công hình thành hai phe. Một bên là Hoa Kỳ, cùng một số đồng minh vùng Vịnh, và cả nước Anh, lên án Iran đứng sau hai vụ này. Bên kia là một số quốc gia như Đức, Nga, đòi hỏi thận trọng. Matxcơva hy vọng có một cuộc "điều tra quốc tế không thiên vị" về vụ này.
La Croix, với bài xã luận "Những kẻ mộng du", lo ngại là tình hình đang ngày càng trở nên "nguy hiểm" hơn tại Vùng Vịnh, hết sức đáng lo ngại, khi các bên đều cố gắng khẳng định lẽ phải về phần mình. Hệ quả sẽ rất lớn, bởi nếu xung đột bùng phát, việc vận tải dầu mỏ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Xã luận Le Monde, "Leo thang nguy hiểm tại vùng biển Oman", lo ngại cùng với các vụ tấn công tầu dầu, hiện chưa rõ thủ phạm, áp lực trừng phạt tối đa của Mỹ hiện nay với Tehran, có thể khiến Iran rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, kể từ ngày 07/07 tới, nếu các thành viên khác của thỏa thuận không tìm được giải pháp.
Les Echos với bài "Cả Mỹ và Iran đều không muốn một xung đột thực sự" nhấn mạnh là mục tiêu của Washington không phải là gây chiến với Iran, mà dùng áp lực để buộc Tehran phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, cũng như giảm bớt các can dự trong khu vực.
Triển lãm Bourget : Airbus thượng phong, nhưng hàng không bị lên án
Triển lãm hàng không số thế giới khai mạc hôm nay tại Trung tâm triển lãm Bourget, ngoại ô Paris. Les Echos chạy tựa trang nhất : "Công ty hàng không Châu Âu Airbus trong thế thượng phong với Boeing". Máy bay mới của Airbus A321 XLR, với khả năng bay liên tục 9 giờ đồng hồ, với 220 hành khách tối đa, là tiêu điểm của cuộc triển lãm năm nay. Theo một số nguồn tin không chính thức, các khách hàng đã đặt mua khoảng 200 phi cơ A321 XLR.
Tuy nhiên, theo Les Echos, nhìn về toàn cảnh, Triển lãm Bourget lần thứ 53 mở ra trong không khí không mấy lạc quan, trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử, cả Airbus và Boeing kể từ đầu năm đến nay đều phải chịu cảnh đơn đặt hàng bị hủy nhiều hơn số lượng đơn đặt hàng mới. Chưa kể Boeing còn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng 737 Max. Toàn bộ ngành hàng không cũng đang phải hứng chịu các chỉ trích ngày càng nặng nề do vai trò của vận chuyển hàng không đối với việc Trái đất bị hâm nóng.
G20 muốn thế dầu mỏ bằng Hydrogene
Cuộc chạy đua tìm kiếm các năng lượng thay thế cho các nguồn hóa thạch đang gia tăng. Vẫn theo Les Echos, hội nghị các bộ trưởng Môi Trường khối G20, họp tại Nhật Bản, cuối tuần qua, đã quyết định gia tăng hợp tác sản xuất khí Hydrogene. Các bộ trưởng khối 20 cường quốc kinh tế, chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu, đồng thanh ủng hộ quyết định coi Hydrogene là nguồn năng lượng hàng đầu thay thế cho dầu mỏ. Nhật Bản là đầu tầu trong nỗ lực này. Trong dịp hội nghị nói trên, Tokyo đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác về Hydrogene với Liên Âu và Mỹ.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Năng lượng Quốc tế, Hydrogene có thể là lá chủ bài của cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh, nếu được đầu tư kịp thời. Hiện tại, việc sản xuất khí này vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn hóa thạch. Giải pháp tương lai là sản xuất Hydrogene từ năng lượng tái tạo.
Trọng Thành