Số ca nhiễm Covid ở Trung Quốc tăng cao kỉ lục, nhiều thành phố phong tỏa
VOA, 24/11/2022
Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm Covid-19 cao kỉ lục vào ngày thứ Năm, với các thành phố trên khắp cả nước áp đặt phong tỏa cục bộ, xét nghiệm hàng loạt và thực thi các biện pháp hạn chế khác và điều này đang khiến người dân thêm bất mãn.
Trong bức ảnh được cung cấp ngày 23/11/2022, những người biểu tình đối đầu với nhân viên an ninh mặc quần áo bảo hộ màu trắng tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Apple ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc.
Con số 31.444 ca nhiễm Covid-19 mới tại địa phương trong ngày thứ Tư phá vỡ kỉ lục được thiết lập vào ngày 13/4, khi trung tâm thương mại Thượng Hải với 25 triệu cư dân bị tê liệt do phong tỏa toàn thành kéo dài suốt hai tháng.
Tuy nhiên lần này những vụ bùng phát lớn xuất hiện nhiều và ở những nơi xa xôi, với vụ lớn nhất ở thành phố Quảng Châu ở miền nam và Trùng Khánh ở tây nam, dù hàng trăm ca nhiễm mới được báo cáo hàng ngày ở các thành phố như Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu và Tây An, theo Reuters.
Trong khi số ca nhiễm được ghi nhận chính thức thấp so với tiêu chuẩn toàn cầu, Trung Quốc cố gắng dập tắt mọi chuỗi lây nhiễm, một thách thức khó khăn hơn khi Trung Quốc đối mặt với mùa đông đầu tiên chống lại biến thể Omicron rất dễ lây lan.
Các biện pháp hạn chế đang tác động đến người dân bị phong tỏa cũng như sản lượng tại các công xưởng, bao gồm cả nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, hiện đang trong tình trạng bất ổn vì các vụ đụng độ giữa công nhân và nhân viên an ninh trong một biểu hiện thái độ bất đồng hiếm hoi, Reuters cho biết.
Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách zero-Covid đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình, ngay cả khi phần lớn thế giới cố gắng cùng tồn tại với virus. Trung Quốc nói cần phải cứu mạng người và ngăn hệ thống y tế bị quá tải.
Trung Quốc gần đây đã bắt đầu nới lỏng một số quy định về xét nghiệm hàng loạt và cách li, trong khi nước này cân nhắc tránh các biện pháp áp dụng đại trà như phong tỏa toàn thành phố.
Thay vào đó, các thành phố đang áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ hơn và thường không báo trước.
Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở vùng đông bắc xa xôi đã áp đặt phong tỏa ở một số khu vực vào ngày thứ Năm.
Nhiều thành phố đã quay trở lại xét nghiệm hàng loạt, điều mà Trung Quốc hi vọng sẽ giảm bớt khi chi phí tăng cao. Những nơi khác, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và thành phố nghỉ mát Tam Á trên đảo Hải Nam, đã ra quy định hạn chế di chuyển đối với những người mới đến.
***********************
Biểu tình đòi quyền lợi tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trung Quốc
Phan Minh, RFI, 23/11/2022
Hôm 23/11/2022, nhân công tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, Trung Quốc, thuộc sở hữu của Foxconn, nhà thầu Đài Loan Foxconn, đã biểu tình phản đối điều kiện làm việc và sinh hoạt. Nhiều vidéo và ảnh đã được phát tán trên các mạng xã hội.
Lối vào khu công nghiệp ở Trịnh Châu, nơi có nhà máy sản xuất iPhone, đóng cửa sau khi phát hiện 64 ca nhiễm Covid-19, ngày 02/11/2022. AP - Mark Schiefelbein
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm :
Những hình ảnh đã ngay lập tức bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) nhưng lại lan truyền trên mạng Twitter. Hình ảnh những công nhân trẻ đeo khẩu trang biểu tình. "Hãy bảo vệ quyền lợi của chúng ta" : những người biểu tình hét lên trước những cảnh sát trong bộ đồ bảo hộ màu trắng khiến chúng ta nhớ đến những người lính trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Phong trào biểu tình mới này bắt đầu vào cuối tuần qua, các công nhân đã giật đổ hàng rào ngăn một phần của khu phức hợp Foxconn Trịnh Châu, nơi sản xuất phần lớn những máy iPhone mới. Với việc dịch bệnh bùng phát trở lại, các nhà máy của nhà thầu của Apple đang hoạt động khép kín. Nỗi sợ hãi về virus và điều kiện sống bên trong những khu ký túc xá bị cách ly đã khiến hàng chục nghìn nhân viên phải bỏ trốn khỏi nhà máy vào cuối tháng 10.
Kể từ đó, Foxconn đã cấp tiền thưởng, trả lương theo giờ để thu hút những nhân viên mới. Chính họ là những người đã biểu tình hôm nay, thất vọng vì những lời hứa. Các bình luận nhanh chóng bị xóa, và cũng có thông tin nói rằng các khoản tiền thưởng được công bố sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 3 năm sau để giữ chân các nhân viên ở lại nhà máy. Một sự bất bình có thể khiến bùng nổ phong trào đấu tranh xã hội nhỏ, điều hiếm thấy ở Trung Quốc. Những người làm việc trong nhà máy mà chúng tôi thường liên lạc hôm nay không nhấc điện thoại.
Phan Minh
**************************
Nhà máy Foxconn sản xuất iPhone tăng lương để giữ nhân viên
Phan Minh, RFI, 02/11/2022
Foxconn, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đang làm mọi cách, trong đó có việc tăng lương cho người lao động. Biện pháp này nhằm giữ chân những người bất bình với các biện pháp y tế và sợ hãi trước sự lây lan của Covid-19 sau khi ở đây phát hiện một trường hợp dương tính.
Bên ngoài một nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 27/05/2010. AFP - STR
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :
Như mỗi lần sự ổn định bị đe dọa, cụ thể trong trường hợp này là nguy cơ trục trặc trong khâu sản xuất của nhà máy xuất khẩu lớn thứ 3 Trung Quốc, cơ quan chức năng phải vào cuộc. Bí thư Thành ủy thành phố cho biết phải duy trì sản xuất và trật tự xã hội bên trong khuôn viên nhà máy Foxconn Trịnh Châu, nơi có tới 300.000 nhân viên và trong những ngày gần đây đã có một phần bỏ đi, và để thực hiện yêu cầu này của chính quyền thì phải tăng lương.
Anh Qin, 30 tuổi, công nhân thời vụ cho biết : "Foxconn đã thay đổi chính sách. Bây giờ nhà máy giả thêm cho chúng tôi 400 nhân dân tệ, tức khoảng 60 euro mỗi ngày. Tình hình vừa có thay đổi, chúng tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại. Tình hình dịch Covid quá nghiêm trọng, không ai muốn đi làm nữa. Khi đợt lây nhiễm đầu tiên bùng phát, nhiều người đã từ chức và bỏ đi. Nếu kiếm sống đơn giản chỉ là ăn, làm việc và lây Covid thì thực sự là không đáng".
Xét nghiệm dương tính, sau đó là bị cách ly trong khu tập thể mà công nhân không muốn. Giống như những người khác, anh Qin được đưa bằng xe buýt đêm đến một căn hộ cách ly của chính quyền địa phương. Một cách để trấn an số ít nhân viên khác vẫn đang làm việc trong nhà máy.
Anh Qin nói tiếp : "Tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng ở Trịnh Châu và có ít người làm việc trong nhà máy. Tôi thấy rằng họ đã khởi động một chiến dịch tuyển dụng mới, nhưng chúng tôi thấy rằng ngay cả các lãnh đạo cũng không đi làm. Tôi đã gọi cho một đồng nghiệp ngày hôm qua. Anh ấy nói là chỉ có một mình tại dây chuyền lắp ráp".
Theo nguồn tin của Reuters, sản lượng iPhone có thể giảm 30% trong nhà máy, nhưng tập đoàn đã phủ nhận thông tin này.
Phan Minh
*************************
Nhiều trường học, nhà hàng tại Bắc Kinh đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng kỷ lục
Chi Phương, RFI, 22/11/2022
Bất chấp các tác động đối với nền kinh tế, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Tại Bắc Kinh vào tuần trước, nhiều trường học, nhà hàng một lần nữa bị đóng cửa, một số nơi bị phong tỏa. Hôm 22/11/2022, Bắc Kinh ghi nhận 1438 ca nhiễm, đây là con số kỷ lục từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu.
Nhân viên bảo vệ đứng gác lối vào một khu nhà bị cách ly phòng ngừa Covid 19, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/11/2022. © Thomas Peter / Reuters
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình :
Nếu như Bắc Kinh vẫn chưa chính thức bị phong tỏa, thì rõ ràng là có ít xe cộ di chuyển trên đường hơn. Các quán ăn, quán cà phê chỉ bán hàng đem về chứ không phục vụ tại chỗ. Học sinh tiểu học, trung học và phổ thông phải học trực tuyến và tình trạng này có nguy cơ kéo dài ít nhất là từ nay đến cuối tuần. Học trực tuyến và cả làm việc từ xa. Yêu cầu này vẫn chưa chính thức được đưa ra nhưng khi chúng tôi cố gắng kết nối với dịch vụ công thì không có ai trả lời điện thoại hoặc được trả lời rằng cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp Nhà nước được yêu cầu ở nhà. Đó là điều mà ở đây gọi là sự im lặng của các khu phố, đôi khi là của toàn bộ thành phố.
Việc các hạn chế này được siết chặt trở lại liên quan đến 3 ca tử vong vì virus corona từ thứ Bảy tuần trước, ở những người cao tuổi, và đây là những ca tử vong vì Covid-19 đầu tiên được thông báo chính thức kể từ 6 tháng qua ở Trung Quốc và nhất là liên quan đến đợt bùng phát dịch vào cuối mùa thu ở nhiều thành phố lớn. Hơn 26 800 ca nhiễm mới được ghi nhận vào Chủ Nhật vừa qua, trong đó có 594 ca nhiễm mới ở Bắc Kinh. Con số này gần bằng với đỉnh điểm dịch vào tháng Tư vừa qua.
Theo thông báo của chính phủ Trung ương, (ngày 11/11) nhiều thành phố đã thông báo chấm dứt việc xét nghiệm Covid hàng ngày. Các trạm xét nghiệm PCR được dựng trên đường đã bị đóng, kể cả ở Bắc Kinh. Thế nhưng sau đó, các trạm này đã mở lại. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của Hồ Bắc. Tại thành phố đi đầu về tối ưu hóa hoặc chỉnh sửa các biện pháp hạn chế Zero Covid, các đợt xét nghiệm hàng loạt đã quay trở lại, cũng như là các lệnh phong tỏa bán phần.
Trong khi lệnh phong tỏa không được áp dụng trên diện rộng như năm ngoái, những người bị phong tỏa cho biết lối vào tòa nhà của họ bị khóa, bởi vì có một cư dân dương tính với Covid-19 sống ở vài tầng trên hoặc ở dưới. Họ phải ở nhà nhưng không bị đưa đến các trại cách ly tập thể. Một số khác cố gắng nhìn nhận tình hình với đầu óc hài hước trên mạng xã hội, giống như là những bà mẹ ở Bắc Kinh : Họ đồng tình với việc phong tỏa nếu con cái họ được giữ ở trường cùng với giáo viên và chồng của họ thì ở lại nơi làm việc".
Chi Phương
**************************
Biểu tình ở Quảng Đông, phản đối biện pháp chống dịch nghiêm ngặt
Minh Anh, RFI, 16/11/2022
Hôm 14/11/2022, dân cư một huyện ở tỉnh Quảng Đông, siêu đô thị ở đông nam Trung Quốc, đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách chống dịch "Zero - Covid" và lật đổ các rào chắn. Đây là những lao động ở nông thông phải lên các thành phố lớn để làm việc. Do vậy, họ phản đối những hạn chế di chuyển vừa được ban hành do dịch bệnh bùng phát.
Biểu tình chống các biện pháp Zero Covid nghiêm ngặt, tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/11/2022. © Video obtained by Reuters/via Reuters
Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI, Stephane Lagarde tường thuật :
"Đằng sau những tiếng la ó của đám đông là những tiếng ầm ầm như tiếng trống vang. Sau đó là cảm giác một cơn mưa kim loại đang rơi xuống mặt đất. Những hình ảnh và âm thanh rào chắn bị đổ do những cú đạp của người dân địa phương hầu như đã trở nên quen thuộc trong những tuần gần đây tại Trung Quốc.
Những hình ảnh video lưu truyền trên mạng xã hội phản ảnh cơn phẫn nộ của 1,8 triệu cư dân huyện Hải Châu, bị hạn chế đi lại từ tháng 10 vừa qua. Đây cũng là huyện có số ca nhiễm Covid nhiều nhất ở Quảng Đông. Những người sinh sống ở đây thường là những lao động di dân nghèo và họ không thể chờ đợi lâu hơn được nữa. Cách nay năm ngày, một số người đã tấn công cả các nhân viên y tế và cảnh sát trong bộ quần áo bảo hộ mầu trắng.
Tối thứ Hai, sự phẫn nộ rõ ràng còn cao hơn nữa. Những người biểu tình giương khẩu hiệu "Chúng tôi không muốn xét nghiệm nữa !". Đó là những người sống bằng nghề lao động tay chân và họ đã không được trả lương khi không có mặt tại nhà xưởng.
Thêm vào đó là tình trạng khan hiếm nguồn cung lương thực, tình trạng hạn chế lặp đi lặp lại và đó là động lực của tình trạng "thậm chí không còn sợ hãi". Nhiều hình ảnh, thật sự là hiếm có, cho thấy một chiếc xe cảnh sát đã bị người biểu tình lật đổ".
Minh Anh
*********************
Trung Quốc lại phong tỏa các thành phố lớn do Covid-19, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng
Phan Minh, RFI, 28/10/2022
Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vừa kết thúc, cuộc chiến chống Covid-19 lại tiếp tục tại Trung Quốc. Theo ngân hàng Nomura, được RFI trích dẫn, hơn 200 triệu người tiếp tục hứng chịu các biện pháp cách ly, phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Chính sách kiểm duyệt cũng như tuyên truyền ngày càng khó có thể dập tắt sự phản đối của người dân về chính sách zero-Covid.
Nhân viên an ninh, mặc quần áo bảo hộ, đứng gác ở cửa một khu nhà người bị nhiễm Covid, ngày 22/10/2021 Reuters – Thomas Peter
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin :
Bài hát "Resuan" nói về xét nghiệm PCR mà mọi người dân Trung Quốc bắt buộc làm ba ngày một lần hoặc ít hơn kể từ mùa xuân năm ngoái, đã dấy lên nhiều bình luận chế giễu trên mạng xã hội. Bài hát do các quan chức địa phương ở một tỉnh miền đông Trung Quốc sáng tác, với nội dung là những học sinh đeo khẩu trang đề nghị các thi sĩ có tên tuổi làm xét nghiệm.
Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng như ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc, biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trở lại trước khi mùa đông tới. Các hàng rào sắt cũng được lắp ở xung quanh các chung cư, như ở Vũ Hán. Đây là một dấu hiệu xấu đối với Audrey, một phụ nữ Pháp sống ở thành phố là cái nôi của đại dịch và chiến lược zero-Covid.
Audrey nói : "Tình hình bắt đầu xấu đi vào thứ Sáu tuần trước, các nhà hàng xung quanh trường học của tôi chỉ còn bán cho những khách mua hàng mang đi. Giờ đây, không thể chấp nhận tình hình này được nữa. Các hàng rào xuất hiện trở lại, tất cả các nhà hàng đều đóng cửa, ở đây chúng tôi vẫn chưa chính thức bị phong tỏa nhưng tôi nghĩ rằng biện pháp này sắp được áp dụng vì nhân viên trường học đã chuẩn bị cho chúng tôi đi chợ để ăn trong một tuần bị phong tỏa hoặc thậm chí lâu hơn một chút".
Mạng xã hội thường xuyên nhắc đến những vụ phong tỏa này, đặc biệt là ở phía Tây Trung Quốc. Những bình luận, hoặc là những bức ảnh bị kiểm duyệt, chẳng hạn như cuộc biểu tình của công nhân ở Lhasa cách nay hai ngày, tình trạng thiếu lương thực ở Tây Ninh hoặc thậm chí những người tiếp xúc với những ca dương tính bị cách ly trong nhà vệ sinh công cộng với túi ngủ sát bồn tiểu ở Lân Châu. Nhà vệ sinh công cộng, nơi không có camera giám sát, sự bất bình chống lại chính sách y tế được thể hiện thông qua các bức vẽ trên tường.
Chính sách zero-Covid tác động mạnh đến kinh tế. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hôm nay 28/10/2022 cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở Châu Á phải đối mặt với nhiều sóng gió với việc nền kinh tế Trung Quốc bị đè nặng bởi chính sách zero-Covid.
Phan Minh
*************************
Biểu tình ở Tây Tạng phản đối phong tỏa chống Covid
Thùy Dương, RFI, 29/10/2022
Vài trăm người Tây Tạng đã biểu tình tại thủ phủ Lhassa, phản đối các quy định phong tỏa chống dịch khắc nghiệt với chủ trương Zero-Covid. Theo AFP, điều đáng nói là hiếm khi xảy ra biểu tình tại Tây Tạng, một vùng tự trị ở miền tây Trung Quốc bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt.
Xét nghiệm Covid tại thủ phủ Lhasa, Tây Tạng. © AFP
Người dân thủ phủ Lhassa của vùng tự trị Tây Tạng phải sống trong cảnh phong tỏa với các biện pháp Zero-Covid nghiêm ngặt suốt từ 3 tháng qua. Trong số người biểu tình, có nhiều lao động ngoại tỉnh đòi chính quyền để họ rời khỏi thủ phủ Lhassa để trở về quê nhà.
Các video được chia sẻ trên trang Douyin, mạng video Tiktok phiên bản Trung Quốc, cho thấy vài trăm người xuống đường biểu tình hôm thứ Tư 26/10 và bị cảnh sát chặn lại. Một số hình ảnh khác cho thấy có đụng độ giữa một đám đông và cảnh sát. Một người giận dữ cho biết dân chúng bị giam nhốt quá lâu, áp lực tâm lý quá lớn, không thể kìm nén được, trong khi đã mất hết thu nhập.
300.000 công nhân một nhà máy iPhone bị phong tỏa
Nhìn rộng ra Trung Quốc, hôm qua 28/10, chính quyền ghi nhận có hơn 1.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Trước đó, tập đoàn Foxconn, có trụ sở tại Đài Loan, đối tác chuyên lắp ráp sản phẩm cho hãng Mỹ Apple, hôm thứ Tư thông báo phát hiện một ổ lây nhiễm Covid-19 ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), miền trung Trung Quốc.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde ngày 28/10/2022 cho biết thêm chi tiết :
"Từ hơn 1 tuần nay, nhà máy của Foxconn đặt tại thành phố Trịnh Châu hoạt động khép kín nhằm duy trì sản xuất điện thoại iPhone 14. Toàn bộ các ca dương tính với virus corona và các ca tiếp xúc với những người nhiễm Covid-19 bị cách ly. Căng-tin bên trong nhà máy không hoạt động. 300.000 nhân công phải ăn ngay tại khu ký túc xá. Họ chỉ có thể di chuyển, nếu đeo khẩu trang và chỉ được đi theo các tuyến đường mà các đội y tế đã xác định nghiêm ngặt.
Thế nhưng, nhiều nhân viên nhà máy chia sẻ trên các mạng xã hội là những biện pháp kể trên cũng đã không giúp ngăn ngừa được lây nhiễm. Một công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và bị cách ly trong khu nhà ở của nhân công kể lại : "Trong ký túc xá của chúng tôi, có một công nhân khác đã bị cách ly 5 ngày. Thế mà vẫn chưa có ai đến gặp anh ấy. Ở đây có những người bị sốt, ho… Có một nữ công nhân không có chăn đắp trong khi cô ấy đang bị sốt. Chúng tôi thậm chí còn không biết mình có dương tính hay không. Không ai đến gặp chúng tôi, họ chỉ cấp cho chúng tôi thức ăn. Nhưng chúng tôi không được xét nghiệm, cứ chờ đợi như vậy thôi".
Đối mặt với sự thiếu chăm sóc, trong khi thực phẩm nhiều khi được tiếp tế chậm, cơn giận đang bùng nổ trên các mạng xã hội, nhưng các mạng đã nhanh chóng bị chính quyền kiểm duyệt. Về phần ban lãnh đạo công ty, họ khẳng định là chỉ có "một số ít nhân viên" nhiễm Covid-19 tại nhà máy của Foxconn. Nhà máy của Foxconn vốn được xem là một thành phố nằm trong thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền trung đất nước. Giới công nghệ được trấn an là việc sản xuất điện thoại thông minh vẫn "tương đối ổn định".
Thùy Dương