Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tròn sáu tháng khủng hoảng người Rohingya Miến Điện (RFI, 25/02/2018)

Tại Miến Điện, 6 tháng đã trôi qua kể từ khi nổ ra vụ khủng hoảng người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Arakan, miền tây nước này, sau vụ tấn công của một nhóm phiến quân người Rohingya vào ngày 25/08/2017 nhắm vào các đồn biên phòng. Kể từ đó, gần 688.000 người Rohingya đã phải bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh. Việc hồi hương người tị nạn Rohingya hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.

myanmar1

Trại tị nạn Kutupalong của người Rohingya ở Bangladesh, ngày 21/01/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Từ Rangoun, thông tín viên RFI Eliza Hunt tóm lược :

"Theo chính quyền Miến Điện, những đợt hồi hương đầu tiên sẽ được thực hiện trong hai tuần nữa, sau khi họ kiểm tra xong danh sách 8.000 người tị nạn mà Bangladesh đã trao cho Miến Điện. Nước này cho biết sẵn sàng đón nhận 300 người tị nạn trở về mỗi ngày cho tới hết đợt hồi hương. Như thế có nghĩa là quá trình này sẽ phải kéo dài nhiều năm. Nhưng từ khi thỏa thuận giữa Miến Điện và Bangladesh được ký kết, suốt một tháng qua, việc hồi hương người Rohingya luôn bị trì hoãn. Nước này đổ lỗi cho nước kia.

Hiện nay, chưa có gì bảo đảm là người thiểu số Rohingya sẽ được an toàn hay không bị phân biệt đối xử khi họ trở về bang Arakan, Miến Điện. Hôm thứ Sáu, tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch tố cáo là từ cuối năm 2017, chính phủ Miến Điện đã san phẳng 55 ngôi làng của người Rohingya, phá hủy các bằng chứng cho thấy quân đội Miến Điện xua đuổi họ. Chính quyền Miến Điện giải thích đó là một phần kế hoạch hồi hương người tị nạn Rohingya, tức là phá bỏ các làng cũ để xây các làng mới cho những người trở về.

Theo báo The Irrawaddy của Miến Điện, kể từ tháng 08/2017, 90% người Rohingyas đã trốn chạy sang Bangladesh. Hiện giờ chỉ còn khoảng 79.000 người Rohingya ở bang Arakan".

Thùy Dương

*******************

Miến Điện : Bom nổ trước trụ sở chính quyền bang Rakhine (RFI, 24/02/2018)

Sittwe, thủ phủ bang miền tây Rakhine, Miến Điện chấn động với vụ nổ bom trước cửa trụ sở chính quyền sáng sớm hôm nay, 24/02/2018. Cho đến nay, Rakhine được coi là tương đối bình yên, trong lúc từ nửa năm nay bang miền tây Miến Điện rơi vào khủng hoảng chưa từng có, với việc gần 700.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy sang Bangladesh tị nạn.

myanmar2

Một ngôi nhà bị đốt cháy ở bang Rakhine, Miến Điện. Ảnh minh họa. Reuters/Stringer

Các hình ảnh cho thấy cửa kính vỡ tung, nhiều tòa nhà bị hư hại, xe máy cháy đen… Tuy nhiên tổn thất chủ yếu là về vật chất, vì vụ nổ xảy ra vào lúc khoảng bốn giờ sáng, giờ địa phương. Một viên chức Miến Điện cho AFP biết là ngoài ba trái bom đồng loạt nổ, cảnh sát còn tìm thấy "ba trái khác" tại cùng khu vực, "một cảnh sát bị thương, nhưng không nghiêm trọng".

Cho đến trưa hôm nay, chưa có tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ khủng bố.

Theo ông David Mathieson, một chuyên gia độc lập làm việc tại Miến Điện, vụ tấn công bằng bom này có thể liên quan đến một xung đột khác, chứ không phải với người Rohingya. Cụ thể là lực lượng "quân đội Arakan" theo Phật Giáo. Arkan là tên gọi trước đây của Rakhine (xứ Arakan từng là một vương quốc độc lập, trước khi bị Miến Điện xâm chiếm vào cuối thế kỷ 18).

Theo chuyên gia này, lực lượng quân đội Arakan là "nhóm vũ trang duy nhất hoạt động trong vùng, có đủ phương tiện vật chất để tiến hành kiểu hoạt động này".

Vụ tấn công hôm nay có thể là dấu hiệu cho thấy "căng thẳng gia tăng" giữa phong trào vũ trang này với chính quyền. Ngược lại với dân Rohingya theo đạo Hồi, không được Nhà nước Miến Điện công nhận, người Rakhine được chính quyền trung ương thừa nhận là một sắc tộc thiểu số. Vấn đề là ngày càng có nhiều người Rakhine cảm thấy hệ thống xã hội hiện nay thiên vị sắc tộc đa số, người Bamar (hay người Miến).

Cách nay một tháng, cảnh sát bắn chết bảy người địa phương tham gia một cuộc tuần hành "bất hợp pháp". Tổ chức quân đội Arakan tuyên bố trả đũa. Hai tuần sau, một lãnh đạo thành phố Sittwe bị sát hại.

Trọng Thành

Published in Châu Á