Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Buôn bán biên giới Trung-Triều vẫn nhộn nhịp dù cấm vận

Le Monde hôm nay 13/09/2017 có bài phóng sự từ thành phố Đan Đông của Trung Quốc đối diện với Bắc Triều Tiên, với tựa đề "Những mánh khóe, gian lận và tham nhũng ở biên giới Trung-Triều". Sau lệnh cấm vận mới nhất của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 11/9, những thương nhân ở đây vẫn không ngần ngại tìm cách tránh né.

buon1

Hàng hóa trao đổi giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc chất dọc theo bờ sông Áp Lục tại thành phố biên giới Sinuiju, đối diện với thành phố Đan Đông, Trung Quốc. Reuters/Jacky Chen

Gần 80% trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là qua ngõ Đan Đông. Một đường ống dẫn dầu vượt qua con sông Áp Lục, đưa dầu lửa từ Trung Quốc sang, mà nay nghị quyết mới của Hội Đồng Bảo An đã hạn chế số lượng. Tại khu vực kho hàng ở đầu cầu Hữu Nghị, rất nhiều xe tải chờ đợi hải quan Trung Quốc kiểm tra trước khi chạy qua thành phố Sinuiju ở bên kia sông.

Tối thứ Hai, các tài xế Bắc Triều Tiên đã cho xe vào bãi, chờ chỉ thị của lính biên phòng Trung Quốc. Một số ngồi hút thuốc trên vỉa hè, ngực đeo huy hiệu có hình Kim Jong-un. Một nhà xuất khẩu Trung Quốc lo lắng đếm những chiếc xe hơi không mang bảng số lần lượt chạy vào. Tất cả đều là xe mới, chuẩn bị bán sang Bắc Triều Tiên. Nhà buôn này nguyền rủa nước Mỹ của ông Trump, phàn nàn rằng chỉ bán được một phần ba so với trước đây, còn xe tải thì không có chiếc nào. Khi được hỏi về việc thanh toán, ông ta lảng đi, chỉ nói rằng ngày càng khó khăn.

Gần đó, người chủ một đại lý bán xe tải nhãn hiệu Trung Quốc than thở, tất cả những xe có trên hai trục đều bị cấm xuất khẩu, để tránh việc dùng vận chuyển hỏa tiễn. Ông này cho biết : "Những người khách Bắc Triều Tiên đến xem hàng, nhưng họ không biết có thể mua được loại nào nên phải chờ xem". Tuy nhiên nhà báo Pháp ghi nhận ông ta vẫn đang tuyển mộ một nhân viên bán hàng nói tiếng Triều Tiên.

Tầm mức cấm vận lệ thuộc vào sự áp dụng của chính quyền trung ương Trung Quốc và địa phương, nhưng tại Đan Đông, người ta vẫn luôn tìm cách tránh né, gây bực tức cho các nhà buôn làm ăn nghiêm túc. Một nữ thương gia ẩn danh phẫn nộ nói : "Kết quả duy nhất của việc trừng phạt là khiến cho thủ tục ở hải quan Trung Quốc nhập nhằng hơn, tạo cớ cho họ trấn lột chúng tôi".

Bà cho biết những công ty nhỏ tôn trọng luật lệ thì bị thua thiệt, một số đã bị phá sản. Ngược lại các đại gia có quan hệ với chính quyền lại thủ lợi nhiều hơn. Cụ thể như tập đoàn Hồng Tường (Hongxiang), bị tư pháp Mỹ trừng phạt năm 2016 vì cung cấp khoáng alumin cho các máy ly tâm của Bình Nhưỡng để làm giàu uranium. Trung Quốc đã bắt bà chủ Mã Hiểu Hồng (Ma Xiaohong) vì tội tham nhũng, cùng với khoảng ba chục quan chức địa phương. Vào lúc phát đạt nhất, Hồng Tường chiếm đến 20% trao đổi thương mại Trung-Triều.

Một người dân Đan Đông ở gần đảo Nguyệt, một khu dân cư sang trọng nói : "Rất nhiều người đã giàu to nhờ làm ăn với Bắc Triều Tiên". Một cây cầu dây văng lớn nối "quận mới của Đan Đông" này với vùng quê nghèo khổ của Triều Tiên bên kia bờ sông. Bắc Kinh đã cho xây chiếc cầu này vào thời điểm đang hy vọng Bình Nhưỡng sẽ cải cách theo kiểu Trung Quốc, nhưng do phía Bắc Triều Tiên không có đường sá, cây cầu đành đứng trơ đó. Phía Trung Quốc, vài chục tòa nhà ở và văn phòng phải bỏ trống.

Ở thượng nguồn con sông, trong khu công nghiệp, là các nhà máy dệt may của Bắc Triều Tiên như Sunwoo, với tấm bảng cấm chụp hình. Hàng ngàn công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại đây cũng như trong các xưởng máy, nhà hàng Trung Quốc ở Đan Đông khi hết hợp đồng sẽ không được gia hạn – theo nghị quyết trừng phạt mới.

Cách đó 20 km, tại chợ bán sỉ cảng Đông (Donggang), nổi tiếng với công nghiệp chế biến hải sản, người ta tiếp tục bán cua và tôm tít mua trực tiếp từ các ngư dân Bắc Triều Tiên. Các thùng hàng được giao vào ban đêm trên biển. Một thương gia trẻ cho biết ngư dân Bắc Triều Tiên chỉ muốn được trả bằng đô la, hoặc đổi lấy các mặt hàng như điện thoại di động, vỏ xe, gạo. Nếu bị biên phòng Trung Quốc bắt, họ phải đóng tiền phạt lên đến khoảng 8.000 euro, hay ở tù 15 ngày.

Người này nói rằng việc buôn lậu đã diễn ra từ nhiều năm qua, và việc cấm nhập hải sản Bắc Triều Tiên đã làm giá cả tăng lên. Anh kết luận : "Nếu không thể mua hàng từ Bắc Triều Tiên, thì sẽ là dấu chấm hết. Người dân ở đây sống bằng gì ? Tất cả sẽ phải nhảy lầu tự tử thôi".

Rohingya : Mỹ và Châu Âu vẫn nhẹ tay với Miến Điện để chận Trung Quốc

Cũng về Châu Á, La Croix nói đến "Vấn đề di tản ồ ạt của người Rohingya, nay đã lên đến Liên Hiệp Quốc". Chỉ trong 15 ngày qua, trước sự đàn áp của quân đội Miến Điện, có đến 370.000 người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh. Liên Hiệp Quốc cho rằng đây là một cuộc "thanh lọc chủng tộc". L’Humanité chỉ trích "Trong lúc người Rohingya đang bị thảm sát, Washington lại đề nghị hợp tác" : Thượng Viện Mỹ đang xem xét bình thường hóa quan hệ quân sự với Miến Điện để chận đứng Trung Quốc.

Hội Đồng Bảo An sẽ thảo luận về vấn đề người Rohingya, trong khi đó Cao ủy Tị nạn (HCR) Liên Hiệp Quốc chuẩn bị nhiều phi cơ vận tải chở hàng cứu trợ cho 120.000 người đang tị nạn tại Bangladesh. Một nhân viên HCR cho La Croix biết : "Những người này đã vượt qua nhiều rừng rậm, sông suối, đến nơi trong tình trạng khốn khổ, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và người già. Họ khẳng định làng mạc bị đốt cháy, và bị đuổi khỏi làng". Tổ chức Tương trợ Quốc tế thì nhận định, đây là cuộc di cư vĩ đại nhất của người Rohingya từ 30 năm qua.

Về phía Hoa Kỳ, nhật báo L’Humanité cho rằng trên thực tế, Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược xoay trục sang Châu Á nhằm ngăn chận Trung Quốc, với sự giúp sức của Ấn Độ. Vùng đất hứa Miến Điện vốn giàu tài nguyên, và quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc từ năm 1988 cũng không làm cho những nước khác hài lòng.

Miến Điện còn là điểm kết nối chính trong dự án Con đường tơ lụa mới, từ khi khánh thành hai đường ống dẫn dầu lửa và khí đốt tại bang Arakan (nơi người Rohingya sinh sống) năm 2013. Ý đồ của Bắc Kinh là bảo đảm được ngõ ra Ấn Độ Dương, bớt lệ thuộc vào eo biển Malacca, nơi có sự hiện diện quan trọng của Mỹ. L’Humanité kết luận, Hoa Kỳ và Châu Âu vốn đang thương lượng hiệp định bảo vệ đầu tư với Miến Điện, coi việc chuyển đổi chính trị là phương tiện để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, dù với cái giá như thế nào đi nữa.

Pháp : "Những kẻ lười biếng" đã xuống đường chống Luật lao động sửa đổi

Tại Pháp, cuộc biểu tình và đình công trên toàn quốc hôm qua phản đối việc sửa đổi Luật lao động được các báo bàn tán sôi nổi. Tờ báo thiên tả Libération dành trang nhất và bốn trang trong cho vấn đề thời sự này, nhận định đây là một thành công. Nhật báo cộng sản L’Humanité dành đến sáu trang báo, chạy tựa trang nhất "400.000 người xuống đường, sức bật cho những bước tiếp theo". Ngược lại, nhật báo cánh hữu Le Figaro và tờ báo kinh tế Les Echos cho rằng phong trào phản kháng đang dậm chân tại chỗ, thậm chí thất bại, không huy động được đông đảo người biểu tình như mong muốn.

Trong bài "Những kẻ lười biếng đã xuống đường", Libération cho biết hôm qua là ngày lễ hội của từ ngữ này trong phát biểu của tổng thống Emmanuelle Macron tại Hy Lạp, về quyết tâm không nhường bước trước "những kẻ lười biếng, trơ trẽn và cực đoan", theo ông. Từ "Những kẻ lười biếng" xuất hiện trên các băng-rôn, khẩu hiệu của tất cả 200 cuộc biểu tình trên toàn quốc, và có thể đây là một trong những động cơ giúp nghiệp đoàn CGT, đơn vị khởi xướng ngày phản kháng này, huy động được 223.000 người xuống đường, theo con số của Bộ nội vVụ.

Tờ báo cho rằng thử thách này đã được vượt qua, tuy nhiên hãy còn nhiều yếu tố bất định. Tiếp đến, các nghiệp đoàn khác như CFDT, FO sẽ kêu gọi tranh đấu hay không ? Điều đáng phấn khởi là sự hiện diện của giới trẻ, là sinh viên hoặc công nhân viên chức. Một sinh viên năm thứ nhất nói, với việc định mức trần – một năm làm việc chỉ được một tháng lương nếu bị sa thải – thì làm sao những nhân viên mới vào nghề dám đi thưa kiện các ông chủ.

Paris, nước chủ nhà Thế vận hội 2024

Cũng liên quan đến nước Pháp, La Croix hồ hởi dành trang nhất cho "Thế vận hội, sức bật mới", nhận định rằng sự kiện này được đa số người Pháp ủng hộ và đặt câu hỏi "Làm thế nào khuấy động lại niềm vui cho giấc mơ Olympic". Libération quan tâm đến sự vất vả của các đơn vị nhỏ, khi Nhà nước giảm bớt hỗ trợ, còn Les Echos nói về "Năm cột trụ của Paris 2024" - năm khuôn mặt đã làm việc cật lực để thuyết phục Ủy ban Thế vận Quốc tế đặt niềm tin vào Paris.

Theo La Croix, việc để cho Ủy ban Thế vận chọn lựa Paris là nước chủ nhà 2024 và Los Angeles năm 2028 thay cho việc bầu chọn, là cả một cuộc cách mạng. Bên cạnh đó, một số môn thi đấu truyền thống có xu hướng bị thay thế bằng những môn mới được giới trẻ ưa chuộng, như môn lướt ván, leo dây hoặc sau này có thể cả trò chơi video.

L’Humanité tỏ ra nghi hoặc "Thế vận hội ở Paris, nhưng với cái giá như thế nào ?". Ban tổ chức dự trù chi phí 6,6 tỉ euro, thấp nhất kể từ Olympic Sydney 2000 cho đến nay. Nhưng chỉ nhìn vào dự chi cho việc giữ an ninh chỉ có 182 triệu euro, người ta có thể nghi ngờ. Đặc biệt là dự định huy động chỉ có 68.500 người cho công tác này, trong khi giải bóng đá Châu Âu đã cần đến 90.000 người tham gia.

iPhone X mở ra một kỷ nguyên mới

Trên lãnh vực công nghệ, sự kiện tập đoàn Apple trình làng ba model mới, đặc biệt là iPhone X, nhân kỷ niệm 10 năm iPhone ra đời, được hầu hết các báo chú ý. Le Figaro cho rằng "Với iPhone X, điện thoại thông minh đã tiến thêm một bước về phía trí khôn nhân tạo". Les Echos giải thích "Việc tái thúc đẩy iPhone rất quan trọng đối với Apple".

Le Figaro nhận định, iPhone X đánh dấu một kỷ nguyên mới trong ngành điện thoại di động, khi mở ra một con đường thênh thang cho các ứng dụng mới. Khi tung ra iPhone cách đây 10 năm, Apple đã sáng tạo ra một loại máy tính bỏ túi có kết nối internet thường xuyên, màn hình cảm ứng và một camera. Được Google và Android nhanh chóng theo chân, iPhone đã giúp cho ra đời cả một thế hệ các ứng dụng điện thoại di động ; đã làm thay đổi cách thức liên lạc, chụp ảnh, tìm kiếm thông tin, giải trí, tìm đường…của chúng ta, thậm chí giúp tìm được cả người yêu.

Nay iPhone X đầy các cảm thụ 3D, còn tự nhận ra được hình dạng, khoảng cách, đặc tính của người và vật xung quanh. Một ngày nào đó, nó còn có thể giúp ta nhớ lại tên một người quen, tìm ra nơi người này mua quần áo và đặt hàng đúng kích cỡ, chỉ trong vài giây. Hoặc tư vấn theo trạng thái vui buồn của chủ nhân, nhận dạng các tác phẩm nghệ thuật trong viện bảo tàng…

Theo Les Echos, Apple buộc phải liên tục đổi mới mặt hàng bán chạy hàng đầu của mình do bị cạnh tranh ngày càng dữ dội, đặc biệt là Trung Quốc. Doanh số bán tại Hoa lục trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm đến 12%, và "Quả táo" phải vất vả chống đỡ trước quyền lực chính trị thường xuyên thọc gậy bánh xe, cũng như từ các công ty Trung Quốc.

Thụy My

Published in Châu Á