ASEAN và Trung Quốc bàn về COC ở Cam Bốt (RFI, 30/03/2017)
Hoa Kỳ bất chấp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh minh họa
Đại diện của Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN gặp nhau tại Siem Reap (Cam Bốt) để bắt đầu bàn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt, ông Chum Sounry, cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra trong hai ngày 29 và 30/03/2017.
Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc, hoan nghênh phán quyết của tòa. Dù vẫn còn bất đồng, Bắc Kinh luôn tỏ ra quan tâm đến việc đúc kết một bản quy tắc ứng xử với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Cam Bốt thường phản đối mọi ý định của ASEAN dựa trên sự đồng thuận, để tố cáo các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, đồng thời thường xuyên ngăn cản các nước thành viên thảo luận các tranh chấp với tư cách là một khối thống nhất.
Phnom Penh Post đã không liên lạc được với các thành viên tham gia cuộc họp để yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, vai trò nước chủ nhà của Cam Bốt nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ phía chuyên gia. Theo ông Pou Sovachana, trợ lý giám đốc Viện Hợp Tác và Hòa Bình Cam Bốt (CICP), được Phnom Penh Post trích dẫn, cuộc họp cấp cao tại Siem Reap có thể giúp Cam Bốt cải thiện danh tiếng đối với các thành viên còn lại của ASEAN, thay vì luôn bị coi là "nước luôn ủng hộ Trung Quốc".
Tuy nhiên, ông Paul Chambers, thuộc đại học Naresuan Thái Lan, nhận định "Cam Bốt đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán lần này, nhưng đối với Trung Quốc, để làm suy yếu mọi sự phản đối của ASEAN trước hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông".
Còn ông Sophea Hok, một quan chức của bộ Thông Tin, khẳng định Cam Bốt "chỉ là nước chủ nhà" và cho rằng Trung Quốc và Singapore mới là những nước chủ chốt.
********************
Du lịch Biển Đông bùng nổ bất chấp nhiều rủi ro (VOA, 29/03/2017)
Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa.
Các quốc gia đang tranh chấp trong Biển Đông đang biến những hòn đảo tí hon, các bãi cạn trước đây vô cùng nhỏ bé, thành các địa điểm du lịch như một cách để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình, tuy nhiên xu hướng này theo dự kiến sẽ bị chững lại trong dài hạn vì thiếu hiệu quả kinh tế.
Vào đầu tháng 3, một tàu du lịch Trung Quốc đã đưa 300 người đến quần đảo Hoàng Sa, làm Việt Nam giận dữ phản đối. Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu du lịch ra quần đảo này vào năm 2013, và tháng 12 năm ngoái, một hãng hàng không Trung Quốc mở các chuyến bay dân sự thuê trọn chuyến từ thành phố Hải Khẩu của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa.
Nhiều người đã bắt đầu đến tham quan các đảo đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Frederick Burke thuộc công ty luật quốc tế Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nói du khách Việt Nam tới thăm các địa điểm du lịch trên quần đảo Trường Sa với mục đích khẳng định lập trường và bênh vực tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.
Ông Burke nói :
"Đôi khi có một số người du lịch ra đó để thể hiện tình yêu đối với đất nước. Từ góc nhìn sinh học biển, một số rạn san hô là nơi các sinh vật biển sinh sôi, và tôi chắc chắn những nơi đó cũng là điểm đến hấp dẫn đối với một số du khách thích lặn dưới biển".
Malaysia cho phép du khách đến thăm một trong những thực thể thuộc quyền kiểm soát của họ tại quần đảo Trường Sa, và Đài Loan không loại trừ việc thực hiện ý định này ở một khu vực khác trên Biển Đông.
Giới phân tích nhận định rằng về phần lớn, những du khách chấp nhận các cuộc hành trình dài tới các hòn đảo ở Biển Đông, nơi thiếu phương tiện và cấu trúc hạ tầng, là những người muốn bày tỏ lòng yêu nước hoặc những người thích mạo hiểm sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy cơ bị kẹt trong một cuộc xung đột về chủ quyền với một nước nào khác.
Theo ông Christian de Guzman, Phó Chủ tịch của tập đoàn tài chính Moody's tại Singapore, các nước tranh chấp có thể dùng du lịch để chính thức hóa các tuyên bố chủ quyền của nước họ về mặt chính trị.
Ông Guzman nói lợi ích kinh tế của du lịch tới khu vực đang tranh chấp như thế này, sẽ rất ít ỏi.
Việt Nam chính thức mời khách du lịch đến quần đảo Trường Sa vào năm 2015. Ông Burke nói hình như chỉ có giới bày tỏ lòng yêu nước mới thật quan tâm và có động cơ thực hiện các chuyến du lịch như thế.
Malaysia đã cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm Pulau Layang Layang trong quần đảo Trường Sa từ năm 1989. Nơi này được gọi là rặng Swallow Reef (Đá Hoa Lau) và được lực lượng hải quân Malaysia sử dụng làm một khu nghỉ mát có 53 phòng cho du khách thích bơi lặn. Du khách có thể đáp các chuyến bay thuê bao từ Borneo, Malaysia cách đó 300 km.
Vào năm 2015, một tướng lãnh Philippines nói với báo chí rằng nước ông sẽ phát triển đảo Pagasa, một trong 9 đảo của Philippines ở quần đảo Trường Sa, thành một đảo du lịch và cho phà chạy từ một hòn đảo lớn hơn, không có tranh chấp, ra đến đảo này.
Trung Quốc năm ngoái cho biết các tàu du lịch của nước này cũng sẽ đưa khách du lịch tới các hòn đảo do họ kiểm soát tại quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích vùng biển rộng tới 3,5 triệu cây số vuông.
Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền một phần các vùng biển tranh chấp, nơi giàu tài nguyên hải sản, trữ lượng dầu khí dưới đáy biển, và cũng là tuyến hàng hải khu vực thiết yếu cho thương mại quốc tế.