Thu Hằng, RFI, 27/12/2020
Trung Quốc quyết định sửa đổi Luật Quốc Phòng, đưa thêm "không gian" và "không gian mạng" vào lĩnh vực hoạt động quân sự. Luật sửa đổi được công bố trong kỳ họp lần thứ 13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội kết thúc ngày 26/12/2020. Đây là lần sửa đổi đầu tiên của luật này sau 11 năm và luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Như vậy, quân đội Trung Quốc có thể can thiệp vào hai lĩnh vực không gian và không gian mạng, được đánh giá là "quan trọng cho an ninh quốc gia" theo Luật Quốc Phòng sửa đổi. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể huy động quân đội nếu thấy "các lợi ích về phát triển" hoặc chủ quyền quốc gia và lãnh thổ bị đe dọa.
Theo giới quan sát, được trang mạng đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn, Luật Quốc Phòng sửa đổi nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc và tạo điều kiện pháp lý cho các hoạt động quân sự trong trường hợp khẩn cấp.
Ngược lại, ngày 27/12, trang CGTN, kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc, khẳng định Luật Quốc Phòng sửa đổi này chỉ mang "tính chất phòng thủ" và "cải thiện kỹ năng về mặt quốc phòng".
Một điểm khác trong Luật Quốc Phòng sửa đổi là khuyến khích, ủng hộ công dân, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng, bảo đảm cho họ các quyền và lợi ích hợp pháp và cung cấp cho nhà đầu tư những chính sách ưu đãi theo quy định.
Thu Hằng
************************
Thanh Phương, RFI, 28/12/2020
Tại Trung Quốc, một "nhà báo công dân", nguyên là luật sư, đã bị kết án tù hôm nay, 28/12/2020, vì đã đưa tin về Covid-19 tại Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch toàn cầu. Bản án được tuyên vào lúc chính quyền Bắc Kinh tự khen ngợi về thành tích phòng chống dịch virus corona tại nước này.
Theo hãng tin AFP, các nhà báo và nhà ngoại giao ngoại quốc đã không được phép vào tòa án Thượng Hải để theo dõi phiên xử cựu nữ luật sư Trương Triển (Zhang Zhan) 37 tuổi, chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình :
Hai chữ Z để ký tên các video clip của cô : " Tôi tên là Trương Triển", nữ luật sư đã nói như thế trong các bài phóng sự được thực hiện bằng điện thoại di động từ Vũ Hán vào đầu mùa Xuân năm nay. Những video clip này đã khiến chính quyền rất giận dữ. Từ đó đến nay, gương mặt bầu bĩnh và dáng người đầy đặn của cô đã gầy đi rất nhiều, theo lời một trong những luật sư của Trương Triển. Vị luật sư này cho biết, do tuyệt thực để phản đối, bị ép truyền dịch qua đường mũi, sức khỏe của cô đã suy kiệt rất nhiều :
"Khi tôi đến thăm trong tù, tôi thấy cô bị nhốt chung phòng với nhiều phạm nhân khác. Cô có đủ không gian để đi tới đi lui, nhưng dẫu sao thì cô thường xuyên bị trói".
Trong các video clip và bài viết đăng trên mạng, Trương Triển đã mô tả cảnh hỗn loạn trong các bệnh viện vào lúc dịch Covid-19 khởi phát tại Vũ Hán. Cô cũng đã chỉ trích cách xử lý dịch của chính quyền địa phương và nhất là việc phong tỏa kéo dài tại tỉnh Hồ Bắc. Đã từng bị bắt vào năm 2018 vì tội "gây rối trật tự công cộng" và bị bắt lần nữa vào năm 2019 vì bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Hồng Kông, nay Trương Triển lại bị cáo buộc phao tin đồn thất thiệt trên các mạng xã hội.
Theo một luật sư khác của của cô, là nhà báo công dân đầu tiên bị đưa ra xử vì đã đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán, Trương Triển đã dứt khoát không nhận tội, vì biết rằng những thông tin mà cô thu thập được là do chính người dân trực tiếp cung cấp. Chỉ có gia đình của cô được phép vào dự phiên tòa".
Cũng vào hôm nay, một nhóm nhà hoạt động Hồng Kông, bị bắt vào tháng Tám trên đường trốn khỏi Hồng Kông bằng tàu, trên nguyên tắc bị đem ra xử tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc. Các phóng viên nước ngoài và các nhà ngoại giao nước ngoài cũng không được vào dự phiên xử các nhà hoạt động này, bị cáo buộc vượt biên trái phép.
Nhóm 12 người, trẻ nhất là 16 tuổi, đã bị tuần duyên Trung Quốc bắt giữ ngày 23/08 rồi giao lại cho cảnh sát Thâm Quyến. Theo gia đình các bị cáo, ba người trong số họ mang quốc tịch Anh, Bồ Đào Nha và Việt Nam. Một phát ngôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động này, bởi vì "tội duy nhất của họ là muốn trốn khỏi một chế độ chuyên chế".
Trong khi đó, hôm nay, Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, đã tỏ thái độ tức giận về việc tổng thống Donald Trump ban hành hai đạo luật nhằm tăng cường sự yểm trợ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan và Tây Tạng. Đạo luật về Đài Loan ( Taiwan Assurance Act of 2020 ) khẳng định Mỹ ủng hộ việc Đài Loan tham gia nhiều hơn vào các cơ quan Liên Hiệp Quốc và ủng hộ việc bán vũ khí thường xuyên cho Đài Bắc. Còn đạo luật về Tây Tạng ( Tibetan Policy và Support Act of 2020 ) dự trù các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc chọn người kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma. Hai văn bản này nằm trong luật về kế hoạch phục hồi kinh tế và hỗ trợ các các hộ gia đình gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Thanh Phương
***********************
Trọng Thành, RFI, 27/12/2020
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch hôm nay, 28/12/2020, tố cáo chính quyền Trung Quốc gia tăng bắt bớ người đưa tin về đại dịch Covid-19, chỉ trích chính quyền trong tháng 12.
"Bắt giam tùy tiện các nhà báo độc lập, những người chỉ trích chính quyền" là tiểu tựa của bài viết trên trang nhà của HRW, tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại New York. Theo HRW, kể từ đầu tháng 12 đến nay, chính quyền Trung Quốc "tiến hành thêm nhiều vụ bắt giữ nhà báo, nhà hoạt động, mà không cung cấp bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào cho thấy những cá nhân này đã phạm tội". HRW kêu gọi chính quyền Bắc Kinh "hủy bỏ các cáo buộc vô căn cứ và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người bị bắt giữ sai trái".
Bà Vương Á Thu (Yaqiu Wang), nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại HRW, nhận xét : "Chính quyền Trung Quốc dường như đã không rút ra được bài học nào từ đợt trấn áp nhắm vào những người đưa tin về đại dịch Covid-19 bùng phát (cuối tháng 12 năm ngoái 2019, đầu tháng 1 năm nay 2020)". Chuyên gia của tổ chức HRW lưu ý là "việc giam giữ các nhà báo và các nhà hoạt động sẽ không làm biến mất các vấn đề thực sự của Trung Quốc".
Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW đưa ra ba ví dụ về những người bị bắt. Đó là nhà hoạt động Âu Bưu Phong (Ou Biaofeng), 40 tuổi, bị công an tỉnh Hồ Nam bắt ngày 3/12. Ngày 07/12, chính quyền Bắc Kinh bắt ông Phạm Nhược Y (Haze Fan), nhà báo làm việc cho văn phòng của hãng tin Bloomberg tại Bắc Kinh. Ngày 16/12, công an Bắc Kinh bắt ông Đỗ Bân (Du Bin), 48 tuổi, một nhà nhiếp ảnh tự do làm việc cho New York Times.
Ngày hôm nay, 28/12, một tòa án tại Thượng Hải dự kiến xét xử nhà báo độc lập Trương Triển (Zhang Zhan), 37 tuổi, với tội danh "gây rối". Công an Trung Quốc bắt giữ nhà báo nữ vào tháng 5/2020. Nhà báo độc lập Trương Triển đã tới thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19, vào tháng 2/2020, để đưa tin về dịch bệnh. Nhà báo Trương Triển là tác giả của một số phóng sự cho thấy tình trạng hỗn loạn tại Vũ Hán trong những tuần đầu đại dịch. Theo HRW, nhiều người đưa tin độc lập về dịch bệnh tại Vũ Hán hiện đang bị giam giữ hoặc bị kiểm soát chặt.
Đợt trấn áp nói trên diễn ra vào lúc Bắc Kinh đang quảng bá cho thành công "tuyệt vời" của chính quyền Trung Quốc trong việc khống chế dịch bệnh, theo nhận định của Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Trung Quốc, được Tân Hoa Xã đăng tải hôm thứ Sáu, 26/12.
Đầu tháng Giêng tới, một phái đoàn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới sẽ tới Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc đại dịch, xuất phát từ Vũ Hán tràn ra khắp thế giới. Cho dù tự khẳng định đã ngăn chặn dịch bệnh thành công, chính quyền Bắc Kinh thường xuyên phải đối mặt với các chỉ trích trong nước, đặc biệt do ngăn chặn các nguồn tin độc lập. Theo giới chuyên gia, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cộng đồng quốc tế bị lỡ mất vài tuần lễ quý giá đầu tiên, cho phép kịp thời đối phó với đại dịch Covid-19.
Trọng Thành