Thanh Phương, RFI, 25/01/2022
Sáng 25/01/2022, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa dường như là tên lửa hành trình, theo thông báo của quân đội Hàn Quốc. Đây là vụ thử tên lửa thứ năm của Bình Nhưỡng trong tháng này bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế cũng như những lời kêu gọi nối lại đối thoại.
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin Bắc Triều Tiên thử tên lửa hành trình, qua truyền hình ở một nhà ga tàu điện tại Seoul, ngày 25/01/2022. AP - Ahn Young-joon
Kể từ năm 2019 và từ sau thất bại của thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong-un, chưa bao giờ Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí nhiều như thế trong một tháng.
Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo, Bộ tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc viết : "Bắc Triều Tiên đã bắn hai vật thể nghi là tên lửa hành trình", nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trong chế độ trừng phạt hiện nay của Liên Hiệp Quốc, việc bắn thử các tên lửa hành trình không bị cấm. Lần cuối cùng Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa hành trình là vào tháng 9/2021. Từ nhiều tuần qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ thử nghiệm vũ khí để biểu dương sức mạnh của nước này và để gia tăng áp lực lên Hoa Kỳ.
Theo nhận định của AFP, vụ bắn thử tên lửa hôm nay dường như là một hành động nhằm khiêu khích chính quyền tổng thống Joe Biden, vốn đã đề nghị mở các cuộc đàm phán "không cần điều kiện tiên quyết" với Bắc Triều Tiên.
Hãng tin Pháp trích lời giáo sư Yang Moo Jin, Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nghi nhận : "Bắc Triều Tiên dường như muốn trắc nghiệm phản ứng của Washington bằng cách thể hiện sự hiện diện của họ trên trường quốc tế". Theo vị giáo sư này, khi bắn thử tên lửa hành trình, Bình Nhưỡng có thể thu hút sự chú ý của cả thế giới, chế nhạo Hoa Kỳ, mà không vi phạm các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Kể từ năm 2017, khi tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu cuộc đối thoại kéo dài 2 năm trước khi gặp thất bại, Bình Nhưỡng vẫn không thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, hoặc thử nghiệm hạt nhân. Nhưng vào tuần trước, Bắc Triều Tiên đã dọa sẽ tiến hành trở lại các cuộc thử nghiệm này, vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm.
Thanh Phương
**********************
Trọng Nghĩa, RFI, 20/01/2022
Chế độ Bình Nhưỡng ngày 20/01/2022 đã không loại trừ khả năng tái lập các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên dưới quyền chủ tọa của ông Kim Jong-un. Nhân cuộc họp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên cho biết ông đang chuẩn bị cho "một cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un họp Bộ Chính trị đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng, ngày 19/01/2022 via Reuters - KCNA
Theo KCNA, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên, thì cơ quan lãnh đạo cao nhất của nước này đã cho rằng : "Chính sách thù địch và mối đe dọa quân sự của Hoa Kỳ đã đến mức nguy hiểm không thể bỏ qua". Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động "đã ra lệnh (...) xem xét nhanh chóng vấn đề nối lại" tất cả các hoạt động đã tạm thời bị đình chỉ, ám chỉ rõ ràng đến các chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Trong cuộc họp do Kim Jong-un chủ trì, một báo cáo đã được trình bày phân tích các điều kiện trên bán đảo Triều Tiên và đề cập "phương hướng của các biện pháp phòng thủ chống lại Hoa Kỳ trong tương lai". Theo KCNA, "Hoa Kỳ đã vu khống đất nước của chúng ta và thực hiện hành động vô lý khi áp dụng hơn 20 biện pháp trừng phạt".
Bình Nhưỡng đã không thực hiện bất kỳ vụ thử hạt nhân tên lửa đạn đạo tầm xa nào kể từ năm 2017 sau nỗ lực đối thoại với Hoa Kỳ. Ông Kim Jong-un từng gặp ba lần cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng kể từ thất bại vào năm 2019 của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội giữa hai nhà lãnh đạo, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc. Bắc Triều Tiên, nước có vũ khí hạt nhân đã từ chối mọi đề nghị đàm phán trong khi tiếp tục các thử nghiệm, kể cả tên lửa siêu thanh.
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên vì đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa từ đầu tháng Giêng năm 2022.
Việc nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể diễn ra vào một thời điểm tế nhị đối với khu vực : Một cuộc bầu cử tổng thống được lên kế hoạch vào tháng 3 ở Hàn Quốc, và trước đó, vào thượng tuần Tháng 2, Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, sẽ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức một năm trước, Bình Nhưỡng đã từ chối các đề xuất đối thoại khác nhau của chính quyền Mỹ. Đầu tuần này, Hoa Kỳ đã kêu gọi Bắc Triều Tiên ngừng "các hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn", đồng thời yêu cầu các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên đã phản đối.
Chế độ Bắc Triều Tiên hơn bao giờ hết có ý định tăng cường khả năng quân sự của mình trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mà đất nước này đang trải qua, trầm trọng thêm do các lệnh trừng phạt quốc tế và việc đóng cửa nghiêm ngặt biên giới kể từ năm 2020 để tự bảo vệ trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên, gần đây, Bắc Triều Tiên đã nối lại thương mại với Trung Quốc. Cuối tuần trước, một chuyến tàu chở hàng từ Bắc Triều Tiên đã đến thị trấn biên giới Đan Đông của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020.
Trọng Nghĩa
********************
Phan Minh, RFI, 18/01/2022
Bắc Triều Tiên hôm 18/01/2022 xác nhận đã phóng hai tên lửa chiến thuật dẫn đường vào ngày hôm qua để đánh giá và chọn lọc các tên lửa dẫn đường chiến thuật tầm ngắn đang được sản xuất và triển khai, cũng như xác minh độ chính xác của loại vũ khí này.
Ảnh do Bắc Triều Tiên công bố về vụ bắn thử tên lửa chiến thuật dẫn đường, ngày 17/01/2022. AP
Theo hãng thống tấn KCNA được AFP trích dẫn, hai tên lửa dẫn đường chiến thuật được phóng từ khu vực phía tây của Bắc Triều Tiên đã tấn công chính xác mục tiêu trên đảo ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Viện Khoa học Quốc phòng đã xác nhận độ chính xác, an toàn và hiệu quả trong hoạt động của hệ thống vũ khí đang sản xuất.
Vụ phóng tên lửa hôm qua là vụ thử thứ tư của Bắc Triều Tiên kể từ đầu năm sau 2 vụ phóng tên lửa siêu thanh hôm 5 và 11 tháng Giêng và vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa hôm 14/01.
Các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những tuần gần đây đã bị cộng đồng quốc tế lên án và hôm qua, đặc phái viên Mỹ về hồ sơ Bắc Triều Tiên, Sung Kim, cùng với những đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc, đã một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên chấp thuận đề nghị "đối thoại" của Hoa Kỳ.
Về phần mình, chính phủ Bắc Triều Tiên nói rằng các cuộc thử nghiệm là hợp pháp và nhằm mục đích tăng cường khả năng tự vệ của đất nước.
Phan Minh
********************
Phan Minh, RFI, 17/01/2022
Quân đội Hàn Quốc, hôm 17/01/2022, cho biết Bắc Triều Tiên có thể đã phóng 2 vật thể, được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đây là vụ thử vũ khí thứ tư của Bắc Triều Tiên kể từ đầu năm.
Người dân theo dõi vụ bắn thử tên lửa của Bình Nhưỡng tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 17/01/2022. AP - Lee Jin-man
Theo Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, dường như đây là hai "tên lửa đạn đạo tầm ngắn", đã được phóng từ một sân bay gần Bình Nhưỡng, sáng nay, lúc 9 giờ (giờ địa phương). Hai tên lửa đã bay được 380 km ở độ cao 42 km.
Bình Nhưỡng đã tăng tốc các cuộc thử nghiệm vũ khí trong những tuần gần đây. Chế độ Kim Jong-un đang tìm cách tăng cường khả năng quân sự trong bối cảnh Bắc Triều Tiên đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề và từ chối đối thoại với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng nhịp độ và sự đa dạng của các vụ thử cho thấy Bắc Triều Tiên đang cố gắng cải thiện công nghệ và khả năng tác chiến nhằm thực hiện các hành động bí mật, để các nước khác khó phát hiện ra các dấu hiệu chuẩn bị cho một vụ phóng. Lãnh đạo Quốc phòng Nhật nhấn mạnh : "Vì an ninh của Nhật Bản và khu vực, không thể làm ngơ trước sự phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa của Bắc Triều Tiên".
Vụ thử tên lửa mới này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong khu vực, khi Hàn Quốc chuẩn bị bầu tổng thống vào tháng 3 tới và Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Triều Tiên, chuẩn bị khai mạc Thế Vận Hội mùa đông vào đầu tháng Hai.
Ngày 5 và 11 tháng Giêng, Bắc Triều Tiên loan báo tiến hành hai vụ thử tên lửa siêu thanh. Ngày 15/01 vừa qua, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Phan Minh
*********************
Thanh Phương, RFI, 15/01/2022
Hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm 15/01/2022, loan tin là nước này hôm qua đã bắn thử hai tên lửa tầm ngắn từ một bệ phóng gắn trên xe lửa, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.
Ảnh do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA công bố cùng xác nhận tên lửa siêu thanh phóng thử hôm 14/01/2022, từ một đoàn tàu hỏa. AP
Theo bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, các tên lửa nói trên đã bay 432 km ở độ cao 36 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Hãng tin KCNA khẳng định vụ bắn thử tên lửa hôm qua đã "đạt tỷ lệ thành công cao". Cũng theo hãng tin chính thức này, các cuộc thảo luận đang được tiến hành để "thiết lập một hệ thống khai thác tên lửa bằng đường sắt trên toàn quốc".
Đây là vụ bắn tên lửa thứ ba kể từ đầu năm 2022, và vụ hôm qua diễn ra sau khi hôm thứ tư vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo ban hành các trừng phạt tài chính mới nhắm vào 5 công dân Bắc Triều Tiên, do trước đó Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ thử tên lửa được mô tả là tên lửa siêu thanh. Hoa Kỳ cho rằng vụ bắn thử tên lửa siêu thanh của Bắc Triều Tiên là một "mối đe dọa" đối với cộng đồng quốc tế. Nhưng Bình Nhưỡng cáo buộc Washington "cố tình" làm cho tình hình xấu đi.
Đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang gặp bế tắc kể từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh vào năm 2019 giữa tổng thống Mỹ thời đó là Donald Trump và chủ tịch Kim Jong-un.
Cũng sau các vụ bắn tên lửa nói trên, Mỹ cũng đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với một công dân Nga bị Washington cáo buộc là có liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên. Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã lên án các trừng phạt của Mỹ là "vô căn cứ". Phát ngôn viên này khẳng định Moskva vẫn "trung thành với những cam kết về không phổ biến hạt nhân".
Thanh Phương
********************
Phan Minh, RFI, 14/01/2022
Quân đội Hàn Quốc hôm 14/01/2022 cho biết, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa, nhưng chưa xác định được là loại gì. Đây là vụ phóng tên lửa thứ ba của Bình Nhưỡng trong vòng chưa đầy 10 ngày.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin về vụ thử tên lửa siêu thanh tại một địa điểm không được tiết lộ, ngày 11/1/2022. via Reuters - KCNA
Theo chỉ huy bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc, tên lửa được phóng về hướng đông bán đảo Triều Tiên.
Còn Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết đã phát hiện vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên vào lúc 14h55 giờ địa phương và chưa xác định được là một hay nhiều tên lửa đạn đạo đã được phóng.
Một phát ngôn viên của lực lượng này nói với AFP là vẫn đang phân tích nơi tên lửa rơi và xác định xem đó là một hay nhiều vật thể.
Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình phát triển vũ khí bị cấm của nước này, Bình Nhưỡng đã hai lần phóng tên lửa siêu thanh kể từ đầu năm nay, ngày 05 và 11 tháng Giêng.
Cũng trong hôm nay, Bắc Triều Tiên đã đe dọa trả đũa Hoa Kỳ để đáp trả các lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt sau các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng. Chính phủ Bắc Triều Tiên nói rằng các cuộc thử nghiệm là hợp pháp và nhằm mục đích tăng cường khả năng tự vệ của đất nước.
Phan Minh
**********************
Thùy Dương, RFI, 06/01/2022
Hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm 06/01/2022 khẳng định Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công tên lửa siêu thanh trong ngày hôm qua 05/01. Như vậy, đây là lần thứ hai Bắc Triều Tiên khẳng định thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, lần đầu cách nay 3 tháng.
Ảnh do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phổ biến khi xác nhận vụ thử tên lửa siêu thanh ngày 05/01/2022. AP
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn KCNA, theo đó BắcTriều Tiên đã bắn thử tên lửa siêu thanh. Tên lửa bay xa được 700km và đã nhắm chính xác mục tiêu. Vụ phóng thử đã cho phép kiểm tra hệ thống ống nhiên liệu được gắn từ trước vào tên lửa, hoạt động trong điều kiện thời tiết mùa đông.
Hệ thống này cho phép bỏ hẳn giai đoạn nạp nhiên liệu của tên lửa ngay tại vị trí phóng. Đây vốn là giai đoạn cần thiết khi phóng các tên lửa thông thường sử dụng nhiên liệu hóa lỏng. Việc kéo dài quá trình nạp nhiên liệu có nguy cơ đối phương phát hiện ra địa điểm phóng tên lửa và tấn công phá hủy.
Cũng theo KCNA, điểm mới của tên lửa siêu thanh được thử nghiệm lần này là đầu tên lửa có khả năng di chuyển ngang trong 120 km sau khi tách khỏi bệ phóng để tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không cho biết vận tốc tên lửa đạt được.
Xin nhắc lại truyền thông Nhà nước Bắc Triều Tiên năm 2021 từng loan tin tên lửa siêu thanh là một trong những "ưu tiên hàng đầu" trong kế hoạch 5 năm của Bình Nhưỡng. Tên lửa siêu thanh nhanh hơn và cơ động hơn so với tên lửa thông thường, nên gây nhiều khó khăn hơn cho các hệ thống đánh chặn mà Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ đô la để phòng thủ. Tên lửa siêu thanh thường đạt tốc độ Mach 5, tức là cao gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada hôm qua đều lên án vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định "vụ thử nghiệm vi phạm nhiều nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và gây ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng hướng tới giải pháp ngoại giao. Cũng trong ngày hôm qua (theo giờ New York), tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi chế độ Kim Jong-un tái lập đối thoại "với các bên có liên quan".
Hướng tới giải pháp ngoại giao cũng là đề nghị của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Hôm qua, tổng thống Moon Jae In đề nghị Bình Nhưỡng nỗ lực để đối thoại một cách nghiêm túc hơn. Còn bộ Thống nhất Hàn Quốc tái khẳng định lập trường tiếp tục các nỗ lực để cải thiện các mối quan hệ liên Triều và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thùy Dương