Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa mới công bố một "phát hiện" về "Bản đồ mới của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa". Bản đồ chính trị quốc gia này dường như được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 04/1951.

bando1

Đảo Hải Nam và bản đồ hình "lưỡi bò" đòi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông(@wikipedia.org)

Theo trang Asia Times ngày 29/04/2018, "phát hiện" này có thể sẽ là một ý đồ mới nhằm củng cố, thậm chí là mở rộng những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, và như vậy chứng minh về mặt pháp lý bản đồ "9 đoạn" của nước này.

"Đường chữ U" (hay "Lưỡi bò") trong bản đồ in năm 1951 được nối liền liên tục, thay vì đứt đoạn như trong yêu sách gần đây của Trung Quốc. Với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, bản đồ năm 1951 là bằng chứng không chối cãi được về việc "ranh giới hình chữ U là đường biên giới Trung Quốc trên Biển Đông" và vùng biển nằm trong hình chữ U "thuộc chủ quyền của Trung Quốc".

Nghiên cứu được các nhà khoa học "độc lập" của Câu lạc bộ Quang Hoa và Khoa học Địa lý công bố và được nhà xuất bản SDX phát hành. Chính phủ Trung Quốc không chính thức công nhận nghiên cứu này.

Tuy "phát hiện" trên được cho là kết quả tìm tòi của các nghiên cứu độc lập nổi tiếng ở Trung Quốc, nhưng Asia Times đặt câu hỏi liệu kết quả này có bị chính phủ tác động hay không, trong bối cảnh Nhà nước, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, kiểm soát chặt chẽ các Viện Hàn Lâm.

Nghi vấn này có cơ sở vì ngày 22/04/2018, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Quốc. Dự án này chủ trương vạch ra "đường ranh giới mới" trên Biển Đông với đường "Lưỡi bò" nối liền.

Thủ tướng Singapore : "Đàm phán COC về Biển Đông sẽ không dễ dàng"

Quá trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không dễ dàng và có thể sẽ mất nhiều thời gian. Ông Lý Hiển Long, thủ tướng Singapore, nước hiện là chủ tịch luân phiên ASEAN, đã phải thừa nhận như trên trong buổi họp báo ngày 28/04 kết thúc thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32. Ông cũng nhấn mạnh là các nước ASEAN đã "trao đổi quan điểm" về những tranh chấp ở Biển Đông.

Trước đó, trong một thông cáo chung, công bố ngày 27/04, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cùng tích cực làm việc để đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử hiệu quả tại Biển Đông.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Bản đồ do một nhà địa lý kiệt xuất của Viện địa lý hoàng gia Bỉ vẽ đường bờ biển miền Trung đầu thế kỷ XIX có quần đảo Hoàng Sa được xem là tài liệu vô giá.

Ngày 10/1, ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) đã đến trao tặng cho Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) tấm bản đồ có tên Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen (người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ xuất bản bộ Atlas Thế giới nổi tiếng) vẽ.

Tấm bản đồ Partie de la Cochichine vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16 (từ Khánh Hòa đến Quảng Nam).

bando1

Ông Trần Thắng (trái) trao tặng bản đồ cho Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng). Ảnh : An Nguyên

Phía ngoài khơi, PARACELS (quần đảo Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 14 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 113.

Trong đó, có đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ tuyến 14 ngang với Quy Nhơn ở phía trong bờ biển.

Partie de la Cochinchine thuộc số rất ít bản đồ vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong - cách mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa cho rằng, tấm bản đồ đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa ít nhất vào những thập kỷ đầu thế kỷ XIX (khi bộ bản đồ được xây dựng và xuất bản).

Bản đồ Partie de la Cochinchine thông qua phương pháp vẽ bản đồ khoa học và hiện đại, đã đánh dấu một cách chính xác vùng các đảo ven bờ như Cham Collac ou Champella (Cù Lao Chàm), P. Canton ou Cacitam (Cù Lao Ré)…

Và phân biệt một cách hết sức rõ ràng, minh bạch với quần đảo Hoàng Sa ở giữa Biển Đông, mà bất cứ một người bình thường cũng không thể nhầm lẫn được.

bando2

Tấm bản đồ cổ do Phương tây vẽ từ thế kỷ XIX chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh : An Nguyên

"Nó có giá trị kiểm chứng, làm tăng lên bội lần giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa của chính bản đồ này và toàn bộ hệ thống bản đồ, tư liệu mà chúng ta đã sưu tập được" ông Đồng nói.

Bản đồ này được xem là cơ sở vững chắc để bác bỏ một cách triệt để lối giải thích mập mờ, tùy tiện của một số học giả Trung Quốc.

Họ đã xuyên tạc một cách tùy tiện rằng Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa chỉ là các đảo ven bờ (như Cù Lao Chàm, Lý Sơn...), còn Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc mới là các đảo ở giữa biển, không có liên quan gì đến Paracels hay Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô giá.

Nó là bằng chứng hùng hồn, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế rất cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc - ông Đồng thông tin thêm.

"Việc anh Trần Thắng trao tặng tấm bản đồ Partie de la Cochinchine của Phillipe Vandermaelen với mong muốn góp thêm nguồn tư liệu cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Đây là nghĩa cử cao đẹp mà anh đã dành cho huyện Hoàng Sa. Nó vừa là nguồn động viên và cũng là sức mạnh của chúng ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa" ông Đồng cho biết thêm.

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa cũng hứa sẽ có trách nhiệm đưa những tư liệu quý giá này đến đông đảo nhân dân và du khách khi Nhà trưng bày Hoàng Sa hoàn thành và đi vào hoạt động.

Đồng thời, phát huy hết giá trị pháp lý của tư liệu để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Trần Thắng là người đã có công sưu tầm nhiều tài liệu, bản đồ cổ do Phương tây vẽ chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

An Nguyên

Published in Việt Nam