Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trump có rất ít lựa chọn trước thách thức tên lửa Bắc Triều Tiên (RFI, 13/02/2017)

Bắc Triều Tiên thử tên lửa lần đầu tiên kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Vụ thử xảy ra ngay sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố liên minh với Nhật Bản là "trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng", ngày 11/02/2017, nhân chuyến công du Hoa Kỳ của ông Shinzo Abe.

bachan1

Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa Pukguksong-2. (Ảnh KCNA công bố ngày 13/02/2017) KCNA/Handout via Reuters

Những phản ứng đầu tiên của ông Trump về vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa được đánh giá là hết sức chừng mực. Theo các nhà quan sát, chính quyền Trump dường như không có nhiều lựa chọn trước Bắc Triều Tiên, vốn coi sở hữu vũ khí hạt nhân như điều kiện sống còn của chế độ, và trong lúc Trung Quốc không từ bỏ các hậu thuẫn dành cho đồng minh Đông Bắc Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước các nhà báo tại Florida, với sự có mặt của thủ tướng Nhật Shinzo Abe : "Tôi chỉ muốn tất cả mọi người biết và hiểu thực sự rằng Hoa Kỳ đứng sau Nhật Bản 100%". Giới chuyên gia so sánh với tuyên bố của ông Trump sau khi Iran thử tên lửa mới đây. Lần này, tổng thống Mỹ nói hết sức ngắn gọn, không hề trực tiếp nhắc đến Bình Nhưỡng, khác hẳn với trường hợp Teheran. Chính quyền Mỹ nhìn chung rất kiệm lời trước thách thức mới từ Bắc Triều Tiên.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc dự án China Power, thuộc CISI – Trung Tâm Chiến Lược và Quốc Tế, một viện tư vấn có trụ sở tại Washington, được Reuters trích dẫn,cho rằng "các lựa chọn của ông Trump là rất giới hạn", cho dù trong quá trình tranh cử tổng thống, Donald Trump tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với chế độ Bắc Triều Tiên.

Theo một giới chức chính quyền Mỹ, các chính sách với Bình Nhưỡng của tân tổng thống sẽ không khác biệt đáng kể với cuốn cẩm nang ứng xử, đã được hoạch định dưới thời Barack Obama. Chiến lược gia tăng trừng phạt, đồng thời mở cửa cho Bắc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trên thực tế đã không làm thay đổi được quyết tâm sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng, có khả năng tấn công Hoa Kỳ.

Play Video

Vẫn theo Reuters, các cộng sự của tổng thống Mỹ tuyên bố Washington sẽ hoạch định một chiến lược cứng rắn hơn chính sách thời Obama, vốn được mệnh danh là "sự kiên nhẫn về chiến lược". Một quan chức Hoa Kỳ xin ẩn danh cho biết là chính quyền Trump đang chờ đợi Bình Nhưỡng "khiêu khích" như thế nào và sẽ xem xét một loạt các biện pháp đối phó. Nhìn chung các hành động cũng vẫn sẽ vừa đủ ở mức thể hiện là Mỹ rất cương quyết, nhưng tránh mọi động thái khiến căng thẳng leo thang.

Cụ thể là, để răn đe Bình Nhưỡng, Mỹ có thể tiếp tục xiết chặt các kiểm soát về tài chính theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, tăng cường hiện diện của hải quân và không quân, gia tăng tập trận phối hợp xung quanh vùng biển Triều Tiên, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống lá chắn tên lửa mới THAAD tại Hàn Quốc, không kể đến việc tăng cường sức mạnh quân sự nói chung.

Chính quyền Trump vừa nhậm chức đang lúng túng trong hàng loạt vấn đề quốc tế. Tân ngoại trưởng Rex Tillerson mới tuyên thệ nhậm chức ngày 01/02, hiện chưa có người phó, cũng như một ê kíp cố vấn thực thụ. Một số người không loại trừ khả năng tổng thống Trump sẽ một lần nữa sử dụng Twitter để thể hiện lập trường mạnh mẽ làm bình phong, vào lúc chiến lược mới với Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn xây dựng.

Trung Quốc là một ẩn số chủ yếu trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Rất nhiều chính trị gia cho rằng Bắc Kinh có vai trò quyết định trong các chính sách của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng, do mối quan hệ mật thiết về kinh tế và chính trị của Trung Quốc với đàn em Đông Bắc Á. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng giống như tiền nhiệm Obama, tân tổng thống Mỹ rất ít có khả năng thuyết phục được Bắc Kinh xiết chặt gọng kìm với Bình Nhưỡng hơn nữa, bởi Trung Quốc sợ các ảnh hưởng dây chuyền nếu chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ (do cấm vận hoặc do bán đảo Triều Tiên thống nhất). Câu hỏi đặt ra là : Liệu tân chính quyền Trump có tính đến việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở trợ giúp chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà khá nhiều trong số đó nằm tại Trung Quốc ?

Trọng Thành

**************************

Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đầu tiên từ khi D. Trump đắc cử tổng thống (RFI, 12/02/2017)

bachan2

Tin Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa chiếm trang nhất truyền thông Hàn Quốc ngày 12/02/2017. REUTERS/Kim Hong-Ji

Sáng ngày 12/02/2017, Bắc Triều Tiên đã tiến hành bắn thử một tên lửa đạn đạo tầm trung . Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ và diễn ra đúng vào lúc thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang ở thăm Hoa Kỳ. Ông Donald Trump ngay lập tức đã lên tiếng khẳng định quyết tâm hậu thuẫn Nhật Bản. Tuy nhiên tổng thống Mỹ không nhắc tới Hàn Quốc, một mục tiêu đe dọa trực tiếp của Bắc Triều Tiên đồng thời cũng là đồng minh thân cận của Mỹ.

Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias :

Tên lửa được phóng đi từ một căn cứ phía tây của Bắc Triều Tiên. Đầu đạn đã bay trên toàn bộ lãnh thổ Bắc Triều Tiên, qua hành trình dài 500 km trước khi rơi xuống biển, theo các thông tin từ phía Hàn Quốc.

Vụ bắn thử đầu tiên của năm này chắc hẳn với Bắc Triều Tiên là nhằm mục đích tuyên truyền nội bộ. Chế độ Bình Nhưỡng trong vài ngày tới kỷ niệm ngày sinh Kim Jong Il, cha của lãnh đạo đất nước hiện nay Kim Jong-un. Tuy nhiên vụ bắn thử lần này cũng là cách để Bình Nhưỡng thu hút sụ chú ý của Hoa Kỳ. 

Từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, Washington đang tiến hành xem xét lại chính sách với Bắc Triều Tiên. Thậm chí khả năng "đánh đòn phủ đầu" vào miền Bắc cũng đã được gợi lên. Hoa Kỳ đang chuẩn bị triển khai trong năm nay tại Hàn Quốc hệ thống lá chắn chống tên lửa rất hiện đại (THAAD).

Kim Jong-un nhắc lại sẽ không buông xuôi, lùi bước trước trừng phạt quốc tế. Năm ngoái các lệnh trừng phạt đã được tăng cường. Điều mà Bình Nhưỡng muốn đó là các cuộc đàm phán và được thừa nhận quy chế một cường quốc hạt nhân. 

Đây là điều mà các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên không chấp nhận. Những nước này đang rất lo ngại về những tiến bộ mà chế độ Bình Nhưỡng đạt được trong thời gian gần đây về hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Mỹ, Nhật, Hàn đồng thanh lên án Bình Nhưỡng phóng tên lửa

Sự kiện Bình Nhưỡng phóng tên lửa ngay lúc thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công du Hoa Kỳ hiển nhiên là một hành động khiêu khích nhắm vào Washington và Tokyo, và dĩ nhiên là vào Seoul. Phản ứng của ba nước do đó rất tức thời.

Phát biểu tại Palm Beach (Florida) trước báo giới cùng với thủ tướng Nhật Bản Abe, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố : "Tôi chỉ muốn tất cả mọi người hiểu rõ rằng nước Mỹ sát cánh với Nhật Bản, đồng minh lớn của chúng ta, 100%". Ông Trump tuy nhiên đã không nói gì thêm.

Về phần mình, thủ tướng Nhật Abe cho rằng vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa là điều "tuyệt đối không thể chấp nhận được". Tại Tokyo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên án một hành động "rõ ràng nhằm khiêu khích Nhật Bản và khu vực".

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cũng tố cáo một hành động "khiêu khích võ trang để trắc nghiệm phản ứng của tân chính quyền Donald Trump tại Hoa Kỳ". Văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã khẩn cấp triệu tập một cuộc họp an ninh để xem xét cách thức phản ứng.

Trước mắt, quyền tổng thống Hàn Quốc Hwang Gyo-Ahn đã khẳng định rằng Bắc Triều Tiên sẽ phải chịu một "hình phạt tương xứng" với hành vi khiêu khích của họ.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đã gọi điện cho đồng nhiệm Hàn Quốc Kim Kwan Jin, và hai bên đồng ý "tìm kiếm mọi phương thức" để kiềm chế hành động khiêu khích trong tương lai của Bắc Triều Tiên.

Trong khu vực, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cũng lên án một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Riêng Trung Quốc, đồng minh của Bắc Triều Tiên cho đến trưa nay chưa thấy có phản ứng. Các yêu cầu bình luận của truyền thông quốc tế gởi đến bộ Ngoại Giao Trung Quốc đều không được hồi âm.

Riêng về các biện pháp đáp trả cụ thể, phía chính quyền Mỹ đã bắn tin cho biết là Washington sẽ thận trọng, vừa cho thấy lập trường kiên quyết của Mỹ nhưng vừa tránh không cho căng thẳng leo thang.

Một quan chức Mỹ xin giấu tên cho biết là chính quyền Trump có thể nghĩ đến các biện pháp như thắt chặt hơn nữa trừng phạt thương mại, tăng cường sự hiện diện của Không Quân và Hải Quân tại Hàn Quốc và ở khu vực quanh bán đảo Triều Tiên, tăng tốc độ lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á
Trang 2 đến 2