Tập Cận Bình đưa người thân vào vị trí chủ chốt (RFI, 05/03/2018)
Như thông lệ, đầu tháng 3/2018 này, tại Trung Quốc diễn ra hai hội nghị chính trị lớn, của Quốc hội và Chính Hiệp (tức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân), định chế mà một số nhà quan sát ví như một dạng "Thượng Viện" của Trung Quốc. Những gì đáng chú ý trong hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp đầu tiên tiếp theo Đại hội thứ 19, đưa ông Tập Cận Bình lên đỉnh cao quyền lực ? Theo báo chí Châu Á và quốc tế, bên cạnh khả năng Hiến pháp Trung Quốc sẽ được sửa đổi để mở đường cho ông Tập thâu tóm toàn bộ quyền bính, một vấn đề chính yếu là nhiều nhân vật thân cận với Chủ tịch Trung Quốc sẽ được đưa vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Ông Vương Kỳ Sơn (P), người được coi là sẽ trở thành phó Chủ tịch Trung Quốc, phiên khai mạc Quốc hội Trung Quốc, Bắc Kinh, ngày 05/03/2018. Reuters/Jason Lee
Những vị trí chủ chốt nào ?
Theo báo Nhật Nikkei Asian Review, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trợ tá đắc lực của Tập Cận Bình trong cuộc chiến "chống tham nhũng", còn được gọi là "đả hổ, diệt ruồi", rất nhiều khả năng sẽ được bầu làm phó Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong Đại hội thứ 19, hồi tháng 10/2017, Vương Kỳ Sơn không được tái bổ nhiệm làm ủy viên thường vụ Bộ chính trị, do đã quá tuổi quy định, cho dù vào thời điểm đó đã có nhiều đồn đoán về việc nhân vật này tiếp tục tại vị.
Vương Kỳ Sơn là người đứng đầu Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng cộng sản Trung Quốc, cơ quan nắm quyền sinh, quyền sát trong cuộc "chiến chống tham nhũng", mà nhiều người cho cũng là phương tiện để ông Tập Cận Bình loại trừ các thế lực đối lập trong đảng. Dưới thời Vương Kỳ Sơn, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ủy viên Bộ chính trị đầy quyền uy, bí thư Trùng Khánh, từng được coi là người có khả năng trở thành lãnh đạo tối cao, đã bị hạ bệ, và tiếp theo đó là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cũng là người đứng đầu Trùng Khánh, và cũng từng được coi là ứng viên kế nhiệm lãnh đạo họ Tập.
Ngoài vị trí phó Chủ tịch nước, Nikkei còn chú ý đến bốn chức phó thủ tướng và dự đoán chắc chắn sẽ có một số nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, vừa được bầu làm ủy viên thường vụ Bộ chính trị trong kỳ Đại hội 19. Ngoài ra, còn năm ủy viên Quốc Vụ, cấp lãnh đạo trong chính phủ quan trọng hơn bộ trưởng.
Ứng viên số một vào hai chức vụ rất quan trọng khác, lãnh đạo ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính, là những nhân vật rất thân cận với Tập Cận Bình : ông Lưu Hà (Liu He) hiện là kinh tế gia trưởng của chính phủ, và ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), hiện là Chủ tịch cơ quan kiểm soát lĩnh vực ngân hàng của chính phủ Trung Quốc.
Thêm nhiều tỉ phú công nghệ tin học
Báo chí đặc biệt chú ý đến hai thay đổi lớn khác trong hàng ngũ các đại biểu tham dự hai kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp của Trung Quốc (người Trung Quốc thường gọi là "lưỡng hội"). Trước hết, đó là số lượng các đại biểu tỉ phú tuy giảm mạnh so với khóa trước, nhưng ngược lại nhìn chung tổng tài sản của nhóm tỉ phú lại gia tăng, và đặc biệt rất nhiều tỉ phú trong ngành công nghệ cao, trước hết là công nghệ tin học, trí tuệ nhân tạo, người máy.
Theo AP, theo một báo cáo điều tra của Hurun, chuyên xếp hạng các doanh nhân Châu Á, công bố ngày 02/03, trong số hơn 5.000 đại biểu Trung Quốc, có 152 người "siêu giàu", so với 209 người của khóa trước. Tuy nhiên tổng tài sản của nhóm này là 4.100 tỉ nhân dân tệ (tức 650 tỉ đô la), tăng một phần năm so với năm trước. 28 đại gia trong số 100 người giàu nhất Trung Quốc có mặt trong danh sách các đại biểu.
Sự hiện diện của nhiều tỉ phú trong hàng ngũ các đại biểu cho thấy tầng lớp doanh nhân giàu có vẫn là đối tượng "hoan nghênh" của chế độ cộng sản, cho dù trong những năm qua, Bắc Kinh liên tục có nhiều chính sách được coi là "quyết liệt" nhắm vào các công ty tư nhân, đặc biệt trong vấn đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Cho dù lo ngại vì những thay đổi chính sách, nhưng nhìn chung, đối với các doanh nhân tư nhân Trung Quốc, thì việc tham gia vào nhóm "tinh hoa chính trị" này vẫn là một phương tiện thăng tiến, bởi đa số họ đều hiểu rằng "đảng kiểm soát tất cả".
Đứng đầu nhóm các tỉ phú là ông Pony Mã Hóa Đằng (Ma Huateng), Chủ tịch tập đoàn Tencent/Đằng Tấn - điều hành ứng dụng trực tuyến nổi tiếng WeChat hay Vi Tín (Weixin) (với gần một tỉ người sử dụng), với tổng tài sản 47 tỉ đô la. Người đứng thứ hai trong nhóm này là Lý Thư Phúc (Li Shufu), Chủ tịch Geely - một trong các tập đoàn xe hơi lớn nhất Trung Quốc, cũng là ông chủ hãng xe hơi Volvo Thụy Điển, và vừa mua lại 10% cổ phần của tập đoàn xe hơi Đức Daimler. Tổng tài sản của doanh nhân họ Lý ước tính 17 tỉ đô la.
Theo giáo sư Sun Xin chuyên về doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Á ở trường King’s College, Luân Đôn, hầu hết các gương mặt mới được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn ban kinh tế của cơ quan Chính Hiệp đầu xuất thân từ các công ti công nghệ. Quyết định này của chính quyền Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chủ trương chuyển hướng kinh tế dựa vào hiện đại hóa công nghiệp và cách tân công nghệ, hơn là các lĩnh vực như bất động sản và năng lượng truyền thống.
Một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ công nghệ mới nổi lên là ông Richard Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc JD.com, hay Đinh Lỗi (Ding Lei), ông chủ của NetEase, công ti trò chơi điện tử và quảng cáo trên mạng đứng thứ hai Trung Quốc.
Hàng loạt đại gia bất động sản giã từ "lưỡng hội"
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, một điểm đặc biệt đáng chú ý thứ hai trong lĩnh vực này là sự ra đi của hàng loạt đại biểu - đại gia bất động sản, tổng cộng hơn 20 người, trong đó có đại gia Hồ Bảo Sâm (Hu Baosen), ông chủ tập đoàn Jianye, hay Hồ Á Quân (Wu Yajun), lãnh đạo Longfor Properties…
Theo nhà nghiên cứu độc lập Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), ở Bắc Kinh, được SCMP dẫn lại, việc hàng loạt đại gia bất động sản vắng mặt là một chỉ dấu cho thấy đường lối chống "đầu cơ" bất động sản của ông Tập Cận Bình bắt đầu có hiệu lực. Theo chuyên gia Hồ Tinh Đẩu, "càng nhiều đại gia bất động sản trỗi dậy, điều đó có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc không sung sức", "ít người muốn đầu tư vào các hoạt động kinh tế thực sự, vào các ngành công nghiệp quốc gia" và bất động sản cũng là "ổ tham nhũng", bởi lĩnh vực này liên quan đến hàng trăm kế hoạch xây dựng của chính phủ.
Trong số các đại gia bất động sản trụ lại được, có tỉ phú Hứa Gia Ấn (Hui Kayan), chủ tập đoàn Evergrande Group, được biết đến như là người đã bỏ ra 1,7 tỉ đô la trong hai năm qua, để giảm nghèo đói tại một thành phố tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ giúp một triệu dân Trung Quốc thoát nghèo. Tỉ phú Hứa Gia Ấn có tài sản ước tính 41 tỉ đô la.
Sửa đổi Hiến pháp : Nhiều dấu hỏi đặt ra về Hội nghị trung ương 3 bất thường
Theo phân tích của nhà báo Charlotte Gao, trong một bài viết đăng tải hôm 01/03 trên trang mạng The Diplomat, cho đến nay chưa rõ là Quốc hội Trung Quốc có thông qua yêu cầu của ban lãnh đạo đảng hủy bỏ quy định làm Chủ tịch nước không quá hai nhiệm kỳ hay không trong lần họp này.
Ngay trước kỳ họp Quốc hội và Chính Hiệp, Bắc Kinh tổ chức bất thường hội nghị trung ương lần thứ ba (Đại hội 19), bình thường sẽ chỉ diễn ra vào cuối năm. Trên thực tế việc tổ chức thêm một kỳ hội nghị lần thứ ba, chỉ sau hội nghị lần thứ hai có một tháng, là điều "không bình thường". Điều không bình thường nữa là cả hai hội nghị thứ ba và thứ hai đều đã không hề có thông báo chính thức về việc yêu cầu sửa đổi Hiến pháp liên quan đến vấn đề nhiệm kỳ Chủ tịch, như thông tin được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông tại Trung Quốc, vốn được coi như quan điểm chính thức của Ban Chấp Hành Trung Ương (Tân Hoa Xã, ngày 25/02/2018).
Theo Charlotte Gao, nhìn chung đây là chuyện "rất đáng ngạc nhiên". Hiện tại rất ít thông tin lọt ra từ hội nghị này. Nhà báo Charlotte Gao dẫn lời nhà bình luận chính trị độc lập Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), ở Bắc Kinh, trong vấn đề này, có hai khả năng hoàn toàn trái ngược.
Thứ nhất là Ủy ban trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc có thể đã "hoàn toàn nhất trí" trong đảng về đề nghị sửa đổi Hiến pháp ngay trong hội nghị lần thứ hai trước đó, vì vậy không cần nhắc lại vấn đề này. Giả thuyết thứ hai, cũng rất có thể, là đã xảy ra "nhiều tranh luận quyết liệt" về việc sửa đổi Hiến pháp trong nội bộ Ủy ban trung ương. Điều này cũng có nghĩa là ông Tập Cận Bình cho đến khi Quốc hội khai mạc vẫn chưa thuyết phục được toàn bộ ban lãnh đạo đảng.
Quá trình ra quyết định của chế độ cộng sản Trung Quốc vốn luôn nằm trong vòng bí mật. Kết quả của kỳ họp Quốc hội sẽ cho biết khả năng nào là đúng.
Điều rõ ràng nhất, đó là cũng như thông lệ, thông báo của hội nghị lần thứ ba hứa hẹn sẽ tăng cường sự lãnh đạo của đảng "trong mọi lĩnh vực" và mục tiêu của cuộc cải cách hiện nay là để làm sao tất cả mọi cơ quan, từ chính phủ cho đến "các tổ chức nhân dân", "tổ chức xã hội", "doanh nghiệp" đều làm việc dưới "sự lãnh đạo thống nhất" của Đảng cộng sản.
Trọng Thành
******************
Trung Quốc cảnh báo Hong Kong và Đài Loan (RFA, 05/03/2018)
Trung Quốc hôm 05/03 tỏ rõ lập trường cứng rắn về sự gia tăng bất đồng quan điểm tại Đài Loan và Hong Kong.
Trong báo cáo trước quốc hội Trung Quốc vào ngày hôm nay, 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc "sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ kế hoạch ly khai nào" ở Đài Loan. AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không thay đổi quan điểm Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc dù cho có bất kỳ sự thay đổi chính trị nào tại đây.
Trong báo cáo trước quốc hội Trung Quốc vào ngày hôm nay, 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc "sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ kế hoạch ly khai nào" ở Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Báo cáo cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc "một Trung Quốc" và thúc đẩy quan hệ "tăng trưởng hoà bình" với Đài Loan theo thỏa thuận vào năm 1992, rằng chỉ có một Trung Quốc mà không nêu rõ Bắc Kinh hay Đài Bắc là đại diện chính thức.
Ông Lý Khắc Cường nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ "thống nhất Đài Loan trong hòa bình" bởi Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ thống nhất.
Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo những bất đồng đang xảy ra ở Hong Kong và Macau là những nơi có quy chế một nhà nước hai hệ thống.
Mặc dù báo cáo năm nay của Trung Quốc vấn nói đến một quốc gia hai hệ thống nhưng Trung Quốc không còn nhấn mạnh đến việc áp dụng quy chế này như trước kia.
******************
Chiến thuật đưa Brunei vào ‘Con đường Tơ lụa thế kỷ 21’ của Trung Quốc (VOA, 06/03/2018)
Trên một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi phía bắc của Brunei ở Biển Đông, hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang xây dựng một khu phức hợp lọc dầu và hóa dầu và một cây cầu nối khu liên hợp với thủ đô Bandar Seri Begawan.
Sultan Hassanal Bolkiah thị sát quân đội Brunei ở thủ đô Bandar Seri Begawan ngày 15/7/2006. Trung quốc nói Brunei là một quốc gia quan trọng trên 'Con đường Tơ lụa thế kỷ 21' của Bắc Kinh.
Theo tường thuật của Reuters, khi hoàn thành, giai đoạn đầu tiên của khu phức hợp trị giá 3,4 tỷ USD trên đảo Muara Besar, do Tập đoàn Hengyi của Trung Quốc điều hành, sẽ là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở Brunei, xuất hiện vào thời điểm mà quốc gia phụ thuộc vào dầu khí cần đến nó nhất.
Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Brunei dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng hai thập niên. Các nhà phân tích nói khi công việc sản xuất sụt giảm, các công ty dầu mỏ sẽ không đầu tư nhiều vào các cơ sở hiện có, gây thêm trở ngại về sản lượng. Kết quả là thu nhập từ dầu mỏ của Brunei, vốn là hầu bao của gần như tất cả các chi tiêu của chính phủ Brunei, đang sụt giảm đều đặn.
Với tình trạng thất nghiệp đang tăng trong giới thanh niên hiện nay, nhà lãnh đạo Brunei, Sultan Hassanal Bolkiah, đang cố gắng cải cách nhanh nền kinh tế và đa dạng hóa nguồn thu nhập, trong lúc tiếp tục cuốc chiến chống lại tham nhũng và trấn áp giới bất đồng chính kiến.
Sự xuống dốc của Brunei được phản ánh trong lĩnh vực tài chính. HSBC đã rút khỏi Brunei năm ngoái, trong khi Citibank ra đi vào năm 2014 sau 41 năm. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lại mở chi nhánh đầu tiên tại quốc gia Hồi giáo này vào tháng 12 năm 2016.
Dự án Muara Besar hứa hẹn sẽ mang lại hơn 10.000 việc làm, ít nhất một nửa trong số đó sẽ dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp, Reuters dẫn nguồn truyền thông Brunei cho biết. Tuy nhiên, thông báo cho biết hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã được chuyển đến để xây dựng khu phức hợp đã làm một số cư dân địa phương tức giận.
Con đường tơ lụa trên biển
Hengyi Industries, công ty địa phương xây dựng nhà máy lọc dầu, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Thông tin từ trang web cho biết công ty được thành lập vào năm 2011 và có trụ sở tại Bandar Seri Begawan dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn đầu của khu phức hợp nhà máy lọc dầu và hóa dầu tại Muara Besar vào cuối năm nay.
Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của khối ASEAN năm 2013. Brunei là một trong số các quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Giai đoạn 2 trị giá 12 tỷ USD sẽ dành cho việc mở rộng công suất nhà máy lên tới 281.150 thùng/ ngày và xây dựng các đơn vị sản xuất 1,5 triệu tấn ethylene/năm và 2 triệu tấn paraxylene/năm.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ về đầu tư toàn cầu của Trung Quốc, tổng đầu tư của Bắc Kinh tại Brunei ước đạt 4,1 tỷ USD.
Con số này có phần chắc sẽ tăng lên khi Trung Quốc đẩy mạnh dự án "Vành đai và Con đường", còn gọi là "Con đường tơ lụa của thế kỷ 21", dự kiến liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á, Châu Phi và Á-Âu qua mạng lưới các cảng, đường, đường sắt và các khu công nghiệp.
"Brunei là một quốc gia quan trọng trên Con đường Tơ lụa thế kỷ 21", Đại sứ Trung Quốc tại Brunei Yang Jian nói trong lễ khai trương một liên doanh điều hành cảng container lớn nhất ở Brunei vào tháng 2 năm 2017.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tổng đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ ở Brunei trong năm 2012 chỉ có 116 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư khoảng 205 tỷ USD vào Đông Á trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2017, theo báo cáo về Đầu tư Toàn cầu của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang gia tăng những khoản đầu tư này trong lúc đấu với bốn quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Brunei, trong tranh chấp chủ quyền trên các đảo, đá ở Biển Đông
Jatswan Singh, giáo sư Đại học Malaya ở Kuala Lumpur, tác giả của 4 cuốn sách về Brunei, nhận định : "Việc xây dựng quan hệ tốt đẹp và đưa ra các khoản đầu tư lớn là một phần trong chiến lược của Trung Quốc để chia cắt các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo không có sự đồng thuận về các vấn đề Biển Đông".
Brunei không bình luận công khai về tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
*************************
Manila : Muốn khai thác chung Bãi Cỏ Rong, Trung Quốc phải công nhận chủ quyền của Philippines (VOA, 05/03/2018)
Một thẩm phán của Philillpines phát biểu hôm 5/3 rằng bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Philippines và một công ty Trung Quốc để khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên Biển Đông sẽ là bất hợp pháp trừ khi Trung Quốc công nhận chủ quyền Philippines đối với khu vực đó, theo hãng tin Reuters.
Tập đoàn Dầu khi Quốc gia Trung Quốc (CNOOP).
Gần đây Manila đã xác định hai khu vực trong thủy lộ nhộn nhịp là địa điểm phù hợp để thăm dò khai thác chung. Hai nước tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao và pháp lý nhưng không đề cập đến vấn đề chủ quyền.
Cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Rong, nhưng luật pháp quốc tế nói rằng bãi này nằm trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Trung Quốc nói rằng Bãi Cỏ Rong nằm trong cái gọi là đường chín đoạn do Bắc Kinh đặt ra, trong đó tuyên bố quyền lịch sử đối với cả khu vực.
Ông Antonio Carpio, quyền thẩm phán hàng đầu của Tòa án Tối cao, cho biết việc Bộ Năng lượng Philippines trao đổi với Tập đoàn Dầu khi Quốc gia Trung Quốc (CNOOP) là hợp pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hinh ANC, ông Carpio nói : "Không có vấn đề gì nếu CNOOC công nhận rằng đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Nhưng nếu CNOOC không công nhận thì việc đó lại có vấn đề".
Ông Carpio phát biểu như vừa nêu với tư cách là một chuyên gia về luật pháp quốc tế và là người ủng hộ nhiệt thành cho chủ quyền lãnh hải của Philippines.
Trung Quốc là nước ký kết Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng không công nhận một phán quyết của tòa án La Hague năm 2016 trong đó vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc.
Tuần trước, ông Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Manila và Bắc Kinh cần phải được thống nhất với một công ty, chứ không phải là với chính phủ Trung Quốc.
Hôm 5/3, ông Roque cho biết Philippines và Trung Quốc sẽ phải ký một hiệp định để cùng tham gia thăm dò và khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong.