Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ-Philippines : Trump dàn cảnh ''đồng cảm'' với Duterte (RFI, 13/11/2017)

Trong cuộc hội kiến tại Manila, tổng thống Mỹ Donald Trump dàn cảnh thái độ hòa thuận với đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte trước mặt phóng viên quốc tế. Không một vấn đề nào liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền được nêu lên bên cạnh nhà lãnh đạo tự khoe đã từng giết người lúc 16 tuổi.

phi1

Tổng thống Mỹ Trump bắt tay tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước buổi khai mạc thượng đỉnh ASEAN, Manila, 13/11/2017. Reuteurs/Mark R. Cristino/Pool

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại làm báo chí thất vọng.

Theo AFP, sáng nay thứ hai 13/11/2017, trước giờ hội kiến song phương tại Manila, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra rất hợp ý và bông đùa thoải mái. Tuy nhiên, cả hai đều rất tiết kiệm lời nói khi được phóng viên đặt câu hỏi nhất là về nhân quyền.

Tổng thống Donald Trump tránh né bằng sự im lặng. Tổng thống Rodrigo Duterte cắt gọn : đây không phải là họp báo mà là hội kiến song phương.

Sau cuộc hội kiến dài 40 phút, phát ngôn viên của tổng thống Philippines cho biết là "hồ sơ nhân quyền không được đề cập đến. Khác với người tiền nhiệm, tổng thống Trump nhấn mạnh ông là bạn của chính quyền Duterte".

Còn phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders bảo đảm là "nhân quyền được đề cập ngắn gọn".

Trước khi tổng thống Trump rời Washington công du Châu Á, cố vấn an ninh H.R McMaster đã giải thích : Tại sao phải to tiếng về vấn đề này ? Kinh nghiệm gần đây cho thấy là không có hiệu quả.

Về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Philippines cũng như ở những chế độ khác, chính quyền Trump cam kết là "không tố cáo công khai", nhưng "không thụ động" và thiên về lối vận động "kín đáo".

Tú Anh

********************

Vị thế Philippines trong chiến lược của Hoa Kỳ (BBC, 13/11/2017)

Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo Châu Á, công bằng mà nói thì chiến lược của Donald Trump là một bí ẩn. Nhưng liệu chìa khóa để hiểu được mục tiêu của Hoa Kỳ ở Châu Á nằm ở quốc đảo được biết đến với tình hình chính trị hỗn loạn - Philippines ?

phi2

Ông Trump và ông Duterte tại tiệc chiêu đãi của ASEAN tại Manila tối 12/12/2017

Xin đừng ngạc nhiên !

Rõ ràng là Philipines, như tình trạng của nhiều quốc gia Châu Á hiện nay, từng mắc kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Mặc dù chuyến công du của ông Trump chắc chắn là để cố gắng thể hiện cho khu vực này thấy Hoa Kỳ đang quan tâm tới Châu Á ở một mức độ nào đó, rõ ràng tổng thống Mỹ quan tâm sâu sắc hai vấn đề : Bắc Hàn và thương mại. Thành thật mà nói, Bắc Triều Tiên là mối quan tâm cấp bách nhất của ông.

Vậy làm thế nào Philippine đưa ra được những giải pháp mà Donald Trump mong muốn từ Châu Á ? Và Philippin cần gì từ Mỹ để đổi lại ?

Vai trò của lịch sử

Thứ nhất, lịch sử đóng vai trò quan trọng. Ta cần phải biết về quá khứ mới có thể hiểu được hiện tại.

Philippines và Mỹ có mối quan hệ lâu dài và chông gai, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Mỹ-Phi kéo dài ba năm, bắt đầu từ năm 1899. Hgàn người chết ở cả hai phía, nhưng Philippines chịu tổn thất hơn cả.

Quyết định thôn tính Philippines của Hoa Kỳ gây nhiều tranh cãi. Quyết định này được thúc đẩy một phần bởi Kỷ nguyên Đế chế - các quốc gia cắm cờ ở bất cứ vùng đất nào có thể, thực dân hóa các quốc gia khác để biến thành lãnh thổ của riêng mình.

Nhưng nó cũng được thúc đẩy bởi mong muốn của Hoa Kỳ chiếm một vị trí chiến lược trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương - để bảo vệ lục địa Hoa Kỳ khỏi xâm lược, và để bảo vệ nền kinh tế của mình.

Điều này nghe có vẻ quen quen ? Một trăm năm trôi qua với không nhiều thay đổi. Cuối cùng, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Philippines năm 1946, nhưng giữ căn cứ quân sự của mình trong quần đảo, rõ ràng là để theo dõi những gì đang xảy ra ở quốc gia láng giềng.

Sau độc lập, Philippines duy trì quan hệ phập phù với Hoa Kỳ. Các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ những năm 1980 và 1990, cùng với phong trào bài Mỹ và thiên tai năm 1991 buộc Mỹ di dời căn cứ quân sự tới đảo Guam và một số nơi khác.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố và những cuộc nổi dậy của quân Hồi giáo ở miền Nam Philippines và vấn đề Biển Đông đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn - với sự hồi sinh của các căn cứ quân sự tạm thời của Mỹ ở Philippines.

Cán cân quyền lực

phi3

Người biểu tình tại Philippines đốt hình nộp ông Duterte và ông Trump hồi đầu tháng 11.

Trung Quốc đã thay đổi chiến lược khi trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Châu Á, bao gồm cả Philippines.

Bắc Kinh cũng đang tiến vào Philippines với cam kết đầu tư trị giá 9 tỷ đô la vào các dự án Một vành đai Một con đường.

Philippines đã có thời gian tích cực chống lại các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, và thậm chí đưa vụ việc ra tòa án quốc tế và giành chiến thắng, nhưng dưới thời tổng thống Duterte, ván bài đã lật ngược, Giáo sư Carl Thayer, giám đốc hãng tư vấn Thayer Consultancy ở Sydney nói.

Ông Thayer nói thêm : "Không ai ngoài Campuchia đi xa như Duterte trong việc xoa dịu Trung Quốc".

Vậy điều đó có nghĩa Hoa Kỳ đã thất trận trong việc gây ảnh hưởng tại Philippines và Châu Á ? Không hoàn toàn, ông Theyer chỉ rõ.

"Mỹ đã giúp Philippines chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Marawi và điều đó đã giữ họ lại trong cuộc chơi này". Ông Thayer cũng viết về việc Tổng thống Duterte đã làm tốt thế nào trong việc khiến Trung Quốc và Hoa Kỳ đối đầu nhau - một chiến lược mà nhiều nhà lãnh đạo Châu Á khác cũng có thể sử dụng.

Vấn đề Bắc Triều Tiên

phi4

Lệnh trừng phạt gia tăng sau các đe dọa về hạt nhân của Bắc Hàn leo thang

Hãy nhớ lại khi Donald Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ ngừng giao dịch thương mại với bất kỳ quốc gia nào kinh doanh với Bắc Hàn. Thế nhưng vào thời điểm này, đây là một động thái không thực tế - chủ yếu bởi vì nó sẽ khiến Mỹ tổn thương về lâu dài. Nhưng lạ lùng hơn cả là phản ứng của Philippines.

Thương mại giữa Manila và Bắc Hàn tăng tới 170% năm 2016. Khi tin này trở thành tiêu điểm, chính phủ Duterte ngay lập tức có biện pháp khắc phục sự mất cân bằng này bằng cách cắt đứt thương mại với Bắc Hàn.

Tại sao phải vội vã ? Không ai trong số các quốc gia khác vội vàng hành động như thế.

Một lý do là vì Philippines muốn đảm bảo rằng nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt của LHQ, và tiền Bắc Hàn kiếm được trong làm ăn với thương mại Philippine không bị quẳng vào ngành công nghiệp vũ khí.

Nhưng một lý do thực tế khác là Philippines đạt ít nhất 8 tỷ đô la thương mại với Mỹ mỗi năm so với 53 triệu đô la với Bắc Hàn, do đó, quả là sẽ vô cùng rủi ro nếu Philippines không làm những gì mà Hoa Kỳ muốn.

Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe lời kêu gọi cảm xúc gần đây của Tổng thống Duterte về Kim Jong-un của Bắc Hàn : "Nếu ai đó tiếp cận (ông Kim), hãy nói chuyện với ông ấy và nói, "Bạn tôi, tại sao bạn không ngồi xuống cùng tôi và cùng bàn chuyện ?" Không có gì chắc chắn Tổng thống Trump sẽ nhìn sự việc theo cách tương tự.

Điểm chung

phi5

Trump và Duterte được cho là có nhiều điểm chung về tính cách

Tuy nhiên có một điều mà Philippines và Mỹ có thể đồng ý với nhau là quan điểm của họ về các vấn đề nhân quyền. Mặc dù chính quyền Obama chỉ trích cuộc chiến tranh chống ma túy của Tổng thống Duterte, nhưng Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tới Philippines vì đó là "một vị trí chiến lược quan trọng" và một quan chức Mỹ nói rằng hai nhà lãnh đạo chia sẻ "mối quan hệ ấm áp".

Họ thường được so sánh với nhau, bởi vì tính cách nổi trội và sự thẳng thắn của họ. Để đổi lấy sự ủng hộ trong vấn đề Bắc Hàn, Tổng thống Trump dường như không nhấn mạnh đến nhân quyền và những vụ giết người phi pháp ở Philippines như người tiền nhiệm của ông - và điều này hoàn toàn phù hợp với Tổng thống Duterte.

Vậy là ta thấy Philippines và Mỹ có quan hệ cộng sinh.

Không chỉ bởi vì hai quốc gia là hai nền dân chủ, là đồng minh trong lịch sử (bất chấp quá khứ chông gai của họ) và hai nhà lãnh đạo của họ chia sẻ những nét tính cách thú vị.

Mà còn bởi vì họ hòa hợp cả về chiến lược và tính cách, và Philippines ngày càng trở thành con át chủ bài cho vị thế của Mỹ ở Châu Á.

Karishma Vaswani

Phóng viên Kinh tế khu vực Châu Á

********************

Philippines : Biểu tình phản đối Donald Trump tại Manila (RFI, 12/11/2017)

Trước khi máy bay của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đáp xuống phi trường quốc tế gần thủ đô Manila, ngày 12/11/2017, cảnh sát chống bạo động Philippines được huy động giữ gìn an ninh trật tự trước tòa đại sứ Mỹ.

phi6

Người dân Philippines biểu tình phản đối tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Manila, ngày 12/11/2017. Reuters/Romeo Ranoco

Hãng tin Anh Reuters tường thuật, một đoàn người biểu tình - thuộc cánh tả, giương cao những biểu ngữ chống Donald Trump và chống "đế quốc Mỹ".

Tuy nhiên, mọi chú đang hướng về đối thoại "nhạy cảm" giữa tổng thống Mỹ và Philippines ngày 13/11, bên lề thượng đỉnh ASEAN. Thông tín viên đài RFI Marianne Dardard từ thủ đô Manila cho biết thêm :

"Trước khi hai nhà lãnh đạo có khuynh hướng mị dân gặp nhau, báo chí Philippines đã tốn nhiều giấy mực về đối thoại này. Donald Trump và Rodrigo Duterte đã trao đổi với nhau lần đầu tiên tại Đà Nẵng vào hôm qua (11/11), bên lề thượng đỉnh APEC, Việt Nam. Nhiều người chứng kiến sự kiện này cho rằng đó là một cuộc trao đổi "nồng ấm", trước khi nguyên thủ hai nước sẽ có một cuộc hội đàm song phương vào ngày mai (13/11).

Trước đó, cũng tại thượng đỉnh diễn đàn APEC Đà Nẵng, Rodrigo Duterte khoe là ông từng giết người khi tuổi còn niên thiếu, đâm chết một người trong một vụ thanh toán. Không thấy tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng gì về những lời lẽ gây sốc này. Chủ nhân Nhà Trắng cũng im lặng khi ông Duterte dọa cấm nhập cảnh vào Philippines hai dân biểu Mỹ chủ trương chống chính sách bài trừ ma túy tàn khốc của Manila.

Tháng 7/2017, Hạ Viện Hoa Kỳ chính thức lên án các vụ giết người ngoài vòng xét xử tại Philippines. Riêng ông Donald Trump, trong quá khứ, từng đích thân chúc mừng Rodrigo Duterte về "những nỗ lực không thể ngờ được trong mục tiêu bài trừ ma túy". Trên nguyên tắc, tổng thống Trump sẽ tránh đề cập đến đề tài này trong cuộc trao đổi ngày mai với ông Duterte.

Ngược lại, đôi bên sẽ phải nhắc tới hồ sơ Biển Đông, trong bối cảnh, gần đây tổng thống Duterte giữ khoảng cách với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho dù tới nay, lãnh đạo Philippines từng xem ông Tập là "người bạn tốt nhất" của mình".

Thanh Hà

Published in Châu Á