Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hàng ngàn xe tải chở trái cây Việt Nam vẫn bị kẹt tại biên giới Trung Quốc

Thanh Phương, RFI, 08/01/2022

Hàng ngàn xe tải chở nông sản, chủ yếu là trái cây, hiện vẫn còn bị kẹt tại cửa khẩu chính ở biên giới Việt-Trung do chính quyền Bắc Kinh siết chặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu để ngăn chận sự lây lan của đại dịch Covid.

tq1

Vẫn còn hơn 3.600 xe tải nông sản kẹt ở biên giới Việt-Trung ngày 08/01/2022

Trong một bài phóng sự gởi từ Lạng Sơn hôm 07/01/2022, hãng tin AFP cho biết hàng ngàn tấn thanh long, mít, xoài và các nông phẩm khác cho tới nay vẫn chưa được chở qua cửa khẩu Hữu Nghị và đang thối rữa. Một số tài xế cho biết họ đã chờ ở đây từ nhiều ngày, thậm chí từ mấy tháng qua.

Thật ra thì cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn không hoàn toàn đóng cửa, nhưng chỉ có một ít xe tải được đi qua, chẳng hạn như hôm thứ Năm 06/01/2022 chỉ có khoảng 100 xe được chạy qua cửa khẩu này để sang Trung Quốc.

Trước đó trong tuần, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã ra thông báo khuyên các doanh nghiệp dừng đưa hàng đến cửa khẩu Hữu Nghị để xuất khẩu sang Trung Quốc cho đến cuối tháng. Họ giải thích sự ùn tắc nông sản ở biên giới Việt-Trung là do chính quyền Bắc Kinh thi hành các biện pháp kiểm soát dịch gắt gao hơn đối với người và xe đi vào nước họ, trong khuôn khổ chính sách "zero Covid". Một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc còn khẳng định đã phát hiện dấu vết của virus gây bệnh Covid trên trái thanh long nhập từ Việt Nam.

Theo tin báo chí trong nước, tối qua 07/01, chính quyền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã thông báo sẽ mở cửa trở lại cửa khẩu Bình Mãng (phía Việt Nam gọi là Sóc Giang) thuộc tỉnh Cao Bằng, sau khi đã mở lại cửa khẩu Long Bang – Trà Lĩnh cũng thuộc tỉnh này.

Nhưng bộ Công Thương Việt Nam vào đầu tuần này đã cảnh báo là tình trạng ùn tắc nông sản ở biên giới Việt-Trung có thể kéo dài đến Tết Nguyên Đán.

Thanh Phương

************************

Trung Quốc sẽ không mở lại các chuyến bay trước năm 2023

Anh Vũ, RFI, 08/01/2022

Vì chiến lược "zero Covid" yêu cầu phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về phòng dịch, Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 07/01/2022 thông báo các chuyến bay nội địa và quốc tế chỉ có thể được nối lại từ năm 2023.

tq2

Cơ quan CAAC thông báo các chuyến bay nội địa và quốc tế chỉ có thể được nối lại từ năm 2023.

Giao thông hàng không Trung Quốc trong năm 2022 sẽ vẫn còn bị tác động nặng nề của khủng hoảng dịch tễ. Với chính sách "zero Covid", chính quyền Bắc Kinh đang tập trung nỗ lực để khống chế được đại dịch trong năm 2022. Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất liên tiếp được tăng cường khi Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh và nhất là dịp tết Nguyên Đán đang tới gần. Hàng không Trung Quốc đã đưa ra lộ trình phát triển trong hai năm tới.

Theo cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc, sau giai đoạn tăng cường kiểm soát, phòng ngừa Covid-19, Trung Quốc sẽ tập trung vào tăng trưởng giai đoạn từ 2023 đến 2025 để tạo sức năng động cho lĩnh vực hàng không, bao gồm việc tăng số chuyến bay nội địa và khôi phục lại thị trường quốc tế.

Trong viễn cảnh vận tải hành khách và hàng hóa tăng mạnh, Trung Quốc dự kiến sẽ mở thêm nhiều cảng hàng không mới từ nay đến năm 2025, từ 241 sân bay hiện có lên hơn thành 270 sân bay.

Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển hàng không của Trung Quốc cũng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí CO2 trong 3 năm tới. Có một đội máy bay hùng hậu nhưng ít ô nhiễm nhằm mục tiêu trung hòa các-bon trước năm 2060 là một thách thức lớn cho ngành hàng không Trung Quốc.

Anh Vũ

Published in Châu Á