Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Trump đến Hàn Quốc với cam kết giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên (RFI, 07/11/2017)

Hôm 07/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Hàn Quốc, chặng thứ hai trong chuyến công du Châu Á của ông, với lời hứa hẹn sẽ giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, mặc dù Washington có nhiều bất đồng với Seoul trên hồ sơ này.

north1

Tổng thống Donald Trump và đồng sự Hàn Quốc, Moon Jae-in, tại Séoul ngày 07/11/2017. Reuters/Jonathan Ernst

Tại Nhật Bản hôm qua, tổng thống Trump đã viết trên mạng Twitter : "Tôi chuẩn bị sang Hàn Quốc và sẽ có các cuộc họp với tổng thống Moon, một người rất tốt. Chúng tôi sẽ giải quyết tất cả vấn đề đó". Lời lẽ của tổng thống Mỹ có chừng mực hơn so với những gì ông viết trên Twitter vào tháng 9, chỉ trích tổng thống Hàn Quốc, vốn chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng, là "theo đuổi một chính sách sẽ dẫn đến thất bại".

Về phần tổng thống Moon Jae-in, ông đã tuyên bố với tổng thống Trump rằng Hoa Kỳ là một"người bạn thật sự đã từng sát cánh với chúng tôi và đã đổ máu bên cạnh chúng tôi khi chúng tôi cần được giúp đỡ". Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Washington là phải có sự đồng tình của Seoul trước khi quyết định một cuộc can thiệp quân sự chống Bình Nhưỡng.

Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tường trình :

"Ông Donald Trump chỉ thăm Hàn Quốc có 24 tiếng đồng hồ. Người dân Hàn Quốc ghi nhận là tổng thống Mỹ đã dành gấp đôi thời gian, đến 48 tiếng đồng hồ, khi đi thăm Nhật Bản.

Chi tiết này phản ánh rõ quan ngại của Hàn Quốc, hiện đang sợ bị Mỹ đẩy xuống hàng khán giả trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, trong khi nước này là nạn nhân đầu tiên nếu xảy ra xung đột quân sự do các quyết định của Hoa Kỳ.

Choi Chang-hee, một nhà hoạt động vì hòa bình, đã tham gia biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Seoul. Cô nói : " Nếu Trump và Kim Jong-un mất bình tĩnh, nếu họ khiêu khích nhau, chiến tranh có thể nổ ra. Cho dù khả năng xảy ra một cuộc xung đột như vậy chỉ là 1%, cần phải ngăn chận họ làm như thế. Chúng tôi đến đây để bảo vệ hòa bình, để yêu cầu khởi động các cuộc hòa đàm. Họ phải thương lượng với nhau !

Bản thân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng là một người chủ trương một giải pháp thương lượng cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và ông sẽ nhân chuyến viếng thăm này để tỏ cho tổng thống Donald Trump thấy ông là một đối tác cần thiết trong hồ sơ Bắc Triều Tiên".

Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Moon Jae-in sau cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Trump tuyên bố rằng Bình Nhưỡng là mối đe dọa cho toàn cầu, nhưng khẳng định Washington và các đồng minh đã có "nhiều tiến bộ" trong nỗ lực giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông Trump nói rằng ông sẵn sàng sử dụng hết sức mạnh của quân đội Mỹ để ngăn cản Bắc Triều Tiên đạt được những mục tiêu về vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo.

Tổng thống Trump cũng thông báo là Hàn Quốc sẽ mua của Mỹ hàng tỷ đôla vũ khí để đối phó với một nước Bắc Triều Tiên đã có vũ khí nguyên tử. Nhân dịp này, ông Trump xác nhận là Hoa Kỳ đã đồng ý bãi bỏ quy định hạn chế trọng lượng các đầu đạn gắn trên các tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc.

Theo chương trình dự kiến, ngày mai, tổng thống Trump sẽ phát biểu trước Quốc Hội Hàn Quốc, nhưng sẽ không đến vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, trong khi cho tới nay, tổng thống Mỹ nào khi đi thăm Hàn Quốc đều đến đây.

Thanh Phương

*********************

Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc để bàn về Bắc Triều Tiên, thương mại (RFI, 07/11/2017)

Theo AP, chương trình nghị sự sắp tới tại Bắc Kinh của tổng thống Mỹ chủ yếu là hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên, và yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh lại cán cân thương mại hiện đang thâm hụt nặng đối với Hoa Kỳ. Hôm nay 07/11/2017 từ Seoul, ông Donald Trump cho biết đã "có nhiều tiến bộ" về vấn đề Bình Nhưỡng, và khen ngợi vai trò "rất hữu ích" của Trung Quốc.

north2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tại cuộc gặp bên lề G20 ở Hamburg, Đức, ngày 08/07/2017 - Reuters/Saul Loeb/Pool/File Photo

Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này quan trọng hơn cuộc hội đàm hồi tháng Tư tại Mar-a-Lago, mà ấn tượng nhất là việc ông Trump thông báo đã cho bắn hỏa tiễn vào Syria, ngay lúc đang dùng món tráng miệng.

Các viên chức cả đôi bên cho biết ông Donald Trump đã cố gắng có quan hệ riêng tư hơn với Tập Cận Bình, người nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Trong một bài phỏng vấn mới đây, tổng thống Mỹ đã đánh giá ông Tập "như một ông vua".

Các hồ sơ quan trọng được bàn đến, trước hết là chương trình nguyên tử và đạn đạo Bắc Triều Tiên. Ông Trump đòi hỏi Trung Quốc, đối tác thương mại, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng phải có những biện pháp mạnh tay hơn.

Bắc Kinh đã đồng ý áp dụng một số trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để giảm bớt nguồn thu ngoại tệ của Bình Nhưỡng : ra lệnh cho các cơ sở kinh doanh của Bắc Triều Tiên phải đóng cửa trễ nhất là tháng Giêng sang năm, hứa cắt nguồn khí đốt và hạn chế cung cấp sản phẩm dầu lửa tinh chế. Tuy nhiên Trung Quốc kiến quyết phản đối các bước có thể làm chính quyền của nhà độc tài Kim Jong-un sụp đổ, đề nghị Washington đối thoại với Bình Nhưỡng.

Về thương mại, ông Trump muốn giảm bớt thặng dư của Trung Quốc khi buôn bán với Hoa Kỳ, con số xuất siêu của Bắc Kinh trong năm 2016 lên đến 347 tỉ đô la. Mỹ cũng đã tăng thuế hải quan đánh vào thép không rỉ và ván ép của Trung Quốc, và cho điều tra việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các công ty ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ. Một số công ty Mỹ lo ngại Donald Trump quá chú trọng về hàng hóa mà quên việc Trung Quốc hạn chế sự hiện diện của họ trong lãnh vực tài chính, y tế, dịch vụ công nghiệp.

Về Biển Đông, Washington chỉ trích Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo để áp đặt chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Ngoại trưởng Rex Tillerson tháng trước tuyên bố "các hành động gây hấn" của Trung Quốc trên Biển Đông là một thách thức đối với luật lệ và quy chuẩn quốc tế. Phía Bắc Kinh nói rằng Hoa Kỳ không yêu sách chủ quyền tại vùng biển này, nên để các quốc gia trong khu vực tự giải quyết với nhau.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn bất bình trước việc Trung Quốc kiểm soát internet và các dữ liệu trao đổi, làm phương hại cho các doanh nghiệp nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh bất chính cho các công ty Hoa lục. Vấn đề chất fentanyl, loại ma túy tổng hợp chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc đang xâm nhập mạnh mẽ vào xã hội Mỹ cũng sẽ được bàn đến.

Thụy My

Published in Châu Á

Bắc Triều Tiên và kinh tế : hai đích chính chuyến đi Châu Á của Trump

Gọng kìm khép lại đối với phe đòi độc lập Catalunya, tổng thống Mỹ châm ngòi cho "vụ nổ lớn" trong lĩnh vực thuế, là một số tựa chính trang nhất báo Pháp hôm nay. Tuy nhiên, một chủ đề quốc tế thu hút hàng đầu là chuyến công du của tổng thống Mỹ tại Châu Á, chuyến đi dài nhất của một nguyên thủ Mỹ kể từ 25 năm qua. Libération có bài phân tích "Trump công du Châu Á tìm cách chinh phục đối tác".

asia1

Ám ảnh chiến tranh lơ lửng trên bán đảo Triều Tiên. Một áp phích tuyên truyền của Bình Nhưỡng, mô tả tổng thống Mỹ tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc đe dọa tiêu diệt 25 triệu dân Bắc Triều Tiên. Ảnh công bố ngày 16/10/2017. NK News/Handout via Reuters

Hồ sơ của Libération nhấn mạnh đến hai mục tiêu chính của tổng thống Mỹ trong chuyến đi này : tái khẳng định lập trường của Nhà Trắng về Bắc Triều Tiên, và thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ tại khu vực, trước hết là với Trung Quốc. Minh họa cho bài viết là ảnh một phụ nữ Trung Quốc, trong trang phục cổ truyền, quý phái, tự chụp ảnh mình, với phông nền là tượng tổng thống Donald Trump bằng sáp. Bức ảnh được thực hiện ngày 8/3/2017, tại tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), miền đông bắc Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ là điểm đến thứ ba của tổng thống Mỹ. Trong vòng 12 ngày, tổng thống Mỹ sẽ công du trước hết Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo chuyên gia về an ninh quốc tế Lindsey Ford, Viện Asia Society Policy Institute, ưu tiên trước hết của chính quyền Mỹ là "tạo được một đồng thuận về áp lực kinh tế và ngoại giao, đối với chế độ Bình Nhưỡng". Cụ thể là Washington sẽ phải thuyết phục được Bắc Kinh có các trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn nữa đối với Bắc Triều Tiên. Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu rất được trông đợi về hồ sơ Bắc Triều Tiên trước Quốc Hội Hàn Quốc.

Trump - Bắc Triều Tiên : Chính sách mơ hồ

Theo Libération, khả năng ông Trump đạt được đồng thuận với Trung Quốc trong vấn đề này là rất thấp. Hố ngăn cách giữa hai bên là rất sâu. Hai bên, tuy đồng thuận về "mối nguy hiểm" của "cậu nhóc hỏa tiễn", biệt hiệu của Kim Jong-un, theo cách nói của Donald Trump, nhưng trong khi ông Trump muốn Trung Quốc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Bắc Triều Tiên, thì Bắc Kinh chủ trương "áp lực kinh tế" từ từ, để tránh chế độ này sụp đổ.

Hố ngăn cách Mỹ - Trung khó san bằng còn có một lý do khác. Đó là chính sách "hoàn toàn không rõ ràng" của chính quyền Mỹ đối với Bắc Triều Tiên, kể từ khi ông Trump lên cầm quyền. Trong lúc khẳng định cần có một giải pháp ngoại giao trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ liên tục có những phát biểu khiến người ta nghĩ rằng Hoa Kỳ chỉ có một giải pháp duy nhất là can thiệp "quân sự". Hồi tháng 9, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên. Tiếp theo đó, ông Trump lại phán rằng ngoại trưởng Tillerson "chỉ phí thời gian" thảo luận với Bình Nhưỡng.

Vẫn theo chuyên gia an ninh Lindsey Ford, chiến lược của chính quyền Trump trên thực tế "không khác gì lắm" so với thời Obama, nhưng có điều các phát biểu hung hăng của tổng thống Mỹ gây lo ngại và nghi ngờ. Chưa nói đến Trung Quốc, cả các đồng minh của Hoa Kỳ cũng phải đặt câu hỏi nước Mỹ thời Donald Trump thực sự muốn gì ?

Về mặt lịch trình của chuyến đi, theo Libération, dù sao dường như tổng thống Mỹ cũng có một số biểu hiện cho thấy không muốn làm khủng hoảng Bắc Triều Tiên gia tăng. Ông Trump đã quyết định không đến khu vực phi quân sự, tức biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên, ngược lại với phần lớn các tổng thống Mỹ tiền nhiệm từ hơn 30 năm nay. Theo bình luận của người phát ngôn của Nhà Trắng, một chuyến đi thăm vùng phi quân sự thực ra giờ đây đã trở thành "một tập quán sáo mòn", không còn nhiều ý nghĩa.

Phái đoàn kinh tế Mỹ đến Bắc Kinh rầm rộ, nhưng thiếu chuẩn bị

Trái ngược với hồ sơ Bắc Triều Tiên có vẻ như đang hết sức mơ hồ, theo Libération, mục tiêu siết chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc của tổng thống Mỹ là điều hiển hiện. Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ đến Bắc Kinh, với một đội ngũ đông đảo các chủ tập đoàn lớn như vậy kể từ thời Ronald Reagan những năm 1980. Hơn 40 đại công ty cùng đi với tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, cũng khác hẳn với vẻ ngoài rầm rộ, là thực chất "thiếu chuẩn bị", như lo ngại của chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ tại Trung Quốc Amcham China, ông William Zarif. Thông thường trước một chuyến đi quan trọng như thế này, hai bên phải có một loạt các cuộc gặp cấp cao, tuy nhiên điều này không xảy ra.

Trên thực tế, chính quyền Trump phải đối mặt với một thách thức rất lớn, thâm hụt thương mại hàng trăm tỉ đô la với Hoa Lục. Với chuyến đi này, tổng thống Mỹ hy vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để bù đắp cán cân thâm hụt, với hàng loạt hợp đồng mới được ký kết. Tuy nhiên, giới chuyên môn không mấy tin tưởng. Lãnh đạo Phòng Thương Mại Mỹ không tin vào phép mầu, cho dù ông vẫn muốn nuôi hy vọng.

Còn theo cựu giám đốc về Trung Quốc của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hai đời tổng thống tiền nhiệm, ông Paul Haenle, thì mục tiêu chủ yếu của tổng thống Mỹ vẫn là đánh bóng hình ảnh của mình, để khoe khoang với cử tri Mỹ, như là người chiến thắng với hàng loạt hợp đồng mới.

Hồ sơ Biển Đông bị ra rìa

Cũng về chuyến đi của tổng thống Mỹ, trong lúc thương mại và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên được coi là hai trọng tâm chính, Les Echos chú ý đến sự thờ ơ của ông Donald Trump với hồ sơ Biển Đông, vùng biển đang bị Trung Quốc nỗ lực chiếm làm của riêng.

Theo Les Echos, trong bối cảnh thiếu một chính sách rõ ràng của tổng thống Mỹ, các cuộc tuần tra của Hải Quân Hoa Kỳ, tại các vùng thuộc phạm vi 12 hải lý của các đảo do Trung Quốc kiểm soát, sẽ chỉ là "những hành động đe dọa, không có mục tiêu rõ ràng". Tổng thống Trump nhìn chung đang dỡ bỏ chiến lược xoay trục sang Châu Á của tổng thống tiền nhiệm, mà "không hề đề xuất gì để thay thế".

Thuế : Tổng thống Trump châm ngòi "một vụ nổ lớn"

Vẫn về chính quyền Mỹ, nhưng trong hồ sơ kinh tế, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Thuế : Trump châm ngòi cho một vụ nổ lớn". Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị một dự án cải cách thuế lớn, dự kiến sẽ phải được thông qua trước cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018.

Sau nhiều tranh luận quyết liệt, nội dung của dự án cải cách thuế đã được các lãnh đạo Cộng Hòa tại Hạ Viện trình ra vào buổi tối hôm qua. Les Echos có bài xã luận, so sánh dự án cải cách thuế của ông Trump với cựu tổng thống Reagan.

Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ bằng mọi giá phải đạt được một thành công quyết định của dự án này, trong lúc phần lớn các hứa hẹn tranh cử của ông Trump đã không được thực hiện. Theo Les Echos, nguyên tắc của dự án cải cách rất đơn giản : đó là giảm thuế đối với các doanh nghiệp, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một nguyên tắc hoàn toàn giống với chính sách của Reagan.

Điều nguy hiểm của chính sách này là, để bù lại phần thu thuế bị giảm, gánh nặng thuế sẽ đè nặng lên các tầng lớp trung lưu, bên cạnh đó nợ công sẽ tăng vọt, trong lúc khó dự báo được các hệ quả tích cực của cuộc cải cách.

Một trong những nội dung rất được chú ý của dự án này là việc Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một hệ thống thuế mới, thu thuế các doanh nghiệp Mỹ, dựa trên các hoạt động trong nước, thay vì căn cứ trên các hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, mức thuế của các doanh nghiệp Mỹ là 35% lợi nhuận, mức thuế được coi là đứng đầu thế giới (so với 33% của Pháp, hay 30% của Nhật).

Hệ thống thuế này của Hoa Kỳ bị chỉ trích rất mạnh, tuy nhiên, nếu ngừng đánh thuế trên toàn cầu, cũng đồng nghĩa với việc cổ vũ cho việc doanh nghiệp di chuyển cơ sở ra những nước, có mức đánh thuế thấp hơn. Theo Les Echos, rất có khả năng, các nghị sĩ Mỹ sẽ thông qua một sắc thuế mang tính tối thiểu, đối với khoản lợi nhuận, thu được từ nước ngoài.

Bê bối tình dục có thể nhấn chìm chính phủ Anh

Trong lĩnh vực chính trị xã hội, nạn bạo hành tình dục tiếp tục gây chấn động, lần này không phải là trong giới nghệ sĩ, mà là trong chính giới. Le Monde có bài "Bạo hành : Chính phủ May chao đảo". Sau một tuần thông tin về bê bối tình dục được đưa lên truyền thông, hôm thứ Tư 1/11, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, một người thân cận với thủ tướng Theresa May phải thông báo từ chức.

Lý do chính thức của việc từ chức của ông Michael Fallon, 65 tuổi, hiện không thực sự rõ ràng. Bê bối của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Anh trực tiếp liên quan đến một vụ "đụng chạm" xảy ra hồi 2002. Người tố cáo cựu bộ trưởng là một nữ phóng viên chính trị cho biết chính trị gia này đã nhiều lần đặt tay lên đùi cô, dưới gầm bàn, trong một cuộc gặp bên lề một hội nghị của đảng Bảo Thủ.

Theo nữ phóng viên, vụ việc này là nhỏ, và bản thân cô đã có phản ứng thích đáng vào thời điểm đó, nhưng điều quan trọng là đùi cô không phải là trường hợp duy nhất, và có những phụ nữ bị bạo hành nghiêm trọng hơn nhiều.

Việc bộ trưởng Quốc Phòng Anh phải từ chức, theo Le Monde, có thể liên quan đến một loạt các vụ bạo hành tình dục khác, được phát lộ trong cùng thời gian này. Nhân vật số hai của chính phủ Anh, Damian Green, 61 tuổi, cũng vừa bị một nữ đảng viên đảng bảo thủ, trẻ hơn chừng 30 tuổi, cáo buộc cùng một hành vi.

Cách mạng tháng 10 : Một "thảm họa lịch sử"

Trong lĩnh vực lịch sử, đáng chú ý có bài phỏng vấn dài của báo Le Figaro với nhà sử học Stephan Courtois, với tựa đề "Cách mạng tháng 10 Nga, một thảm họa lịch sử".

Nhà sử học kỳ cựu người Pháp cảnh báo sau thế kỷ XX, thế kỷ của sự ra đời của học thuyết toàn trị, với các hình mẫu là chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, chủ nghĩa phát xít Đức, nếu không cảnh giác nhân loại thế kỷ XXI sẽ tiếp tục phải chứng kiến sự ra đời của các chế độ toàn trị mới.

Trọng Thành

Published in Quốc tế