Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc bị chất vấn ở Liên Hiệp Quốc về các trại cải tạo Duy Ngô Nhĩ (RFI, 06/11/2018)

Hôm 06/11/2018 tại Genève, Trung Quốc bị các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chất vấn về việc giam giữ gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, một chủ đề ngày càng bị thế giới chỉ trích.

chaua1

Quân đội Trung Quốc canh chừng an ninh trước cửa một đền thờ Hồi Giáo của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ảnh minh họa 

Trong khuôn khổ cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (Universal Periodic Review - UPR theo tiếng Anh, Examen Périodique Universel - EPU theo tiếng Pháp) tổ chức bốn năm một lần đối với 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc trình bày bản báo cáo và tất cả các nước đều có thể đặt câu hỏi.

Một số nước đã công khai các chất vấn. Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn nắm vững vấn đề này, đã đòi hỏi Bắc Kinh làm rõ căn cứ của việc hình sự hóa việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo, và giải thích vì sao lại cưỡng bức người dân đi cải tạo. Washington cũng yêu cầu công bố số lượng tù nhân bị giam giữ tại tất cả các trại cải tạo ở Tân Cương trong năm năm qua.

Anh quốc muốn biết khi nào Trung Quốc mới thực hiện khuyến cáo của một ủy ban Liên Hiệp Quốc, nhằm "chấm dứt việc giam giữ người không thông qua xét xử". Hoa Kỳ và Đức đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải được vào điều tra tại Tân Cương và Tây Tạng.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm nay cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, và sẽ đề cập vấn đề này với người đồng nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 8 và 9/11.

Ban đầu Trung Quốc chối cãi là không có trại cải tạo nào, nhưng sau khi các hình ảnh vệ tinh được công bố, cùng với bằng chứng là các văn bản chính thức của chính quyền địa phương trên internet, lại nói rằng đó là những "trại dạy nghề" cho người Duy Ngô Nhĩ tiếng Hoa, các môn thể thao và múa.

Tuy nhiên AForeign Policy tham khảo trên 1.500 cáo thị đấu thầu công khai trên mạng đã nhận thấy 181 trại được cho là "dạy nghề" ở Tân Cương đặt mua chủ yếu là ma-trắc, còng tay hoặc bình xịt hơi cay. Nhiều người bị tống vào trại cải tạo chỉ vì để râu dài, choàng khăn hoặc chúc mừng các lễ hội Hồi giáo trên internet.

Ngoài Tân Cương, các vấn đề khác về nhân quyền ở Trung Quốc cũng được nêu ra trong UPR lần này. Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, những tiếng nói ly khai bị đàn áp mạnh mẽ và việc giám sát bằng kỹ thuật số tăng cao. Tháng 07/2017, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đã chết trong tù. Về phía Bắc Kinh, trong báo cáo UPR khẳng định "Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền".

Thụy My

****************

'Bức chân dung chính thức đầu tiên' của Kim Jong-un (BBC, 06/11/2018)

Bắc Hàn vừa công bố bức hình chân dung được cho là hình vẽ chính thức đầu tiên ông Kim Jong-un, đưa nhà lãnh đạo Bắc Hàn lên một tầm sùng bái cá nhân mới.

chaua2

Bức chân dung nhà lãnh đạo Cuba Miguel Díaz-Canel và ông Kim Jong-un

Các bức hình vẽ những người tiền nhiệm ông được trưng khắp nơi trên cả nước, nhưng Kim Jong-un lâu nay vẫn được xây dựng hình tượng như một gương mặt kế thừa thay vì là một nhà lãnh đạo tự thân.

Vai trò của ông được đánh giá là đã dần thay đổi theo thời gian, dẫu cho chủ yếu điều này là nhờ vào một loạt các chuyến thăm quốc tế trong năm 2018.

Bức tranh mới, khổ lớn, được trưng bày trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba tới Bình Nhưỡng.

Chưa từng có bức chân dung chính thức nào trước đây ?

Chưa hề. Nếu như bạn nhớ rằng mình đã từng thấy các bức hình ông Kim thì đó chỉ là các ảnh chụp chứ không phải tranh vẽ, cũng không phải tác phẩm nghệ thuật gì.

Bức tranh mới, vẽ to hơn kích thước thật, thể hiện hình ông mỉm cười, hơi nhìn sang bên trái, mặc đồ Âu phục và thắt cà vạt.

chaua3

Chưa từng có bức chân dung nào về ông Kim Jong-un (Kim Chính Ân) từng được vẽ trước đây, chỉ có ông nội Kim il-sung (Kim Nhật Thành) và cha là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật)

"Việc vẽ một bức chân dung ông Kim Jong-un theo phong cách này là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu có các bước đi nhằm đẩy mạnh việc sùng bái cá nhân đối với ông", Oliver Hotham, phân tích gia của NK News, nói với BBC.

Kiểu vẽ tranh thế này cũng gợi nhớ tới các bức tranh vẽ các ông Kim đời ông, đời cha của ông Kim Jong-un, rằng "người dân Bắc Hàn chắc chắn sẽ hiểu về tính biểu tượng của việc này".

Tính biểu tượng và sức tưởng tượng là những điều vô cùng quan trọng tại Bắc Hàn : các hình chân dung cha và ông của Kim Jong-un được trưng bày khắp nơi trên cả nước.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi 2011, nhà lãnh đạo hiện thời đã được xây dựng hình ảnh như một người kế thừa, là học trò của hai đời lãnh đạo trước, thay vì là một người dẫn dắt có vị trí tương đương.

Hình ảnh Kim Jong-un's đã thay đổi thế nào ?

Kim Jong-un lên nắm quyền sau cái chết bất ngờ của cha mình hồi 2011.

Ông khá non về kinh nghiệm chính trị và chưa được đào tạo đầy đủ để trở thành lãnh tụ trong tương lai.

Thế nhưng qua thời gian, hình ảnh về ông dần thay đổi.

chaua4

Kim Jong-un lên nắm quyền sau cái chết bất ngờ của cha mình hồi 2011.

Nếu như cha của ông theo đuối chính sách coi quân sự là số một, thì Kim Jong-un lại đẩy mạnh chính sách song song phát triển vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế.

Cho đến nay, bức chân dung mới của ông mới chỉ được chiếu trên truyền hình trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Cane tới Bình Nhưỡng.

Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ làm gì với bức tranh này trong tương lai, hay liệu họ có trưng nó ra thường xuyên hay không.

Vào lúc này thì bức tranh nhiều khả năng sẽ được đem cất đi ở nơi được canh giữ nghiêm ngặt, và sẽ chỉ được đưa ra trưng bày trogn những dịp dặc biệt, theo nhận xét của ông Andray Abrahamian từ Việ Nghiên cứu Á Châu Griffith.

Published in Châu Á