Hoa Kỳ lại đưa chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông (RFA, 02/07/2017)
Hoa Kỳ vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 cho chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Tàu khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Stethem
Hãng Fox News của Mỹ dẫn lời hai quan chức quốc phòng Hoa Kỳ như vừa nêu. Theo đó khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Stethem thực hiện chuyến ‘tự do hải hành’ vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 đi qua vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn.
Có một chiến hạm của Trung Quốc đi theo chiếc USS Stethem của Hoa Kỳ khi làm nhiệm vụ này.
Như vậy đây là lần thứ hai kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nhậm chức, Ngũ Giác Đài cho tàu chiến thực hiện hoạt động ‘tự do hàng hải’, tiếng Anh viết tắt là FONOPs tại khu vực Biển Đông. Chuyến đầu tiên do chiến hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn thuộc Trường Sa vào cuối tháng 5 vừa qua.
Tàu chiến Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn lần thứ nhất vào tháng 10 năm ngoái, dưới thời của tổng thống Barack Obama.
Hoạt động thực thi chiến dịch tự do hàng hải mới nhất của chiến hạm Mỹ như vừa nêu diễn ra vào khi Hoa Kỳ tỏ ra mất kiên nhẫn với Trung Quốc về việc Bắc Kinh tiếp tục xây dựng khả năng quân sự tại khu vực Biển Đông.
Một phát ngôn nhân của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, thiếu tá Matt Knight, trong văn bản gửi cho hãng Fox News viết rõ là Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải như thông lệ ; trong quá khứ đã thực hiện và tiếp tục thực hiện trong tương lai.
Mới hôm thứ tư ngày 28 tháng 6, đô đốc Harry Harris chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, lên tiếng tại Brisbane, Úc rằng những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lắp nên tại khu vực Biển Đông là những đảo giả. Vị đô đốc này nói Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên căn bản luật pháp.
Fox News nhắc lại vào ngày 30 tháng 6, Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington DC công bố những ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở quân sự mới có cả những hệ thống radar được Trung Quốc bố trí trên ba đá Vành Khăn, Chữ Thập và Subi thuộc quần đảo Trường Sa.
Những cơ sở quân sự như thế khiến phía Hoa Kỳ thêm quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ cho bố trí tên lửa đất đối không tại những đảo nhân tạo ; từ đó thách thức các chuyến bay quân sự của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông nơi có tuyến hàng hải quan trọng với lượng hàng hóa trị giá hơn 5 ngàn tỷ đô la được vận chuyển qua mỗi năm.
Ngoài Trung Quốc, còn Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông.
************************
Khu trục hạm Mỹ áp sát đảo tranh chấp ở Biển Đông (VOA, 02/07/2017)
Một quan chức quân đội Mỹ nói với CNN rằng hôm 2/7 một tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh một đảo có tranh chấp ở Biển Đông.
Khu trục hạm Mỹ USS Stethem thăm cảng Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh tư liệu 16/11/2015)
Hải quân Mỹ đã tiến hành một "hoạt động vì tự do hàng hải" quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cả Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền về quần đảo này.
Trong khuôn khổ hoạt động, tàu khu trục mang tên lửa điều hướng USS Stethem đã đi vào bên trong vùng 12 hải lý của Tri Tôn, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của họ.
Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các hòn đảo mà họ đã chiếm đóng và đã xây dựng trên đó các công trình kiên cố.
Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về hoạt động này.
Theo Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đặt ở thủ đô Washington, Mỹ, "Bắc Kinh đã thực hiện nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự của họ ở quần đảo Hoàng Sa".
Chương trình này cũng nói rằng Trung Quốc gần đây đã mở rộng các cơ sở của họ trên đảo Tri Tôn, bao gồm cả việc xây dựng một sân bay trực thăng.
Một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Trung tá Matt Knight, không thể xác nhận về hoạt động hôm 2/7 nhưng ông nói với CNN rằng các hoạt động đó là một phần thường lệ trong các công việc của Hải quân Hoa Kỳ. Ông nói "những tuyên bố về hàng hải thái quá" của 22 quốc gia đã bị thách thức trong năm tài chính vừa qua.
Hoạt động hôm 2/7 diễn ra vài ngày sau khi chính quyền ông Trump thực hiện một số động thái dường như gây khó chịu cho Bắc Kinh, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh với Bắc Triều Tiên và chuẩn thuận việc bán vũ khí mới cho Đài Loan.
Hoạt động hôm 2/7 là cuộc thứ hai được ghi nhận dưới thời chính quyền ông Trump.
Cuộc thứ nhất diễn ra ngày 24/5, khi tàu khu trục mang tên lửa điều hướng USS Dewey đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, ở phía nam của quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã không trả lời hôm 2/7 khi được CNN đề nghị cho biết ý kiến về hoạt động của tàu Stethem.
(theo CNN, Wall Street Journal, Fox News)