Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc ngày 3/2. Ảnh : AFP/TTXVN
Đó là thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gửi đến Hàn Quốc và Nhật Bản sau khi những tuyên bố tranh cử của Tổng thống Donald Trump khiến cho các đồng minh Mỹ lo ngại về tương lai của liên minh này.
Những tuyên bố được đưa ra trong chuyến công du của ông James Mattis thể hiện sự đồng thuận cao của các bên trong những mối quan tâm chính như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, cam kết của Mỹ tiếp tục thực hiện Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật về việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, trong đó bao gồm quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông…
Sự đồng thuận trên dường như chứng tỏ Washington không "bỏ rơi" hai đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á, mà liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới. Điều đó cũng dự báo chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực trong vấn đề an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, bên cạnh những cam kết ủng hộ hai đồng minh, ông James Mattis cũng đề cập những mong muốn của Washington để duy trì sự hợp tác này. Washington sẽ luôn sát cánh với các đồng minh, song cũng muốn các đồng minh phải tích cực hơn nữa.
Trong tuyên bố tranh cử, ông Trump đã chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp tích cực cho những nỗ lực của Mỹ để bảo đảm an ninh cho hai quốc gia này.
Thậm chí, ông Trump còn nói rằng sẽ yêu cầu Tokyo và Seoul gánh vác toàn bộ chi phí cho hoạt động của lực lượng Mỹ đồn trú tại hai nước này. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng bày tỏ ủng hộ yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản tăng mức đóng góp an ninh.
Chính vì vậy, trước chuyến công du của ông James Mattis đến Nhật Bản, Tokyo đã công bố rộng rãi trên truyền thông các số liệu liên quan đến chi phí mà nước này đóng góp cho hoạt động của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, theo đó, Nhật Bản đã gánh tới 53,7% tổng chi phí, cao hơn so với mức đóng góp của Mỹ và thậm chí là cao nhất trong số các đồng minh.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng liên minh quân sự Mỹ - Nhật không chỉ để bảo vệ Nhật Bản mà còn bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Theo Tokyo, cả hai bên đều phải có trách nhiệm củng cố liên minh quân sự, vì vậy mức đóng góp hiện nay của Tokyo là hợp lý và Tokyo sẽ không đồng ý nâng chi phí này.
Có lẽ quan điểm cứng rắn của Tokyo trong vấn đề đóng góp chi phí cho lực lượng Mỹ là lý do khiến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng đề cập đến vấn đề này kể từ khi nhậm chức.
Tên lửa đánh chặn được phóng từ bệ phóng thuộc một bộ phận của hệ thống THAAD. Ảnh : Reuters/TTXVN
Chính quyền mới của Mỹ đang thể hiện một chủ trương khá cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh và thương mại. Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của hai đồng minh thân cận nhất tại Đông Bắc Á rõ ràng là điều kiện cần để Mỹ có thể kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Washington sẽ không dễ dàng từ bỏ chủ trương của mình. Các nguồn thạo tin tiết lộ ông James Mattis đã đề cập "Chiến lược bù đắp thứ ba" (The Third Offset Strategy) của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để duy trì lợi thế tối ưu về quân sự bằng các loại vũ khí mới, hiện đại nhất, bao gồm những vũ khí tự hành, không người lái, như các loại robot và tàu chiến, tàu ngầm.
Washington có thể sẽ đề nghị Tokyo và Seoul tham gia các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng chung trong khuôn khổ chiến lược này.
Một mục tiêu quan trọng nữa của ông James Mattis trong chuyến công du là nhằm thể hiện vai trò điều phối của Mỹ trong quan hệ hai nước láng giềng Đông Bắc Á.
Washington muốn Seoul và Tokyo thu hẹp bất đồng để cùng nâng cấp hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở cấp tác chiến, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, hoạt động hiệu quả các kênh thông tin liên lạc song phương. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn trong trường hợp đối phó với các thách thức an ninh chung.
Việc bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền mới của Mỹ chọn Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Bắc Á, là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới là một động thái hiếm có.
Với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump.
Nguyễn Tuyến
(P/v TTXVN tại Nhật Bản)
************************
Mỹ bảo lãnh Nhật có quyền quản lý quần đảo Senkaku (RFA, 04/02/2017)
Quần đảo Senkaku - Ảnh minh họa
Trong khi tránh có những lời lẽ mạnh mẽ về Biển Đông thì Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis lại xác định Mỹ bảo lãnh Nhật có quyền quản lý quần đảo Senkaku và các đảo này là đối tượng của một hiệp ước phòng thủ lâu dài giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản
Ông Mattis dẫn ra điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản hoặc các vùng lãnh thổ do Nhật quản lý chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào bao gồm các quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư
Ý kiến của Mattis đánh dấu sự tiếp nối của chính sách đã được nêu lên nhiều lần dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
*******************
Trung quốc bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (RFA, 04/02/2017)
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Jim Mattis, Trung Quốc lập tức phản ứng rằng những phát biểu này gây bất ổn tại Châu Á và rất mạo hiểm.
Quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là trung tâm các cuộc tranh cãi gay gắt giữa Tokyo và Bắc Kinh, trong đó Bắc Kinh tuyên bố là một phần của lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi phía Mỹ có thái độ trách nhiệm, ngừng những nhận xét sai trái và tránh đưa ra những vấn đề phức tạp hơn mang lại sự bất ổn cho tình hình khu vực.
Phát ngôn viên Lục Khảng cũng nói rằng hiệp ước Mỹ-Nhật Bản là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Mattis đến Nhật Bản vào ngày thứ Sáu sau khi đến Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông tới khu vực này là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao của chính quyền Trump, nhằm trấn an các đồng minh chủ chốt Đông Á của Washington về cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ.
**********************
James Mattis : Mỹ chưa cần có những chiến dịch lớn ở Biển Đông (RFI, 04/02/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (trái) và đồng nhiệm Nhật Tomomi Inada, Tokyo, 04/02/2017. REUTERS/Franck Robichon
Mặc dù vẫn chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay, 04/02/2017, tuyên bố là hiện giờ chưa cần có những chiến dịch quân sự lớn của Mỹ để đáp lại hành động áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nên tập trung trước hết vào ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, ông Mattis đã tuyên bố như trên tại Tokyo, nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, sau khi đã ghé qua Hàn Quốc, trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông.
Trong buổi điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 11/01/2017 để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson đã yêu cầu ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Tiếp đến, trong buổi họp báo đầu tiên ngày 23/01, phát ngôn viên mới của Nhà trắng Sean Spicer, cũng đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ "các lãnh thổ quốc tế" tại con đường hàng hải chiến lược này.
Các nhà phân tích đã cho rằng những tuyên bố của tân ngoại trưởng Mỹ cũng như của phát ngôn viên Nhà trắng hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ có hành động quân sự, thậm chí phong tỏa hàng hải. Hành động này sẽ dẫn đến xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Nhưng hôm nay, bộ trưởng Mattis khẳng định là Washington hiện không tính đến những hành động quân sự quy mô, mà sẽ dồn mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, lãnh đạo Lầu năm góc vẫn chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh "đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực".
Cũng tại Tokyo hôm nay, ông Mattis đã khẳng định rằng Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý của Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis nói thêm là quần đảo này nằm trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật, hàm ý là Hoa Kỳ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngay lập tức phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) hôm nay chỉ trích tuyên bố nói trên của ông Mattis, yêu cầu Mỹ không nói đến vấn đề này, và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thanh Phương