Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh đã xem Tokyo là kẻ địch giả tưởng lớn nhất uy hiếp sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là với chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe.

diem1

Nhà nghiên cứu Mã Bác, ảnh : Diễn đàn học giả trẻ Trung - Mỹ / US-China Perception Monitor.

Học giả Mã Bác, Chủ nhiệm một dự án nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu về Biển Đông, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc ngày 11/3 có bài bình luận trên tờ Đông Phương, xuất bản tại Hồng Kông về những trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc qua phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Phát biểu của ông Vương Nghị bên lề kỳ họp Quốc hội năm 2017 tại Bắc Kinh tuần qua, theo Mã Bác có một số điểm mới đáng chú ý trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cụ thể biểu hiện qua 5 vấn đề :

Bắc Kinh không còn theo đuổi "mô hình mới của quan hệ nước lớn" với Hoa Kỳ

Phát biểu trước báo giới trong và ngoài Trung Quốc bên lề kỳ họp Quốc hội năm nay, Ngoại trưởng Vương Nghị đã không còn nhắc tới việc theo đuổi mục tiêu xây dựng "mô hình mới của quan hệ nước lớn" với Hoa Kỳ như trước.

Thay vào đó ông đặt trọng tâm quan hệ Trung - Mỹ vào phương châm "tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi". Ông Nghị mong muốn quan hệ Trung - Mỹ có thể vượt qua những bất đồng về chế độ xã hội.

Học giả Mã Bác luận giải ẩn ý của Trung Nam Hải qua phát biểu này là : Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Washington, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ Donald Trump phải đối mặt với những lùm xùm ngoại giao về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Trung Nam Hải muốn cam kết với Nhà Trắng, chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra trong quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc không có ý can thiệp vào chính trị hay hoạt động của 2 chính đảng ở Hoa Kỳ.

Mặt khác, Trung Nam Hải cũng muốn nhắc tòa Bạch Ốc rằng, Mỹ đừng ép Trung Quốc khi ông Nghị nói : không thể để một bên tìm kiếm thành công trên cơ sở tổn thất của một bên khác.

Nhật Bản trở thành kẻ thù giả định của Trung Quốc

Điểm nổi bật thứ 2 trong phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị là những lời lẽ gay gắt khi nói đến quan hệ Trung - Nhật. Ông Nghị muốn Tokyo lựa chọn rõ ràng, muốn hòa bình hay chiến tranh ?

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý, năm 2017 là 80 năm diễn ra sự kiện cầu Lư Câu mở màn cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản xâm lược Trung Quốc với quy mô lớn.

Ông Nghị nói rằng, Nhật Bản cần chữa lành "tâm bệnh" bằng cách chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, nếu không đối đầu Trung - Nhật sẽ mỗi ngày một tiến xa, thậm chí có thể nổ ra chiến tranh.

Phát biểu của ông Nghị theo Mã Bác, là khá phù hợp với tư duy cơ bản của lãnh đạo cấp cao Trung Nam Hải về quan hệ Trung - Nhật những năm gần đây, đó là Bắc Kinh đã xem Tokyo là kẻ địch giả tưởng lớn nhất uy hiếp sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là với chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe.

Hiện tại vấn đề cốt lõi trong quan hệ Trung - Nhật không phải là xung đột quân sự, mà là cạnh tranh, thậm chí đối đầu công khai trong việc tranh giành ảnh hưởng về an ninh, kinh tế với khu vực.

Mỹ - Triều căng thẳng liên lụy Trung - Hàn

Bắc Kinh cho rằng, cục diện bán đảo Triều Tiên hiện rất căng thẳng, Bình Nhưỡng và Washington mỗi bên nên nhường nhau một tí. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hoa Kỳ không chịu nhượng bộ nhau, làm liên lụy đến Bắc Kinh và Seoul.

Trong tương lai, Trung Quốc hy vọng Mỹ - Triều có thể đối thoại trực tiếp, khôi phục hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 

Việc Hàn Quốc cho Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ nước này rõ ràng là bị Washington mê hoặc, Seoul nên ghìm cương nếu không muốn lao xuống vực thẳm.

Bắc Kinh không muốn quan hệ Trung - Hàn trở thành con tin của vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trung Quốc muốn hai miền bán đảo sớm quay trở lại bàn đàm phán.

Trung Quốc muốn xây dựng các cơ chế hợp tác toàn cầu mới do mình lãnh đạo

Bắc Kinh bắt đầu ý thức rằng, bất luận quan hệ song phương có phát triển đến đâu, nếu không có các cơ chế hợp tác do Trung Quốc dẫn dắt, thì khi nước kia thay đổi lãnh đạo hay thể chế chính trị, có thể dẫn tới sự thay đổi quan hệ với Trung Quốc.

Do đó Trung Quốc ngày càng coi trọng mục tiêu thiết lập các cơ chế mới về hợp tác toàn cầu và ngoại giao đa phương mà mình có thể dẫn dắt.

Việc Bắc Kinh tổ chức và vận hành các dự án thuộc sáng kiến "Một vành đai, một con đường" hay tổ chức hợp tác BRICS có vai trò rất quan trọng giúp Bắc Kinh thiết lập địa vị lãnh đạo quốc tế và tiếng nói toàn cầu trong tương lai.

Đây là mục tiêu quan trọng hơn cả quan hệ Trung - Mỹ hay quan hệ Trung - Nhật trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sắp tới.

Trung Quốc tin rằng họ đã khống chế được cục diện Biển Đông

Cuối cùng trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh tin rằng họ đã khống chế được cục diện khu vực này. 

Về mặt công khai, ông Nghị nhắc đến việc Trung Quốc - ASEAN đã hoàn thành giai đoạn một của việc đàm phán COC, quan hệ Trung Quốc - Philippines được cải thiện và tiếp tục muốn Mỹ rời khỏi khu vực.

Trên thực tế trong mục tiêu tổng thể chiến lược ngoại giao Trung Quốc, Biển Đông vẫn là điểm chi phối lớn nhất. Bắc Kinh vẫn kiên quyết theo đuổi đường lối "cứng rắn về ngoại giao và các biện pháp đối phó với sự hiện diện của Mỹ".

Nếu Hoa Kỳ không sử dụng Biển Đông để "kiềm chế" trung Quốc, trong tương lai không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ thỏa hiệp, giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước láng giềng [1].

Một vài nhận xét

Người viết cho rằng, những nhận đinh của ông Mã Bác về quan hệ Trung - Mỹ qua phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị là rất đáng chú ý.

Điều đó cho thấy, mong muốn "ăn cùng mâm" với Hoa Kỳ qua cái gọi là "mô hình mới quan hệ nước lớn" đã không thành hiện thực, nhưng tham vọng "chia đôi Thái Bình Dương" thì vẫn không thay đổi.

Có điều theo góc nhìn của cá nhân người viết, tiếng nói của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong hoạch định chiến lược đối ngoại của Trung Nam Hải dường như vẫn kém trọng lượng hơn quân đội. 

Cả Ngoại trưởng Vương Nghị lẫn cấp trên của ông, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì đều không nằm trong Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18.

Những hành động leo thang quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi từ năm 2013 trở lại đây, nhiều khả năng do một số quan điểm cực đoan trong Quân ủy trung ương chi phối. Ngành ngoại giao nước này không có tiếng nói đủ lớn nên trong một số trường hợp, đành phát biểu cứng rắn hùa theo, "vuốt đuôi" lãnh đạo.

Nhận định đáng lưu ý thứ hai của học giả Mã Bác là việc một số lãnh đạo cấp cao trong Trung Nam Hải xác định Nhật Bản là kẻ địch giả tưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, với những phát biểu của các tướng Trung Quốc bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, đặc biệt là vấn đề ngân sách quốc phòng năm 2017 và vai trò của hải quân, thì với họ Hoa Kỳ vẫn là đối tượng tác chiến số 1 của quân đội Trung Quốc [2].

Xung quanh cục diện bán đảo Triều Tiên và toan tính của Trung Quốc, người viết cho rằng đánh giá của cựu Phó Đại sứ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tại Anh đã đào thoát sang Hàn Quốc, phát biểu trên Nikkei Asian Review hôm 9/3 có lẽ hợp lý hơn.

Ông Thae Yong-ho tin rằng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ không thể tồn tại được trong một vài năm một khi Trung Quốc muốn láng giềng sụp đổ. Chỉ cần Bắc Kinh dừng mọi giao dịch qua biên giới với Bình Nhưỡng, điều đó sẽ xảy ra.

Tuy nhiên Bắc Kinh không thể để chuyện này xảy ra, vì với Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vẫn đóng vai trò phên dậu. Cái Trung Nam Hải quan tâm không phải là loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà làm sao giữ cho nước láng giềng này ổn định, cho dù có phiền phức đi nữa [3].

Người viết đánh giá cao và đồng tình với nhận xét của nhà nghiên cứu Mã Bác về tham vọng muốn lãnh đạo khu vực cả về kinh tế lẫn an ninh, thông qua "sáng kiến Một vành đai, một con đường", tổ chức và ngân hàng BRICS (của 5 nền kinh tế lớn mới nổi : Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi).

Thậm chí cả Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) hay bất cứ công cụ nào có thể cũng đều được Trung Quốc tận dụng tối đa để thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, bình luận của ông Mã Bác về Biển Đông không phản ánh đúng những toan tính thực sự của Bắc Kinh, mà chỉ góp phần lèo lái dư luận, che đậy cho âm mưu ấy.

Bởi lẽ năm 1974 họ cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay năm 1988 họ xâm lược Gạc Ma và 5 cấu trúc trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đâu phải vì Mỹ khiêu khích ?

Ngược lại, Bắc Kinh âm thầm chờ đợi khi Mỹ và Liên Xô trước đây không ngó ngàng đến Biển Đông, trong khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh tàn phá và bị cấm vận, Trung Quốc cất quân chiếm đảo.

Mỹ vừa rút khỏi căn cứ Subic và Clark của Philippines năm 1991 thì Trung Quốc bắt đầu chiếm đá Vành Khăn, đến năm 1995 họ hoàn toàn kiểm soát bất hợp pháp thực thể này. 

Cuộc khủng hoảng Scarborough dẫn đến việc Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines tháng 4/2012 trước sự khoanh tay đứng nhìn của Mỹ dẫn đến nhận định của Bắc Kinh :

Lấn từng bước ở Biển Đông, Mỹ sẽ không can thiệp, do đó cuối 2013 đầu 2014 Trung Quốc bắt đầu bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa.

Phản ứng của Mỹ trong khủng hoảng Crimea hay Syria càng củng cố nhận định này của Trung Quốc. Bắc Kinh càng tăng tốc quân sự hóa Biển Đông.

Tất cả những sự kiện này nằm trong một âm mưu xuyên suốt : độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Đó là lý do tại sao 15 năm qua Trung Quốc né tránh COC. Bây giờ có đưa ra những lời hứa, cũng chỉ nhằm câu giờ và che đậy cho những bước tiến tiếp theo mà thôi.

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

[1] http://hk.on.cc/cn/bkn/cnt/commentary/20170311/bkncn-20170311000352328-0311_05411_001.html

[2] http://news.xinhuanet.com/mil/2017-03/09/c_129505761.htm

[3] http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/North-Korea-has-chemical-weapons-to-target-South-defector ?page=1

Published in Châu Á