Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông : Dự luật dẫn độ bị chỉ trích ngay trong chính quyền (RFI, 14/06/2019)

Trưởng đặc khu thân Bắc Kinh, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 14/06/2019 phải đối mặt với những chỉ trích ngay trong chính quyền Hồng Kông về dự luật dẫn độ đã khiến hơn 1 triệu người xuống đường phản đối. Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ hôm qua đã đưa ra một dự luật tái khẳng định sự ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông. Về phía phong trào phản kháng, họ chuẩn bị cho cuộc biểu tình Chủ nhật tới và tổng đình công vào thứ Hai.

hongkong01

Người biểu tình trên cây cầu cho bộ hành dẫn đến Nghị Viện Hồng Kông nhưng đã bị cảnh sát phong tỏa. Ảnh chụp ngày 13/06/2019. Reuters/Thomas Peter

Dân biểu thân Bắc Kinh Đoàn Bắc Thìn (Michael Tien) công khai kêu gọi chính quyền từ bỏ dự luật dẫn độ. Theo ông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ có lợi khi thay đổi quan điểm, bây giờ chưa phải đã muộn. Ngay chính cố vấn cao cấp của bà Lâm, ông Trần Bách Lý (Bernard Chan) cũng cho rằng việc vội vã thông qua dự luật dẫn độ là "bất khả", trong tình hình bị phản đối từ mọi phía.

Phong trào phản kháng ở Hồng Kông có được sự ủng hộ của mọi giới : luật sư, các tổ chức tư pháp uy tín, giới kỹ nghệ, kinh doanh, nhà báo, các nhà ngoại giao phương Tây… Đặc biệt tại Hoa Kỳ, hôm qua các đại biểu cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã trình ra lưỡng viện Quốc hội một dự luật về "nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông".

Tại đặc khu này, sau khi các cuộc biểu tình hôm thứ Tư 12/6 bị đàn áp khiến 70 người bị thương, người dân vẫn chuẩn bị tiếp tục xuống đường. Đặc phái viên Stéphane Lagarde tường trình từ Hồng Kông :

"Những cuộn băng keo, bút lông, giấy…Những "xưởng sản xuất áp-phích" xuất hiện trên các ngả đường dẫn vào LegCo tức Nghị Viện Hồng Kông, nơi diễn ra các vụ đụng độ trong những ngày gần đây. Những bức tường và cột bê-tông được dán kín các truyền đơn, khẩu hiệu bằng tiếng quan thoại và tiếng Anh như "Phản đối bạo lực", "Hủy bỏ luật dẫn độ". Bên cạnh đó là các hình vẽ, ảnh chụp, như ngón tay chĩa về phía cảnh sát và chính quyền, nói lên sự phẫn nộ tột cùng của đa số tuổi trẻ Hồng Kông.

Thụy My

***********************

Hồng Kông : Chính sách khủng bố tinh thần của Bắc Kinh bị phá sản (RFI, 14/06/2019)

Vì sao một dự luật dẫn độ hình sự có thể tạo ra bầu không khí "tổng nổi dậy" ở Hồng Kông, một nhượng địa sắp trở về Hoa Lục vào năm 2047 ? Gọng kềm của Bắc Kinh, từ kiểm soát không gian chính trị, trừng phạt tù đày, hay bắt cóc hù dọa tinh thần đều không bịt miệng được người dân Hồng Kông. Sức mạnh của tinh thần yêu chuộng tự do bắt đầu thắng thế.

hongkong02

Một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông ngày 13/06/2019 : "Không chấp nhận việc dẫn độ qua Trung Quốc". Reuters/Jorge Silva

Theo AFP, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông thân Bắc Kinh, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đang bị công kích từ bên trong nội bộ. Sau những cuộc biểu tình khổng lồ phản kháng trong tuần qua, đến lượt các đại biểu thân Trung Quốc như Michael Tien và cả cố vấn "tối cao" Bernard Chan của chủ tịch hành pháp kêu gọi từ bỏ dự luật dẫn độ.

Dự luật này bị đối lập xem là bẫy lừa của Bắc Kinh, can thiệp vào thẩm quyền của tư pháp Hồng Kông, để truy bắt những người bất đồng chính kiến, đối lập chính trị hoặc đảng viên ly khai. Nói cách khác là tước đoạt quyền tự do và quy chế tự trị của Hồng Kông, chà đạp lời hứa "một quốc gia, hai chế độ" mà Đặng Tiểu Bình cam kết với Anh Quốc và người dân địa phương trong khi đàm phán thỏa thuận 1997.

Từ 2014 đến nay, chính quyền Tập Cận Bình dứt khoát không cho tổ chức bầu trưởng đặc khu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, mà phải do 1200 đại cử tri được chỉ định và phải được Bắc Kinh cho phép. Phong trào Dù Vàng bùng lên vào thời điểm đó, nhưng sau hai tháng làm tê liệt thành phố, đối lập không đòi được đáp ứng nguyện vọng "bầu cử tự do".

Phong trào dân chủ tưởng đâu chìm xuống. Những cuộc kỷ niệm ngày ký hiệp định 01/07/1997, hàng năm, hay tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn 04/06 chỉ huy động từ vài ngàn đến hai chục ngàn là nhiều. Một loạt các lãnh tụ sinh viên và đối lập bị bắt, bị kết án tù.

Thế nhưng, tình hình có vẻ đổi khác. Đêm tưởng niệm Thiên An Môn đông người tham dự hơn. Tiếp theo là phong trào chống luật dẫn độ đã huy động mọi tầng lớp xã hội, từ luật gia cho đến thương gia, sinh viên học sinh, thu hút hơn một triệu người.

Sự kiện này cho thấy một thế hệ đấu tranh này chưa gục xuống, một thế hệ khác đã vùng lên cũng vì tự do.

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gửi về bài phóng sự :

"Tuổi trẻ Hồng Kông đã áp dụng bài học chính trị đặc biệt là bài "bất phục tùng dân sự", bằng cách tham gia vào phong trào Dù Vàng năm 2014. Nhưng lần đấu tranh này, với cuộc xuống đường ngày thứ Tư vừa qua, có một động cơ nghiêm trọng hơn thúc đẩy họ.

Một nhóm sinh viên giải thích : "Phong trào Dù Vàng lúc trước chỉ đòi quyền tự do bầu chọn người lãnh đạo hành pháp Hồng Kông. Bây giờ, chúng tôi chỉ đòi không bị rủi ro dẫn độ sang Trung Quốc". Một sinh viên khác nói : "Chế độ Nhà nước thượng tôn pháp luật phải được duy trì tại Hồng Kông. Chúng tôi có pháp luật riêng, chúng tôi không muốn người ta đụng đến". "Chúng tôi đều là sinh viên học sinh, là thanh thiếu niên, họ có gì cho tương lai chúng tôi". "Tương lai chúng tôi là quyền lợi của chúng tôi, vì nó mà chúng tôi tranh đấu".

Giới trẻ Hồng Kông ý thức giá trị của tự do, nhất là giá trị đó tương phản với Hoa Lục láng giềng mà trên nguyên tắc Hồng Kông phải hội nhập vào năm 2047. Một sinh viên khẳng định sự khác biệt này : "Chúng tôi muốn tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, biểu tình. Các quyền này đâu được công nhận tại Trung Quốc".

Nhiều người cho là cuộc tranh đấu sẽ thất bại, nhưng giới trẻ Hồng Kông, vì bổn phận của người công dân, cương quyết lên tiếng vất bỏ thứ tương lai áp đặt".

Chưa biết là lãnh đạo hành pháp sẽ phản ứng ra sao trước những ý kiến trong nội bộ thiên về giải pháp nhượng bộ dân chúng. Nhưng rõ ràng là phong trào đường phố chống dự luật đã tác động đến "cung đình".

Nhà nghiên cứu Eric Sautedé, quan sát viên tại chổ, thẩm định : một triệu người xuống đường cho dù các lãnh tụ phong trào 2014, kể cả các giáo sư đại học đáng kính, đang ngồi tù, chứng tỏ chính sách khủng bố tinh thần của Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh bị phá sản.

Tú Anh

***********************

Nhìn Hồng Kông, Đài Loan càng lo ngại tham vọng thôn tính của Bắc Kinh (RFI, 13/06/2019)

Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, người cực lực bảo vệ sự độc lập của hòn đảo này trước tham vọng của Bắc Kinh, hôm nay đã dễ dàng được đảng Dân Tiến chỉ định ra tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Thắng lợi của vị nữ tổng thống Đài Loan này một phần chính là nhờ các cuộc xuống đường liên tiếp tại Hồng Kông.

hongkong03

Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận ở Chương Hóa ngày 28/05/2019 tại Đài Loan, mô phỏng một cuộc xâm lăng của Trung Quốc.Reuters

Ngoài chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ở Hồng Kông, ngoài chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, có lẽ Đài Loan quan tâm hơn ai hết về cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ về Hoa Lục. Hình ảnh người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát đàn áp thô bạo từ nhiều ngày qua khiến mô hình "một quốc gia hai chế độ" trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết trong mắt hơn 23 triệu dân Đài Loan.

Chủ Nhật vừa qua, khi hơn 1 triệu dân Hồng Kông tuần hành chống dự luật dẫn độ, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Thái Anh Văn đứng về phía người biểu tình Hồng Kông. Bà viết : "Ngày nào mà tôi còn là tổng thống thì đừng bàn đến chuyện "một quốc gia hai chế độ"".

"Một quốc gia, hai chế độ" là lá bùa hộ mạng, bảo đảm cho hơn 7 triệu dân cư tại "đặc khu hành chính" này từ nay đến năm 2047 độc lập với Bắc Kinh về mặt chính trị, tư pháp... Cũng chính nhờ quy chế đặc biệt đó mà các nhà dân chủ Hồng Kông mỗi năm vẫn được tổ chức"đêm canh thức" tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn. Có điều, các cuộc xuống đường của dân Hồng Kông, từ phong trào dù vàng năm 2014, cho đến cuộc đọ sức với cảnh sát trên đường phố Hồng Kông lần này để phản đối luật dẫn độ, cho thấy các quyền tự do mà chế độ Đặng Tiểu Bình đã chấp nhận với Anh Quốc trước khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông lại cho Bắc Kinh năm 1997 đang bị thu hẹp dần.

Với Đài Loan, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đưa quốc đảo này trở về với "đất mẹ" bằng cách này hay cách khác. Khi hòa hoãn, Bắc Kinh hứa hẹn dành cho Đài Loan quy chế tự trị. Lúc cứng rắn, chính quyền của ông Tập Cận Bình đe dọa dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa Lục.

Đại đa số dân Đài Loan muốn giữ nguyên trạng trong quan hệ với Trung Quốc. Có nghĩa là về thực chất Đài Loan là một vùng đất độc lập, là một nền dân chủ thực thụ, mà ở đó hai đảng truyền thống là Quốc Dân Đảng và Dân Tiến thay phiên nhau cầm quyền. Về đối ngoại, chính quyền Đài Bắc chỉ được rất ít các quốc gia trên thế giới công nhận. Ngay cả Hoa Kỳ, vốn là điểm tựa quân sự của Đài Loan, cũng phải tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc duy nhất". Bản thân các chính quyền ở Đài Loan từ năm 1949 đến giờ - bên Quốc Dân Đảng cũng như Dân Tiến - đều ý thức được rằng, công khai tuyên bố độc lập là lằn ranh đỏ không thể vượt qua, bởi đấy sẽ là cái cớ để Bắc Kinh dùng vũ lực thôn tính hòn đảo.

Từ khi lên cầm quyền năm 2016, bà Thái Anh Văn luôn chống đối viễn cảnh để Bắc Kinh thôn tính Đài Loan. Vị nữ tổng thống này liên tục tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo, tăng ngân sách quốc phòng ...

Trong bảy tháng nữa, cử tri Đài Loan sẽ bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ bốn năm, việc bà Thái Anh Văn công khai đứng về phía dân Hồng Kông không phải là một chuyện tình cờ, mà đó là một thông điệp gửi đến cử tri xứ Đài. Bà trực tiếp cảnh báo công luận về nguy cơ để Đài Loan trở về với "đất mẹ" và kêu gọi mọi người chớ nuôi ảo vọng về cái mà Bắc Kinh gọi là "quy chế tự trị".

Theo giới quan sát, khi lên tiếng về Hồng Kông, mục tiêu mà bà Thái Anh Văn muốn nhắm tới là Quốc Dân Đảng, vốn có đường lối thân thiện hơn với Bắc Kinh. Thông điệp này càng quan trọng hơn nữa, khi biết rằng đảng Dân Tiến đã thua đậm trong những cuộc bầu cử địa phương gần đây. Tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Đài Loan, ông Lại Thanh Đức đã phải từ chức.

Cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông để bảo vệ tự do, cưỡng lại gọng kềm của Bắc Kinh, chưa biết sẽ có hồi kết ra sao, nhưng dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục là một công cụ tranh cử rất tốt và đúng thời điểm đối với bà Thái Anh Văn. Với chính quyền của ông Tập Cận Bình, dự luật dẫn độ Hồng Kông đang gây ra hiệu ứng phụ, làm xấu đi hình ảnh của "Một nước Trung Quốc" trong công luận Đài Loan.

Thanh Hà

*********************

Luật dẫn độ Hồng Kông : Trung Quốc lên án Châu Âu can thiệp nội bộ (RFI, 13/06/2019)

Trong khi người biểu tình tại Hồng Kông tiếp tục cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, lần lượt Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc lên tiếng kêu gọi chính quyền Hồng Kông không thông qua dự luật này. Hôm nay, 13/06/2019, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, Bắc Kinh lên án Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông và cũng là công việc nội bộ của Trung Quốc.

hongkong04

Biểu tình tại Hồng Kông ngày 12/06/2019 phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Reuters/Athit Perawongmetha

Trước đó, vào chiều ngày 12/06, trong một thông cáo, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi phải "tôn trọng" các quyền biểu tình và bày tỏ chính kiến của người Hồng Kông. Bruxelles cũng tỏ ý dồng tình với nhiều điểm trong số những lo ngại của người biểu tình Hồng Kông về dự luật dẫn độ.

Trong thông cáo, phát ngôn viên ngoại giao Châu Âu, bà Maja Kocijancic, bày tỏ quan điểm về dự luật dẫn độ : "Đây là vấn đề nhạy cảm, có hậu quả tiềm ẩn đáng kể cho Hồng Kông và người dân, cho các công dân Châu Âu và các nước, cũng như cho lòng tin của các công ty tại Hồng Kông".

Riêng Anh Quốc, nước có thuộc địa cũ là Hồng Kông, cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngừng thông qua dự luật đang bị đông đảo người dân phản đối.

Trước Nghị Viện, thủ tướng Theresa May hôm qua tuyên bố : "Chúng tôi lo ngại về hệ quả tiềm ẩn của dự luật ( dẫn độ), nhất là khi rất đông công dân Anh đang sống tại Hồng Kông". Bà May nhấn mạnh, "điều cốt lõi là dự luật dẫn độ được áp dụng tại Hồng Kông phải phù hợp với luật pháp và các quyền tự do ghi trong "Tuyên bố chung Anh-Trung", văn kiện ký giữa Luân Đôn và Bắc Kinh khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997 dưới quy chế Đặc khu hành chính.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra khá chừng mực khi tuyên bố rằng ông hy vọng người biểu tình Hồng Kông sẽ tìm được "một giải pháp" với Trung Quốc về dự luật này.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc : Biểu tình tại Hồng Kông là "bất hợp pháp"

Một số tờ báo nhà nước Trung Quốc trong số ra ngày hôm qua, 12/06/2019, cho rằng biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông là "bất hợp pháp".

Tờ nhật báo Anh ngữ China Daily cho rằng các điều trong dự luật về dẫn độ của Hồng Kông hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế nhưng "phe đối lập và các ông chủ ngoại quốc phản đối dự luật đó nhằm những mục đích cá nhân bất chấp nhà nước pháp quyền, sự an toàn của người dân, và công lý". Tờ báo viết thêm : "Chính là sự bất hợp pháp sẽ gây nguy hại cho Hồng Kông, chứ không phải dự luật về dẫn độ».

Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo đổ lỗi cho "các thế lực đối lập cực đoan" và "các thế lực phương Tây đứng đằng sau" chính trị hóa và thổi phồng dự luật dẫn độ. Tờ báo viết : "Đùa giỡn với chính trị đường phố không kiểm soát sẽ khiến Hồng Kông trở nên lạc hậu và bất ổn", và "đây không phải hướng đi khôn ngoan cho Hồng Kông".

Hồng Kông tiếp tục tạm hoãn thảo luận luật dẫn độ vô thời hạn

Hôm nay, 13/06/2019, Nghị Viện Hồng Kông tiếp tục hoãn thảo luận dự luật cho phép dẫn độ về Trung Quốc, nguyên nhân của các cuộc biểu tình lớn trong những ngày qua. Không khí căng thẳng xung quanh tòa nhà Nghị Viện cũng giảm bớt. Tại khu vực này hôm qua đã xảy ra các cuộc xô xát dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình.

Thông tín viên RFI Florence de Changy tường trình :

"Trạm tàu điện ngầm Kim Chung (Admyralty) hôm qua làm nơi tạm lánh của hàng ngàn người biểu tình, bị đóng cửa theo lệnh của cảnh sát, giờ đã mở cửa trở lại.

Có một số thanh niên quay lại hiện trường, gần tòa nhà Nghị Viện hôm nay. Họ không còn đội mũ bảo hiểm và khẩu trang, mà mang theo các túi đựng rác để dọn dẹp những thứ hỗn độn hôm qua. Mưa lớn cùng với việc dự luật được hoãn thảo luận vô thời hạn ở Nghị Viện đã làm người biểu tình nản chí.

Chủ đề tranh luận bao trùm ngày hôm nay là thống kê kết quả cuộc biểu tình và vũ lực cảnh sát, cũng như khái niệm "bạo loạn" mà lãnh đạo đặc khu hành chính, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) sử dụng.

Theo số liệu thống kê về biểu tình, có 70 người bị thương, trong đó một phụ nữ bị hỏng một mắt. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, việc cảnh sát đã sử dụng quá đáng đạn cao su và các công cụ trấn áp khác để giải tán người biểu tình, chủ yếu gồm các sinh viên.

Ngoài ra, việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một lãnh đạo đặc khu hành chính rất mất lòng dân, dùng từ "bạo loạn" để chỉ các cuộc biểu tình đã gây sốc dư luận. Theo luật Hồng Kông, tham gia vào các vụ bạo động có thể bị án tù 10 năm. Theo nhiều tổ chức nhân quyền, đa số người biểu tình là bất bạo động".

Anh Vũ, Gia Hưng

Published in Châu Á