Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Huawei đứng nhì toàn cầu về doanh số điện thoại thông minh trong quý 1 (VOA, 30/05/2019)

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vẫn giữ được vị thế là hãng bán điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trong quý đầu tiên trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, hãng nghiên cứu và tư vấn Gartner cho hay.

hoavi1

Huawei chiếm thị phần lớn trên toàn cầu về điện thoại thông minh

Gartner cũng nói rằng Huawei tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Samsung nhưng cảnh báo sự tăng trưởng này sẽ bị giới hạn trong ngắn hạn.

Hoa Kỳ hôm 15/5 đã cấm Huawei mua linh kiện của các công ty Mỹ với lý do rằng tập đoàn này có dính líu đến các hoạt động đi ngược lại an ninh quốc gia. Chính quyền Donald Trump đã hạ giọng hồi tuần trước với việc cấp phép cho Huawei mua thiết bị của Mỹ cho đến ngày 19/8.

Gartner cho biết Samsung vẫn giữ vị trí đầu bảng xét theo doanh số điện thoại thông minh toàn cầu và đạt thị phần 19,2 % trong quý đầu tiên của năm 2019. Trong số năm nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu – Samsung, Huawei, Apple, cùng với Oppo và Vivo vốn đều của Trung Quốc – Huawei là hãng có mức tăng trưởng so với năm trước cao nhất.

Bản báo cáo của Gartner cho biết Huawei đã tiêu thụ được 58,4 chiếc điện thoại thông minh trong quý đầu năm và tăng trưởng ở tất cả các khu vực.

Sản lượng bán điện thoại thông minh đến tay người tiêu dùng toàn cầu trong quý một đã giảm 2,7% với 373 triệu chiếc được bán ra.

Huawei có thành tích đặc biệt tốt ở hai trong số các thị trường lớn nhất của họ là Châu Âu và vùng Đại Trung Quốc (tức là gồm đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Macau) với doanh số điện thoại thông minh tăng tương ứng là 69% và 33%. Ở vùng Đại Trung Quốc, Huawei có thị phần điện thoại thông minh là 29,5%.

Tuy nhiên tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Huawei nhiều khả năng sẽ làm người tiêu dùng lo sợ. PriceSpy, một trang mạng so sánh sản phẩm vốn thu hút trung bình 14 triệu người vào xem mỗi năm, hồi tuần trước cho biết các sản phẩm của Huawei được những người mua sắm trực tuyến chọn ít hơn.

"Sự thiếu vắng các ứng dụng và dịch vụ của Google trên các điện thoại thông minh của Huawei, nếu được áp dụng, sẽ làm đảo lộn việc kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei trên thị trường quốc tế vốn chiếm gần phân nửa doanh số điện thoại của họ", ông Anshul Gupta, giám đốc nghiên cứu cao cấp ở Gartner, nhận định.

"Nó sẽ khiến người tiêu dùng lo sợ và hạn chế sự tăng trưởng của Huawei trong ngắn hạn", ông nói thêm.

Các nhà cung cấp hoặc là đã quay lưng lại với Huawei hoàn toàn hoặc giới hạn làm ăn với họ, trong số này có Google, Softbank’s ARM, Analog Devices, Intel Corp, Qualcomm Inc, Xilinx Inc, Broadcom Inc, Panasonic Corp và BT Group’s EE.

***************

Hoa Vi yêu cầu tòa án Mỹ hủy lệnh cấm của chính quyền Trump (RFI, 29/05/2019)

Tập đoàn viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc quyết định phản công chính quyền Mỹ. Trong buổi họp báo ngày 29/05/2019 tại trụ sở ở Thâm Quyến, Hoa Vi thông báo đã yêu cầu một tòa án ở Mỹ hủy sắc lệnh "độc đoán» của chính quyền Trump cấm các cơ quan liên bang Hoa Kỳ mua linh kiện của Hoa Vi.

hoavi2

Phụ trách pháp lý của Hoa Vi, ông Tống Lục Bình (trái) và phó chủ tịch tập đoàn phụ trách khu vực Tây Âu Vincent Pang, trong cuộc họp báo tại Thâm Quyến ngày 29/05/2019. Reuters/Jason Lee

Vào tháng 03/2019, Hoa Vi đã đơn lên một tòa án ở tiểu bang Texas, kiện chính quyền Mỹ vi phạm Hiến Pháp. Trong khi chờ đợi, tập đoàn viễn thông Trung Quốc đề nghị tư pháp Mỹ xử tạm khẩn cấp hủy bỏ lệnh cấm do chính quyền Mỹ ban hành.

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh :

Người phụ trách pháp lý của tập đoàn Hoa Vi lên án : Đây là một hành động chưa từng có trong lịch sử. Trong buổi họp báo sáng 29/05 ở Thâm Quyến, ông Tống Lục Bình (Song Liu Ping) gằn giọng : Lần đầu tiên, nhiều chính trị gia Mỹ sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để tấn công một công ty tư nhân".

Vị cố vấn pháp lý của Hoa Vi nhắc lại : Không có khói, không có lửa và trong trường hợp này cũng chẳng có cả vũ khí : Bằng chứng Hoa Vi là mối đe dọa cho an ninh ở đâu ?, một lần nữa ông lên án hành động nguy hiểm chưa từng có.

Nhìn thẳng vào ống kính máy quay, ông nói thêm : Hôm nay là các tập đoàn viễn thông và Hoa Vi. Ngày mai, chuyện này có thể xảy ra với lĩnh vực của quý vị, đến doanh nghiệp và người tiêu dùng của quý vị".

Với việc nhờ tòa án can thiệp lần này, người khổng lồ viễn thông Trung Quốc muốn đẩy nhanh quyết định của tư pháp Mỹ vì điều này ảnh hưởng đến sự sống còn của tập đoàn. Cuối tuần vừa qua, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), người sáng lập nhà cung cấp mạng 5G, đánh giá đề xuất của tổng thống Donald Trump đưa Hoa Vi vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung là một trò đùa.

Hoa Vi khẳng định muốn xem lại hợp đồng đối tác với tập đoàn phát chuyển Fedex. Tập đoàn của Mỹ bị cáo buộc đã chuyển lại về Hoa Kỳ hai kiện hàng được gửi cho Hoa Vi.

Truyền thông Trung Quốc mang "vũ khí" đất hiếm dọa Hoa Kỳ

Washington muốn đưa Hoa Vi vào đàm phán thương mại song phương. Bắc Kinh mang đất hiếm đe dọa Mỹ. Trong một bài viết ngày 29/05/2019, Tân Hoa Xã nhấn mạnh : "Nếu một nước nào đó muốn sử dụng các sản phẩm chế tạo từ đất hiếm mà chúng ta xuất khẩu để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, thì nhân dân Trung Quốc sẽ phản đối". Lời cảnh báo này ngụ ý đến Hoa Kỳ.

Trung Quốc sản xuất hơn 90% lượng đất hiếm trên thế giới, gồm 17 kim loại hiếm rất cần thiết cho lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, từ điện thoại thông minh, màn hình phẳng plasma đến ô tô điện và sản xuất vũ khí.

Trước đó, trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất đất hiếm, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh : "Đất hiếm là một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng. Chỉ khi nào nắm được công nghệ độc lập thì chúng ta mới có thể bất khả chiến bại". Theo AFP, phát biểu trên được Tân Hoa Xã trích lại dường như muốn nhắc đến trường hợp của Hoa Vi.

Thu Hằng

******************

Chiến dịch Phong tỏa công nghệ của Mỹ dồn Hoa Vi tới đâu ? (RFI, 28/05/2019)

Từ một sắc lệnh hôm 15/5 cấm bán công nghệ cho Hoa Vi, tổng thống Mỹ Donalmd Trump đã thực sự đánh vào nguồn cung ứng sống còn khiến tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc điêu đứng. Quân bài Hoa Vi của Washington có duy trì được sức ép đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại ? Thế trận bao vây cô lập về công nghệ rộng khắp đang được hình thành sẽ đưa Hoa Vi tới đâu ?

hoavi3

Quảng cáo cho điện thoại Hoa Vi (Huawei) tại sân bay Thâm Quyến (Shenzhen), tỉnh Quảng Đông, ngày 27/02/2019. Reuters/Stringer

Hàng loạt các tập đoàn khổng lồ Mỹ về công nghệ như Google, Intel, Qualcomm hay Microsoft chấp nhận mất khách hàng lớn, còn hơn là bị luật pháp Mỹ trừng phạt, đành tuân theo lệnh cấm của chính quyền Trump ngừng cung cấp linh kiện phần mềm cho Hoa Vi. Mặc dù Hoa Vi tuyên bố đã chuẩn bị cho trừng phạt của Mỹ từ hàng năm nay và đang phát triển phần mềm riêng của mình, lệnh cấm của Mỹ cũng khiến tập đoàn Trung Quốc không thể tránh khỏi những thiệt hại nặng nề.

Dù tích trữ trước linh kiện để có thể duy trì sản xuất, hay phát triển nền tảng phầm mềm riêng hay chuyển hướng nguồn cung ứng để độc lập với các nhà cung cấp Mỹ, thì người khổng lồ Trung Quốc không dễ gì thoát khỏi vòng phong tỏa ngày một ngày hai. Nhất là khi mặt trận bao vây cô lập Hoa Vi đang hình thành rộng thêm.

Nhật báo Pháp, le Figaro số ra ngày hôm nay so sánh hoàn cảnh của Hoa Vi hiện giờ ngày càng giống với Iran trong đối sách của Mỹ. Donald Trump không chỉ cấm các công ty Mỹ quan hệ buôn bán với các đối thủ, mà còn lôi kéo gây áp lực buộc cả các nước "bè bạn" làm theo. Việc ARM, nhà chế tạo bộ vi xử lý hàng đầu của Anh tham gia vào mặt trận phong tỏa Hoa Vi là một thí dụ điển hình. Rất nhiều nhà cung cấp thiết bị cho Hoa Vi vẫn phải sử dụng bản quyền sáng chế của ARM để chế tạo sản phẩm riêng của họ. Hoa Vi đứng trước nguy cơ bị ngừng trệ sản xuất điện thoại di động và nhất là các thiết bị phát triển mạng 5G.

Chiến lược của Donald Trump hiện tại là nhằm tạo một vòng vây công nghệ cô lập Hoa Vi. Hoa Vi là một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, và do đó, mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trump là nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn Trung Quốc tiến vào một số lĩnh vực công nghệ cao. Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã không hề giấu thái độ thù địch này.

Ban đầu là cấm Hoa Vi triển khai mạng 5G trên lãnh thổ Mỹ rồi tiếp đó là hối thúc các nước đồng minh làm theo, với lý do là Hoa Vi làm gián điệp gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Lý lẽ của Washington đã thuyết phục được nhiều nước như Úc, New Zealand hay Nhật Bản.

Tuy vậy, tất cả các nhà phân tích đều nhận thấy đòn chí mạng của Mỹ đánh vào Hoa Vi chỉ là một quân bài để Washington đặt lên bàn đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Song quân bài đó cũng sẽ có thể gây thiệt hại cho chính Mỹ và các đồng minh. Bắc Kinh sẽ đáp trả làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc của các hãng Mỹ. Các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại, vì không thể bán linh kiện cho một khách hàng, mà mỗi năm chi đến 60 tỷ đô la mua công nghệ Mỹ. Công việc kinh doanh của nhiều công ty Mỹ cũng bị đảo lộn chỉ vì khách hàng Trung Quốc này.

Tấn công vào Hoa Vi có thể làm chệch hướng đàm phán kéo dài cuộc chiến thương mại không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu Washington và Bắc Kinh không đạt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại thì có thể Hoa Vi sẽ phải điêu đứng trong nhiều năm tới, nhưng chắc chắn nhà khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm thoát ra khỏi thế kẹt trong cuộc thương chiến để sinh tồn. Với năng lực công nghệ như hiện có, tất nhiên Hoa Vi sẽ buộc phải vươn lên đối mặt với thách thức từ Mỹ, cho dù thoát ra được có phải bị sứt đầu mẻ trán ít nhiều.

Anh Vũ

*******************

Huawei : hàng tỷ người bị thiệt do lệnh cấm của Mỹ (BBC, 29/05/2019)

Tại một cuộc họp báo, ông Song Liuping nói lệnh cấm của Mỹ cũng sẽ "trực tiếp làm thiệt hại" đến các công ty Mỹ và ảnh hưởng công ăn việc làm ở Mỹ.

hoavi4

Động thái đưa Huawei vào danh sách đen "đưa ra một tiền lệ nguy hiểm" và sẽ gây hại cho hàng tỷ người dùng, một chuyên gia luật pháp của hãng công nghệ Trung Quốc nói.

Washington gần đây đưa Huawei vào danh sách các công ty mà các hãng của Mỹ không thể giao dịch trừ khi có giấy phép.

Sắc lệnh cấm các hãng Mỹ kinh doanh với Huawei là một phần trong cuộc chiến rộng hơn giữa Mỹ và Huawei.

Phía Mỹ chặn hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vì những quan ngại an ninh.

Huawei liên tiếp phủ nhận các cáo buộc rằng sử dụng sản phẩm của hãng sẽ dẫn đến rủi ro về an ninh, và nói hãng là độc lập với chính phủ Trung Quốc.

"Các chính trị gia ở Mỹ đang dùng sức mạnh của cả quốc gia để đánh một công ty tư nhân", ông Song nói.

Huawei nói gì về lệnh cấm ?

Ông Song nói quyết định đưa Huawei, cũng là hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, vào cái gọi là "danh sách thực thể" sẽ để lại những hậu quả lan rộng.

"Quyết định này sẽ làm thiệt hại cho khách hàng của chúng tôi ở 170 nước, trong đó có hơn ba tỷ người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ trên khắp thế giới".

"Bằng cách ngăn cản các công ty Mỹ giao dịch với Huawei, chính phủ [Mỹ] đã trực tiếp làm hại hơn 1200 công ty Mỹ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hàng chục ngàn việc làm Mỹ".

Những động thái khác của Mỹ chống lại Huawei là gì ?

Nói chuyện với các phóng viên ở Thâm Quyến, ông Song cũng trình bày các bước đi mà Huawei đã làm liên quan tới vụ hãng này kiện chính phủ Mỹ hồi tháng Ba.

Vụ kiện này liên quan tới những hạn chế ngăn không cho các cơ quan liên bang Mỹ sử dụng sản phẩm của Huawei.

hoavi5

Hãng công nghệ Trung Quốc nói họ đã đệ đơn xin vụ án được "xét xử tóm tắt" (summary judgement), yêu cầu tòa án Mỹ làm nhanh quá trình xét xử để "ngừng ngay các hành động bất hợp pháp chống lại hãng".

"Chính phủ Mỹ đã không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Huawei là một mối đe dọa an ninh. Không có súng, cũng không có khói. Chỉ có đồn đoán mà thôi", ông Song nói.

Phiên tòa xét xử sẽ diễn ra vào ngày 19/9.

Phân tích của Robin Brant, BBC News từ Thâm Quyến

Trên sân khấu, trong một phòng họp lớn như một nhà hát tại đại bản doanh của Huawei, những người lãnh đạo Huawei nói nhiều về các khách hàng "nghèo hơn" ở các vùng nông thôn Mỹ, những người đáng được "tiếp cận một cách công bằng" đường truyền internet tốt.

Theo họ, hàng tỷ khách hàng đang phải đối mặt với nguy cơ an sinh của họ "bị hủy hoại", vì vậy nên Huawei muốn đẩy nhanh xử lý vụ việc.

Một lý do khác là sự tấn công từ chính quyền ông Trump đang làm họ đau. Được hỏi liệu Huawei có còn tồn tại một năm sau, một vị giám đốc nói kế hoạch kinh doanh của hãng tính xa hơn sang năm nhiều.

Huawei khăng khăng rằng hãng này là tư nhân. Tuy nhiên, khi tôi hỏi hai vị sếp cao cấp có mặt trong cuộc họp báo họ có phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc không, một người nói không, còn người kia không trả lời.

Vậy còn thương chiến Mỹ - Trung thì sao ?

Việc Washington đánh vào Huawei diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại vẫn đang nóng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phía Mỹ nỗ lực thuyết phục đồng minh cấm hãng công nghệ Trung Quốc vì các rủi ro tiềm năng khi sử dụng thiết bị của hãng này cho mạng di động 5G thế hệ sau.

Một số quốc gia, trong đó có Úc và New Zealand, đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G.

Thêm vào đó, Huawei phải đối mặt với hai lệnh truy tố hình sự của giới chức Mỹ. Washington cũng đang tìm cách dẫn độ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu từ Canada, nơi bà bị bắt hồi tháng 12 năm ngoái.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có cuộc thương chiến dữ dội từ năm ngoái, với cả hai phía áp hàng tỷ đô la thuế lên hàng hóa của nhau.

Hồi đầu tháng Năm, Washington tăng gấp đôi thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa bằng cách tăng thuế lên hàng hóa Mỹ.

Tổng thống Donald Trump mới đây nói Huawei có thể là một phần trong thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

*******************

Huawei : ‘Luật cấm cơ quan chính phủ dùng thiết bị của Huawei là vi hiến’ (VOA, 29/05/2019)

Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, yêu cầu một tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết mà không qua xét xử, rằng luật cấm các cơ quan chính phủ Mỹ, và các nhà thầu cùng các tổ chức khác mua thiết bị của Huawei là vi hiến.

hoavi6

Một cửa hàng có bán điện thoại Huawei ở Việt Nam

Các luật sư của Huawei đã nộp kiến nghị hôm thứ Ba, yêu cầu tòa ra phán quyết để nhanh chóng kết thúc vụ kiện mà công ty Huawei thoạt tiên đã đệ nạp vào tháng Ba.

Kiến nghị nói điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) vi phạm tiến trình pháp lý và có thể được coi như Quốc hội cho Huawei là phạm tội mà không xét xử, và cũng không có cách nào để công ty thách thức kết quả này.

Kiến nghị yêu cầu một thẩm phán ra quyết định đó là sự thật không chối cãi được, và ra một phán quyết có lợi cho Huawei.

Các nhà lập pháp Mỹ đã thêm điều khoản vừa kể vào dự luật cấp ngân sách quốc phòng hồi năm ngoái vì điều mà theo họ, là các quan hệ giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc, và những quan tâm về an ninh vì mối liên hệ đó.

Huawei đã bác bỏ là tập đoàn này nằm dưới quyền kiểm soát của bất cứ tổ chức, cơ quan chính phủ Trung Quốc nào.

Huawei nói lệnh cấm của Mỹ đã khiến tập đoàn Huawei và các nhân viên của công ty bị gạt ra ngoài lề, gây gián đoạn cho các hợp đồng hiện có, đồng thời "đe dọa nghiêm trọng khả năng của Huawei có thể tiếp tục làm ăn tại Hoa Kỳ".

Việc Washington dùng sắc lệnh hành chánh và luật để trừng phạt một công ty duy nhất "đặt ra một tiền lệ nguy hiểm".

Ông Song Liuping.,Giám đốc pháp lý của tập đoàn Huawei

Reuters dẫn lời ông Song Liuping, Giám đốc pháp lý của tập đoàn Huawei, nói hôm thứ Tư rằng công ty này đang duyệt lại những cách để có thể chống trả lệnh cấm của Mỹ, mà theo ông có thể tác động tới 1,200 nhà cung cấp của họ, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng tới 3 tỉ người tiêu dùng của Huawei tại 170 nước trên thế giới.

Ông Song nói việc Washington dùng sắc lệnh hành chánh và luật để trừng phạt một công ty duy nhất "đặt ra một tiền lệ nguy hiểm".

Nói chuyện với các nhà báo tại trụ sở chính của Huawei ở Thẩm Quyến, ông nói :

"Ngày nay là lĩnh vực viễn thông và Huawei, ngày mai có thể là công ty của quý vị, ngành công nghiệp của quý vị, khách hàng của quý vị".

*****************

Bị Mỹ cấm cửa, Huawei có trụ nổi ? (VOA, 24/05/2019)

Việc các hãng cung ứng của Mỹ, trong đó có Google, quyết định ngừng hợp tác với Huawei sẽ đặt ra vấn đề lớn cho Huawei trên thị trường quốc tế, nơi Huawei tiêu thụ gần phân nửa các sản phẩm điện thoại thông minh của họ, và giáng một cú nặng nề lên tham vọng của Huawei trở thành hãng điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, các phân tích gia cho biết.

hoavi7

Mẫu điện thoại mới nhất của Huawei P30

Google quyết định đình chỉ hoạt động làm ăn với hãng viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei bao gồm chuyển giao phần cứng, phần mềm và các dịch vụ kỹ thuật chủ chốt.

Điều này có nghĩa là Huawei sẽ không còn được cấp phép sử dụng hệ điều hành Android của Google cùng các dịch vụ của Google cho các sản phẩm điện thoại của họ nữa. Thay vào đó, họ phải sử dụng phiên bản nguồn mở. Do đó, các dòng điện thoại sau này của Huawei sẽ không có các dịch vụ của Google mà người dùng mong đợi từ các thiết bị dùng hệ điều hành Android.

Quyết định của Google tuân thủ lệnh của chính phủ khi Mỹ đưa Huawei vào một danh sách đenmà các hãng công nghệ Mỹ cần phải có giấy phép mới được bán sản phẩm.

‘Rất nghiêm trọng’

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Văn Thành, một chuyên gia về viễn thông tại Đại học Thành thị Oslo, Na Uy, nhận định quyết định của Google ngừng cộng tác là ‘rất nghiêm trọng’ đối với Huawei.

"Hành động này không đến mức kết liễu Huawei", ông Thành nói. "Trước giờ Huawei đã có nỗ lực phát triển bộ não (tức hệ điều hành) cho riêng họ, nhưng họ làm tới đâu thì chưa biết. Dù có làm được đi nữa thì cũng không thể một lúc làm được hết các ứng dụng".

"Có thể tạm thời họ vẫn bán được những sản phẩm điện thoại thông minh mà họ đã sản xuất, nhưng những sản phẩm mới sau này sẽ rất khó bán", ông nói thêm và nhắc đến việc hãng ARM vốn cung cấp linh kiện chủ chốt cho Huawei cũng đã ngưng hợp tác với họ.

Đối với mẫu điện thoại tối tân nhất của Huawei là P 30, ông Thành cho biết hãng này vẫn sẽ bán được hàng bất chấp việc dừng hợp tác của Google vì họ đã mua trước rất nhiều giấy phép (license) để sử dụng hệ điều hành Android.

"Không thể một sớm một chiều mà một hãng khổng lồ như Huawei có thể sụp được", ông giải thích. "Họ còn rất nhiều tiền. Họ cũng đã mua trước và tích lũy một số lượng chip rất nhiều và do đó họ có thể sản xuất được hàng mới và bán được trong thời gian cả năm trời".

Nhưng về lâu dài nếu không có hệ điều hành của Google thì Huawei ‘sẽ bị kẹt’, ông Thành nói và cho biết dù Huawei có tự phát triển được hệ điều hành đi nữa thì người dùng cũng sẽ không thể dùng được những ứng dụng rất phổ biến của Google mà chỉ có thể dùng được những ứng dụng riêng ở Trung Quốc như Baidu, WeChat hay Weibo mà thôi.

Tuy nhiên, Huawei ‘không có cách nào làm kịp’ nếu họ quyết định tự phát triển độc lập để giảm bớt sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, nhất là Mỹ.

Ông cho rằng trong thế giới công nghệ ngày nay, không riêng gì Huawei mà không có hãng nào có thể tự mình sản xuất hết tất cả các linh kiện mà phụ thuộc vào các nhà cung ứng, do đó Huawei đã không gặp may khi bị cắt đứt nguồn cung ứng này từ phía Mỹ.

Do đó, theo ông Thành, hy vọng bây giờ của Huawei là chính phủ Trung Quốc điều đình được với Hoa Kỳ và giải tỏa được các quan ngại của Washington thì sẽ được dỡ bỏ các lệnh cấm.

Ông nói rằng ở Trung Quốc có điều luật buộc tất cả các hãng cung cấp thông tin, tài liệu cho chính quyền khi có yêu cầu và trong tất cả hãng xưởng của Trung Quốc đều có chi bộ của Đảng Cộng sản của Trung Quốc. Chính vì vậy Mỹ và các nước phương Tây mới lo ngại Huawei về mặt an ninh.

"Chỉ cần Trung Quốc thay đổi những điều luật này thì Mỹ sẽ thay đổi cách làm (và dỡ lệnh cấm với Huawei)", ông nói thêm và cho biết ở các nước Bắc Âu, vốn trước giờ rất ủng hộ Trung Quốc, mà giờ cũng không nói gì về việc cấm Huawei vì ‘rõ ràng Trung Quốc có âm mưu làm điều không tốt’.

Về phía các hãng của Mỹ, mặc dù quyết định dừng cung ứng cho Huawei có thể khiến họ bị mất khách hàng lớn tạm thời nhưng về lâu dài sẽ nhanh chóng có hãng sản xuất khác lấp đầy chỗ trống của Huawei, ông Thành nói.

Đã chuẩn bị trước ?

Những nhà cung cấp khác cho Huawei, bao gồm Qualcomm và Intel, được cho là đã thông báo cho các nhân viên của họ rằng họ sẽ không tiếp tục cung cấp linh kiện cho hãng Trung Quốc này cho đến khi có thông báo mới.

Phát ngôn nhân Huawei nói với kênh CNBC rằng hãng này ‘đang đánh giá tác động khả dĩ của động thái này của chính phủ Mỹ đối với người tiêu dùng’.

"Huawei đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển và tăng trưởng của Android trên toàn thế giới. Là một trong những đối tác toàn cầu chủ chốt của Android, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với nền tảng nguồn mở của họ để xây dựng một hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành kỹ nghệ này", phát ngôn nhân của hãng nói.

"Huawei sẽ vẫn tiếp tục cập nhật an ninh và cung cấp các dịch vụ hậu mãi cho tất cả các điện thoại thông minh và máy tính bảng Huawei cũng như Honor hiện đang lưu hành, bao gồm các sản phẩm đã được bán ra hay các sản phẩm vẫn còn trong kho trên toàn cầu".

Huawei dựa rất nhiều vào hệ điều hành Android cho những điện thoại thông minh họ bán bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Còn tại Trung Quốc, họ sử dụng một phiên bản Android đã được điều chỉnh vốn không được cài sẵn các ứng dụng Google do các dịch vụ của Google bị chặn ở Trung Quốc. Nhưng tại thị trường các nước ngoài Trung Quốc thì sản phẩm của Huawei chạy hệ điều hành Android hoàn chỉnh với các ứng dụng của Google.

Gần một nửa điện thoại thông minh của Huawei trong quý đầu tiên của năm 2019 được bán trên các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Hiện tại, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới xét theo thị phần, chỉ sau Samsung nhưng lại trước Apple.

Trước đó, hãng này đã đặt ra tham vọng vươn lên dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh vào năm 2020. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Google có thể chôn vùi tham vọng này của họ.

"Nó giống như kết liễu ngay lập tức tham vọng của Huawei muốn qua mặt Samsung trên thị trường toàn cầu", Nicole Peng, phó chủ tịch mảng di động của Canalys, hãng phân tích thị trường công nghệ hàng đầu thế giới, nói với CNBC.

Huawei dựa vào các nhà cung cấp Mỹ để có các cấu phần chủ chốt cho tất cả các sản phẩm của họ từ điện thoại thông minh cho đến thiết bị mạng. Có hơn 30 hãng công nghệ Mỹ được Huawei xem là ‘nhà cung cấp cốt lõi’ của họ.

Tuy nhiên, hãng viễn thông Trung Quốc này nói rằng họ đã chuẩn bị trước cho những tình huống như thế này mà họ đã dự trù. Hồi tháng 3, Huawei cho biết họ đã xây dựng hệ điều hành của riêng họ cho các sản phẩm của họ nếu đến lúc nào đó họ không thể sử dụng hệ điều hành của Google hay Microsoft được nữa.

Và chỉ mới tuần trước, tờ Nikkei Asian Review đưa tin rằng cách đây sáu tháng, Huawei đã thông báo với các nhà cung cấp của họ rằng họ muốn trữ số lượng linh kiện chủ yếu đủ dùng cho đến một năm để chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Huawei cũng đang phát triển công nghệ chip của riêng họ.

Mặc dù Huawei có thể giảm sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ đối với một số linh kiện, các chuyên gia cho rằng điều này vẫn chưa đủ bởi vì họ vẫn cần các linh kiện khác từ các công ty Mỹ. Họ cũng bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của hệ thống điều hành riêng của Huawei.

Neil Shah, giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhận định với CNBC rằng Huawei vẫn sẽ cần dựa vào các cửa hàng ứng dụng Android của bên thứ ba bởi vì Google Play không mặc nhiên được cài trên các thiết bị của họ.

"Điều này tạo ra một bất lợi rõ ràng cho hệ điều hành riêng của Huawei so với hệ điều hành Android cài đặt trên Samsung hay các mẫu điện thoại khác trước hết do sự thiếu vắng tất cả các ứng dụng có trong cửa hàng Google Play, chất lượng ứng dụng (một số có thể bị lỗi thời), có nguy cơ kém an ninh do chúng không được Google kiểm tra hay được Google vá những chỗ hổng an ninh cũng như trải nghiệm tổng thể của người dùng đối với cửa hàng ứng dụng", Shah giải thích.

Bán tháo điện thoại Huawei

Trong lúc này, các cửa tiệm bán lẻ điện thoại ở một số nước Châu Á đã từ chối nhận đổi thiết bị của Huawei trong lúc ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm cách thải đi điện thoại Huawei của họ do lo lắng việc Google tạm dừng hợp tác với Huawei sẽ làm một số ứng dụng của Google không sử dụng được nữa.

Ở Singapore và Philippines, Reuters cho biết nhiều người đã chạy đến các cửa tiệm để bán lại điện thoại Huawei nhưng có rất ít nơi chịu thu lại.

"Nếu chúng tôi mua một mặt hàng vô dụng thì làm sao chúng tôi bán lại được", ông Dylan On, một chủ tiệm sửa chữa và bán điện thoại thông minh ở Singapore, nói.

"Không phải vì sản phẩm của Huawei tệ. Đó là sản phẩm rất tốt. Đó chỉ là vì không ai muốn mua nó vào lúc này vì chính sách của Mỹ", ông nói và nói thêm rằng ông đang tìm cách bán lượng hàng Huawei trong kho trên mạng đến người tiêu dùng ở nước ngoài với hy vọng rằng họ sẽ không lưu ý đến các sự kiện hiện nay.

Trước đây, có khoảng 5 khách hàng muốn đổi điện thoại Huawei mỗi ngày, nhưng con số đó giờ đây đã tăng lên 20 người trong vòng hai ngày vừa qua", Zack, một nhân viên bán hàng tại Mobile Square ở Singapore nói với Reuters nhưng không chịu nói rõ họ.

"Thường thì bạn sẽ thấy người ta muốn đổi điện thoại cũ lấy điện thoại mới", anh nói thêm. "Bây giờ anh lại thấy người ta muốn đổi những chiếc điện thoại mới nhất".

Carousell, chợ trực tuyến đông đảo nhất ở Singapore, cho biết số lượng điện thoại Huawei được bán đi đã tăng lên hơn gấp đôi vào ngày Mỹ công bố sắc lệnh cấm Huawei.

Năm ngoái, Huawei chiếm 14% thị phần điện thoại thông minh ở Singapore, theo Canalys.

Còn ở Philippines, các cửa hàng bán lẻ điện thoại cũng quyết định tránh xa các sản phẩm của Huawei.

"Chúng tôi không còn chấp nhận điện thoại Huawei nữa. Khách hàng của chúng tôi không chịu mua nữa", Hamida Norhamida, chủ cửa hàng điện thoại mới và thâu điện thoại cũ tại trung tâm mua sắm Greenhills ở Manila nói với Reuters. Bà nói thêm rằng bà cảm thấy nhẹ nhõm khi bán hết kho hàng Huawei P30 Pro trước khi Google loan báo quyết định hôm 20/5.

Một chủ tiệm điện thoại khác ở Greenhills nói rằng bà chỉ mua điện thoại Huawei với mức giá giảm 50%.

"Bán được nó là cả một sự may rủi", bà nói với Reuters và chỉ cho biết tên là Thelma.

Tuy nhiên, một số người lại xem đây là cơ hội để họ mua được chiếc điện thoại chất lượng với giá rẻ.

"Phản ứng tức thì của tôi là lo lắng rằng chiếc điện thoại Huawei hiện tại của tôi sẽ trở nên vô giá trị", cô Xin Yi, sinh viên 24 tuổi ở Singapore, nói với Reuters. "Nhưng Google nói rằng những người dùng Huawei hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng… tôi thở phào nhẹ nhõm".

Cô cho biết rằng giờ đây cô đang tìm mua mẫu điện thoại Huawei mới trên thị trường với giá giảm.

*****************

Huawei ‘sẵn sàng ký thỏa thuận không do thám’ (VOA, 15/05/2019)

Huawei sẵn sàng ký thỏa thuận không do thám với chính phủ các nước, Chủ tịch tập đoàn viễn thông Trung Quốc này tuyên bố hôm 14/5 giữa lúc Mỹ gây sức ép lên các nước Châu Âu tránh xa Huawei vì những quan ngại về gián điệp.

/hoavi8

Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa

Washington đã kêu gọi các đồng minh không dùng công nghệ của Huawei để xây dựng mạng 5G bởi vì họ lo ngại rằng công ty này sẽ được dùng làm công cụ giúp Trung Quốc do thám – cáo buộc mà Huawei bác bỏ.

"Chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận không do thám với các chính phủ, kể cả chính phủ Anh, để cam kết bảo đảm cho các thiết bị của chúng tôi đáp ứng được các chuẩn mực không do thám, không cửa sau", ông Lương Hoa, chủ tịch Huawei, nói với báo giới ở London.

Nước Anh đang cân nhắc mức độ mà họ sẽ cho phép Huawei, hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tham gia xây dựng mạng 5G của nước họ.

"An ninh và độ bền bỉ của mạng viễn thông Anh là quan trọng số một, và chúng tôi có những kiểm soát khắt khe đối với việc thiết bị của Huawei đang được triển khai như thế nào ở Anh", phát ngôn nhân chính phủ Anh nói hôm 14/5.

Ông nói rằng kết quả rà soát chuỗi cung ứng viễn thông liên quan đến trường hợp của Huawei sẽ sớm được loan báo và tất cả nhà mạng cần phải tuân thủ.

Thủ tướng Anh Theresa May đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson vì lời tuyên bố bị rò rỉ ra rằng Huawei sẽ có vai trò trong mạng 5G của Anh. Việc tiết lộ này sẽ khiến Anh hục hặc với đồng minh tình báo lớn nhất của họ là Hoa Kỳ.

Phát biểu bên lề cuộc gặp với các đối tác công nghệ Anh của Huawei, ông Lương nói rằng công ty của ông không bao giờ có ý muốn trở thành tâm một cơn bão chính trị.

"Vấn đề an ninh mạng không phải là lãnh địa riêng của chỉ một nhà cung cấp hay một công ty duy nhất, đó là thách thức chung mà toàn thể ngành này và toàn thế giới phải đối mặt", ông nói.

Ông nói Huawei từ lâu đã hợp tác với Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh trong việc giám sát công nghệ của họ và đã cải thiện năng lực thiết kế phần mềm để nâng nó lên ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh.

Ông Lương cũng khẳng định Huawei không hoạt động nhân danh chính phủ Trung Quốc ở bất cứ thị trường quốc tế nào.

"Mặc dù sự thật là Huawei có trụ sở Trung Quốc, chúng tôi thật sự là một công ty hoạt động toàn cầu", ông nói. "Ở những nơi mà chúng tôi có hoạt động chúng tôi cam kết tuân thủ các đạo luật và các quy định có hiệu lực tại chỗ ở đất nước đó".

"Trung Quốc không có đạo luật nào yêu cầu các công ty phải thu thập thông tin tình báo từ các chính phủ nước ngoài hay thiết lập các cánh cửa sau cho chính quyền".

Bộ trưởng Anh Jeremy Wright, người sẽ tuyên bố kết luận sau việc rà soát chuỗi cung ứng thiết bị viễn thông, nói rằng lợi ích hàng giá rẻ không nên đặt trước các quan ngại an ninh.

Ngược lại, ông Lương cho rằng các yếu tố kinh tế nên được xem xét và các yếu tố chính trị cần phải được loại trừ.

"Tôi tin rằng quyết định được đưa ra nên dựa vào sự đánh giá rủi ro và đánh giá chuỗi cung ứng, và cũng nên thể hiện những yêu cầu của chính phủ Anh xét về phát triển kinh tế", ông nói.

"An ninh mạng thật sự là một yếu tố rất quan trọng để xem xét… nhưng đồng thời đó phải là một quyết định cân bằng giữa an ninh mạng và sự thịnh vượng kinh tế".

******************

Các trường đại học Mỹ tránh xa Huawei và viện Khổng Tử (VOA, 22/03/2019)

Các trường đại học danh tiếng của Mỹ đang cắt đứt quan hệ với công ty công nghệ Trung Quốc Huawei và viện Khổng Tử trong khi chính phủ Mỹ tìm cách hạn chế các mối quan hệ của giới hàn lâm Hoa Kỳ đối với hai tổ chức này, theo South China Morning Post (SCMP).

hoavi9

Nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ đã cắt đứt quan hệ với tập đoàn công nghệ Huawei và viện Khổng Tử của Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi.

Huawei Technologies, tập đoàn công nghệ tư nhân khổng lồ toàn cầu của Trung Quốc và Học viện Khổng Tử, một cơ quan liên kết với Bắc Kinh nhằm thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa của Trung Quốc, đã bị các nhà lập pháp Hoa Kỳ và nhiều cơ quan liên bang nhắm đến vì những lý do rất khác nhau, nhưng chính phủ Mỹ tin rằng cả hai tổ chức của Trung Quốc đều gây ảnh hưởng bất lợi cho những lợi ích của Mỹ.

Huawei, hiện đang là tâm điểm chú ý trên truyền thông do việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính của công ty này theo yêu cầu của Washington. Huawei đã nhanh chóng nổi lên như một đối thủ cạnh tranh toàn cầu với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Cisco Systems và Apple. Các mối quan hệ trực tiếp của Học viện Khổng Tử với chính quyền trung ương Trung Quốc đã làm dấy lên những lời phàn nàn từ các giáo sư Mỹ. Họ thấy được một trò chơi quyền lực mềm trong tổ chức này với mục đích hạn chế thảo luận học thuật về các chủ đề mà Bắc Kinh tìm cách chôn vùi.

Theo SCMP, trang mạng có trụ sở tại Hong Kong, cho biết Đại học Stanford, Đại học California phân viện Berkeley nổi tiếng, và các trường khác đã quyết định cắt đứt quan hệ với Huawei một cách lặng lẽ, với việc truyền thông đưa tin về các thông báo nội bộ của họ hàng ngày hoặc hàng tuần. Nhưng nhiều trường đại học khác, bao gồm Đại học Harvard, vẫn yên lặng.

Sự im lặng trong giới hàn lâm về mối liên hệ của họ với Huawei và viện Khổng Tử có thể báo hiệu sự bất lực trong việc đánh giá tính hợp pháp của các mối quan hệ này và hậu quả của việc tuyên bố cắt đứt quan hệ với họ, theo SCMP. Những quyết định này đang được đưa ra trong bầu không khí chính trị ngày càng có nhiều lo ngại và nghi ngờ về Trung Quốc, được chính quyền Trump khuyến khích, trong bối cảnh một cuộc chiến tranh thương mại và tranh luận về an ninh quốc gia, trong đó mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh bị đẩy xuống rất thấp.

Các thông tin chi tiết về sự liên quan của Huawei với các trường đại học Hoa Kỳ và phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ "đang tác động rất nhanh [đối với các trường đại học] và các trường có những liên quan thực sự trong mối quan hệ này, và vấn đề cụ thể của cuộc tranh luận chưa được xác định rõ ràng", Robert Daly, nhà nghiên cứu về Trung Quốc và Mỹ của Viện Kissinger tại Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở tại Washington, cho biết.

Trong suốt 30 năm qua, các trường đại học đã ký hàng trăm MOU [bản ghi nhớ] với các tổ chức Trung Quốc và hầu hết trong số đó không có ý nghĩa gì hay sẽ đi đến đâu. Không ai theo dõi họ. Họ đã thực hiện chúng ngoài ý muốn chung khi quyết định trở thành các trường đại học quốc tế trong thời kỳ (mở rộng) quan hệ", ông Daly nói.

Quan hệ với Trung Quốc có lẽ là vấn đề chính trị duy nhất hiện nay thống nhất đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Không may cho các trường đại học có liên kết với Trung Quốc, Washington đã thống nhất chống lại các mối quan hệ này.

Tránh xa tiền từ Huawei

Kết nối chính của Huawei với các trường đại học Mỹ là thông qua Chương trình nghiên cứu đổi mới Huawei (HIRP), mà công ty này gọi đó là một sáng kiến toàn cầu "để xác định và hỗ trợ các giảng viên chính thống mang đẳng cấp thế giới theo đuổi sự sáng tạo vì lợi ích chung".

Trong số 10 trường đại học Mỹ được kể đến là các bên cộng tác hoặc đối tác trong bài thuyết trình năm 2017 về HIRP, bảy trường – bao gồm các trường đại học Yale, Harvard và Carnegie Mellon – đã không trả lời các yêu cầu của SCMP về các thông tin chi tiết về sự tham gia của họ vào chương trình HIRP hoặc các mối liên hệ khác với Huawei.

Trong khi đó, các trường Cornell, Princeton và Stanford đã hồi đáp.

"Sau khi chính phủ Hoa Kỳ nói rõ các mối lo ngại về Huawei Technologies vào năm ngoái, Đại học Cornell đã xác định một số thỏa thuận nghiên cứu hiện có với Huawei, đại diện cho một phần nhỏ trong số hơn 150 thỏa thuận đối tác như vậy mà trường duy trì với các doanh nghiệp bên ngoài trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn cầu", John Carberry, giám đốc quan hệ truyền thông của Cornell, cho SCMP biết trong một email.

"Trong mỗi trường hợp, trường đã xem xét cẩn thận các dự án đang được đề cập để xác minh rằng các biện pháp bảo vệ phù hợp đã được áp dụng để giải quyết vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin, nhằm đảm bảo sự độc lập trong nghiên cứu của chúng tôi và tuân thủ tất cả các luật và quy định của liên bang và tiểu bang", ông Carberry nói.

Princeton đã dừng các mối mối quan hệ tài trợ mới với Huawei vào năm ngoái, theo giám đốc quan hệ truyền thông của trường Ben Chang cho biết, và vào tháng 1, trường "đã thông báo cho Huawei rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận phần tài trợ thứ ba và cuối cùng trị giá 150.000 USD để hỗ trợ nghiên cứu khoa học máy tính, dự án duy nhất được Huawei hỗ trợ đang hoạt động của chúng tôi".

Trường Stanford nói trong một email rằng họ đã "thiết lập một lệnh cấm đối với các cam kết, quà tặng, phí thành viên liên kết và hỗ trợ mới khác từ Huawei".

Trường đại học Harvard không còn có mối quan hệ nào với Huawei sau khi kết thúc khoản tài trợ của công ty này đối với hai giảng viên của trường, theo một nguồn tin yêu cầu được giấu tên vì không đủ thẩm quyền để nói chuyện công khai về vấn đề này.

Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, Đại học Chicago, Đại học California-Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts – tất cả đều được Huawei trích dẫn là bên cộng tác trong chương trình HIRP – đã không phản hồi yêu cầu bình luận của SCMP.

Đạo luật bảo vệ các trường đại học

Trong khi đó, các nỗ lực nhằm cắt đứt các mối quan hệ khác giữa Huawei và giới hàn lâm của Mỹ vẫn tiếp tục.

Đạo luật Bảo vệ các trường Đại học của chúng ta, do dân biểu Jim Banks – một đảng viên Cộng hòa đại diện tiểu bang Indiana – giới thiệu vào tuần trước, sẽ thiết lập một lực lượng chuyên biệt, do Bộ Giáo giục Mỹ dẫn đầu, nhằm duy trì một danh sách các dự án nghiên cứu "nhạy cảm", bao gồm những dự án có nguồn tài chính từ bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng và các cơ quan tình báo Mỹ.

Cơ quan được đề xuất trên sẽ giám sát sự tham gia của sinh viên nước ngoài trong các dự án đó. Sinh viên có quốc tịch Trung Quốc trong quá khứ hoặc hiện tại sẽ không được tiếp cận các dự án mà không có sự cho phép của giám đốc tình báo quốc gia. Đạo luật này cũng kêu gọi giám đốc tình báo tạo ra một danh sách các thực thể nước ngoài "gây ra mối đe dọa gián điệp liên quan đến nghiên cứu nhạy cảm", và quy định rằng Huawei phải được đưa vào danh sách đó.

Không có bằng chứng nào cho thấy Huawei đã trao cho chính phủ Trung Quốc các thông tin công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ mà có thể được triển khai về mặt quân sự hoặc đe dọa đến lợi ích an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang hành động dựa trên lý thuyết rằng đây là ý định của Trung Quốc.

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội vào năm 2017, tập trung vào các nỗ lực của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác trong việc tìm cách có được các thông tin về công nghệ thông qua sự hợp tác với các trường đại học Mỹ. Báo cáo này đã xúc tác cho sự đồng thuận hiếm có của lưỡng đảng trong việc nhất trí rằng các mối quan hệ này cần phải được theo dõi.

Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật này vào năm ngoái nhằm tăng cường sự giám sát của chính phủ liên bang đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ Mỹ, một động thái nhắm vào các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa có hành động tương tự nào được đưa ra trong giới hàn lâm, nơi sự hợp tác của Huawei đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Published in Châu Á