Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thâm Quyến, cái nôi công nghệ của Trung Quốc để cạnh tranh với Silicon Valley

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt, đặc phái viên Sébastien Falleti của báo Le Point tại Thâm Quyến giới thiệu bài viết "Trong thung lũng Silicon của Trung Quốc". Thâm Quyến được chính quyền Trung Quốc đặt cược để trở thành "đầu tầu" thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

shenzen1

(Ảnh minh họa) - Thâm Quyến, Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu trở thành thánh địa công nghệ của thế giới. Lionel BONAVENTURE / AFP

Le Point trích dẫn Quentin Montardy, nhà nghiên cứu của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến, theo đó, các công ty khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu và phát triển mọc lên khắp nơi tại thành phố này. Là thành phố "trẻ" nhất Trung Quốc, Thâm Quyến là cái nôi công nghệ và sáng chế của Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh với thung lũng Silicon. Ngay cả đại tập đoàn Apple của Mỹ cũng mới mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến để tiến gần tới thị trường hàng đầu của công ty.

Sự biến chuyển của Thâm Quyến khiến phương Tây phải sửng sốt. Montardy, nhà nghiên cứu của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến, giải thích với Le Point : "Phần lớn người nước ngoài đều không biết chuyện gì đang diễn ra tại thành phố này. Đối với họ, tại Trung Quốc, ngoài Thượng Hải và Bắc Kinh ra thì chẳng có gì khác. Khi tôi trở về Pháp, tôi sống với quá khứ. Điều đó rất thú vị. Nhưng ở đây, người ta gây dựng tương lai".

Nhà chức trách Thâm Quyến không tiếc tiền thu hút người tài, nhất là các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã theo học tại các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mặc dù nhiều doanh nghiệp ở Thâm Quyến lo ngại vì mất nhiều khách hàng Mỹ, nhưng thành phố này vẫn có "quân át chủ bài" : Thâm Quyến đã trở nên cần thiết đối với nền công nghiệp thế giới. Một chuyên gia dự báo Thâm Quyến sẽ vẫn là một thành phố thu hút các nhà phát triển phần cứng trong thập kỷ tới, bất chấp cuộc chiến thương mại.

Ông Michel Reed, đại diện của Hax, công ty hỗ trợ thúc đẩy phát triển các công ty khởi nghiệp của San Francisco, có có sở tại Thâm Quyến, nhấn mạnh : "Về phần cứng, mọi con đường đều dẫn tới Thâm Quyến". Có những việc nếu làm ở các nơi khác phải mất cả tháng nhưng ở Thâm Quyến thì chỉ cần một tuần là đủ. Chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc, nhưng Thâm Quyến mới có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển công nghệ.

Nhà nghiên cứu Montardy của Viện Công Nghệ Cao Thâm Quyến khẳng định với Le Point là Bắc Kinh "chi bộn tiền" cho Thâm Quyến. Năm 2018, Bắc Kinh thông báo lập quỹ đầu tư 12,8 triệu đô la để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Thâm Quyến. "Thánh địa phần cứng của thế giới" đang "lột xác" lần thứ hai để trở thành nơi tập trung công nghệ sạch và trí thông minh nhân tạo. Nhà phân tích Kelsey Broderick của Eurasia Groupe nhận định : "Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn khuyến khích các phát minh, sáng chế trong nước để nền công nghiệp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh, Thâm Quyến vẫn còn phải vượt qua một số hạn chế. Thâm Quyến hiện vẫn không có các trường đại học lớn danh tiếng như ở Silicon Valley. Có tiền thì Thâm Quyến vẫn thu hút được "những bộ óc tài giỏi nhất", nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ, trong khi đó Thâm Quyến chỉ là "một hoang mạc văn hóa". Cuối tuần, những người làm việc ở đây phải sang Hồng Kông hoặc Quảng Châu để giải trí. Nhưng điều nghiêm trọng nhất là chính sách kiểm duyệt nghiêm ngặt của Tập Cận Bình sẽ có hại tới cái nôi công nghệ của Trung Quốc.

DRSD - cơ quan bí mật nhất của Tình báo quân đội Pháp

Tại Pháp, Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng DRSD (Direction du Renseignement et de la Sécurité de la Défense), tiền thân là cơ quan An ninh quân đội Pháp, được thành lập vào năm 1872, sau khi Pháp thất bại trước quân Phổ. Cùng với Cơ quan trinh sát quân đội và và Cơ quan an ninh đối ngoại, DRSD là một trong ba cơ quan bí mật nhất của lực lượng tình báo quân đội Pháp.

Trong lần đầu tiên mở cửa trụ sở ở Vanves, ngoại ô Paris để đón tiếp một vài phóng viên, tướng Eric Bucquet, giám đốc DRSD, giải thích với báo L’Express là DRSD không phải là một cơ quan bí mật, nhưng kín đáo là điều cần thiết. DRSD mở cửa với truyền thông lần này vì họ đang có nhu cầu tuyển dụng do nhiệm vụ ngày càng nhiều. Hiện DRSD có 1.300 nhân viên, nhưng theo dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ tuyển thêm 300 người. Việc này không đơn giản, đặc biệt để tuyển được các nhân tài, nhất là các chuyên gia tin học và những người am hiểu các ngôn ngữ ít người biết.

Hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly, DRSD có nhiệm vụ đấu tranh chống gián điệp và các âm mưu thâm nhập của tình báo nước ngoài. Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng bảo vệ gần 10.000 cơ quan, đơn vị khoa học và kỹ thuật của nước Pháp, trong đó có 4.000 doanh nghiệp tiếp cận với thông tin mật hoặc được coi là các cơ sở nhạy cảm. DRSD cũng là cơ quan chuyên bảo vệ và giám sát đội ngũ quan chức của bộ Quân lực và các quân nhân đang tham gia chiến dịch ở nước ngoài.

Từ khi xảy ra hàng loạt vụ khủng bố trong năm 2015, đấu tranh chống khủng bố cũng trở thành một ưu tiên của DRSD. Cơ quan này đã ngăn chặn được nhiều kế hoạch khủng bố nhắm vào quân đội Pháp, chẳng hạn ngay trong năm 2015, phối hợp với cơ quan phản gián Pháp DGSI (Direction Générale de la Sécurité Intérieure), Cơ quan trinh sát và an ninh quốc phòng đã bắt được 3 người lên kế hoạch tấn công vào một khu huấn luyện đặc công Pháp và bắt cóc lãnh đạo của đơn vị này. Ba tháng sau đó, DRSD cũng thành công khi phá vỡ một âm mưu tấn công nhắm vào một căn cứ Hải Quân tại Toulon, miền nam nước Pháp.

Paul Chiappore, phó giám đốc phụ trách chiến lực và nguồn lực của DRSD phát biểu với L’Express là mối đe dọa về an ninh kinh tế đang bùng nổ. Chiến tranh kinh tế hiện giờ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn đánh cắp thông tin mật, tấn công mạng…, trong khi đó các loại hình truyền thống như dùng tiền, tình dục, tham nhũng… thì vẫn tiếp diễn. Phản gián là một thách thức thường trực của DRSD, nhất là trước các nước mạnh như Trung Quốc, Israel, Nga…

Nghịch lý về chăm sóc tù nhân nhà tù quân sự Guantanamo

Nhìn sang Hoa Kỳ, báo Courrier International giới thiệu với độc giả bài viết "Già đi tại Guantanamo" đăng trên The New York Times. Bài viết đặt ra những câu hỏi về việc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho các tù nhân trong nhà tù quân sự Guantanamo của Mỹ đặt tại Căn cứ Hải quân Vịnh Guantanamo, Cuba. Được mở từ cách nay 17 năm, hiện giờ vẫn còn 40 tù nhân bị giam giữ trong nhà tù Guantanamo. Những tù nhân này đang già đi và sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, không chỉ do tuổi tác, mà theo nhiều luật sư, thì đó chủ yếu là do những người này đã nhiều lần bị tra tấn tàn bạo cả về thể xác và tinh thần trong tù.

Theo dự kiến, nhà tù Guantanamo sẽ được duy trì đến khoảng năm 2043. Khi đó, nếu còn sống, tù nhân già nhất sẽ được khoảng 96 tuổi. Theo các luật sư, một số tù nhân hiện đã có vấn đề về sức khỏe do bị tra tấn, tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi họ về già. Hiện giờ, quân đội Mỹ đang đối mặt với nhiều câu hỏi như phải chăm sóc các tù nhân này thế nào trong tương lai ? Quốc hội sẽ thông qua ngân sách bao nhiêu cho việc này ?

Hiện giờ bệnh viện quân y Mỹ gần nhất là ở Jacksonville, bang Florida, cách nhà tù Guantanamo 1.300 km. Đây là nơi chăm sóc các quân nhân Mỹ nếu cơ sở y tế quân y cấp đơn vị không đảm đương được. Nhưng luật Mỹ cấm di chuyển tù nhân Guantanamo vào lãnh thổ Mỹ. Chính vì thế, nhiều bác sĩ chuyên khoa được điều đến để chăm sóc những người này trong những trường hợp đặc biệt. Còn ngay tại Guantanamo, có 140 bác sĩ, y sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ tâm lý chăm sóc 1.500 quân nhân và cả các tù nhân.

Hiện bộ Quốc phòng Mỹ cần 88,5 triệu đô la để xây dựng một nhà tù nhỏ để giam giữ và chăm sóc 15 tù nhân bị giam tại các trại giam tuyệt mật của Tình báo Mỹ CIA, trong đó có 6 người đang chờ bị kết án tử hình vì bị cho là đã tham gia vào các vụ khủng bố tòa tháp đôi năm 2001 và vụ tấn công tàu Mỹ USS Cole tại Yemen, khiến tổng cộng gần 3.000 thiệt mạng. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn không thông qua khoản tiền này vì cho rằng bộ Quốc phòng cần ưu tiên đầu tư vào nhiều công trình khác quan trọng hơn.

The New York Times coi việc quân đội Mỹ bàn luận về các biện pháp chăm sóc tốn kém và phức tạp cho tù nhân Guantanamo trong khi bộ trưởng Quốc phòng lại muốn họ bị kết án tử hình là "một nghịch lý". Nhưng bác sĩ tâm thần trong quân đội, Stephen N.Xeankis, người thường xuyên được tham khảo về các tù nhân trại Guantanamo từ năm 2008, giải thích là không thể để cho mọi người chết như vậy vì điều này là trái với nguyên tắc, đạo đức y khoa.

Chạy marathon để được đến Bắc Triều Tiên

Chuyển sang Châu Á, L’Obs đưa độc giả đến với đất nước khép kín nhất thế giới - Bắc Triều Tiên - qua bài phóng sự của phóng viên ảnh Maja Atie. Để được đến Bắc Triều tiên du lịch, nữ phóng viên ảnh Maja Atie đã liều lĩnh đăng ký tham gia giải marathon Mangyongdae Prize Marathon do Bình nhưỡng tổ chức vào tháng 04 hàng năm và cho phép người ngoại quốc tham gia, cho dù cô chưa từng chạy việt dã. Sau đó thông qua dịch vụ của một lữ hành đoàn Trung Quốc, Maja Atie có được visa du lịch của Bình Nhưỡng để được lưu lại Bắc Triều Tiên tham quan sau giải marathon.

Thay vì tập chạy việt dã, nữ phóng viên Maja Atie lao vào kiếm thông tin trên mạng, tìm cách gặp những người từng đến Bắc Triều Tiên để tìm hiểu mọi việc, chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu. Cô nhận được một tài liệu 17 trang thông báo những điều phải làm và không được làm khi đến đất nước này. Những vi phạm được cho là nhỏ nhặt ở các quốc gia khác có thể sẽ bị trừng phạt nặng ở Bắc Triều Tiên. Điều cuối cùng trong tài liệu này là Bình Nhưỡng cấm mọi nhà báo, phóng viên đến Bắc Triều Tiên với visa du lịch !

Trên tàu từ Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên, phóng viên Maja Atie nhìn thấy rất nhiều nông dân cào đất, nhiều khi là bằng tay không, có rất ít máy kéo, chỉ có xe bò, xe đạp và nhiều người dân đi bộ. Tại Bình Nhưỡng, quy hoạch đô thị là phương tiện để chính quyền phô trương sức mạnh. Các tòa tháp đều nhằm ngợi ca tính hiện đại và xa hoa của chế độ.

Ban đêm, thành phố tối om, điện chỉ để thắp sáng các công trình tưởng niệm, tượng và ảnh của các lãnh tụ Kim Il-sung và Kim Jong-il, vài tòa nhà của chính quyền. Tại đa phần các đường phố, hệ thống đèn chiếu sáng rất ít, thậm chí là không có. Nhiều người đi bộ trên phố với đèn pin trong tay.

Sau giải marathon, Maja Atie đi tham quan Bình Nhưỡng. Thư viện thành phố, dường như cũng giống các trường học và công trình văn hóa, không có hệ thống sưởi ấm. Hiệu sách mà cô được đưa tới thăm chỉ có toàn sách dịch từ các tác phẩm của Kim Il-sung và Kim Jong-il. Phóng viên Atie hài hước nhận xét dường như mọi cuốn sách được phát hành tại đất nước này đều do cha con Kim Il-sung và Kim Jong-il viết ! Phóng viên Atie cũng có cảm giác người dân Bắc Triều Tiên đang sống trong một thế giới mà quá khứ tồn tại song song với hiện tại, và rồi tương lai cũng sẽ chỉ hướng về quá khứ.

Thân thiện với môi trường ngay cả sau khi qua đời

Trong lĩnh vực môi trường, xã hội, báo Le Point giới thiệu bài viết "Thân thiện với môi trường ngay cả sau khi qua đời", nhân sự kiện bang Washington, Mỹ, mới đây cho phép tạo phân ủ từ thi thể người quá cố để bón cây. Đây được coi là một phương pháp mai táng thân thiện với môi trường. Washington là bang đầu tiên tại nước Mỹ cho phép làm điều này.

Các phương pháp chôn cất hay hỏa táng hiện tại đều gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tại bang Washington, hiện có 22.000 nghĩa trang, mỗi năm làm ngấm vào đất 16 triệu tấn hóa chất, phần lớn là formaldéhyde, chất có nguy cơ gây bệnh ung thư, tiêu tốn 1,6 triệu tấn bê tông, 47 triệu m3 ván gỗ và hàng chục ngàn tấn đồng… Hỏa táng cũng không kém phần ô nhiễm, vì thải nhiều khí CO2, phát tán thủy ngân và tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo một cơ quan thống kê, tới năm 2037, hàng năm Mỹ sẽ có 3,6 triệu người qua đời, nhiều hơn 1 triệu người mỗi năm so với con số người chết năm 2015, nghĩa trang sẽ không còn chỗ cho người quá cố.

Ý thức được về điều này, phong trào mai táng thân thiện với môi trường đang dần phát triển. Khoảng 15 bang ở Mỹ đã hợp pháp hóa biện pháp hóa lỏng thi thể người chết bằng dung dịch gồm nước và xút ở nhiệt độ cao. Thi thể người chết sẽ tan sau 4-6 giờ, chỉ còn lại một chất lỏng màu cà phê. Tiêu tốn ít năng lượng và thải ít khí carbon, nhưng công nghệ hóa lỏng thi thể người quá cố lại bị coi là gây tốn nước và thải chất lỏng ra hệ thống thoát nước chung.

Một công nghệ khác được gọi là "pyjama ninja", để chỉ một bộ quần áo màu đen có vạch trắng, lớp vải bên trong có một loại nấm ăn thịt. Người quá cố được mặc bộ quần áo này, đặt nằm dưới đất, loại nấm ăn thịt sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể và hấp thụ độc tố toxin có trong thi thể người chết để tạo thành một loại phân bón sạch. Một bộ "pyjama ninja" có giá 1.500 đô la, nhưng công ty phân phối cho biết họ đang hết hàng.

Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác gần gũi với thiên nhiên như chôn cất người chết chỉ trong một tấm vải liệm, không quan tài hoặc trong quan tài tự phân hủy, không có bia mộ, hoặc trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Đây không phải các hình thức chôn cất mới, mà đã có từ thời xa xưa. Điều mới là giờ đây người ta coi thi thể người chết như một sản phẩm tự nhiên, được xử lý để góp phần bảo vệ và nuôi dưỡng thiên nhiên.

Thùy Dương

Published in Châu Á