Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ sắp đến Pakistan để gây sức ép (RFI, 07/10/2017)

Theo AFP ngày 07/10/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tuần tới sẽ điều hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng đi công tác tại Pakistan. Mục tiêu là nhằm gây áp lực lên quốc gia đồng minh bị cáo buộc là đã làm ngơ cho một số nhóm thánh chiến.

nam1

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (p) gặp đồng nhiệm Pakistan Khawaja Muhammad Asif tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington ngày 04/10/2017. 10 năm 2017. Reuters / Yuri Gripas

Vài tuần sau khi ông Trump chỉ trích Islamabad "chứa chấp những kẻ gây hỗn loạn", ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến đến Pakistan vào cuối tháng 10. Theo nhiều nguồn tin Mỹ và Pakistan, sau đó bộ trưởng quốc phòng James Mattis cũng sẽ theo chân. Chuyến viếng thăm của hai vị bộ trưởng Mỹ nhằm chuyển giao thông điệp là Pakistan cần chấm dứt việc ủng hộ các nhóm thánh chiến.

Washington rất bực tức khi thấy Pakistan cho một số nhóm thánh chiến hoặc quân Taliban trú ngụ, trong khi lực lượng Mỹ đang chiến đấu với những nhóm này bên kia biên giới, ở Afghanistan.

Quan hệ giữa hai nước đặc biệt căng thẳng từ năm 2011, sau khi tổng thống Barack Obama bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Usama bin Laden tại Abbottabad, thành phố có các khu gia binh Pakistan.

Tình hình đến nay vẫn không tốt đẹp hơn. Hồi tháng Tám, tổng thống Donald Trump đòi hỏi Pakistan phải thay đổi thái độ. Ông nói : "Chúng tôi đã viện trợ hàng tỉ và hàng tỉ đô la cho Pakistan, nhưng đồng thời họ lại chứa chấp chính những tên khủng bố mà chúng tôi phải chiến đấu".

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tuần này nhắc lại trước Quốc Hội, là ông sẽ "cố gắng thêm một lần nữa để xem có cải thiện được gì không".

Ngoại trưởng Pakistan, công du Hoa Kỳ hôm thứ Tư 4/10 cho rằng những cáo buộc của Mỹ là "không có cơ sở", "không thể chấp nhận được", "không thể nói chuyện với những người bạn từ 70 năm kiểu như vậy".

Thụy My

*****************

Nam Á : Ấn Độ tìm cách đối phó với tiền của Trung Quốc (RFI, 07/10/2017)

Ấn Độ tìm cách bảo vệ phạm vi ảnh hưởng lâu năm tại Nam Á, khu vực đang được Trung Quốc đầu tư hàng triệu đô la. Nhiều chuyên gia tham dự hội nghị Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại New Delhi, diễn ra từ ngày 04-06/10/2017, cho rằng Ấn Độ phải phát huy thế mạnh riêng thay vì đối chọi với tiền của Trung Quốc.

nam2

Đồng nhân dân tệ (yuan) Trung Quốc (Ảnh minh họa) - Reuters/Thomas White

Trả lời kênh CNBC ngày 06/10, thượng nghị sĩ Ấn Độ Shashi Tharoor nhận định : "Trung Quốc có thừa vốn để đầu tư, chúng tôi thì không thể, nhưng chúng tôi có thể tự lực trong những lĩnh vực có giá trị khác nhau. Đây là điều luôn được đánh giá cao và theo đuổi".

Có nghĩa là để tránh bị Trung Quốc lấn lướt trên sân nhà, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nên tiếp tục xuất khẩu công nghệ giá rẻ và cung cấp các khoản tín dụng phát triển ưu đãi. Vì từ lâu Ấn Độ đã nổi lên là quốc gia hàng đầu về công nghệ chi phí thấp ở Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài dược phẩm giá phải chăng rất được quan tâm, Ấn Độ cũng đang dẫn đầu trong ngành năng lượng mặt trời.

Biên tập viên đối ngoại Suhasini Haidar của tờ The Hindu khẳng định New Delhi "sẽ gây thất vọng nếu quyết tâm cạnh tranh với Trung Quốc trên mặt trận đầu tư", thay vào đó, nên phát huy lợi thế vì Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự với các nước trong vùng, như đói nghèo và thời tiết khắc nghiệt.

Còn theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Leela Ponappa, New Delhi còn có thể hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế của các nước Nam Á với những khoản vay bằng đồng rupi Ấn để giảm các vấn đề liên quan đến tỉ giá hối đoái và phá giá đồng tiền.

CNBC nhắc lại, để theo đuổi tham vọng dự án "Một Vành Đai, Một Con Đường", Bắc Kinh đã đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng khác nhau ngay trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ, như cảng Hambantota tại Sri Lanka, Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan. Điều này đã khiến New Delhi tức giận và từ chối tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Ngoài ra, còn phải kể thêm sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai cường quốc Châu Á cả về tăng trưởng kinh tế lẫn tranh chấp biên giới trên cao nguyên Doklam từ tháng 09/2017.

Thu Hằng

Published in Châu Á