Tân Cương : Trung Quốc cô lập cha mẹ, tẩy não trẻ em Duy Ngô Nhĩ
Vịnh Ba Tư tăng nhiệt ; Lễ hạ thủy tàu ngầm nguyên tử đa năng của Pháp ; Liga – đảng cực hữu Ý bị tố làm "nội gián" cho Moskva ; Chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc cô lập cha mẹ đồng thời nhồi sọ trẻ con là những sự kiện được báo chí Pháp tường thuật rộng rãi hôm nay 12/07/2019.
Biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ : "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng !" Reuters/Denis Balibouse
Người Duy Nhô Nhĩ bị cải tạo từ thời thơ ấu
Nhân danh chống khủng bố, Trung Quốc mở các trại "học tập" khổng lồ chia cắt gia đình người Duy Ngô Nhĩ : người lớn bị cải tạo chính trị , trẻ con học làm người Hán, thảm kịch của người dân Tân Cương theo đạo Hồi trong chính sách Hán hóa của Đảng cộng sản Trung Quốc : "Anh tôi, chị dâu, mẹ vợ, hai ông anh bà con, vợ chồng một người bác, kẻ bị đưa đi học tập, kẻ bị ở tù…. bốn cháu nhỏ có đứa mới 9 tuổi không ai chăm sóc nay không biết ở đâu".
Trên đây là tình cảnh gia đình của một doanh nhân người Duy Ngô Nhĩ 37 tuổi nhân một chuyến đi tu nghiệp cách nay hai năm từ chối trở về Tân Cương và đang tỵ nạn tại Mỹ.
Các trẻ em Duy Ngô Nhĩ sống như thế nào khi cha mẹ mất tích ? Để trả lời câu hỏi này, Le Monde tìm cách điều tra riêng cũng như dựa vào công trình điều tra mới của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zens tổng hợp, phân tích tài liệu chính thức từ một số chính quyền địa phương như Kachgar và Hotan.
Song song với việc lập những nhà tù khổng lồ được gọi là "trường dạy nghề" cho người Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh còn mở thêm hay nới rộng hàng trăm "trung tâm cứu trợ" gọi là nhà "nội trú" hay "trại mồi côi" từ năm 2017. Chế độ Trung Quốc biện giải là cần phải "đánh mạnh" để tiêu diệt khủng bố Hồi giáo, nhưng mục tiêu thực sự không phải chỉ vì chống thánh chiến.
Bởi vì có đến 10% người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị giam cầm, bị nhồi sọ chính trị, mỗi ngày mất nhiều tiếng đồng hồ học tập ca tụng Đảng cộng sản Trung Quốc, học chữ Hán và công kích đạo Hồi. Những người phản kháng bị trừng phạt qua hình thức biệt giam hay bị tra tấn.
Sau khi bị quốc tế công bố hình ảnh và nhân chứng tố cáo không thể chối cãi, từ cuối năm 2018, Trung Quốc đổi chiến thuật, gián tiếp nhìn nhận có nhà tù nhưng gọi đây là "trung tâm dạy nghề cho những phần tử cực đoan". Câu hỏi đặt ra là khi hàng triệu người lớn đi cải tạo thì con cái của họ ai lo ? Một ngôi làng mà đa số dân là Duy Ngô Nhĩ cho biết có 400 trẻ em được chính quyền "chăm lo" trong khi cả cha lẫn mẹ học tập. Hằng trăm đứa khác thiếu một trong hai thân sinh. Huyện Kachgar, gần biên giới Pakistan chi một số tiền tương đương với khoảng 8 triệu đô la cho các trại "nội trú" này theo tài liệu ghi hồi tháng 05/2018. Làng Hotan, dự kiến tài trợ 1,5 triệu đô la… để xin trung ương tăng ngân sách.
Tuyên truyền
Hoàn Cầu Thời Báo, trong số phát hành ngày 21/01/2018 mô tả các trẻ em rất "hạnh phúc" khi được sống xa cha mẹ là những kẻ cuồng tín. Lúc ở chung với cha mẹ, các em không được dạy dỗ, không biết vệ sinh, không có tác phong tốt và do vậy bị cộng đồng không theo đạo Hồi khinh khi. Trái lại, khi được nhà nước chăm sóc, sống trong môi trường tốt, khẩu hiệu tích cực, các em phát triển hài hòa, biết tắm giặt, đánh răng và biết giao tiếp hơn.
Sự thật
Nhưng theo Le Monde, thực tế không phải vậy. Nhân chứng là một giáo viên tình nguyện thuật lại trên mạng của giáo chức Giang Tây : Tháng 12/2018, trong giá rét 20 độ âm, trẻ em không có áo ấm. Nhưng điều gây "sốc" nhất là các em không có quần áo để thay, cũng không tắm. Tình trạng dơ bẩn đến mức bốc mùi hôi cả lớp.
Ngoài số trẻ con có cha mẹ đi tù, chính quyền địa phương còn ép những gia đình khác đưa con vào trung tâm "nội trú" với thâm ý cách ly trẻ nhỏ bắt đầu từ 8, 9 tuổi với cha mẹ. Một bằng chứng cụ thể là ở Yechang, không xa huyện Kachgar, một trung tâm nội trú đang được xây cất, rộng 75.000 mét vuông, có thể chứa 5.000 trẻ em. Một số trại dành cho trẻ sơ sinh, dưới một tuổi, cũng đã được phát hiện.
Trong các trại này, trẻ con Tân Cương bị cấm nói tiếng mẹ đẻ. Học sinh bị bắt gặp nói tiếng Duy Ngô Nhĩ bị trừng phạt, thầy giáo nói tiếng Duy Ngô Nhĩ bị trừ lương.
Theo nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zens, Trung Quốc tìm cách tiêu diệt mọi liên hệ văn hóa, ngôn ngữ cội nguồn của trẻ em Duy Ngô Nhĩ một cách áp bức và có hệ thống. Mục tiêu sâu xa là biến nạn nhân thành người Hán, từ trái tim cho đến tinh thần, tuân thủ ý thức hệ của Đảng cộng sản.
Cực hữu Ý nhận tiền Nga ?
Về thời sự chính trị Châu Âu, các thông tín viên của Le Monde từ Moskva tổng hợp các thông tin và chứng cớ mới nhất cáo buộc đảng Liga, tên cũ là Liên đoàn phương Bắc, tổ chức cực hữu bài ngoại của Ý trong liên minh cầm quyền, nhận hàng chục triệu đô la của Nga.
Cũng tương tự như vụ tai tiếng làm phó thủ tướng Áo và toàn bộ 5 thành viên cực hữu Áo từ chức, vụ Nga tài trợ cho đảng dân túy Ý bại lộ nhờ một đoạn băng dài gần một giờ rưỡi. Ba đặc phái viên của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ, ông Matteo Salvini gặp ba đặc phái viên của tổng thống Nga Putin tại khách sạn Metropol ở Moskva vào ngày 18/10/2018. Về tài chính, thảo luận tập trung vào thủ thuật "trung gian môi giới" để Nga bán khí đốt cho tập đoàn năng lượng ý ENI dội lên một số tiền 65 triệu đô la.
Chưa có bằng chứng cho phép xác quyết là "hợp đồng" đã được hai bên giao kết nhưng Gianluca Savoini, chủ tịch hiệp hội Lombardia - Nga bị kể đích danh, nhìn nhận là có cuộc họp tại khách sạn Metropol. Đương nhiên là bộ trưởng nội vụ, lãnh đạo cực hữu phủ nhận tất cả và đòi kiện BuzzFeed, cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin cũng như hai nhà báo Ý tác giả quyển sách "Sổ bìa đen của Liga". Các tổ chức đối lập thuộc cánh tả kêu gọi bộ trưởng nội vụ "giải thích" .
Theo Le Monde, không phải chỉ có phe cực hữu Ý bị nghi ngờ nhận tiền của Nga. Phe bài ngoại ở Áo, ở Pháp bị tố cáo nhiều lần trong những năm gần đây. Tiếp theo là đảng cực hữu Đức AfD cũng bị tai tiếng. Tuy nhiên, điều nghiêm trọng đối với cực hữu Ý là trong đoạn băng, đại diện của Matteo Salvini nói rõ "mục đích chính trị" của phe này trong bối cảnh chuyến viếng thăm chính thức của bộ trưởng nội vụ Ý.
Trong cuộc họp báo một ngày trước (17/10), Matteo Salvini một lần nữa khẳng định quan điểm "chống trừng phạt nước Nga" và tuyên bố ông "cảm thấy thoải mái với Moskva, như là ở nhà, hơn là với Bruxelles".
Vịnh Ba Tư lên cơn sốt
Trong khi đó, vùng Vịnh Ba Tư lên cơn sốt mới, Hoa Kỳ thúc giục thành lập liên minh quốc tế hộ tống tàu dầu đương đầu với hải thuyền của Iran.
Le Figaro không dấu lo ngại chiến tranh nổ ra tại vùng Vịnh cho dù không phe nào mong muốn. Trò chơi hải chiến đã được chuẩn bị từ nhiều ngày qua tại vịnh Ba Tư và eo biển Ormuz. Hải thuyền đối nghịch nhau đang được bố trí, quan sát nhau, khiêu khích nhau nhưng chưa có chiếc nào bị đánh chìm.
Tình hình phức tạp thêm từ khi hải quân Anh tịch thu một chiếc tàu dầu của Iran làm cho nỗ lực của Pháp tạo điều kiện hạ hỏa cả Mỹ lẫn Iran, cùng với các nước Châu Âu ký hiệp định hạt nhân 2015, gặp khó khăn hơn.
Kế hoạch của Donald Trump là huy động các nước lập một liên quân Tây phương, Ả Rập và Châu Á trên biển cũng như trên không để bảo vệ con đường huyết mạch ở Trung Đông. Nhưng dồn vũ khí vào vịnh Ba Tư chỉ làm tăng thêm rủi ro chiến tranh.
Trích dẫn cựu đại sứ Pháp Michel Duclos, Le Figaro dự báo tình hình sẽ căng thẳng thêm bởi vì chiến thuật của Iran là "châm lửa vào lò thuốc súng bằng cách tấn công vào quyền lợi của một nước thứ ba để trắc nghiệm, để rồi sau đó đánh thẳng vào quyền lợi nước Mỹ".
Baracuda
Tại Pháp, vụ bộ trưởng bộ môi trường François de Rugy bị báo chí tố cáo lạm dụng chức quyền lúc làm chủ tịch quốc hội tiếp tục "làm bia" trên các trang báo Pháp hôm nay. Trong lãnh vực quốc phòng, sự kiện nổi bật nhất là chiếc tàu ngầm hạt nhân đa năng đầu tiên của thế hệ "baracuda" được hạ thủy.
Không hẹn nhưng tất cả báo Pháp kể cả La Croix đều tập trung vào chiếc tầu ngầm thế hệ mới nhất của Pháp được trình làng trong ngày hôm nay, trước khi đi vào giai đoạn trắc nghiệm.
Đa năng bởi vì thế hệ "Baracuda" vừa có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, vừa chuyển biệt kích đổ bộ và nhất là lặn sâu 70 ngày không cần tiếp liệu. Theo chương trình, hải quân Pháp mua sáu chiếc, hải quân Úc 12 chiếc để nâng cấp khả năng hải chiến trong ít nhất 30 năm từ 2030 cho đến 2060.
Tú Anh