Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc lên kế hoạch lập "căn cứ hậu cần chiến lược" ở Hoàng Sa (RFI, 19/03/2019)

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 18/03/2019, thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc vừa cho biết sẽ đẩy mạnh một kế hoạch biến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và hai đảo nhỏ lân cận thành một căn cứ hậu cần chiến lược nhằm phục vụ cho các hoạt động tại Biển Đông. Đây là kế hoạch do chính quyền trung ương Bắc Kinh chỉ đạo.

bd1

Khu dành cho báo chí tại Diễn đàn Bác Ngao Châu Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 10/04/2018 Reuters/Joseph Campbell

Theo South China Morning Post, chính quyền thành phố Tam Sa, đơn vị được Bắc Kinh giao trách nhiệm quản lý Biển Đông, hôm thứ Sáu 15/03 vừa qua đã tổ chức một cuộc họp bàn về kế hoạch phát triển địa phương này, theo đó các đảo Phú Lâm, và hai đảo nhỏ Duy Mộng (Drummond) và đảo Cây (Tree) thuộc Hoàng Sa sẽ trở thành một "căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược quốc gia thiết yếu" .

Chủ trì cuộc họp, bí thư thành ủy Tam Sa Trương Quân (Zhang Jun) đã nhấn mạnh là kế hoạch xây dựng trên theo đúng tinh thần bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái (2018), cũng như một chỉ thị của chính phủ trung ương đưa ra vào tháng 4 cùng năm nhân 30 năm ngày thành lập tỉnh Hải Nam.

Theo SCMP, kế hoạch biến Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974 thành căn cứ hậu cần chiến lược của Bắc Kinh tại Biển Đông được tiết lộ trong bối cảnh hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng bị thế giới theo dõi, trong lúc Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trong vùng.

Hôm 12/03 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cực lực chỉ trích Trung Quốc về việc "xây đảo nhân tạo trái phép trên tuyến hàng hải quốc tế", và dùng các "biện pháp cưỡng bức" để ngăn chặn các dự án phát triển năng lượng của nước khác ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã lập tức tố cáo Washington, với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng đó là những tuyên bố "vô trách nhiệm", của một "quốc gia ngoài khu vực" đã liên tiếp tìm cách gây bất ổn định trong khu vực.

Tư lệnh Hạm Đội 7 : Sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc

Trong bối cảnh khẩu chiến Mỹ-Trung về Biển Đông tiếp tục gay gắt, tư lệnh Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ, phó đô đốc Phillip Sawyer, vào hôm qua, 18/03 đã khẳng định trở lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp các hành vi hung hăng và khiêu khích của Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ AP, phó đô đốc Mỹ đã nêu ví dụ về hành động nguy hiểm của một chiến hạm Trung Quốc, cắt ngang đường đi của khu trục hạm Mỹ USS Decatur vào tháng 9 năm 2018, khi con tàu đang tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa đang do Trung Quốc kiểm soát. Đối với ông Sawyer, hành động của tàu Trung Quốc là ví dụ về một "cách hành xử thiếu chuyên nghiệp" của Trung Quốc mà ông phản đối.

Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Philippines sau chuyến thăm của soái hạm Mỹ USS Blue Ridge, tư lệnh Hạm Đội 7 nhấn mạnh rằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ sẽ tiếp tục cho đến khi không còn những yêu sách tuyên bố chủ quyền quá đáng trên thế giới.

Trang mạng GMA của Philippines thì nêu bật tuyên bố của tư lệnh Hạm Đội 7 Hoa Kỳ phản đối âm mưu của Trung Quốc gạt Mỹ ra khỏi các cuộc tập trận với các quốc gia Đông Nam Á. Đối với ông Sawyer, kế hoạch của Bắc Kinh là điều không thể chấp nhận được và là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Trọng Nghĩa

******************

Trung Quốc nêu kế hoạch phát triển căn cứ hậu cần- dịch vụ tại Hoàng Sa (RFA, 19/03/2019)

Kế hoạch xây dựng cái được mệnh danh là ‘thành phố đảo’ trên Phú Lâm và hai đảo nhỏ Cây và Duy Mộng thuộc Hoàng Sa sẽ được phía Trung Quốc đẩy nhanh trong thời gian tới.

bd2

Hình chụp vệ tinh đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa hôm 25/1/2018 - Courtesy of AMTI (CSIS)

Bí thư thành phố Tam Sa chủ trì một cuộc họp diễn ra hôm thứ Sáu tuần rồi và nêu rõ kế hoạch trên trang chủ của thành phố này.

Tam Sa, một phần của tỉnh Hải Nam, được Trung Quốc thành lập vào năm 2012.

Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu vào ngày 18 tháng 3 dẫn phát biểu của bí thư Thành phố Tam Sa rằng cần lập kế hoạch phát triển toàn diện một cách cẩn thận đối với các đảo và bãi đá tại Hoàng Sa. Kế hoạch này dựa trên những chức năng khác nhau, xét đến mối quan hệ bổ sung giữa chúng.

Bí thư Thành phố Tam Sa cho biết thêm là kế hoạch phát triển được thực hiện theo tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái và một chỉ thị của chính phủ trung ương đưa ra nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Hải Nam vào tháng tư năm 2018.

Tuy bí thư Tam Sa không cho biết rõ chi tiết kế hoạch phát triển đề ra ; ông này cho rằng Tam Sa phải có những bước tích cực và thể hiện những sáng kiến của thành phố nhằm có thể đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo đảng.

Cuộc họp về kế hoạch phát triển ‘thành phố đảo’ như vừa nêu được tiến hành vào khi những hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông tiếp tục bị cộng đồng quốc tế để mắt đến. Phía Hoa Kỳ đã cho tàu chiến và máy bay ném bom chiến lược B-52 đi qua vùng này để đối trọng lại hoạt động bị cho là ‘quyết đoán’ của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng này.

Vị bí thư Tam Sa nói rõ mục tiêu xây dựng thành phố đảo là biến Phú Lâm, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, và hai đảo Cây và Duy Mộng thành một căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược chính của đất nước.

*******************

Các lực lượng quân đội Châu Âu sẽ có thêm hoạt động tại Ấn Độ-Thái Bình Dương (RFA, 19/03/2019)

Các quốc gia Châu Âu sẽ củng cố sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, gồm cả gia tăng các chiến dịch hải quân, nhằm đối trọng lại với hoạt động ‘quyết đoán’ của Trung Quốc tại vùng biển này.

bd3

Hình minh họa. Hình chụp hôm 19/5/2017 của Hải quân Mỹ : tàu chiến của Hải quân Mỹ ở Biển Đông - AFP

Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin ngày 19 tháng 3 dẫn nguồn từ giới phân tích và một nguồn tin ngoại giao như vừa nêu.

Cụ thể Liên Minh Châu Âu đã khởi sự dấu ấn tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là phát biểu của bà Liselotte Odgaard, một chuyên gia tại Viện Hudson ở Washington, đưa ra hôm 18 tháng 3.

Theo bà Liselotte Odgaard, Liên Minh Châu Âu đã có một đường lối chính sách chung như đối trọng lại sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải ; tuy thế vẫn chưa thể đi sâu vào những sáng kiến chính sách cụ thể. Do đó những nhóm quốc gia trong liên minh sẽ thực hiện và đó là điều mà giới chuyên gia nhận thấy đang gia tăng.

Hoạt động bồi lấp nên những đảo nhân tạo và quân sự tại Biển Đông do phía Trung Quốc tiến hành lâu nay gây quan ngại cho Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh. Liên Minh Châu Âu và một số nước thành viên lâu nay lặp đi, lặp lại quan ngại này.

Ân Độ cũng quan ngại về sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Biển Đông có tuyến đường hàng hải mà lượng hàng hóa đi qua mỗi năm được thống kê lên đến chừng 3 ngàn tỷ đô la Mỹ ; chiếm thứ ba tổng mậu dịch toàn cầu.

Trung Quốc đơn phương vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông. Đây là nơi có tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong khu vực ngoài Trung Quốc và Đài Laon ; gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Published in Châu Á