Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhiều người Việt Nam lo Trung Quốc 'thôn tính' đất ven biển (BBC, 16/05/2020)

Bộ Quốc phòng Việt Nam nói các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố sẽ rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến người Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

lo1

Một khu vực gần sân bay Nước Mặn của Đà Nẵng

Đây là tiết lộ trong trả lời của Bộ Quốc phòng với cử tri Hải Phòng, liên quan lo ngại người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng và một số nơi khác.

Phản hồi lại quan ngại của cử tri Hải Phòng về tình trạng thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết hầu hết các lô đất do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu ở Đà Nẵng đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

lo2

Du khách Trung Quốc ở Nha Trang, 2017

Báo Thanh Niên mô tả đây là "lần đầu tiên" Bộ Quốc phòng trả lời cử tri với các thông tin rất cụ thể.

Thống kê khá chi tiết nói về những vụ việc theo đó người Trung Quốc đầu tư cho người Việt "núp bóng" mua đất theo lô và việc doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê của UBND Thành phố Đà Nẵng.

lo3

Du khách Trung Quốc ở Nha Trang

Thống kê của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói trong giai đoạn 2011-2015 ít nhất 8 người Việt (6 là người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỉ đồng và có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm.

'Thôn tính'

Để sở hữu các lô đất, người Trung Quốc được cho là đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.

lo4

Vị trí khu vực đất được những 'người nước ngoài giấu mặt' mua nằm gần đường Võ Nguyên Giáp và sân bay Nước Mặn

Bộ Quốc phòng mô tả chiêu thức thâu tóm đất được thực hiện theo hai hình thức, qua doanh nghiệp và cá nhân.

Thứ nhất, người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam (bên góp vốn chủ yếu bằng đất) và dần dần nắm đất thông qua việc tăng vốn sở hữu khi giành quyền điều hành doanh nghiệp.

Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (đa phần là người Việt gốc Hoa) để mua đất.

Phần trả lời cử tri trên trang Quốc hội cũng dẫn chiếu điều mà Bộ Quốc phòng nói là có cơ sở về những quan ngại mà "cử tri và dư luận xã hội" nêu về việc chính quyền Thành phố Đà Nẵng từng cấp chứng nhận quyền sử dụng "21 lô đất ven biển đứng tên người Trung Quốc".

Chưa rõ vì sao sau 6 tháng mới nêu lại vụ việc mà Thủ tướng Phúc hồi tháng 10 năm 2019 từng yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng xử lý.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, 83% doanh nghiệp "có yếu tố" Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới biển (5.393,7 ha), và 17% còn lại tại khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, tổng cộng hơn 6.300 ha đất biên giới.

Đáng chú ý tổng số vốn đầu tư cho khu vực biên giới biển là 29,235 tỉ USD so với 1,637 tỉ USD tại khu vực biên giới đất liền với địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận ...

lo5

Quảng Ninh ngày 16/5 : Người dân Việt Nam đi lại bình thường

Phần trả lời câu hỏi cử tri nói Bộ Quốc phòng Việt Nam đề xuất "điều chỉnh những bất cập của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động và chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá".

Trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội hồi tháng 6/2019 về thực trạng người Việt đứng tên mua đất đai cho người Trung Quốc, những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và liệu Bộ Công an có thể giải quyết dứt điểm chuyện này không, Bộ trưởng Tô Lâm khi đó nói Bộ này coi đó là một mặt phát triển quan hệ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, cho nhà đầu tư trong môi trường kinh doanh tốt.

"Chúng tôi không coi đơn thuần chỉ là những vấn đề về quan hệ thương mại, ở mức độ thế nào, tập trung thế nào hoặc đối với những dự án nào, khu dân cư nào, theo phát triển, theo mật độ người nước ngoài ở mức độ như thế nào để bảo đảm được vấn đề an ninh quốc gia chúng tôi sẽ có tính toán, đề xuất, biện pháp để báo cáo với cơ quan chức năng phối hợp với các ngành, kể cả thương mại và xây dựng để quản lý những vấn đề này", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời hôm 4/6/2019 tại Quốc hội.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 16/05/2020

*********************

Biển Đông : Tàu khảo sát Trung Quốc rời khỏi vùng biển Malaysia (RFI, 16/05/2020)

Sau một tháng đối đầu với một tàu khoan dầu của Malaysia trên Biển Đông, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Malaysia, theo các dữ liệu được công bố hôm qua.

lo6

Tàu cận chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần tầu khoan dò dầu khí West Capella, treo cờ Panama, tại Biển Đông, ngày 12/05/2020. © U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 2nd Class Brenton Poyser

Theo hãng tin Reuters, các dữ liệu từ trang mạng Marine Traffic cho thấy là hôm qua, tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, đi theo hướng bắc về phía Trung Quốc, với sự hộ tống của ít nhất hai tàu khác của Trung Quốc.

Kể từ giữa tháng 4 tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã đến khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần khu vực mà một tàu khoan thăm dò dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas đang hoạt động. Cuộc đối đầu giữa hai bên đã diễn ra suốt một tháng tại vùng biển đang đang tranh chấp. Chiếc tàu khoan dầu mang tên West Capella đã rời khỏi khu vực này từ thứ Ba vừa qua.

Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin cho rằng đã có đối đầu giữa tàu khảo sát Trung Quốc với tàu khoan dầu của Malaysia, khẳng định là Hải Dương Địa Chất 8 chỉ tiến hành các hoạt động "bình thường". Nhưng vụ này đã khiến Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ngưng ngay "những hành vi dọa nạt" ở Biển Đông. Một thời gian ngắn sau khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 đến gần khu vực tàu khoan dầu của Malaysia đang hoạt động, các chiến hạm của hải quân Mỹ và Úc đã tập trận ngay gần khu vực đó.

Vào năm ngoái, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cũng đã có hành động tương tự đối với Việt Nam, tức là cũng vào tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây nên căng thẳng cao độ giữa hai nước.

Thanh Phương

*******************

Trung Quốc lạm dụng tư thế ở thượng nguồn các con sông Châu Á (RFI, 16/05/2020)

Tuần báo Anh The Economist ngày 16/05/2020 đã có bài viết phê phán việc Trung Quốc lạm dụng tư thế quốc gia nằm ở thượng nguồn hai con sông lớn tại Châu Á để bắt chẹt các láng giềng.

lo7

Một cánh đồng khô cằn vì hạn hán tại tỉnh Sóc Trăng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Ảnh tư liệu chụp ngày 30/03/2016. Reuters

Trong bài bình luận "Nếu không bớt xây đập trên thượng nguồn, thì ít ra Trung Quốc nên chia sẻ thông tin", The Economist đã nêu lên trường hợp sông Brahmaputra chảy qua Ấn Độ, và sông Mêkông chảy xuống 5 nước Đông Nam Á (Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam) để chỉ trích việc Bắc Kinh cố tình giữ kín các thông tin về hoạt động của các con đập giữ nước mà họ xây trên thượng nguồn, khiến cho nông dân và ngư dân ở các nước hạ nguồn không thể có được kế hoạch tốt để canh tác hay đánh bắt.

Ghi nhận trước tiên của The Economist là các dòng sông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng là nguồn lý tưởng cho biết bao kế hoạch thủy điện. Do việc Tây Tạng trở nên một vùng lãnh thổ của Trung Quốc, các kỹ sư nước này đã khai thác triệt để nguồn này, không chỉ xây dựng những con đập khổng lồ trên các sông Hoàng Hà, Dương Tử, chảy qua Trung Quốc, mà trên cả các con sông lớn khác như sông Brahmaputra và Mêkông đi qua nhiều nước khác trên đường ra biển.

Bắc Kinh có quyền, nhưng không nên lạm dụng

Theo The Economist, đúng là Trung Quốc có quyền làm như thế. Các quốc gia có được quyền kiểm soát các thượng nguồn các con sông lớn thường sử dụng nguồn nước này cho thủy điện hay thủy lợi. Những nước láng giềng ở hạ nguồn phải chịu thiệt.

Tuy nhiên, nếu quốc gia thượng nguồn khai thác quá mức hay ngăn chặn dòng nước, các vùng bên dưới phải chịu nạn mùa màng khô cằn, ngư nghiệp phá sản, đất trồng trọt nhiễm mặn. Trong những trường hợp tốt nhất, thì các quốc gia liên can có thể tìm cách ký thỏa thuận về việc sử dụng dòng sông, trường hợp tệ nhất là các bên tranh chấp với nhau, gây nên căng thẳng. Đó là tình hình hiện nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, như trong trường hợp sông Mêkông.

Trung Quốc đã xây 11 con đập trên dòng chính và đang dự kiến xây thêm 8 đập khác, còn các nước ở hạ nguồn đã xây hai đập và đang muốn xây thêm 7 đập khác.

Năm ngoái vào lúc hạn hán, sông Mêkông chảy chậm đến nỗi Cam Bốt phải cho một trung tâm thủy điện lớn ngưng hoạt động. Ngay cả khi mưa bình thường, dòng chảy con sông yếu đi đến mức nước mặn tràn vào vùng Châu thổ sông Mêkông, tác hại đến cả Việt Nam lẫn Cam Bốt, phá hoại nguồn cá nuôi sống hàng triệu dân nghèo xứ Chùa Tháp.

Trung Quốc luôn phản đối mọi thỏa thuận, cam kết chính thức về việc giảm xây đập hay bảo đảm cho các láng giềng một lượng nước tối thiểu. Trung Quốc cũng không gia nhập Ủy Hội Sông Mê Kông, một cơ cấu giúp các nước giải quyết tranh chấp.

Vấn đề không chỉ là Trung Quốc cảm thấy khó chịu trước những gì được xem là can thiêp của bên ngoài vào "công việc nội bộ", mà còn là việc lãnh đạo Trung Quốc bị những đề án kỹ thuật lớn mê hoặc, không quan tâm đến tình cảnh của người dân bị di dời hoặc bị thiệt hại, kể cả khi đó là công dân của họ.

Xây đập ngăn nước, nhưng thiếu chia sẻ thông tin cho láng giềng

Trung Quốc rất thích và giỏi về xây các con đập lớn, họ đã giúp Pakistan xây đập trên sông Indus, đang cố cổ vũ Miến Điện xây một đập lớn trên sông Irrawaddy mà phụ lưu chỉ chảy qua Trung Quốc trên vài cây số.

Thế nhưng cho dù Trung Quốc không thể tự kềm chế trong việc xây đập, thì ít ra họ cũng nên cố gắng thêm để trấn an các láng giềng, chia sẻ thông tin thường xuyên về lưu lượng sẽ là một khởi đầu tốt.

Năm 2017, trong lúc tranh chấp với Ấn Độ, Trung Quốc đã không cung cấp thông tin về lưu lượng sông Brahmaputra, được sử dụng để cảnh báo cho nông dân ở hạ nguồn về lũ lụt. Và hai bên đã phải tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh, để có lại những thông tin.

Đối với The Economist, viêc chia sẻ thông tin sẽ được các quốc gia hạ nguồn tán thưởng vì biết được lúc nào thì các đập thủy điện Trung Quốc muốn giữ hay xả nước để nông dân và ngư dân của họ có thời gian chuẩn bị. Trung Quốc cũng không bị thiệt gì, nếu giúp giảm nhẹ hạn hán khi có thể. Và như thế họ sẽ được biết bao lời biết ơn.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á