Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Bắc Kinh lại cách ly gần nửa triệu dân gần thủ đô (RFI, 29/06/2020)

Chính quyền Trung Quốc ngày 28/06/2020 đánh giá tình hình dịch Covid-19 gần thủ đô Bắc Kinh "nghiêm trọng và phức tạp". Từ hai tuần qua số ca lây nhiễm tăng lên trở lại, thêm 12 ca dương tính với virus corona được ghi nhận trong ngày hôm nay.

pekin1

Một nhân viên giao hàng trước cửa một khu nhà bị phong tỏa do dịch Covid-19, Bắc Kinh ngày 29/06/2020. Reuters - Tingshu Wang

Theo các giới chức y tế Trung Quốc, trong hai tuần qua đã có thêm hơn 3.000 ca nhiễm chung quanh khu vực thủ đô Bắc Kinh. Chiều qua, chính quyền địa phương thông báo huyện Yên Tân, thuộc tỉnh hồ Bắc, và cách Bắc Kinh 150 cây số về phía nam đã bị đặt vào tình trạng cách ly.

Cho tới khi có lệnh mới, mỗi ngày mỗi hộ gia đình chỉ được phép cho một thành viên ra khỏi nhà để đi chợ và mua thuốc men. Tại Bắc Kinh hôm nay có 12 ca nhiễm mới. Một quan chức y tế huyện Yên Tân cho biết dân cư tại đây bị cách ly trong những điều kiện như đã từng được áp dụng tại Vũ Hán hồi tháng Giêng năm nay.

Cũng tại Châu Á, Hàn Quốc ghi nhận thêm 42 ca nhiễm Covid-19. Chính quyền kêu gọi dân chúng hoãn ngày nghỉ hè, tránh lui tới những nơi đông người, do nhiều ổ dịch vẫn còn âm ỉ. Tổng thống Moon Jae In lo ngại tình hình dịch bệnh vẫn chưa "chấm dứt".

Nga, Mỹ có dấu hiệu thuyên giảm

Còn tại Nga, hôm nay chính quyền ghi nhận có thêm 6.719 ca dương tính với virus corona. Đây là mức lây nhiễm thấp nhất kể từ hai tháng vừa qua. Trên toàn quốc có gần 650.000 bệnh nhân Covid-19. Tại Hoa Kỳ, số người chết vì Covid-19 giảm mạnh trong 24 giờ qua. Thêm 288 trường hợp tử vong. Mỹ đã vượt quá ngưỡng 2,5 triệu người nhiễm virus corona và 125.000 ca người thiệt mạng. Đà lây nhiễm vẫn tăng nhanh, thống đốc bang California ngày 28/06/2020 ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar tại thành phố Los Angeles.

Thanh Hà

******************

Hồng Kông : Trả đũa Washington, Bắc Kinh cấm visa công dân Mỹ (RFI, 29/06/2020)

Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục leo thang trả đũa nhau trong hồ sơ Hồng Kông. Bắc Kinh thông báo hạn chế cấp visa cho những người Mỹ đả kích luật an ninh quốc gia.

pekin2

Những người ủng hộ dân chủ tiếp tục xuống đường tại Hồng Kông chống dự luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, ngày 28/06/2020. Reuters - Tyrone Siu

Trong cuộc họp báo ngày 29/06/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : "Để đáp lại các biện pháp của Washington, Trung Quốc quyết định ban hành các biện pháp nghiêm khắc hạn chế cấp visa cho công dân Mỹ nào có thái độ xấu đối với các vấn đề liên quan đến Hồng Kông".

Theo AFP, quyết định trên của Bắc Kinh là nhằm trả đũa Washington. Tuần trước, chính quyền Donald Trump ban hành các biện pháp tương tự chống lại các quan chức, đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia, trấn áp các quyền tự do tại Hồng Kông.

Dự luật này đuợc mô tả là còn trong vòng thảo luận, nhằm đàn áp các phong trào phản kháng khởi đầu từ năm 2019 qua các đợt chống luật dẫn độ, chống sự can thiệp của Bắc Kinh và bạo lực cảnh sát. Bản thân đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga bị đa số dân địa phương xem là con rối của Bắc Kinh.

Còn theo Asia News, cho dù bị đàn áp và lo ngại bị bắt đưa về Hoa lục, phong trào dân chủ Hồng Kông cho biết họ chuẩn bị một cuộc xuống đường vào ngày 01/07. Vào ngày này năm 1997, Hồng Kông chính thức được Luân Đôn trao trả cho Bắc Kinh theo một hiệp ước tôn trọng quy chế "một quốc gia, hai chế độ" cho đến 2047.

Theo hãng tin Công giáo, ban tổ chức hy vọng huy động nửa triệu người biểu tình. Để ngăn chận phe dân chủ biểu dương lực lượng, chính quyền Hồng Kông cũng có kế hoạch bố trí từ 3.000 đến 5.000 cảnh sát.

Tú Anh

******************

Ấn Độ và Trung Quốc ồ ạt đưa quân lên biên giới (RFI, 26/06/2020)

New Delhi lần đầu tiên hôm 25/06/2020 nhìn nhận lực lượng quân sự của Ấn Độ đã tương đương với Trung Quốc tại vùng biên giới Ấn-Trung ở Himalaya, sau vụ đụng độ đẫm máu gần đây.

pekin3

Đoàn xe quân đội Ấn Độ trên đường đến Ladakh, Ảnh 18/06/2020. Reuters - Danish Ismail

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava tuyên bố : "Đôi bên triển khai quân với số lượng lớn trong khu vực, trong khi vẫn tiếp tục duy trì liên lạc về quân sự và ngoại giao". Ông Srivastava cũng tố cáo Trung Quốc đã gây ra căng thẳng, và là phía đầu tiên đã đưa đông đảo binh lính lên vùng biên giới, nên Ấn Độ cũng phải triển khai quân.

Hôm 15/06, lính Ấn Độ và Trung Quốc đã xáp chiến tại Ladakh (bắc Ấn Độ) bằng gậy gộc, gạch đá, các cú đấm… làm 20 quân nhân Ấn thiệt mạng. Thiệt hại về phía Trung Quốc không được công bố, Bắc Kinh có thể giấu kín được nhờ kiểm soát internet và nơi giao chiến là địa điểm hẻo lánh. Đây là vụ đụng độ đầu tiên giữa đôi bên kể từ 45 năm qua. Hai nước láng giềng đổ lỗi cho nhau.

Ấn Độ khẳng định nguyên nhân là hành động của Trung Quốc tại ranh giới tranh chấp vi phạm thỏa thuận giữa đôi bên năm 1962. Từ đầu tháng Năm, Bắc Kinh đã huy động rất đông binh lính và vũ khí dọc theo đường biên giới. Quân Trung Quốc dựng các lều và xây nhiều công trình kiên cố ở thung lũng Galwan, lấn vào lãnh thổ Ấn khoảng 40-50 kilomet vuông. Lính Ấn Độ, sau khi yêu cầu tháo dỡ không được, đã dỡ các lều này và bị quân Trung Quốc tấn công bằng gậy sắt, chày quấn kẽm gai…

Sau vụ đụng độ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nhấn mạnh : "Chủ quyền thung lũng Galwan luôn thuộc về Trung Quốc". Tuy nhiên giáo sư Taylor Fravel chuyên về biên giới, được Hindu Times trích dẫn, bác bỏ khẳng định này, vì chính bản đồ Trung Quốc cho thấy sau cuộc chiến 1962, phía Ấn Độ sở hữu nhiều kilômét lãnh thổ sát thung lũng, nơi xảy ra đụng độ.

Thụy My

Published in Châu Á