Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Hiệp Châu Âu gia tăng trừng phạt Miến Điện

Minh Anh, RFI, 22/06/2021

Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, ngày 21/06/2021, ban hành thêm một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện do cuộc đảo chính lật đổ chế độ dân sự. Cùng ngày, Nga và Miến Điện cam kết thắt chặt hợp tác quân sự giữa hai nước.

mien1

Trụ sở của Ủy Ban Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ.  AFP – Aris Oikonomou

Theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu thông báo cấm nhập cảnh khu vực Liên Âu và phong tỏa tài sản đối với 8 quan chức Miến Điện, bao gồm các bộ trưởng và thứ trưởng, chưởng lý. Trong thông cáo, Bruxelles giải thích những nhân vật này có "trách nhiệm làm suy yếu nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền ở trong nước".

Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu còn đưa vào danh sách trừng phạt bốn thực thể được cho là có liên quan đến quân đội. Đó là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác đá quý, gỗ, nhằm hạn chế "khả năng thu lợi nhuận của tập đoàn quân sự từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên". Tuy nhiên, thông cáo cũng nêu rõ những biện pháp này cũng được thiết lập và áp dụng sao cho không gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến người dân.

Về phần mình, Vương Quốc Anh, sau nhiều loạt trừng phạt đã được ban hành, lần này nhắm đến cả một tập thể là Hội Đồng Hành Chính Quốc Gia – SAC – đóng vai trò như Hội Đồng Nhà Nước, do quân đội lập ra sau đảo chính. Luân Đôn cho rằng cơ quan này "tiếp tục làm xói mòn nền dân chủ và trấn áp thô bạo dân thường".

Nga và Miến Điện tăng cường hợp tác

Trái với thái độ của phương Tây, chính quyền Moskva, hôm qua, 21/06/2021, đã bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền quân sự Miến Điện khi đón tiếp lãnh đạo tập đoàn quân sự tướng Min Aung Hlaing. Trong cuộc gặp này, Nga và Miến Điện cùng cam kết tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quân sự.

Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật :

"Chi tiết và thời gian của chuyến thăm đã không được tiết lộ, và mọi người chỉ biết là Bộ Quốc phòng Nga đã mời tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội Nghị An Ninh Quốc Tế Moskva diễn ra trong tuần này và đương nhiên, ông sẽ có cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng Nga, Serguei Choigou.

Chuyến đi có nhiều khả năng và gần như chắc chắn là liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí mà Nga có thể ký kết với tập đoàn quân sự Miến Điện. Nga là một đối tác lâu đời của Miến Điện trên bình diện hợp tác quân sự và Nga. Hiện tại, Nga là quốc gia cung cấp vũ khí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Sau cuộc đảo chính lật đổ bà Aung San Suu Kyi, Moskva hy vọng gia tăng sự hiện diện tại Miến Điện và để rồi qua đó là tại Đông Nam Á. Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện không hề thấy bất tiện, bởi vì cách hành xử tử tế này của Nga không những cho phép quân đội Miến Điện thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế mà còn tránh được việc chỉ có mỗi đồng minh là Trung Quốc – một trong số những cường quốc hiếm hoi cùng với Nga đã không lên án cuộc đảo chính".

Minh Anh

***********************

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đi Nga

Trọng Thành, RFI, 21/06/2021

Hai ngày sau khi Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi "cấm vận vũ khí" Miến Điện và yêu cầu chính quyền quân sự chấm dứt đàn áp phong trào đòi dân chủ, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện hôm 20/06/2021, công du Nga, nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu của Naypyidaw.

mien2

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing đến Moskva tìm hậu thuẫn của Nga. Ảnh tư liệu chụp hôm 03/02/2021. - AFP/Archivos

Truyền thông nhà nước Miến Điện cho biết lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing đến Nga để dự Hội nghị về An ninh quốc tế Moskva. Hội nghị do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, diễn ra từ ngày 22 đến 24/06/2021. Chuyến đi được tổ chức long trọng : đại sứ Nga tại Miến Điện ra tận sân bay chào trước khi tướng Min Aung Hlaing lên đường. Theo đài truyền hình Nhật NHK, lãnh đạo tập đoàn quân sự có kế hoạch gặp một số lãnh đạo cao cấp của quân đội Nga và của chính phủ Nga, thăm một trường đại học và một nhà máy. Truyền thông Nhật Bản ghi nhận nguồn cung cấp vũ khí chính của tập đoàn quân sự Miến Điện là Nga và Trung Quốc.

Áp lực quốc tế đối với tập đoàn quân sự Miến Điện gia tăng, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự, tuy nhiên giới tướng lĩnh Miến Điện không có dấu hiệu nhân nhượng. Nga cùng Trung Quốc – với tư cách là thành viên thường trực có quyền phủ quyết - đã nhiều lần ngăn chặn các dự thảo nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An lên án đảo chính tại Miến Điện. Quan hệ giữa Nga và giới tướng lãnh Miến Điện tiếp tục được siết chặt trước và sau đảo chính.

Trong một bài viết ít ngày trước chuyến công du Nga của tướng Min Aung Hlaing, Nikkei Asia hôm 17/06 cho biết, chỉ vài ngày trước cuộc đảo chính 01/02, tư lệnh quân đội Miến Điện đã tiếp bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoygu. Hai bên ký kết một thỏa thuận mua vũ khí mới, trong đó có các hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 và các máy bay do thám không người lái Orlan-10 E, lần đầu tiên được Moskva bán ra nước ngoài.

Miến Điện hiện là khách hàng mua vũ khí thứ hai của Nga tại Đông Nam Á (với 1,5 tỉ đô la trong hai thập niên 1999 – 2018), sau Việt Nam. Vũ khí mua từ Nga chủ yếu là phi cơ chiến đấu. Chuyến đi lần này của tướng Min Aung Hlaing là chuyến công du thứ bảy sang Nga, theo báo Nhật Nikkei Asia. Trả lời truyền thông Nga hồi tháng 6/2020, tướng Min Aung Hlaing đã để ngỏ khả năng tham gia chính trị, sau bầu cử Quốc hội Miến Điện.

Hơn 10.000 dân Miến Điện chạy sang Thái Lan và Ấn Độ

Vẫn về tình hình Miến Điện, hôm 18/06, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, kêu gọi Hội Đồng Bảo An "khẩn cấp có biện pháp với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Miến Điện, kể từ đảo chính". Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện báo động về tình trạng bạo lực đã khiến khoảng 10.000 người Miến Điện chạy sang Ấn Độ và Thái Lan, trong lúc các đụng độ trên toàn quốc khiến hàng trăm nghìn thường dân phải sơ tán.

Trọng Thành

*********************

"Save the Children" báo động : 700.000 trẻ em Rohingya bị tước đoạt mọi quyền căn bản

Trọng Thành, RFI, 20/06/2021

Thảm cảnh của người tị nạn Rohingya Miến Điện theo đạo Hồi, đặc biệt trẻ em sắc tộc thiểu số này, là nỗi ám ảnh lớn của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế. Hôm nay 20/06/2021 là Ngày Tị nạn Thế giới. Hiệp hội Save the Children báo động tình trạng 700.000 em nhỏ người Rohingya đang bị tước đoạt mọi quyền căn bản.

mien3

Một em nhỏ người Rohingya sau khi trại tị nạn bị đốt cháy tại New Delhi, ngày 14/06/2021.  Reuters – Danish Siddiqui

Trả lời RFI, ông Bhanu Bhatnagar, một thành viên trong ban lãnh đạo hiệp hội Save the Children khẩn thiết báo động :

"Bất kể các em đang sống ở đâu hay tị nạn ở nước nào, tại vùng Nam Á hay đặc biệt tại Đông Nam Á, trẻ em người Rohingya đều phải đối mặt với những kỳ thị trầm trọng, với nguy cơ bị loại trừ, bị từ chối những quyền căn bản nhất. Điều này phải thay đổi ! Nếu không, chúng ta sẽ mất cả một thế hệ trẻ người Rohingya.

Chúng tôi rất lo ngại, bởi người ta từ chối các quyền căn bản nhất với tất cả 700.000 trẻ em Rohingya, quyền được bảo đảm an ninh, quyền được học hành, hay quyền có quốc tịch. Các em có nguy cơ trở thành nạn nhân của các băng đảng buôn lậu. Có những em bị cưỡng bức lao động từ rất sớm, các em gái nhiều khi phải lấy chồng trước khi đến tuổi trưởng thành.

Ví dụ như chúng tôi đã hỏi chuyện một em Rohingya đang sống tại Malaysia. Cậu bé này thậm chí không dám rời khỏi trại tị nạn, vì sợ bị cảnh sát Malaysia bắt giam. Như vậy, hoàn toàn không có việc các em có cơ hội được đi học. Trẻ em người Rohingya sợ phải đi ra ngoài. Các em phải sống trong nỗi sợ thường trực, nỗi sợ gặp hiểm nguy bất cứ lúc nào".

Malaysia : Thái độ kỳ thị người Rohingya được chính quyền khuyến khích

Trẻ em người Rohingya và người tị nạn Rohingya nói chung đang có mặt chủ yếu tại bốn quốc gia Châu Á, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Malaysia là nơi lánh nạn của hơn 100.000 người Rohingya, trốn chạy các đàn áp của tập đoàn quân sự Miến Điện. Chính quyền Malaysia cho phép dân Rohingya tạm cư, nhưng không cấp cho họ quy chế tị nạn.

Về nguyên tắc, người Rohingya lánh nạn tại Malaysia không bị bắt bớ, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền liên tục đưa ra các cảnh báo về các hành động chống người nhập cư nói chung, và chống người Rohingya nói riêng gia tăng. Trả lời RFI, bà Katrina Maliamauv, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, báo động :

"Chỉ mới đây thôi, đã có việc một số cơ quan nhập cư đưa lên mạng các áp phích chống người Rohingya, và tuần này, bộ trưởng bộ Nội Vụ đã chia sẻ một số hình ảnh cho thấy nhiều người Malaysia được cám ơn vì đã báo với chính quyền về nơi ở của một số người nhập cư. Việc này dường như ngầm đưa ra một thông điệp chung là, chúng tôi bảo vệ các vị, bảo vệ người Malaysia, khi tấn công vào các đối tượng này".

Bà Hui Ying Tham, đứng đầu tổ chức phi chính phủ Asylum Acces Malaysia, cho RFI biết thêm : "Hiện tại có 1.998 người Rohingya tại trung tâm quản lý nhập cư. Chính quyền nói rằng họ không thể hồi hương những người này về Miến Điện, do tập đoàn quân sự, cũng không thể đưa họ ra khỏi nơi giam giữ, như vậy họ sẽ còn phải ở đây vô thời hạn. Người Rohingya đã là một trong các sắc tộc thiểu số bị truy bức tàn khốc nhất thế giới, đến Malaysia này họ lại tiếp tục phải hứng chịu những lời lẽ thù hận, và các hành động khiến họ phải khiếp đảm, thêm một lần nữa".

Trọng Thành

**********************

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện

RFI tiếng Việt, 19/06/2021

Hôm 18/06/2021, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện. Theo nghị quyết này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc được kêu gọi "ngăn chận việc vận chuyển vũ khí" tới Miến Điện. 

myanmar1

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York.  AFP – Loey Felipe

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :

"Một lần nữa, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tạm thời bù đắp những thiếu sót, rất thường xuyên trong những tháng gần đây, của Hội đồng Bảo an. 119 quốc gia đã lên án cuộc đảo chính ở Miến Điện, và kêu gọi hạn chế cung cấp vũ khí cho nước này. 

Nghị quyết cũng ủng hộ kế hoạch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN khuyến nghị bổ nhiệm một phái viên, cũng như chấm dứt bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa. Cuối cùng, nghị quyết kêu gọi không cản trở những hoạt động cứu trợ nhân đạo và chuyến thăm của phái viên Liên Hiệp Quốc.

Đây là nghị quyết lên án mạnh mẽ nhất về hình hình Miến Điện kể từ xảy ra cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, cũng như cuộc đàn áp khiến ít nhất 860 thường dân thiệt mạng. Đại sứ Miến Điện, tuy đã rời bỏ chính quyền, nhưng vẫn giữ chức tại New York, cho nên ông đã thay mặt Miến Điện bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. 

Tuy nhiên, giống như tất cả các nghị quyết mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra, văn bản này không mang tính ràng buộc pháp lý. Trước đó, vào sáng thứ năm, 17/06/2021, Hội đồng Bảo an đã được thông báo ngắn gọn về nghị quyết, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung : Trung Quốc, một đồng minh của Miến Điện, vẫn cản trở mọi khả năng đưa ra tuyên bố chung này". 

Nguồn : RFI tiếng Việt, 19/06/2021

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á