Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc : Một cuộc diệt chủng và một đợt thanh trừng

Từ năm 2018, Bắc Kinh âm thầm lập kế hoạch để làm "tan biến" sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ. Cùng lúc này, Tập Cận Bình giương bàn tay thép, mở chiến dịch thanh trừng trong các lực lượng an ninh quốc gia nhằm củng cố quyền lực. Những chủ đề này được L’Obs The Economist lần lượt phản ảnh qua các bài viết "Người Duy Ngô Nhĩ : Một tấn bi kịch" và "Thanh trừng trong ngành an ninh Trung Quốc có ý nghĩa gì".

dietchung1

Cảnh sát Trung Quốc canh gác bên ngoài một đền thờ Hồi giáo của người Duy Ngô Nhĩ, tại Tân Cương.  AFP – Johannes Eisele

Người Duy Ngô Nhĩ : Một tấn bi kịch

Trang bìa tuần báo L’Obs chạy tít lớn : "Duy Ngô Nhĩ : Một cuộc diệt chủng bị che giấu". Tờ báo cho rằng dù có che giấu kỹ đến mấy, nhưng cùng với năm tháng, những hành động tàn nhẫn của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ cũng bị phơi bày.

Các nhân chứng, những tài liệu rò rỉ cho thấy chế độ cộng sản Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã có hẳn một kế hoạch để nô lệ hóa một cách có hệ thống 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc thiểu số nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi, chiếm đa số ở Tân Cương.

Bài xã luận đề tựa "Duy Ngô Nhĩ : Nỗi thống khổ của một dân tộc" của L’Obs lên án Bắc Kinh không từ bỏ một thủ đoạn "dã man" nào để "tận diệt hoàn toàn hay một phần sắc tộc người Duy Ngô Nhĩ". Từ việc cưỡng bức lao động, giam giữ tùy tiện hơn một triệu người trong các trại tập trung, hãm hiếp có hệ thống, cưỡng bức triệt sản, cho đến tăng cường chính sách Hán hóa bằng cách phá hủy các dấu tích văn hóa, ép buộc các gia đình Duy Ngô Nhĩ phải chứa những "anh em người Hán" ngay trong nhà…

Đối với L’Obs, đây là "Một tấn bi kịch cho người Duy Ngô Nhĩ". Lời thuật của Gulbahar Haitiwaji, 54 tuổi, "Người trở về từ trại lao cải", may mắn thoát được cảnh địa ngục trần gian sau khi được chính phủ Pháp can thiệp, về một câu chuyện do một người bạn tù lén lút kể lại, như là một lời chứng bi ai :

"Một ngày nọ tôi thấy một quản giáo người Duy Ngô Nhĩ. Anh thanh niên này đối mặt với một ông già mà họ vừa dẫn vào trại. Đó là cha của anh. Người thanh niên đứng sững sờ. Người Trung Quốc ra lệnh : ʺĐánh hn điʺ. Anh ta giơ cao chiếc gy dùi cui và h ging nói : ʺCha tha lỗi cho conʺ. Người cha tr li : ʺNày con, hãy làm công vic ca con đi".

Nam Khai : Kế hoạch làm "tan biến" sắc tộc Duy Ngô Nhĩ

Nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz, thuộc The Jamestown Foundation, cảnh báo sẽ là sai lầm khi cho rằng tất cả những biện pháp trên đã làm cho Bắc Kinh hài lòng và cảm thấy yên tâm. Làm "tan biến" sắc tộc Duy Ngô Nhĩ mới là bước đi quan trọng kế tiếp.

Chiến thuật dài hạn này được ba học giả Trung Quốc trường đại học Thiên Tân vạch ra trong một báo cáo mật năm 2018, mang tên là "Nam Khai" (Nankai), mà L’Obs cùng với các đồng nghiệp phương Tây khác như BBC (Anh), Suddeutsche Zeitung (Đức) và The Globe and Mail (Canada) đã may mắn tham khảo được.

Theo bản báo cáo, những biện pháp đang áp dụng là cần thiết nhưng chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn. Các tác giả đánh giá rằng người Duy Ngô Nhĩ là "cổ hủ, ít học, tư tưởng hẹp hòi, tôn sùng tôn giáo thái quá, thậm chí là quá bám chặt vào những giá trị tâm linh, ít quan tâm đến các giá trị vật chất, không tích cực lao vào những công việc nặng nhọc, hay không hăng hái kiếm tiền…".

Sự "thiếu năng động này" đã ngăn cản họ tiếp cận với xã hội hiện đại, khuyến khích "niềm tin sai lệch cho rằng nhóm sắc tộc nào thì sở hữu vùng lãnh thổ đó". Với ba vị chuyên gia này, hệ quả của "việc thiếu đồng nhất hóa với Quốc gia - Giống nòi Trung Hoa" là một "mối đe dọa nghiêm trọng cho sự bình ổn của đất nước".

Thế nên, lấy danh nghĩa "giảm tình trạng nghèo khổ", ba học giả Trung Quốc khuyến nghị cần phải cải huấn họ bằng cách chuyển dịch nguồn nhân công, cưỡng ép đưa từng nhóm hàng chục ngàn thanh niên Duy Ngô Nhĩ bằng tầu lửa, đến lao động tại những khu công nghiệp cho các hãng lớn của Trung Quốc.

Kế hoạch làm "tan biến" nhóm sắc tộc thiểu số được cho là "cứng đầu" này đã được tiến hành ngay từ năm 2018. Song song đó, chính quyền trung ương đưa hàng trăm ngàn người Hán đến làm việc tại những khu công nghiệp mới được thành lập ở Tân Cương.

Ba vị chuyên gia Trung Quốc còn đưa ra kết luận rằng những công nhân được đào tạo theo phong cách "quân sự" cho thấy cực kỳ có kỷ luật, biết vâng lời, sẵn sàng làm thêm giờ không đòi hỏi lương. Và họ có thể làm việc với một mức lương rẻ hơn so với nhân công người Hoa, điều có thể hấp dẫn các chủ nhà xưởng Trung Quốc.

"Cải huấn", "văn minh hóa" trá hình ? Một chính sách nô lệ hóa một dân tộc của mình ngay trong lòng đất nước ? Sử gia James Millward, chuyên nghiên cứu về Tân Cương, trả lời L’Obs nhắc lại triều đại Mãn Thanh thế kỷ XVIII, khi đến chinh phục Tân Cương, đã để cho thành phần ưu tú địa phương tự quản lãnh thổ. Trên bình diện toàn quốc, triều đình Mãn Thanh bảo vệ chiếc nôi Duy Ngô Nhĩ, nam Tân Cương chống lại dòng di dân người Hán nhằm tránh xung đột, trái ngược hẳn với những gì chế độ cộng sản đang làm.

James Millward cảnh báo, khi chọn giải pháp mạnh, không bao dung với đa dạng văn hóa, và nhất là khi tin rằng cách "nhồi sọ" có thể làm thay đổi suy nghĩ người dân, Tập Cận Bình có nguy cơ phải đối mặt với những cáo buộc "diệt chủng", hay chí ít cũng là "tội ác chống nhân loại" từ thế giới.

Tập Cận Bình chống tham nhũng hay triệt đối thủ tiềm tàng ?

Tàn nhẫn với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng Tập Cận Bình cũng không nương tay với hàng ngũ của mình. Mượn cớ chống tham nhũng, lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay thanh trừng những ai không trung thành với đảng và với ông. The Economist cho biết "Các cơ quan an ninh Trung Quốc đang hứng chịu một đợt thanh trừng ồ ạt".

Ngày 27/02/2021, Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch thanh trừng được báo trước từ lâu nhắm vào hàng ngũ các lực lượng an ninh nội địa như cảnh sát, mật vụ, hệ thống tư pháp và nhà tù - một lực lượng đông đến gần 3 triệu nhân viên công lực. Chiến dịch này được truyền thông trong nước mô tả là lớn nhất từ cuối những năm 1990. Mục tiêu là nhằm bảo đảm rằng các cơ quan an ninh "tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sạch và tuyệt đối đáng tin cậy".

Với nhiều quan chức Trung Quốc, chiến dịch này sẽ giống như đợt "vận động chỉnh phong Diên An" đầu những năm 1940. Vào thời điểm đó, nhằm củng cố quyền lực, Mao Trạch Đông đã cho tiến hành thanh lọc triệt để và bạo lực trong hàng ngũ phe nổi dậy theo chủ nghĩa cộng sản.

Nếu như một trong những mục tiêu chính của chiến dịch này là nhằm tiêu diệt "tầm ảnh hưởng nguy hại" của Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh nội địa, hiện đang thọ án tù chung thân từ năm 2015 với các tội danh tham nhũng, phát tán bí mật quốc gia, thì theo The Economist, cuộc thanh trừng mới này còn hàm chứa nhiều thông điệp rõ ràng.

Thứ nhất là ông Tập ham muốn quyền lực. Chiến dịch này sẽ kết thúc đúng trước kỳ đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc 5 năm một lần. Gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ nhân sự kiện chính trị lớn này để kéo dài thời gian cầm quyền thêm 5 năm nữa, bất chấp quy ước theo đó các tổng bí thư không nắm quyền quá 2 nhiệm kỳ 5 năm. Việc siết chặt kiểm soát các lực lượng an ninh nội địa sẽ giúp ông đè bẹp mọi sự phản đối sự thay đổi đó.

Tiếp đến, sự kiện làm nổi rõ một lý do khác, quan trọng hơn và đáng được chú ý. Đành rằng Trung Quốc, dưới một nền chuyên chế mỗi ngày một cứng rắn, trỗi dậy mạnh mẽ không ngừng, nhưng vòng xoáy chính trị luôn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, có thể làm thay đổi quỹ đạo của đất nước.

Người ta còn nhớ vụ bắt giữ bà Giang Thanh, vợ góa của Mao Trạch Đông, cùng bè lũ "bốn tên" năm 1976 ; cuộc đấu tranh đưa Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền hai năm sau đó ; những chia rẽ trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc làm trỗi dậy các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đổ máu chính trị nhằm gạt trừ mọi đối thủ của Tập Cận Bình trước khi đăng quang. Ngần ấy cú sốc gây nhiễu loạn đất nước, thiết nghĩ không thể bỏ qua.

Trong bối cảnh chuẩn bị cho đại hội năm tới, những mảng tối dày đặc của nền chính trị Trung Quốc đáng được soi xét kỹ. Một phần chỉ vì ông Tập Cận Bình thách thức các quy định. Bởi vì khi bác bỏ nguyên tắc hiện đại, theo đó lãnh đạo Trung Quốc chỉ nắm vị trí cao nhất không quá 2 nhiệm kỳ, ông Tập đã thâu tóm nhiều đòn bẩy quyền lực hơn bất kỳ ai kể từ thời Mao Trạch Đông.

Đó cũng bởi vì, dưới thời Tập Cận Bình, chế độ này còn trở nên mù mờ hơn bao giờ hết. Chỉ có điều, một sự bí mật như thế còn làm cho một chính phủ ít có trách nhiệm với công dân của mình và ngày càng trở nên khó lường hơn cho thế giới.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Lời giải nào của Joe Biden ?

Cũng trong khu vực Đông Bắc Á, L’Express có bài viết nhận định "Bắc Triều Tiên, một bài toán hạt nhân hóc búa khác cho Joe Biden". Sau thất bại của chiến lược "mặc cả" của Donald Trump - phi hạt nhân hóa để đổi lấy dỡ bỏ cấm vận - tân chính quyền Washington giờ lúng túng tìm một hướng đi.

Sau thượng đỉnh Trump - Kim tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, mọi cuộc đàm phán đều rơi vào bế tắc. Giữa Washington và Bình Nhưỡng hiện nay là một sự nghi kỵ tuyệt đối. Làm thế nào để đưa Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán ?

Theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc, cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ rất cam go. Lãnh đạo Kim Jong-un tuy vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại, nhưng đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo, đòi phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, dỡ bỏ lệnh cấm vận và ngưng chỉ trích về những vi phạm nhân quyền.

Nếu như "thỏa thuận hạt nhân Iran" trước đây từng được xem như là một hình mẫu cho hồ sơ Bắc Triều Tiên, thì nay tân chính quyền Biden dường như đang nhắm đến một cách tiếp cận từng bước và đa phương. Chủ đề này đã được ông Biden đề cập đến với các đồng minh trong khu vực. Chỉ còn lại một câu hỏi muôn thuở cần phải trả lời : Tại sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải từ bỏ một kho vũ khí được xây dựng từ nhiều thập niên và thiết yếu cho sự sống còn về mặt chính trị của ông ấy ?

Miến Điện : Đất nước đã đổi thay, nhưng quân đội thì không

Một số tuần báo Pháp tiếp tục quan tâm đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. The Economist lấy làm lo lắng về việc "quân đội Miến Điện đáp trả các cuộc biểu tình mỗi lúc một thô bạo". Ngày 03/03/2021 là một ngày "đen tối", vì ít nhất có 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống quân đội đảo chính.

Bài phân tích có tựa đề "Tại Miến Điện, đất nước đã đổi thay, nhưng quân đội thì không" trên trang mạng Asia Times Online được Courrier International trích dịch lại, đặt câu hỏi : Khi sử dụng những chiêu thức cũ để nắm lại quyền lực, liệu điều đó có đủ cho quân đội đối mặt với một xã hội đã chuyển đổi sau 10 năm dân chủ hóa ?

Bài viết dẫn phân tích của nhà nghiên cứu Htwe Htwe Thein, người Miến Điện, hiện đang giảng dạy tại đại học Curtin của Úc, cho rằng giới quân nhân "ham muốn bám víu quyền lực là chỉ để bảo vệ lợi ích kinh tế hơn là vì lòng yêu nước. Trong vòng nhiều thập kỷ, quân đội vơ vét một khối tài sản bởi vì họ kiểm soát bộ máy hành chính và đã thiết lập một vị thế gần như độc quyền trong nhiều lĩnh vực chủ chốt".

Việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thắng lớn trong kỳ bầu cử tháng 11/2020, có nguy cơ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phi quân sự hóa bắt đầu từ năm 2015. Vẫn theo nhà nghiên cứu, dự án phi quân sự hóa xã hội Miến Điện đã vượt qua một bước mới với việc "Vụ Quản lý hành chính tổng hợp vốn dĩ thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ (do quân đội kiểm soát) đã được chuyển qua khối dân sự năm 2019".

Nếu như tất cả những cuộc phản kháng trong quá khứ bị quân đội "nghiền nát" không chút thương tiếc, thì lần này, người dân Miến Điện, sau 10 năm mở cửa chính trị và xã hội, không còn sợ hãi để nói lên những gì họ nghĩ, cũng như là xuống đường bày tỏ thái độ thù nghịch với quân đội.

Bổn cũ soạn lại, quân đội Miến Điện tìm cách gieo rắc bất ổn khi thả tù nhân tội phạm, kích động hận thù tôn giáo gây rối loạn chung nhằm biện minh cho việc quân đội nắm giữ quyền lực. Tờ báo Hồng Kông dự đoán, bước kế tiếp rất có thể sẽ là đúc kết một thỏa thuận với một số nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang như đã từng làm trong những năm 1990, để chứng tỏ rằng giới tướng lĩnh tìm cách bảo đảm "hòa bình trong nước".

Liệu rằng tướng Min Aung Hlaing và quân đội của ông có khuất phục được người biểu tình bằng sức mạnh và bạo lực hay không ? Một điều chắc chắn là chừng nào quân đội vẫn cầm quyền thì họ vẫn và sẽ bị quốc tế cô lập !

Chuyển đổi sinh thái và cái giá phải trả

Trong lĩnh vực môi trường, Courrier International trên trang bìa đề tít lớn cảnh báo : "Mặt tối của chuyển đổi sinh thái". Tuần báo Pháp trích dịch một số bài viết từ các báo nước ngoài cho biết năng lượng tái tạo và tái chế rác thải đòi hỏi một cái giá phải trả về kinh tế và môi trường không phải là nhỏ.

Vào lúc các lãnh đạo chính phủ và nguyên thủ các nước như Anh, Pháp, Mỹ thông báo tiến hành cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có nhiều câu hỏi đặt ra : Cuộc cách mạng xanh có thể tồn tại ? Với những điều kiện nào ?

Những câu hỏi này đáng được nêu lên khi mà để có được những chiếc cánh quạt gió nhẹ và bền cho năng lượng gió, thì có bao nhiêu cây gỗ bấc tại Ecuador bị đốn hạ vô tội vạ như phản ảnh của The Economist. Cuộc đua năng lượng tái tạo cũng gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác, chiết tách các loại đất hiếm - được biết đến là có lực từ trường cao - rất cần thiết cho việc sản xuất ra các động cơ quạt gió.

The Daily Telegraph đưa ra những con số khá ấn tượng : Động cơ cho chiếc quạt gió Haliade-X, cánh quạt dài 107m, có chiều cao tổng cộng là 260 mét, và năng suất đạt được là 12MW, được triển khai ngoài khơi nước Anh hiện nay, cần đến 7 tấn nam châm thường trực. Một phần ba nguyên liệu cần thiết một thỏi nam châm cân nặng gần 650 kg cho một megawatt được tạo ra là từ nhiều loại đất hiếm.

Khía cạnh tái xử lý chất thải cũng có nhiều vấn đề cần xem xét lại. Ở mức độ nào tái chế chất thải là hữu ích, chính là câu hỏi của The Atlantic. Bởi vì, với những vật liệu không thích hợp như nhựa và các cơ sở sàng lọc, chế biến chất thải vẫn chưa đạt chuẩn, việc tái xử lý chất thải có lẽ cũng chẳng có mấy hiệu quả cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Beth Porter, tác giả một tập sách về môi trường, cảnh báo việc quá chú trọng vào tái xử lý chất thải có nguy cơ đánh lạc hướng sự chú ý của chúng ta về việc phải ưu tiên cái nào nên "giảm và tái sử dụng".

Minh Anh

Published in Châu Á