Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Xứ Hàn Quốc ba bề là biển, nhưng dân các thành phố lớn của nước này đang phải đương đầu với nạn ô nhiễm không khí chưa từng có. Mùa Xuân đã đến mà bầu trời vẫn nặng nề, xám xịt bởi bụi siêu nhỏ. Nhiều người lên án nước láng giềng Trung Quốc xuất khẩu món bụi than qua đường biển. Dân Hàn đã hợp nhau để kiện Trung Quốc, nhưng đồng thời kiện cả chính quyền Seoul.

onhiem1

Ô nhiễm Seoul, một sáng tháng Ba 2017. Ảnh : Getty Images/SeongJoon-cho

Phóng sự do thông tín viên Frederic Ojardias thực hiện tại Seoul,

"Chúng tôi đến phòng khám của bác sĩ nhi khoa Hun, tại Seoul. Vào mỗi kỳ cao điểm ô nhiễm không khí, phòng khám của ông đầy bệnh nhân nhỏ tuổi. Bác sĩ Hun cho biết : mật độ bụi siêu nhỏ tăng mạnh trong ba đến bốn năm trở lại đây tại Hàn Quốc… Cũng trong thời gian này, số lượng trẻ nhỏ và người cao tuổi bị các bệnh hô hấp tăng lên đáng kể. 

Phẫn nộ về chuyện này, nhiều người đã quyết định kiện chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong số họ có bà Lee Jiyeon, 45 tuổi, mẹ của hai con nhỏ, sống tại Bundang, phía nam Seoul. Bà Lee đã quyết định tặng cho nhà trẻ, nơi bà gửi con, một chiếc máy lọc không khí. Con trai của bà Lee bị viêm tai từ ba năm nay, không lâu sau khi bé ra đời. Bà Lee Jiyeon quyết định tham gia vụ kiện, để đánh động công luận. 

Còn theo ông Choi Yul, chủ tịch một hiệp hội sinh thái Hàn Quốc (Korea Green Foundation), cơ sở chủ trì vụ kiện, ô nhiễm không khí khiến hàng nghìn người chết sớm. Ông cho biết mục tiêu thực sự của vụ kiện không phải là để đòi bồi thường về tài chính, mà muốn buộc chính quyền Trung Quốc và Hàn Quốc thừa nhận thực tế này và có các nỗ lực để giảm bụi siêu nhỏ. 

Chính phủ Hàn Quốc cho rằng 80% ô nhiễm không khí đến từ Trung Quốc…, nhưng cũng có nhiều người cho rằng một nửa số bụi siêu nhỏ được tạo ra tại địa phương. Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc vẫn tiếp tục cho xây dựng các nhà máy điện than, thủ phạm chính gây ô nhiễm. Trong 5 năm nữa, Hàn Quốc sẽ có thêm 20 nhà máy than".

"Tôi là Phạm Vũ Tố" : 7.000 chữ khiến dân mạng biết mặt

Cuối tháng 4/2017 vừa qua, chỉ trong vòng chừng 24 giờ, một phụ nữ vô danh đã trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc. Bài viết mang tựa đề "Tôi là Phạm Vũ Tố (Fan Yusu)" dài khoảng 7.000 chữ, đã được chia sẻ đến hơn 100.000 lần, với ít nhất 20.000 bình luận. Chuyện đời đau khổ của người di dân làm thuê, sống tại một khu phố nghèo ngoại ô Bắc Kinh, gây chấn động đến mức mà chính tờ báo chính thống Nhân Dân Nhật Báo phải nhắc đến, để rồi chỉ ít giờ sau câu chuyện của Phạm Vũ Tố đã gần như biến mất hoàn toàn khỏi các trang mạng tại Trung Quốc.

Thông tín viên RFI Angelique Forget từ Thượng Hải cho biết,

"Bài viết này là một câu chuyện tự thuật rất xúc động. Phạm Vũ Tố mở đầu câu chuyện với thời thơ ấu của mình tại một ngôi làng nghèo ở miền trung Trung Quốc trong những năm 1970, dưới thời Cách Mạng Văn Hóa. 

Lớn lên trong một gia đình năm người con, cô bắt đầu làm việc từ năm 12 tuổi. Không có điều kiện chăm sóc, một người chị bị bại liệt sau một trận ốm, một người em bị viêm tủy. Để thoát ly khỏi đời sống hàng ngày, người thiếu nữ ấy đã đọc rất nhiều sách văn học cổ điển. Năm 20 tuổi cô quyết định rời làng ra đi… 

Phạm Vũ Tố trở thành một ''mingong'' (dân công), tức người lao động gốc nông thôn làm thuê tại thành phố, giống như hàng trăm triệu người Trung Quốc khác. Cô đến Bắc Kinh làm thuê cho một gia đình giàu có, ở trong một căn phòng 8m², với hai con nhỏ, mà cô phải nuôi dạy chúng một mình sau khi ly dị chồng, một người đàn ông nát rượu và vũ phu".

onhiem2

Phạm Vũ Tố (Fan Yusu), tác giả câu chuyện xao động mạng Wechat, Trung Quốc. Ảnh chụp qua màn hình

Chuyện đời của Phạm Vũ Tố lay động cả trăm ngàn dân mạng, bởi cảnh ngộ của cô tương tự như hàng trăm triệu người nông thôn Trung Quốc bỏ nhà vào thành phố tìm sinh kế. Làm thuê cho một tỉ phú, cô phải để lại hai con thơ cho người khác nuôi, để cống hiến toàn bộ thời gian coi sóc một đứa con riêng của ông chủ với người tình. Nỗi đau của người mẹ phải lìa con càng làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng khủng khiếp giữa giai tầng giàu có và những người làm thuê tại Trung Quốc, giữa thành thị và nông thôn.

Thấy một ngôi sao mới nổi, báo chí và giới xuất bản tìm cách kéo Phạm Vũ Tố lên sân khấu truyền thông. Nhưng tác giả bài tự thuật không nghĩ mình có tài, và có thể đổi đời bằng ngòi bút. Đối với cô, viết văn là để giải thoát.

Điều khiến "Tôi là Phạm Vũ Tố" lôi cuốn dân mạng có lẽ là một câu chuyện đời nguyên chất, không thêu dệt. Phạm Vũ Tố kể về cảnh cha mẹ suốt đời cãi vã, người mẹ thất học mà cô rất yêu quí được bầu làm phụ trách phụ nữ ở địa phương, bà làm công việc này trong suốt 40 năm, "còn hơn cả các nhà độc tài Kadhafi, hay Sadam Hussein", như cô hài hước. Phạm Vũ Tố đặt câu hỏi về chế độ "xã hội chủ nghĩa" tại Trung Quốc, về tình trạng con cái của dân nông thôn ra thành phố làm thuê (các "mingong/dân công") không được đến trường.

Thái độ chân thật đó ắt hẳn khiến chính quyền lo sợ và ngăn chặn bài viết. Nhưng điều khiến chính quyền lo sợ hơn cả có lẽ nằm chính trong hàng tựa của bài "Tôi là Phạm Vũ Tố". Nếu tất cả các "mingong" đều có khả năng tự nhìn lại mình, kể chuyện đời mình, chia sẻ với công chúng những nỗi đau, cảm nghĩ riêng tư, họ sẽ không còn cô đơn như Phạm Vũ Tố, trước khi công bố bài viết nổi tiếng này. Bất hạnh của họ sẽ không còn là niềm bất hạnh riêng.

Tầng nước cổ thời voi ma mút cũng bị ô nhiễm !

Tình trạng ô nhiễm khắp nơi trên Trái Đất là điều mà rất nhiều người đã biết. Nhưng ít ai hình dung được nạn ô nhiễm lại đe dọa đến cả những mạch nước ngầm nằm cả nghìn mét dưới lòng đất (còn gọi là tầng nước hóa thạch). Lượng nước khổng lồ được tích tụ từ cách nay hơn 12.000 năm - tức từ thời loài voi ma mút còn sống - đang bắt đầu bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, phân bón, các hóa chất dùng trong công nghiệp…

Một nghiên cứu quốc tế, được công bố hồi cuối tháng 4/2017 trên tạp chí khoa học Nature Geoscience, được tiến hành trên 6.500 mạch nước ngầm trên khắp các châu lục cho thấy thực trạng đáng sợ này.

Tầng nước cổ sâu trong lòng đất vốn được coi là nơi chứa nguồn nước tinh khiết nhất, và được coi gần như là vô tận (ước tính chiếm đến 99% lượng nước ngọt trên Trái Đất). Trong tình trạng nước ngày càng trở nên khan hiếm hiện nay, nhiều quốc gia đã khai thác các mạch nước sâu để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt hay tưới tiêu, như tại California hay các đồng bằng miền bắc Trung Quốc.

Các giếng khoan ở độ sâu 250 mét dưới lòng đất tạo ra những lỗ thủng, dễ dàng đưa các chất ô nhiễm từ tầng nước bề mặt thấm vào các mạch nước thời cổ đại. Bên cạnh đó, nước ngầm không phải là vô tận. Theo các nhà khoa học, mạnh nước ngầm có từ kỷ băng hà cuối cùng, đang tưới tắm cho vùng miền trung nước Mỹ, một khi cạn kiệt, sẽ phải mất 6.000 năm mới có thể phục hồi.

Ngân hàng hạt giống : Con thuyền Nô-ê Xanh ? 

Cũng trong lĩnh vực sinh thái, trong lúc các giống cây chuyển đổi gen đang có xu hướng đẩy lùi các cây trồng truyền thống trong nông nghiệp ở nhiều nơi, thì một xu hướng có vẻ ngược dòng đang xảy ra. Đó là hoạt động sưu tầm, tích trữ các hạt giống cây dại. Theo tuần báo The New Zealand Listener, hiện đang có đến khoảng 830 nghìn chủng loại hạt giống các cây hoang được cất giữ tại quần đảo Svalbard, nằm tại Bắc Cực, của Na Uy, một quốc gia nổi tiếng với thái độ cự tuyệt cây trồng biến đổi gen.

Kho cất giữ hạt giống cây hoang này được ví như "con thuyền Nô-ê Xanh" chuẩn bị cho loài người những phương tiện sống, sau cơn "Đại Hồng Thủy", được dự đoán đang đến gần.

Trung tâm hạt giống Margot Forde Germplasm Centre ở New Zealand là một trong những cơ sở đóng góp chủ yếu cho kho hạt giống toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hạt giống cây dại, tuần báo New Zealand giới thiệu một câu chuyện lạ lùng về loài cỏ ba lá hoa trắng (white clover) của giám đốc trung tâm hạt giống, ông Kiousmars Ghamkar.

onhiem3

Ngân hàng giống cây hoang dã Svalbard Global Seed Vault, đảo Svalbard (Bắc Cực), Na Uy. Ảnh : Wikipedia

Cỏ ba lá : Ngọn lửa tình yêu xuyên thời gian

Cỏ ba lá hoa trắng là một loài cây nhỏ, nhưng đặc biệt được trân trọng tại New Zealand. Loài cây giàu dinh dưỡng này, nguồn thực phẩm chủ yếu cho chăn nuôi gia súc, mang lại hàng năm cho đảo quốc Thái Bình Dương khoảng 5 tỉ đô la New Zealand (tương đương 3,3 tỉ euro).

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tổ tiên của loài cỏ này là những loài vốn xa cách nhau đến mức mà cuộc hôn phối của chúng gần như là một phép lạ. Theo ông Ghamkar, "bố" của loài cỏ này gốc ở Azerbaidjian, "mẹ" vốn lớn lên ở vùng bờ biển Bồ Đào Nha. Nơi gặp gỡ của chúng rất có thể là tại vùng bờ biển Hy Lạp. Hậu sinh của cuộc hôn phối kỳ lạ này là một giống hoàn toàn mới. Giống cỏ ba lá trắng hiện nay có thể sinh sống được ở các môi trường đất hết sức khác nhau, ở các độ cao khác nhau, khí hậu khác nhau.

onhiem4

Cỏ ba lá hoa trắng. Ảnh : Wikipedia

Sau nhiều mò mẫm, các nhà khoa học đã thành công trong việc tái hôn phối các hậu sinh của cha mẹ cỏ ba lá, để tạo nên những giống cỏ mới. Họ hy vọng sẽ cho ra đời những giống cỏ ba lá mới với nhiều gen hoang dã, giúp cho loài này có sức kháng cự tốt hơn trước các biến đổi khí hậu sắp tới. Kết quả ban đầu cho thấy loài cỏ mới có rễ sâu hơn, chịu nóng tốt hơn, tiêu thụ ít phốt pho hơn…

Các nhà truy tầm New Zealand kể rằng, trong những chuyến đi tìm kiếm gian truân của họ tại Sibêri, tại các vùng đất Nga, họ đã được dân Nga tiếp đón nồng hậu, sau những phút nghi ngờ đầu tiên. Sau chuyến đi này, một nhà nghiên cứu New Zealand tự hỏi : ta sẽ phản ứng ra sao khi một nhà sưu tầm người Nga đột ngột xuất hiện trong vùng, để tìm kiếm các loài cây dại, liệu ta có mở lòng với khách ?

***

Trái đất bị hâm nóng, các giống loài thực động vật trên đường tuyệt diệt là các đe dọa hàng đầu đối với nhân loại thế kỷ 21. Liệu lý trí sáng suốt và tình yêu xuyên thời gian có giúp loài người kịp hội được sức mạnh để hóa giải các thách thức, trước khi quá muộn ? Liệu ngân hàng hạt giống cây hoang sẽ là phương tiện giúp nhân loại thích ứng hiệu quả với những hoàn cảnh khắc nghiệt mới, hay sẽ thật sự là những đồ mang theo của những gia đình sống sót trên con thuyền Nô-ê thời hiện đại ?

Các nhạc phẩm giới thiệu trong tạp chí : Ban nhạc Jiu Ye (Cửu Dã), Trung Quốc, có tôn chỉ ủng hộ người lao động di cư, cổ vũ giải phóng phụ nữ. 

Trong Thành

Published in Châu Á