Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Anh lên án "hành động tàn bạo" của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ

Thu Hằng, RFI, 13/01/2021

Anh chính thức cấm nhập hàng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài thông báo các biện pháp, ngày 12/01/2021, ngoại trưởng Dominic Raab còn lên án chính sách "tàn bạo" của Bắc Kinh đối với cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải được vào kiểm chứng tình hình tại khu vực này.

tq1

Ngoại trưởng Dominic Raab trình bày trước Nghị Viện Anh về tình hình Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, ngày 12/01/2021, Luân Đôn.  © AFP

Theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix tại Luân Đôn, các biện pháp trên được công bố trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đã rất căng thẳng và chỉ vài ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc ký thỏa thuận nguyên tắc về đầu tư. 

"Trước các dân biểu, ngoại trưởng Anh lên án "sự tàn bạo mà người ta vẫn hy vọng thuộc về quá khứ, vậy mà vẫn tồn tại ngày nay". Chính sách tàn bạo này gồm "bắt giam tùy tiện, cải huấn chính trị, cưỡng bức lao động, tra tấn và chính sách triệt sản người Duy Ngô Nhĩ ở quy mô rộng lớn".

Khi nhắc đến "nghĩa vụ đạo đức phải hành động" của Luân Đôn, ông Dominic Raab đã thông báo loạt trừng phạt đối với những doanh nghiệp không thể chứng minh được rằng nguồn hàng của họ không liên quan đến các trại lao động cưỡng bức ở Tân Cương, khu vực rộng lớn nằm ở phía tây bắc Trung Quốc và là vùng cung cấp sợi bông lớn cho thế giới.

Nghĩa vụ phải minh bạch sẽ được mở rộng sang lĩnh vực công và các doanh nghiệp thu lợi từ lao động cưỡng bức sẽ bị loại khỏi các gói mời thầu. Hàng xuất khẩu cũng sẽ được đưa vào khuôn khổ để tránh các doanh nghiệp "gián tiếp hay trực tiếp" góp phần vào việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Tuy nhiên, phía Công Đảng đối lập, cũng như một số nghị sĩ bảo thủ, đã chỉ trích rằng những biện pháp này đã không đủ nghiêm khắc. Ngoài việc lên án Bắc Kinh một cách tượng trưng, họ yêu cầu phải có những biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào các quan chức lãnh đạo Trung Quốc ở Tân Cương".

Thu Hằng

*********************

Hồng Kông : Bắc Kinh cải tổ bầu cử để loại trừ phe đòi dân chủ

Trọng Thành, RFI, 12/01/2021

Cho dù đã gia tăng đàn áp, bắt bớ giới tranh đấu, Bắc Kinh vẫn lo ngại dân chúng Hồng Kông dồn phiếu cho phe đòi dân chủ trong cuộc bầu cử Nghị Viện tới đây. Theo hai nguồn tin trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, Bắc Kinh đang chuẩn bị một số biện pháp bổ sung nhằm siết chặt quyền kiểm soát tại đặc khu, với trọng tâm là cải tổ thể thức bầu cử.

tq2

Phòng họp chính của Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 12/11/2020.  AFP – Peter Parks

Hãng tin Anh Reuters ngày 12/01/2021 trích dẫn hai nguồn tin đáng tin cậy, theo dõi sát hồ sơ này, khẳng định là các biện pháp bổ sung đang được chuẩn bị, và có rất nhiều khả năng sẽ được đưa ra. Hai nguồn tin xin ẩn danh nói trên là hai quan chức được ungà những người trực tiếp phụ trách hồ sơ Hồng Kông, "đại diện cho quyền lợi của Bắc Kinh".  Cả hai nguồn tin đều khẳng định là thể thức bầu cử Nghị Viện sẽ được cải tổ.

Một trong hai nguồn tin nhấn mạnh rằng mục tiêu là nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của phe đòi dân chủ. Quan chức cao cấp Trung Quốc phụ trách hồ sơ Hồng Kông giải thích là đợt bắt bớ hơn 50 nhà tranh đấu vừa diễn ra là nằm trong kế hoạch bảo đảm để Hồng Kông không rơi vào tình trạng như mùa hè 2019. Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc bùng phát vào thời điểm đó đã đặt chính quyền Bắc Kinh trước "thách thức chưa từng có từ hơn 30 năm qua", tức kể từ khi Hồng Kông được Luân Đôn trao lại cho Trung Quốc.

Cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông, lẽ ra đã được tổ chức vào mùa hè năm ngoái, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay. Bắc Kinh lo ngại các đảng phái đối lập đòi dân chủ có thể giành được đa số phiếu tại Nghị Viện Hồng Kông, gồm 70 ghế dân biểu, nhờ "ảnh hưởng quan trọng" của phong trào đòi dân chủ tại đặc khu, bất chấp các đàn áp. Theo nguồn tin trên, thời hạn dự kiến bầu cử có thể sẽ tiếp tục bị lui lại, và Bắc Kinh đang chuẩn bị các biện pháp cải cách để giải quyết "những yếu kém" trong hệ thống chính trị hiện hành tại đặc khu.

Cùng với dự án cải tổ thể thức bầu cử, nguồn tin từ giới chức cấp cao Trung Quốc khẳng định cũng đang có nhiều thảo luận về dự án cải tổ toàn bộ hệ thống chính trị Hồng Kông, để thu hẹp ảnh hưởng của phe đòi dân chủ trong Ủy Ban Bầu Cử, gồm 1.200 thành viên, có nhiệm vụ bầu ra lãnh đạo tương lai của đặc khu vào năm 2022.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Thu Hằng, Trọng Thành
Published in Châu Á