Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

2018 : Năm Trung Quốc tăng tốc triển khai lực lượng ở Biển Đông (RFI, 27/12/2018)

Tổng kết tình hình Biển Đông trong năm, ông Greg Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington mới đây đã nhấn mạnh : 2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một 'giai đoạn' mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.

china1

Không quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc. (Capture d'image www.japantimes.co.jp)

Trang mạng Rappler của Philippines ngày 26/12/2018 trích dẫn các ý kiến được giám đốc AMTI nêu bật trong bài thuyết trình ngày 07/12 tại một diễn đàn do hai trung tâm nghiên cứu Philippines Stratbase và Viện Albert del Rosario tổ chức.

Theo chuyên gia hàng đầu về Biển Đông này, lo ngại về những hoạt động trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ trước đây, nhưng năm 2018 quả là năm Bắc Kinh tiến hành giai đoạn ba của tiến trình quân sự hóa, có thể mệnh danh là giai đoạn ‘triển khai’.

Đối với ông Poling, trong 6 tháng đầu năm, đà tăng cường lực lượng của quân đội Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đã diễn ra đều đặn, khá nhanh chóng, đặc biệt là tại ba thực thể : Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, chuyên gia Poling cũng nêu lên những hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, một quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ từ năm 1974 từ tay Việt Nam.

Công việc triển khai lực lượng Trung Quốc xuống Biển Đông được thấy trước tiên qua việc chuyển thiết bị quân sự đến các tiền đồn mà họ đã xây dựng.

Chuyên gia Poling đã liệt kê một số sự kiện như vụ máy bay vận tải quân sự lần đầu tiên hạ cánh trên Đá Vành Khăn, thiết bị gây nhiễu tiên tiến được lắp đặt trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Đáng ngại hơn cả là việc bố trí các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình chống hạm trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Còn tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng một cấu trúc được trang bị pin mặt trời và một vòm radar ở đảo Bông Bay.

Ngoài các cơ sở cố định, trong năm 2018, tàu hải quân Trung Quốc liên tục đến cặp bến các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trong lúc lực lượng dân quân biển Trung Quốc được tăng cường trong khu vực.

Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8 chẳng hạn, cho thấy khoảng 200 tàu bán quân sự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh Đá Xu Bi. Với chiều dài năm mươi mốt mét, các tàu này lớn hơn hầu hết tàu của các cơ quan chấp pháp biển của các nước Đông Nam Á khác.

Đối với ông Poling, sẽ là một sai lầm khi cho rằng các chiếc tàu đó chỉ có vai trò thứ yếu trong kho vũ khí của Trung Quốc, vì cho đến nay, nhiệm vụ gần như là duy nhất của lực lượng dân quân biển là hù dọa các láng giềng, ngoài ra không thấy có công việc nào khác.

Theo ông Poling, việc có đông đảo tàu dân quân biển Trung Quốc tại khu vực Đá Xu Bi có thể được giải thích bằng vị trí của tiền đồn này, gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát. Tàu Trung Quốc từ Xu Bi thường xuyên đến gần vùng biển quanh đảo Thị Tứ, chủ yếu là để đe dọa các tàu của Philippines đến tiếp tế cho dân cư và binh lính trên đảo Thị Tứ.

Hiện nay, Trung Quốc chưa thấy đưa chiến đấu cơ xuống đóng căn cứ thường trực ở Biển Đông, nhưng theo ông Poling, với các nhà chứa máy bay đã hoàn thành trên ba thực thể Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, việc triển khai chắc chắn sẽ diễn ra trong nay mai.

Giám đốc AMTI ghi nhận là Trung Quốc đã xây tổng cộng 72 nhà chứa phi cơ trên các đảo họ chiếm giữ tại Trường Sa, và "các nhà chứa này được xây đâu phải là với mục đích để trống".

Trọng Nghĩa

*******************

Trung Quốc công bố dự luật chống cưỡng bức chuyển giao công nghệ (RFI, 27/12/2018)

Hôm 27/12/2018, Trung Quốc công bố dự thảo về việc cấm cưỡng bức doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những đòi hỏi chủ yếu mà Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải đáp ứng, để chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương.

china2

Ảnh minh họa : Mô-típ mê cung do máy tính thiết kế. Siegfried Forster / RFI

Theo Reuters, toàn bộ dư luật gồm 39 điều khoản đã được Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức cơ quan cao cấp nhất của Quốc hội Trung Quốc, công bố. Trong văn bản dự thảo có đoạn nói rõ : "Các cơ quan chính quyền và nhân viên chính quyền không được phép sử dụng các biện pháp hành chính để cưỡng bức chuyển giao công nghệ".Hãng tin Reuters nhận định văn bản này có lập trường cứng rắn hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hơn hẳn so với một tuyên bố tương tự về chủ đề này, hồi năm 2015.

Cho dù Bắc Kinh liên tục phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, dự luật nói trên cho thấy chính quyền Trung Quốc dường như sẵn sàng mạnh tay hơn với các hoạt động bất chính này, để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ. Một khi được thông qua, luật này sẽ thay thế ba luật đã có, điều chỉnh lĩnh vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Dự luật được đưa ra lấy ý kiến công luận từ nay đến 24/02. Theo một số đại biểu Quốc hội Trung Quốc, được Tân Hoa xã trích dẫn, dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu "sớm nhất có thể". Một ủy viên Ủy Ban Thường Vụ của Quốc hội Trung Quốc thậm chí cho rằng dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu ngay tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc đầu tháng Ba.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật và nhà tư vấn thương mại tỏ ý nghi ngờ về các biện pháp mà dư luật được đưa ra nhằm bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, do sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Theo ông Dan Harris, phó giám đốc văn phòng luật Harris Bricken, ở Seattle, luật pháp Trung Quốc chỉ là trên giấy tờ, thực tế có thể hoàn toàn khác. Vị chuyên gia này cho rằng lịch sử 10 năm qua là bằng chứng rõ nhất cho thấy những gì sẽ diễn ra trong tương lai : "10 năm trước, Trung Quốc tuyên bố muốn mở cửa, nhưng sau đó quá trình này đã chấm dứt cách nay 5 năm".

Trọng Thành

*********************

Trung Quốc : Lãnh tụ sinh viên mác-xít bị bắt trong ngày sinh nhật Mao (RFI, 26/12/2018)

Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), lãnh tụ sinh viên mác-xít nổi tiếng hôm nay 26/12/2018 bị công an Trung Quốc bắt giữ trước cổng trường, ngay trong ngày kỷ niệm 125 năm sinh nhật Mao Trạch Đông.

china3

Một lối vào cửa Đại học Bắc Kinh. Wikimedia commons

Một sinh viên chứng kiến cho AFP biết, Khưu Chiêm Huyên, chủ tịch hội sinh viên mác-xít của trường đại học Bắc Kinh đã bị bảy, tám người đẩy vào một chiếc xe hơi màu đen. Anh phản đối kịch liệt, nói rằng không hề phạm luật. Nhóm người bắt sinh viên này đã chìa cho xem giấy tờ của công an khi bị những người xung quanh chất vấn.

Sinh viên Khưu Chiêm Huyên bị bắt lúc đang chuẩn bị tham dự buổi lễ tưởng niệm Mao Trạch Đông do anh tổ chức, tuy hôm qua đã được một người có trách nhiệm trong trường cảnh cáo. Nhân chứng nói rằng không thể hiểu được vì sao kỷ niệm 125 ngày sinh Mao chủ tịch mà lại bị cấm. Các thông tin của hội sinh viên mác-xít bị xóa, tài khoản WeChat bị phong tỏa.

Trường đại học Bắc Kinh và bộ Công An Trung Quốc từ chối trả lời các hãng tin Reuters, AFP về vụ này.

Báo chí không nói đến sinh nhật Mao

Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm gần đây cố giữ khoảng cách với di sản của Mao Trạch Đông, qua đời năm 1976. Ngày sinh nhật Mao không được nhắc đến trên tất cả các báo in tại Hoa lục hôm nay.

Là ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, đại học Bắc Kinh có lịch sử hoạt động lâu dài, với các cựu sinh viên đã đóng vai trò chủ chốt trong phong trào biểu tình đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên dưới thời Tập Cận Bình, các hoạt động sinh viên đã bị dẹp bỏ.

Hồi tháng Tám, công an đã bố ráp nhiều trường đại học, một số sinh viên bị đánh đập và tịch thu điện thoại vì đã ủng hộ phong trào công nhân đấu tranh. Nhóm Jasic Workers Solidarity xuất hiện vào mùa hè này, gồm các sinh viên cố giúp thành lập công đoàn độc lập tại Jasic Technology, một công ty ở Quảng Đông.

Trước đó vào tháng Tư, đại học Bắc Kinh cố bịt miệng một sinh viên khác là Yue Xin, đồng tác giả một bản kiến nghị đòi vạch rõ các vụ lạm dụng tình dục trong nhà trường.

Thụy My

***************

Trump muốn đẩy 2 tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi khỏi thị trường Mỹ (RFI, 27/12/2018)

Theo hãng tin Reuters hôm nay, 27/12/2018, chính quyền Mỹ dự định kể từ đầu năm 2019 sẽ cấm các doanh nghiệp nước này mua thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất. Mặc dù không bị chỉ đích danh, nhưng chắc chắn hai tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và ZTE sẽ là đối tượng của lệnh cấm này.

china4

Ảnh minh họa : Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo

Reuters cho biết tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh ngay từ đầu tháng tới, cấm các doanh nghiệp nước này sử dụng thiết bị viễn thông do các tập đoàn nước ngoài sản xuất, vì đe dọa an ninh quốc gia.

Sắc lệnh sắp được thông qua đã được chuẩn bị từ 8 tháng nay. Báo The Wall Street Journal là cơ quan truyền thông đầu tiên thông báo về sắc lệnh này, ngay từ tháng 5/2018. Cho dù tên của Hoa Vi và ZTE rất ít có khả năng được trực tiếp nêu ra trong sắc lệnh, nhưng các giới chức của bộ Thương Mại Mỹ cho biết hai tập đoàn Trung Quốc chính là đích ngắm của sắc lệnh này.

Sắc lệnh nói trên – hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất – viện ra luật International Emergency Economic Powers Act của Mỹ, ra đời năm 1977, cho phép tổng thống ban hành các biện pháp đặc biệt về thương mại, trong tình trạng "khẩn cấp quốc gia", để đối phó với các đe dọa đặc biệt từ nước ngoài.

Mua sắm thiết bị viễn thông thế hệ mới là một vấn đề mang tính thời sự tại Mỹ vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp điện thoại di động Hoa Kỳ đã tìm kiếm các đối tác để tham gia xây dựng các mạng internet không dây 5G.

Riêng về phía Nhà nước, hồi tháng 8/2018, Washington đã ra một luật về quốc phòng, cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Hoa Vi và ZTE, do nghi ngờ có thể bị Trung Quốc sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Hai tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi nằm trong tầm ngắm của tư pháp Mỹ từ lâu. Kể mùa hè vừa qua, công ty ZTE đã bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp Mỹ trong 10 năm, để bảo đảm công ty tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ trong lĩnh vực xuất khẩu. Lãnh đạo tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị Canada bắt giữ, theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12/2018, để điều tra về vụ công ty này lách lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Hiện bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đang được tại ngoại, chờ tư pháp Canada xem xét yêu cầu dẫn độ của Washington.

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Anh, Đức hay Pháp cũng bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.

Trọng Thành

******************

Bộ trưởng Quốc phòng Anh quan ngại về việc sử dụng mạng 5G của Huawei (BBC, 27/12/2018)

Bộ trưởng Quốc phòng Anh "quan ngại rất sâu sắc" về việc công ty Huawei của Trung Quốc đang liên quan đến việc nâng cấp mạng di động ở Anh.

china5

Một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật. Reuters

Những bình luận của ông Gavin Williamson được đưa ra sau khi một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật.

Người đứng đầu Lực lượng tình báo Anh (MI6) cũng cho biết Anh phải đối mặt với các quyết định về quyền sở hữu công nghệ của Trung Quốc.

Anh Quốc cho biết Trung Quốc đứng sau các tin tặc nhắm vào các bí mật thương mại. Trong khi đó, Huawei phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền Trung Quốc.

Hôm thứ Tư, ông Williamson được tờ Times dẫn lời nói rằng : "Tôi có những quan ngại rất sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh. Đây là điều chúng ta phải xem xét rất kỹ".

Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đã hạn chế sử dụng công nghệ mạng di động 5G của Huawei và ông Williamson cho biết Vương quốc Anh sẽ học hỏi ví dụ từ các nước trên.

"Chúng ta phải nhận ra sự thật như đã được tiết lộ gần đây, rằng nhà nước Trung Quốc đôi khi hành động với ý đồ xấu", ông nói thêm.

Huawei được thành lập bởi một cựu sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân nhưng công ty này phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính phủ Trung Quốc, ngoài việc tuân thủ luật thuế.

Công ty đã mạnh mẽ phủ nhận bất kỳ thông tin nào cho rằng họ đang gây ra một mối đe dọa an ninh.

Đầu tháng này, giám đốc MI6 Alex Younger cho biết Vương quốc Anh cần "quyết định chúng ta sẽ thoải mái với quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các công nghệ này tới mức độ nào".

Công ty truyền thông BT của Anh cho biết họ đã loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 3G và 4G và cam kết không sử dụng các sản phẩm của Huawei trong các phần chính của mạng di động 5G.

'Các cuộc xâm nhập mạng'

Tuần này, tin xác nhận cho hay thiết bị của Huawei đã bị gỡ bở khỏi một hệ thống liên lạc đang được phát triển cho dịch vụ khẩn cấp của Vương quốc Anh, nhưng không rõ lý do vì sao.

Hôm 20/12, Hoa Kỳ đã truy tố hai người đàn ông Trung Quốc bị buộc tội hack mạng máy tính của các công ty phương Tây và các cơ quan chính phủ, và cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp trên mạng.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt mô tả hành vi của những người này như "một trong những cuộc xâm nhập mạng nghiêm trọng và lan rộng nhất nhắm vào Vương quốc Anh và các đồng minh được phát hiện từ trước cho đến nay".

Bộ Ngoại giao cho biết tin tặc thay mặt Bộ Công an Trung Quốc đang đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty ở Châu Âu, Châu Á và Mỹ.

Giới chức cho biết các hoạt động của mạng lưới tin tặc này rất sâu rộng và "đe dọa" tăng trưởng kinh tế ở Anh Quốc và nền kinh tế toàn cầu.

Published in Châu Á